Mến Thánh Giá THÁNH HIẾN

TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN

Thứ hai - 11/03/2019 22:13

TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN

Tin và tận hiến (tiếp theo)
 
Chương VI

TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN


 
1. Tin vào sự hiệp nhất
Bác ái cộng đoàn chỉ có thể phát triển trong niềm tin vào sự hiệp nhất. Tu sĩ phải tin vào sự hiệp nhất để sự hiệp nhất có thể thực hiện trong cộng đoàn mình. Ta nhớ rằng Công Đồng Vatican II đã nhìn đời sống cộng đoàn như là hình ảnh Giáo Hội, và đưa ra tấm gương “Giáo Hội sơ khai, trong đó bao nhiêu giáo hữu đông đảo mà chỉ có một lòng một trí và một linh hồn” (xem Act 4, 32; PC 15). Lý tưởng ấy cao cả đến nỗi xem như không thể đạt tới: vì sự hiệp nhất lòng trí và linh hồn chỉ thể hiện được trong một cộng đoàn thiêng liêng đã biết thắng vượt mọi nguyên nhân chia rẻ, và làm cho mỗi cá nhân mở rộng lòng đối với đồng bạn. Có thể coi đó chỉ là ảo tưởng. Nhưng sách Công Vụ sứ đồ xác quyết với ta rằng: lý tưởng ấy đã được thực hiện trong Giáo Hội tiên khởi. Vậy nên nó cũng phải thực hiện trong các cộng đoàn mà thành viên không những đã được dâng hiến trong bí tích rửa tội mà nay còn tận hiến đặc biệt hơn cho Thiên Chúa trong một tình yêu hoàn hảo hơn nhằm mở rộng ra với tha nhân. Lý tưởng hiệp nhất của cộng đoàn tu sĩ là lý tưởng hiệp nhất của Giáo Hội, được biểu lộ rõ ràng hơn theo một thể thức đặc biệt.

Để đạt mục tiêu đó, tu sĩ phải tin mạnh mẽ vào sự hiệp nhất của toàn Giáo Hội, một sự hiệp nhất theo khuôn mẫu sự kết hợp của Chúa Cha và Chúa Con, như lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu. Sự hiệp nhất đó không thể thiếu được, vì Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho như vậy: Nó hiện hữu như một mầu nhiệm có khuynh hướng càng ngày càng cụ thể hóa trong đời sống của các kitô hữu và rõ rệt hơn nữa trong đời sống của cộng đoàn tu trì.

Đó là một sự hiệp nhất do Thiên Chúa ban cho. Nó từ bên trên mà xuống, chứ không phải chỉ như hậu quả của sự hòa hợp các ý chí nhân loại. Vào trong Giáo Hội và vào trong đời sống tu trì, chính là vào trong một sự hiệp nhất đã có sẵn và đòi hỏi phải được đón nhận. Cũng như các ân huệ khác của Thiên Chúa, ơn hiệp nhất không miễn chuẩn con người hợp tác để thực hiện, hơn nữa ơn ấy đòi hỏi sự cộng tác của con người, và như vậy đòi phải có sự cố gắng bản thân. Nhưng trước hết phải nhìn nhận đó là một hồng ân. Sự hiệp nhất của mỗi cộng đoàn tu sĩ trước tiên là công trình của Thiên Chúa, và phải được đánh giá như một ân sủng. Chính vì thế mà sự hiệp nhất trước tiên phải là đối tượng của đức tin. Các tu sĩ cần phải tin vào mầu nhiệm hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, thì mới có khả năng đón nhận đầy đủ ơn hiệp nhất ấy trong cộng đoàn mình. Họ phải vượt lên trên những bóng dáng bề ngoài và không được coi sự tập hợp của họ chỉ như là kết quả do ý muốn sống chung với nhau trong Đức Kitô, nhưng phải coi là công trình do sức mạnh hiệp nhất của Đức Kitô, Đấng đã khơi dậy cho họ ý muốn ấy và hằng tích cực duy trì. Chính đang khi nhờ ánh sáng đức tin trở lại nguồn phát sinh sự hiệp nhất của họ, mà họ có thể góp phần hữu hiệu vào việc hoàn thành sự hiệp nhất ấy. Như vậy họ sẽ mở lòng đón nhận Đấng đã nói: “Cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Chúng Ta” (Ga 17, 21).

Trong những lúc đời sống cộng đoàn gặp khó khăn cần phải không ngừng xác quyết và lặp lại niềm tin vào sự hiệp nhất tối thượng ấy, là sức mạnh thắng vượt mọi phản kháng. Sự hiệp nhất hoàn hảo hiện hữu, đó không phải là một lý tưởng trừu tượng mà con người theo đuổi, nhưng là một lý tưởng hiện thực trong Thiên Chúa, đặt nền tảng cho sự hiệp nhất cộng đoàn nhân loại và cho nó có khả năng phát triển. Trở ngại càng lớn thì tu sĩ càng phải có cái nhìn cậy trông hơn vào quyền năng tối cao của sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Sống trong cộng đoàn, đó là phó mình cho mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng đức tin và đức mến để rồi sống mầu nhiệm đó, và nhận được ở đó sức mạnh của sự hiệp thông.

2. Hiệp nhất của ơn cứu độ
Sự hiệp nhất được thiết lập trong nhân loại theo đường lối ơn cứu độ. Khi sự hiệp nhất hoàn hảo của Chúa Cha và Chúa Con thấm nhập vào nhân loại để khuôn đúc nhân loại theo hình ảnh sự hiệp nhất ấy thì tạo nên một cuộc hòa giải. Vì sự hiệp nhất của loài người đã bị tội lỗi hủy diệt rồi. Những sức mạnh của sự dữ khi gây nên sự đoạn giao với Thiên Chúa thì đồng thời cũng cắt đứt từng khúc mối giây thân tình giữa cộng đồng nhân loại. Sức mạnh của Chúa chiến thắng nhờ một sự hiến tế cứu độ nhằm tạo nên “Một người mới duy nhất” (Eph 2,15).

Do đó, sự hiệp nhất cộng đoàn không bao giờ mất bộ diện cứu chuộc, diện mạo chiến đấu chống chia rẻ do tội lỗi gây nên. Không cộng đoàn nào có thể tự phụ là đạt tới hiệp nhất hoàn hảo, vì như vậy là tỏ ra không biết đến ảnh hưởng của sự dữ trên đời sống nhân loại; không biết đến những biểu lộ liên tục không thể tránh được của tính ích kỷ và tính kiêu ngạo. Chắc chắn là ảo tưởng, nếu nghĩ rằng một số cộng đoàn tu sĩ sốt sắng có thể thực hiện sự hiệp nhất không bóng mờ, không vết thương. Ta phải sẵn sàng chờ đợi để thấy nổi dậy một số trở ngại để cố vượt qua những xung đột. Sự hiệp nhất không thể thực hiện nếu không có chiến đấu, và ở trần gian nó chẳng bao giờ đạt được mức độ toàn hảo như người ta mong ước. Nó sẽ chỉ có thể hoàn tất trong đời sống Thiên Đàng.

Tin vào sự hiệp nhất của ơn cứu độ đó, là xác tín rằng tình yêu do Chúa Cứu Thế mang đến có sức mạnh hơn mọi nguyên nhân chia rẻ. Trong niềm tin ấy, người ta không lấy làm lạ nhận thấy những tranh cãi và chống đối đe dọa cộng đoàn, bởi vì Chúa Kitô đã thành công trong việc dùng chính những địch thù sát hại Người để lặp lại sự hiệp nhất của loài người. Nếu không có tội lỗi, làm gì nhân loại có được một định mệnh cao cả lạ lùng do hiến tế cứu chuộc đem lại? Trong kế hoạch tuyệt vời của Người, Thiên Chúa đã dùng sự dữ để cổ động việc thiện, thì Ngài cũng đủ quyền năng để làm cho những chia rẻ và va chạm vốn có thể làm cho chúng ta chia rẻ nhau, trở thành những yếu tố đóng góp vào chương trình hiệp nhất của Người.

Vì thế, tu sĩ trong đời sống cá nhân, phải biết chấp nhận để cho một biến cố vốn có thể làm cho mình đối lập với anh em, lại có thể nhờ Chúa biến đổi theo kế hoạch quan phòng của Người, thành dịp giúp mình gần gũi với anh em hơn. Nếu họ cảm thấy mình quá bất lực không thể giữ đức ái cộng đồng thì họ hãy đặt hết lòng cậy trông vào sức mạnh cứu độ của Đức Kitô, và dựa vào đó mà cố gắng hơn lên. Nghĩ rằng mình đã phạm đến đức ái một cách quá nặng nề không bù đắp được và mình cũng không thể sửa chữa được, hoặc tránh khỏi những hậu quả tan nát, đó là nghi ngờ về công trình tái tạo tận gốc mà Chúa Cứu Thế đã thực hiện.

Còn về đời sống cộng đoàn, nó vẫn có thể tiến bộ và phát triển nhờ ngay những trở ngại nó gặp trên đường, và chúng kích thích mọi cố gắng để hiệp nhất. Để phản ứng lại một lối sống cũ đòi mọi người phải đồng loạt, người ta nhấn mạnh nhiều đến sự tôn trọng sự khác biệt của mỗi nhân vị. Sự khác biệt đó làm cho đời sống chung nên phong phú: đó là một sự thật hiển nhiên, và áp dụng cho mọi xã hội. Khi ta nhận xét những va chạm và chia rẻ như là dịp cho cộng đoàn tiến triển thêm, thì đó không phải chỉ là nhận xét theo luật xã hội học mà thôi, mà là nhận xét theo mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, đức tin giữ một vai trò đáng kể ở đây: Tu sĩ phải tin rằng Thiên Chúa dùng tình yêu của Người để sửa lại tranh chấp loài người, và phải hy vọng rằng những điều lỗi phạm sự hiệp nhất phải đưa đến kết quả tái lập một bầu khí cộng đồng sâu xa. Bài ca “Ôi tội hồng phúc, vì nhờ Người mà ta được một Vị Cứu Tinh lớn lao đến thế”. Câu ấy cũng phải được áp dụng trong phạm vi đời sống cộng đồng: những lỗi lầm của con người ở đây cũng may phúc vì chúng kêu nài ơn Cứu Độ, ơn hiệp nhất từ trời ban xuống sửa chữa mọi sự, ơn tái tạo sự hiệp nhất trên một bình diện cao siêu hơn.


Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot S.J
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Đời sống thánh thiến, tin và tận hiến, bác ái cộng đoàn, canh tân đời sống thánh hiến, ba lời khấn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn