Mến Thánh Giá THÁNH HIẾN

TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

Thứ ba - 24/07/2018 21:22

TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

Tin và tận hiến kỳ 2
 
CHƯƠNG I
TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG
(Tiếp theo kỳ trước)
  
3. Cuộc khám phá vĩ đại nhất
Tìm biết Thiên Chúa trong Đức Kitô, đó là một sứ mệnh tìm kiếm được giao phó cho toàn thể Giáo Hội. Những người bước chân theo Thầy nhờ con đường lời khuyên Phúc Âm có nhiệm vụ đóng góp đặc biệt hơn vào việc tìm kiếm đó. Theo Chúa Kitô, tức là muốn hiểu biết Người hết sức thâm thúy và tiến triển không ngừng trong sự hiểu biết đó. Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu  khi bắt đầu theo Người đã hỏi Người: “Thầy ở đâu?”, họ đã được trả lời: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 38-39). Chúa Kitô mời họ tìm hiểu hai cuộc sống thấu nhập vào nhau, và như vậy chiếu sáng cho nhau, tức là cuộc sống con người và cuộc sống Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Vì thế cuộc sống tu trì đòi phải tiếp xúc liên tục với Chúa Kitô, nhất là phải quen thuộc nhiều với Phúc Âm, sao cho khuôn mặt cụ thể của Chúa Giêsu nổi bật và chiếu sáng đời sống. Phong trào Thánh Kinh ngày nay giúp các tu sĩ có khả năng đào sâu sự hiểu biết các bản văn Phúc Âm, cũng như các bản văn thánh thư trong Tân Ước là ánh hào quang của Phúc Âm. Trong lãnh vực này còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa: đối với nhiều linh hồn tận hiến, vị Thầy được họ dâng hiến cuộc đời, còn quá xa lạ.

Nên ghi nhận mục đích sự hiểu biết này không phải chỉ đơn thuần là hiểu biết những lời nói và cử chỉ nhân loại của Chúa Giêsu, nhưng chính là tìm gặp Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu qua những cử chỉ và lời nói ấy. Đó mới là công trình khám phá vĩ đại của đức tin: khám phá vô biên. Điều mà công trình ấy cố gắng rút ra từ Phúc Âm là dung nhan Thiên Chúa. “Thiên Chúa không ai đã thấy Ngài bao giờ, chỉ Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha đã nói cho ta biết về Ngài” (Ga 1, 18). Chúa Giêsu đã cho ta thấy Đấng không thể thấy, như Người đã nói với ta: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (Ga 14, 9). Như vậy cuộc khám phá này vượt quá giới hạn của tất cả các cuộc khám phá khác của nhận loại, và tìm ra được những điều mà không một nhà thám hiểm trần gian nào có thể đạt tới.

Đó là một cuộc khám phá hấp dẫn lạ lùng mà Thánh Phaolô đã khuyên các kitô hữu của Người tham gia: Người cầu chúc họ khám phá đâu là chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu Chúa Kitô, và nhận định tình yêu ấy vượt hẳn trí hiểu của loài người (Eph 3, 18-19). Các chiều rộng, dài, cao, sâu là bốn chiều kích của vũ trụ theo quan niệm thời đó; đo được các chiều kích ấy là đạt tới bí mật cao cả nhất, và cũng là biết được mọi sự. Thực ra bí quyết ấy, một bí quyết có thể cho ta hiểu biết mọi sự. Chính là tình yêu của Đức Kitô, tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu luôn luôn vượt hẳn tầm hiểu biết của chúng ta. Ngày nay muốn diễn dịch câu nói trên của thánh Phaolô, ta có thể nói: cuộc thăm dò không gian đích thực và đích thực khám phá vũ trụ cốt ở sự hiểu biết tình yêu của Đấng Cứu Thế.

Thật vậy, ngày nay chúng ta đang trong thời đại chinh phục vũ trụ, và ta thấy rõ những tiến bộ trong công trình khám phá của hành tinh và không gian bao la giữa hành tinh này với hành tinh khác làm bao nhiêu người nô nức phấn khởi. Đó là những thí nghiệm rất hào hứng. Từ xưa đến nay, con người đã bị giam giữ bên trong biên giới địa cầu, nay họ đã tìm cách vượt ra ngoài và đang trố mắt nhìn ra không gian vô tận của vũ trụ tinh tú. Còn cuộc khám phá cõi vô biên của Thiên Chúa là điều tối cần cho định mệnh con người, chẳng lẽ lại kém phần hào hứng sao? Những người đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa có nhiệm vụ làm chứng rằng, còn có một không gian khác nữa phải khám phá, đó là không gian của một Thiên Chúa hiến mình cho ta trong mầu nhiệm của Người. Sự sống của Thiên Chúa phong phú hơn, căn bản hơn bất cứ thực tại nào của trần gian. Sự sống ấy cho ta những khám phá sâu thẳm nhất, ý nghĩa nhất cho đời sống con người. Hiểu biết về tình yêu Chúa Kitô không ngừng là điều làm cho tâm trí con người cao vượt lên và đem lại một ánh sáng cao đẹp hơn cho định mệnh mình.

Cứ theo lời Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm, việc quan trọng trước tiên là tìm kiếm nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác sẽ được ban thêm, thì người tín hữu phải trước nhất dùng trí thông minh thám xét Thiên Chúa và hành động của Ngài trong tạo vật, vì đó là nền tảng cho các kiến thức khác. Đó là “Nước” mà ta phải khám phá. Sự hăng say mà những người tận hiến phải có trong việc khám phá này, phải là bằng chứng cho thấy rõ ngày nay Thiên Chúa vẫn là đỉnh chót vót cho mọi công trình khám phá của con người, hoạt động trí thức lớn nhất của nhân loại là cố gắng để đạt tới cõi vô biên của Thiên Chúa, là nhận ra Thiên Chúa ngày càng rõ ràng hơn trong Đức Kiô, là diễn tả Thiên Chúa cách đúng thực hơn. Thiên Chúa vẫn tỏ cho thiên hạ thấy Ngài hằng sống, và Ngài vẫn là động lực mạnh mẽ, là trung tâm hấp lực mãnh liệt nhất của đời sống tâm linh.

Những người sống lời khuyên Phúc Âm, còn có sứ mệnh biểu lộ quyền lực đó của Thiên Chúa trên tâm trí con người, không chấp nhận để cho văn hóa và các công trình trí thức và khoa học bị thế tục hóa, họ có nhiệm vụ làm sáng tỏ giá trị của một nền văn hóa và khoa học làm chứng về Thiên Chúa và sự mạc khải của Ngài cho thế giới. Họ phải làm chứng cho ước vọng cao nhất của tâm trí con người là không để mình bị tù hãm trong cái hữu hạn, trong giới hạn của mặt đất, mà còn quyết lao mình thật sâu vào mầu nhiệm của vô biên.

Ngược lại với khuynh hướng thế tục hóa, đó là đường lối linh thiêng hóa tâm trí: chấp nhận linh thiêng, tâm trí con người không vì thế mà bị thu hẹp hay lu mờ, trái lại nó mở rộng và vượt mọi giới hạn của vũ trụ.

Nơi tu sĩ, cống hiến hoạt động tinh thần cho Thiên Chúa là phát triển chính đời sống đức tin của mình. Điều ấy tất nhiên dẫn đến những kết quả linh động và phong phú chứ không cứng nhắc và nghiêm nghị như ngôn từ thánh thiêng có thể gợi ra. Đó là không ngừng mở rộng chân trời. Và vì biết rằng, không thể ôm trọn vẹn được một Thiên Chúa, mặt nào cũng vượt quá trí năng con người, việc đó vẫn thôi thúc người ta ngày càng tìm hiểu sâu rộng hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và ước muốn luôn luôn tiến xa hơn những gì đã thấy được và dã diễn tả.

Không trong lãnh vực nào mà trí thức con người linh hoạt như vậy, không một điều gì làm phấn khởi tâm trí bằng tiếp xúc với vô biên. Tương lai trí thức và văn hóa của con người không nằm trong quan niệm về một cái chết từ từ của Thiên Chúa để con người tiến bộ vươn lên; tương lai ấy là nhờ sự sống Thiên Chúa ngày càng thấm nhập rộng rãi vào thế giới con người và tự thông ban cho tâm trí nhân loại, làm cho tâm trí ấy ngày càng sống động mạnh mẽ và rộng rãi hơn.

 
4. Hấp lực thần linh hướng về Chúa Kitô.
Nổ lực đạt tới Thiên Chúa là một công trình thần linh. Cuộc khám phá nhằm đạt tới tận cung lòng Đấng Tối Cao, là điều mà sức riêng con người không thể làm được. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Không ai có thể đến được với Thầy nếu Cha Thầy là Đấng đã sai Thầy không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 44). Chúa Cha không chỉ cử Con Chí Thánh Ngài đến trong thế gian, mà còn lôi kéo loài người đến với Con Ngài. Tiếng “lôi kéo” ở đây theo tinh thần Phúc Âm, phải hiểu là “kéo” mạnh mẽ. Đó là một hấp lực hút lấy con người, Chúa Cha chủ động hấp lực đó trên mọi người, vì sau khi nhấn mạnh sự cần thiết phải nhờ Chúa Cha “lôi kéo”, Chúa Giêsu còn nói thêm: “Có lời chép trong sách các tiên tri rằng: mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy” (Ga 6, 45).

Như vậy tất cả những ai theo Chúa Kitô đều được Chúa Cha lôi kéo đến với Người, và họ đã được Chúa Cha soi sáng để nhận ra Con Người Đấng Cứu Thế. Chính Chúa Cha đã làm cho Người Con ấy trở nên rất hấp dẫn trước mắt họ để họ bị lôi cuốn gắn liền cuộc đời họ với cuộc đời Người Con ấy. Cũng chính Chúa Cha không ngừng tăng cường sức hấp dẫn ấy bằng cách làm cho họ ngày càng khám phá rõ thêm sự cao cả và sức quyến rũ của Đức Kitô cùng với tình yêu vô hạn lượng của Ngài. Chúa Cha không giới thiệu cho họ khuôn mặt khắt khe của một bộ luật nhằm xiềng xích họ bằng những điều bó buộc mới; Ngài mặc khải cho họ một con người đầy sức quyến rũ siêu nhiên và kêu gọi họ sống bậc trọn lành của đức ái bằng cách gắn bó ngày càng thiết tha hơn đối với Đấng ấy.

Thánh Augustin, trong một bài chú giải Phúc Âm có nói về sức lôi cuốn ấy của Chúa Cha: “Làm sao có thể nói tin bằng ý chí, một khi đã nói rằng, tôi bị lôi cuốn?” Xin trả lời: nói rằng bị lôi cuốn bởi ý chí thì còn nhẹ quá, phải nói rằng, anh bị lôi cuốn bởi đắm say. Hỏi bị lôi cuốn bởi đắm say là thế nào? Đây Thánh Vịnh: “Hãy đắm say trong Thiên Chúa, thì Người sẽ ban cho ngươi gì lòng ngươi xin” (Tv 37, 4). Có một thứ say đắm của tấm lòng… Vậy một thi sĩ cũng đã nói: “Mỗi người đều bị lôi cuốn bởi lòng đắm say của mình” (Virgile Egl, II, 65). Không phải bị áp bức nhưng bởi lòng đắm say, không phải bị bó buộc nhưng bởi thích thú, thì càng đúng hơn biết bao, khi ta nói rằng con người bị lôi cuốn đến với Chúa Kitô, khi say mê theo chân lý, say mê theo hạnh phúc, say mê theo công chính, say mê theo cuộc sống đời đời, say mê theo tất cả những gì là Chúa Kitô (In, Jonis Ev 26, 4 Pl. 35, 1608).

Như vậy là Chúa Cha cho ta khám phá thấy trong Chúa Kitô nào là chân lý, hạnh phúc, nào là thánh thiện và sự sống đời đời, ai khát khao tất cả những điều đó đều được dẫn đến để gắn bó với Đấng Cứu Thế. Sức quyến rũ hoặc sự đắm say như Thánh Augustin nói trên đây, không phải chỉ là một cảm giác thoáng qua: nhưng là một sức mạnh phát xuất từ ngôi vị Chúa, tỏa ra từ một Đấng bao gồm cách hoàn hảo tất cả những gì mà nhân loại ước muốn.

Trong cuộc sống tận hiến càng ngày Chúa Kitô càng chinh phục trọn vẹn kẻ đã quyết tâm theo Người. Người làm cho họ ngày càng say yêu Người hơn bằng cách làm cho họ ngày càng hiểu biết hơn về Người, với tất cả vẻ đẹp của hữu thể thần linh Người.

Đàng khác, ta cũng biết sức quyến rũ đưa ta đến với Đức kitô là việc của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Cha lôi kéo, nhưng Người chuyển sức quyến rũ ấy vào nội tâm con người, nhờ Thần Linh Thánh Ái, Đấng nối kết người ấy với Chúa Con. Phúc Âm cho ta thấy một gương nổi bật về cuộc sống hoàn toàn hướng về Chúa Cứu Thế, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, đó là gương đời sống của cụ già Simeon. Thánh Luca 2, 25 viết: “Chúa Thánh Thần ngự trên ông”, linh ứng cho ông chờ mong vị Thiên Sai đến, và chính nhờ Thánh Linh thúc đẩy mà ông đến tìm gặp Chúa Giêsu. Cả cuộc đời con người này đều được định hướng bởi sức ước vọng tìm gặp Đấng Cứu Thế. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần tác động đời tận hiến bằng cách thu hút họ đến Chúa Kitô, càng ngày càng củng cố sự thu hút đó tận đáy lòng họ.

Vậy sức hấp dẫn làm khơi dậy và đào sâu đức tin trong lòng con người là việc của Thiên Chúa, nó làm cho con người tham dự vào sức hấp dẫn mà Chúa Cha cảm thấy đối với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: Croire et se donner của Jean Galot
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Tin và tận hiến, đời sống thánh hiến, canh tân đời sống thánh hiến

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn