Mến Thánh Giá PHÚT HỒI TÂM

TỪ BỎ: ĐƯỜNG TỬ ĐẠO LIÊN LỈ VÀ HẰNG NGÀY CỦA NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ

Thứ bảy - 04/08/2018 23:18

TỪ BỎ: ĐƯỜNG TỬ ĐẠO LIÊN LỈ VÀ HẰNG NGÀY CỦA NGƯỜI NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ

Phút hồi tâm tháng 8 năm 2018

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con chúc tụng Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Chúng con muốn hiến thân trọn vẹn cho Chúa để đáp lại tình Chúa đã yêu chúng con và hiến thân trọn vẹn cho chúng con trong cái chết đau đớn, tủi nhục trên thánh giá.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, vì đáp lại lời mời gọi của Chúa, mà trải dài trong suốt hơn 60 năm qua, nhiều thế hệ chị em chúng con từ khắp mọi miền đất nước đã từ bỏ gia đình, quê hương, bạn bè… quy tụ thành đại gia đình trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang này. Và vì Chúa, hôm nay, từ các cộng đoàn, chúng con trở về hiện diện nơi đây. Xin Chúa thu hút chúng con, để lúc này chúng con không lấy gì làm hơn được là ở bên Chúa trong thờ phượng, tri ân, yêu mến và tạ lỗi.

Những giờ tĩnh lặng, hồi tâm này thật cần thiết cho đời dâng hiến của chúng con. Đi vào thinh lặng nội tâm là đi vào tận cõi lòng để biết mình và chân nhận ra các ý tưởng và tình cảm thầm kín ẩn nấp trong tâm trí mình. Đi vào thinh lặng nội tâm để nhận ra hiện nay điều gì là quan trọng đối với chúng con. Điều gì đang điều khiển, chi phối mọi tâm tư, lời nói và hành vi của chúng con? Chúa có còn là trung tâm của cuộc đời chúng con không? Không thực lòng hồi tâm xét mình, chúng con sẽ không bao giờ nhận ra được tình trạng linh hồn mình, nhận ra những ảo vọng về mình; nguyên nhân của những bất an, xáo trộn nội tâm; nguyên nhân của sự trống rỗng, phóng túng, hời hợt, buông thả.

Nhưng rất nhiều lúc chúng con thấy sợ phải thinh lặng đi vào nội tâm, vì không sám đối diện mặt giáp mặt, lòng kề lòng với Chúa. Vì không có cuộc gặp gỡ đích thật nào với Chúa mà lại không đòi hỏi một sự cố gắng thay đổi cuộc sống. Mà không một cuộc thay đổi nào lại không gây đau đớn, mất mát. Nhiều lúc cũng vì quá quen với hời hợt, phóng túng nên chúng con không còn khả năng đi vào thinh lặng nội tâm.

Nếu chúng con không nhìn lại đời sống của mình trong tĩnh lặng và cầu nguyện, thì đời dâng hiến chúng con chỉ có vở bọc bên ngoài nhưng lại rỗng tuếch bên trong. Nói như Đức Cha Lambert: đời sống này là một đời sống phi thường, vậy mà chúng con lại sống quá tầm thường. Không chết đi mỗi ngày, không chiến dấu một mất một còn với khuynh hướng tự nhiên và lý lẽ người đời, chúng con sẽ không bao giờ trở nên người môn đệ đích thật bước theo sát dấu chân Chúa trân đường Thánh Giá: “Ai không từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta thì không xứng là môn đệ Ta”.

Trong Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con được mời gọi suy gẫm và sống tinh thần tử đạo của cha ông chúng con ngày xưa, trong bậc sống của mình hiện nay. Bài học rút ra từ cái chết anh dũng của các thánh tử đạo là bài học sự sống, sống hiến thân từng giây phút đời mình cho Chúa và tha nhân.

Chúa đòi hỏi những ai muốn nên nghĩa thiết với Chúa không những phải từ bỏ những ham muốn bất chính mà từ bỏ cả những ước muốn tự nhiên rất chính đáng của con người. Các thánh tử đạo ngày xưa cũng là những con người thật bình thường. Các ngài cũng ước muốn được sống, được tôn trọng, được sum vầy hạnh phúc bên người thân trong mái ấm gia đình, được sống tự do thoát cảnh tù đày, tra tấn và cái chết nhục hình… Nhưng vì để làm chứng cho Tin Mừng, các ngài đã sẵn sàng từ bỏ tất cả. Người đời cho các ngài là dại khờ: gia đình sum vầy không chọn lại chọn bị phân tán khắp nơi, lưu đày biệt xứ; ruộng rườn, nhà cửa không chọn lại chấp nhận bị tịch thu, phân chia hết cho lương dân. Sống tự do không chọn lại chọn cảnh tù đày, tra tấn và cái chết nhục hình không toàn thây. Người môn đệ của Chúa thời kỳ nào cũng vậy, phải luôn chấp nhận lội ngược dòng và bị người đời khinh chê.

          Hát: Tin vào tình Chúa (TNA 119)

Trong thư gửi cho cộng đoàn Dân Chúa nhân Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi: “Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn các lời khuyên Phúc Âm làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá”.

Từ bỏ những ham muốn tự nhiên là một hành trình dài chết đi liên lỉ cho chính mình, cho cái tôi của mình. Nếu vì yêu mến Chúa, vì muốn hiến thân cách trọn vẹn hơn cho Chúa mà ta chấp nhận cái chết này thì đối với Đức Cha Lambert đây là cuộc tử đạo không thua kém gì cuộc tử đạo của các chứng nhân anh hùng đã lấy máu đào bảo vệ đức tin. Trong Tuyển tập bút tích, phần III, Di cảo số 11, ngài viết như sau: “Chúng ta thường yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn khi phải chết đi đối với một xu hướng xấu so với khi chịu chết để tuyên xưng Phúc Âm, lý do là cái chết này thường âm thầm và không ràng buộc bằng sự tử đạo. Và chính trong nghĩa này mà người ta có thể nói rằng cả cuộc đời người Kitô hữu đích thực là môt cuộc tử đạo liên lỉ, bởi không thể là một môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu Kitô nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh đói với những ước muốn của bản thân và cái tôi của mình” (Tuyển tập bút tích ‘Ttbt’, tr. 156).

Thánh giá và đau khổ là hành trang của người môn đệ Chúa, và là dấu chỉ chắc chắn người môn đệ đang đi đúng đường: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình vác thánh giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Đó chính là mầu nhiệm tình yêu tột đỉnh trong đau khổ. Cốt lõi của mầu nhiệm thập giá không phải là đau khổ, mà là tình yêu. Đau khổ là hoàn cảnh đặc biệt để tình yêu được tỏ bày. Tình yêu mà không trả giá bằng đau khổ thì chưa chắc đã là tình yêu thực sự.

Theo phản ứng tự nhiên, con người thường sợ đau khổ. Đau khổ là một mầu nhiệm không thể lý giải được, nhưng ta chỉ biết lấy đức tin và tình yêu mà đón nhận trong vâng phục và tín thác. Dù đau khổ dưới dạng thức nào: đau đớn thể xác do bệnh tật hay đau khổ, khắc khoải trong tâm hồn thì nó cũng thật cần thiết cho sự trưởng thành và tự do của con người. Đau khổ như món ăn bổ dưỡng cho đời sống nội tâm, là lửa nung tôi luyện cho tâm hồn mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, cũng như khiêm nhường hơn, tế nhị hơn. Tuy nhiên, nếu chịu đựng đau khổ trong cay đắng, bất mãn thì tâm hồn lại cứng cỏi, oán hận và dễ gây hấn. Khi cảm nghiệm đau khổ bằng đức tin ta sẽ hiểu rằng, đằng sau đau khổ, thử thách là bài học đức tin vô cùng quý giá mà Thiên Chúa muốn đào tạo con cái yêu dấu của người.

Sống theo đòi hỏi của Tin Mừng, người môn đệ Chúa cảm thấy mình không thể hành xử theo cung cách người khác đã gây ra cho mình. Cho nên, thà là bị xúc phạm chứ không thể xúc phạm người khác; thà là bị nói xấu, bị vu khống oan ức chứ không thể nói xấu, vu khống người khác; tha thứ, không chấp nhất với tấm lòng bao dung dù đôi khi bị coi là yếu đuối, nhu nhược; chấp nhận phần thiệt về mình trong tinh thần hy sinh, khổ chế dù đôi khi bị chê bai là khờ dại. Chỉ những ai đặt chân bước đi trong hành trình tự hủy này mới thấm thía mức độ khốc liệt của cuộc tử đạo liên lỷ từng ngày. Hậu quả của cuộc chọn lựa này cũng đã từng chạm vào chiều sâu nội tâm khắc khoải của ta với những nỗi đau không thể diễn đạt được bằng lời. Đôi khi ta cảm thấy lẻ loi, đơn độc trong cuộc hành trình. Cám dỗ thất vọng buông xuôi theo dòng đời là không tránh khỏi. Nhiều lúc mệt mỏi quá, kiệt sức quá chỉ biết ngước mắt lên Thánh Giá xin Chúa thương cứu giúp.

Nghe bài (click chuột lên tiêu đề bài hát để nghe): Đỉnh yêu thương 

Để sống tinh thần tử đạo của các bậc cha ông ngày xưa trong Năm Thánh này, thiết tưởng các chị em Mến Thánh Giá không có gương mẫu nào sống động, gần gũi và phù hợp  với bậc sống của mình hơn cho bằng gương của chính Đấng Sáng Lập, Đức Cha Lambert de la Motte.

Trong các Di cảo của Đức Cha Lambert, chúng ta đọc thấy nhiều tư tưởng và tâm tình của Ngài: đó là phải để cho Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, phải bỏ ý riêng, phải chết đi đối với đời sống theo giác quan và lý trí người đời. Một người sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần túy, thì không thể gọi là một Kitô hữu đích thực, phương chi một người tông đồ là người chỉ phải sống bằng đời sống đức tin mà thôi.

Theo Đức Cha Lambert: “Một thừa sai tông tòa phải là một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô, vì thế ngài phải là một con người của đau khổ, đến nổi ngài buộc phải loại bỏ mọi thú vui của thân xác và tinh thần như là những điều đi ngược lại bậc sống của mình, nghĩa là phải sống theo châm ngôn sau đây: không thể trở thành một thừa sai đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình. Vị ấy sẽ chăm chú học hỏi giáo lý cao siêu này là yếu tố duy nhất cần thiết cho một môn đệ của Chúa, đó là chỉ biết sống cho một mình Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, theo gương thánh Phaolo: “Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (Ttbt, tr. 181).

Thật vậy, chúng ta hãy nhìn xem ở đâu mình có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn để chiếu sáng cho trí hiểu, nhiều tình yêu hơn để nung nấu ý chí, và nhiều đề tài hơn để nhắc chúng ta nhớ lại nghĩa vụ của mình đối với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bằng việc liên lỉ chiêm ngắm Chúa hiện diện, chịu đau đớn, hấp hối và chết trên thánh giá? (Ttbt, tr. 168).

Đối với Đức Cha Lambert, thánh giá còn chính là sự đau đớn vì nhận thấy mình đã sống thầm thường và ít tương xứng với bậc sống đòi hỏi một sự hủy diệt hoàn toàn con người bề trong lẫn bề ngoài (x. Ttbt, tr. 121). Vì thế, có lẽ ngài cũng muốn những lời thú nhận sau đây của ngài được các con cái thiêng liêng của mình hồi tâm xét mình mỗi ngày: “Khi trong các hành động của mình, chúng con đã đi theo ý riêng hơn là theo sự thúc đẩy của Chúa; khi trong ý hướng của mình, chúng con đã để cho mình thúc đẩy bởi một động lực khác với ý muốn của Chúa. Khi trong những mối lo toan nội tâm, chúng con đã tự tách xa Chúa để bận tâm vào các thụ tạo. Khi chúng con đã không vui lòng chịu đựng mọi thiếu thốn, và khi phải vác những thập giá bên trong và bên ngoài, thì chúng con đã ước muốn thoát khỏi vì những mục đích tốt lành nào đó hơn là vâng theo ý Chúa” (Ttbt, tr. 188).

Giờ đây đang hưởng hạnh phúc bên Chúa với cành vạn tuế chiến thắng trên tay, chắc chắn Đức Cha luôn dõi mắt theo chúng con là liên lỉ thực hiện tinh thần trung gian để chuyển cầu cho chúng con biết chết đi từng ngày đối với đời sống theo giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chúng con chỉ còn sống bằng châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đối Tượng duy nhất của lòng trí chúng con mà thôi. (x. Ttbt, tr. 41).

Tác giả bài viết: Anna Hạnh Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:từ bỏ, đường tử đạo, ý nghĩa của đau khổ, linh đạo Mến Thánh Giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn