HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY

HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh: Ga 21,1-19

Từ chương 13 trong Tin Mừng thứ tư, bỗng nhiên xuất hiện
một nhân vật bí ẩn mang tên “người môn đệ Chúa yêu.”
Có vẻ người môn đệ này trội hơn Simôn Phêrô.
Trong bữa tiệc ly, anh này nằm gần Chúa hơn Simôn.
Anh nằm bên lòng Chúa, sát bên ngực Chúa (Ga 13,23-25).
Simôn nằm xa hơn, nên phải làm hiệu, nhờ anh hỏi dùm
xem Thầy muốn nói ai là kẻ sẽ nộp Thầy.
Trong khi Simôn chối Thầy ba lần trong dinh vị thượng tế,
dù trước đó ông đã chém đứt tai tên đầy tớ của vị này,
thì người môn đệ Chúa yêu lại là người đứng bên thập giá,
đứng bên cạnh thân mẫu của Thầy (Ga 19,26-27).
Chính anh được làm con của Bà và đưa Bà về nhà mình.
Buổi sáng Phục sinh, Simon Phêrô và anh cùng chạy ra mộ,
nhưng người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn,
và có vẻ anh cũng tin nhanh hơn Phêrô (Ga 20,4.8).
 
Khi Chúa phục sinh tỏ mình cho bảy môn đệ
ở biển hồ Tibêria, ta thấy có sự hiện diện của anh.
Sau khi mẻ cá lạ xảy ra, một lần nữa,
anh lại là người nhạy bén hơn Phêrô,
khi nhận ra người đàn ông đứng trên bãi biển là ai.
Anh nói với Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21,7).
Người môn đệ Chúa yêu thật là mẫu mực lý tưởng
về sự gần gũi, thân thiết với Thầy.
Anh có mặt trong những lúc quan trọng của đời Thầy.
Anh đồng hành với Phêrô gần như hình với bóng.
Chúa ban cho anh nhiều ơn đặc biệt,
anh đã khiêm tốn đón nhận và sử dụng cho anh em.
Không hề có sự tranh dành quyền lực giữa anh với Phêrô.
Anh tôn trọng vị thế của Phêrô trong nhóm.
 
Phêrô có thể không nhạy bén bằng người môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông được chọn đứng đầu nhóm môn đệ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô đưa ra một đề nghị,
cũng là một lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây!”
Lời mời này được tán thành: “Chúng tôi cùng đi với anh.”
Thế là bảy môn đệ xuống thuyền đi đánh cá.
Chuyến ra khơi này là hình ảnh tượng trưng cho Giáo hội,
Một Giáo hội có người lãnh đạo, có sự đồng tâm nhất trí,
một Giáo hội cùng đi với nhau, cùng làm việc với nhau,
cùng chia sẻ một thất bại hay một thành công.
Có khi cả đêm không được con cá nào.
Có khi gặp mẻ cá đầy những cá lớn mà lưới không rách.
Lúc vui, lúc buồn, lúc nào họ cũng “ở với nhau” (Ga 21,2).
 
Phêrô có thể không nhạy bén bằng người môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông là người đầu tiên lên bờ để gặp Chúa.
Ông bơi nhanh hơn con thuyền đang kéo lê lưới đầy cá,
vì ông muốn gặp Chúa càng sớm càng tốt.
Ông là người xuống thuyền để kéo lưới cá vào bờ (Ga 21,11).
Sau bữa ăn sáng, Chúa đã muốn nói chuyện riêng với Phêrô.
Bên đống lửa, Chúa cho thấy Ngài đã tha thứ cho ông,
và cho ông có cơ hội bày tỏ tình yêu, xóa đi các vấp ngã.
Những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại:
“Con có yêu Thầy không?” “Thầy biết con mến Thầy.”
Tất cả dẫn đến việc trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt chiên.
Đây là đàn chiên của Thầy, đàn chiên Thầy yêu quý.
Theo truyền thống, người môn đệ Chúa yêu không chịu tử đạo,
nhưng đối với Phêrô, Chúa đã tiên báo cái chết của ông.
Khi về già, ông không được đi đâu tùy ý,
và sẽ bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (Ga 21,18-19).
 
Giáo hội luôn cần có Phêrô và người môn đệ Chúa yêu.
Hai khuôn mặt có vẻ tương phản, nhưng lại bổ sung cho nhau.
Cả hai phải đi với nhau, dựa vào nhau, lắng nghe nhau.
Giáo hội hôm nay đa dạng về suy nghĩ, cách nhìn, hướng đi.
Ước gì chúng ta vẫn hiệp hành, vẫn chờ nhau,
không buông tay nhau trong lúc khó khăn nhất.
 
LỜI NGUYỆN
 
Lạy Chúa,
Con tự hào mình biết phân định,
xin cho con biết để ý đến sự phân định của người khác.
 
Con sống có nguyên tắc hẳn hoi,
xin cho con biết người khác cũng có nguyên tắc của họ.
 
Con có tri thức và kinh nghiệm,
xin cho con đừng khép lại và tự mãn,
vì tri thức thì vô tận,
và kinh nghiệm thì bao giờ cũng mới.
 
Con có bản lãnh và lập trường vững chắc,
xin cho con biết mở ra
để đón lấy những gì làm lập trường đó bị lung lay,
và vui sướng khi thấy mình đã đổi lập trường.
 
Lạy Chúa,
Xin cho con mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn, hiền lành hơn,
biết nhận ra và nâng niu những cố gắng nhỏ bé của anh em,
nhờ biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác.
 
Xin cho con tìm kiếm chân lý với trọn cả tâm hồn,
để chân lý làm con được tự do.

Tác giả bài viết: Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ