CHÚA NHẬT CHÚA PHỤC SINH
- Thứ sáu - 10/04/2020 22:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Phục Sinh đặt trọng tâm vào biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô, vì thế bỏ qua Bài Đọc Cựu Ước quen thuộc để nhường chỗ cho Tân Ước. Sau khi Đức Giê-su đã hoàn tất Kinh Thánh, Giáo Hội không còn lý do gì để mà quan tâm đến các bản văn tiên báo nữa. Khởi đi từ lễ Phục Sinh đến lễ Ngũ Tuần, Bài Đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ như truyền thống xa xưa lên đến thể kỷ thứ tư.
Cv 10: 34, 37-43
Bài Đọc I nhắc cho chúng ta nhớ rằng niềm tin của chúng ta vào Đức Ki-tô Phục Sinh dựa trên lời chứng của các Tông Đồ. Chính lời chứng của thánh Phê-rô, vị lãnh đạo Giáo Hội, được nhấn mạnh trong đoạn văn sách Công Vụ mà chúng ta đọc hôm nay.
Cl 3: 1-4
Bài Đọc II, trích từ thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-xê, mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Vượt Qua, mở ra cho chúng ta những chiều kích thần học về biến cố Phục Sinh.
Ga 20: 1-9
Cuối cùng, Tin Mừng Gioan tường thuật cho chúng ta một câu chuyện sống động nhất và chính xác nhất về việc khám phá ngôi mộ trống, khởi đầu niềm tin của các Tông Đồ vào biến cố Phục Sinh.
BÀI ĐỌC I (Cv 10: 34, 37-43)
Sách Công vụ được trình bày như phần tiếp theo Tin Mừng thứ ba: cùng một tác giả: thánh Lu-ca, cùng một người nhận: ông Thê-ô-phi-lô.
1. Mối bận tâm của thánh Lu-ca:
Thánh Lu-ca bận tâm đến tính lịch sử: nghiên cứu cho đến ngọn nguồn những gì mình viết ra. Trong Tin Mừng của mình, thánh ký quan tâm đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su. Trong sách Công Vụ của mình, tác giả phác họa lại những bước khởi đầu của Giáo Hội. Trong phần thứ nhất của sách Công vụ, thánh Lu-ca nêu bật nhân cách của thánh Phê-rô, trong phần thứ hai, dung mạo của thánh Phao-lô.
2. Cuộc thăm viếng mục vụ của thánh Phê-rô:
Nhiều lần thánh ký nhấn mạnh các Tông Đồ làm chứng về biến cố Phục Sinh. Lời chứng của thánh Phê-rô tại tư gia của ông Co-nê-li-ô, viên bách quản Rô-ma, cung cấp một trong những ví dụ như vậy. Đó là lý do Giáo Hội chọn bài đọc nầy vào Chúa Nhật Phục Sinh.
Vị lãnh tụ Giáo Hội đang thực hiện một cuộc “thăm viếng mục vụ”. Sau cuộc bách hại đã giáng xuống trên cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ vào năm 36 (thời gian thánh Tê-pha-nô tử vì đạo), thời kỳ yên tĩnh trở lại. Thánh Phê-rô lợi dụng cơ hội nầy để thăm viếng những Giáo Đoàn vừa mới được thiết lập. Sách Công vụ nói với chúng ta: “Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi” (Cv 9: 32). Chính như vậy mà vị Tông Đồ đến miền duyên hãi, miền mà trước đây thầy phó tế Phi-lip-phê đã đem Tin Mừng đến.
3. Cuộc trở lại của viên bách quản ngoại giáo:
Trong khi thánh Phê-rô có mặt ở Gia-phô, một viên bách quản Rô-ma, đồn trú ở Xê-da-rê Duyên Hải (cách Gia-phô khoảng 50 cây số), sai người mời thánh nhân đến tư gia của ông.
Viên bách quản Co-nê-li-ô là một cảm tình viên Do thái giáo, thuộc những người được gọi là “những kẻ kính sợ Chúa”, họ là lương dân, nhưng tôn kính Thiên Chúa Ít-ra-en, tuy nhiên, họ không tuân giữ luật Mô-sê và không chịu phép cắt bì. Ông là một người đạo hạnh và rộng tay bố thí như sách Công vụ nói với chúng ta.
Thánh Phê-rô đến tại nhà ông. Đây là lần đầu tiên thánh nhân đem sứ điệp Tin Mừng đến cho một lương dân và toàn thể thân bằng quyến thuộc của ông, một kinh nghiệm làm đảo lộn quan niệm trước đây của thánh nhân: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiện vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận”.
4. Diễn từ của thánh Phê-rô:
Bài diễn từ của thánh Phê-rô là một bản tóm tắt Tin Mừng, nhưng không có cùng những điểm nhấn với những bài diễn từ mà thánh nhân đã công bố ở Giê-ru-sa-lem, vào lúc đó thánh nhân minh chứng cho những người Do thái rằng Đức Giê-su đã thực hiện những lời hứa Kinh Thánh và Ngài là Đấng Mê-si-a.
Ở Xê-da-rê, vào lúc này, ngỏ lời với cử tọa lương dân, thánh Phê-rô nhấn mạnh đến phẩm chất nhân chứng của mình: thánh nhân và các Tông Đồ khác đã chứng kiến những việc làm của Đức Giê-su Na-da-rét, cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, nhất là biến cố Phục Sinh của Ngài. Thánh Phê-rô là một trong những chứng nhân Thiên Chúa đã chọn từ trước để sống trong mối thân tình với Đức Kitô: “cùng ăn cùng uống với Ngài”. Đấng Phục Sinh đã trao cho họ một sứ mạng, đó là làm chứng rằng Thiên Chúa đã tôn phong Ngài làm Thẩm Phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Hướng đến những người sắp gia nhập Giáo Hội và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, thánh Phê-rô tinh tế thêm vào ngay sau đó rằng vị Thẩm Phán nầy cũng là Đấng từ bi, nhân hậu và hay tha thứ. Thánh nhân trích dẫn Kinh Thánh để nhấn mạnh rằng các ngôn sứ đều đã loan báo như vậy: tha thứ tội lỗi cho những ai tin vào Ngài.
Giáo Hội xây dựng niềm tin của mình vào biến cố Phục Sinh dựa trên lời chứng của các Tông Đồ. Giáo Hội xem lời chứng nầy có tính quyết định đến độ không giờ cảm thấy cần phải đặt biến cố Phục Sinh thành một tín điều. Tính minh nhiên của sự kiện đòi buộc. Nền tảng thật vững chắc: những người “đã thấy” và “đã sống” với Đức Ki-tô Phục Sinh làm chứng.
BÀI ĐỌC II (Cl 3: 1-4)
Thánh Phao-lô viết thư gởi tín hữu Cô-lô-xê này trong khi thánh nhân đang bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-62. Trong đoạn trích thư này, thánh nhân đưa ra cho chúng ta chiều kích thần học về sự Phục Sinh một cách sâu xa.
1. Luận chứng của thánh Phao-lô:
Thánh Phao-lô là nhân chứng của Đức Ki-tô Phục Sinh. Đấng Phục Sinh đã nắm bắt thánh nhân trên đường Đa-mát, đã tỏ mình ra cho thánh nhân trong ánh sáng chói lòa, đã giáo huấn thánh nhân và trao phó sứ mạng cho thánh nhân.
Luận chứng của thánh Phao-lô xem ra có vẻ mâu thuẫn: trước hết, thánh nhân nói: “Anh em đã được phục sinh cùng với Đức Ki-tô”, tiếp đó: “Anh em đã chết cùng với Đức Ki-tô”. Thật ra, đây là một trong những phương thức của thánh Phao-lô: trước tiên thánh nhân đề cao thực tại tinh thần, từ đó cho thấy những hậu quả “luân lý” đòi buộc cách ăn nếp ở của chúng ta; tiếp đến những hậu quả “hữu thể”, tức là những hậu quả ghi dấu ấn trên bản thân của chúng ta.
2. Người Ki-tô hữu:
Như trường hợp ở đây. Thánh Phao-lô định nghĩa người Ki-tô hữu là người, nhờ bí tích Thánh Tẩy và cuộc sống bí tích, dự phần vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, vì thế họ được sống lại rồi. Trong thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-xô, thánh nhân diễn tả thực tại nầy còn bạo dạn hơn nữa, khi thánh nhân dùng thì quá khứ: “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giê-su Ki-tô trên cõi trời” (Ep 2: 6).
Vì thế, từ hoàn cảnh tinh thần này của người Ki-tô hữu, thánh Phao-lô nhấn mạnh trước tiên những hậu quả luân lý: cần thiết phải nghĩ đến những gì thuộc thiên giới. Tiếp đó, thánh nhân nói đến những hậu quả hữu thể: được sống lại rồi, tức là đã chết cho tội lỗi, đó là được biến đổi tận bên trong. Bên ngoài không có gì thay đổi, nhưng một năng lực thần linh ẩn kín ở bên trong người Ki-tô hữu, mà ánh sáng rực rỡ của nó sẽ chỉ được tỏ rạng một cách viên mãn vào ngày chung cuộc. Đây là ý tưởng rất thân thiết với thánh Phao-lô: sống theo Đức Ki-tô bảo đảm vinh quang tương lai của chúng ta; như vậy, ngay ở đời này, chúng ta chắc chắn có được những bảo chứng về vinh quang của chúng ta rồi.
TIN MỪNG (Ga 20: 1-9)
Niềm xác tín của các Tông Đồ vào sự Phục Sinh của Đức Ki-tô dựa trên hai kinh nghiệm; có thể nói là chúng hình thành nên “hai giai đoạn”. Trước tiên, việc khám phá “ngôi mộ trống” là mặc khải gây choáng váng đầu tiên. Phải nói là kinh nghiệm về sự “trống rỗng”, kinh nghiệm này đã mở đôi mắt của họ và khai lòng mở trí họ để hiểu Kinh Thánh. Tiếp đó, ngay từ cùng ngày hôm đó, “những lần hiện ra” của Đức Giê-su mang đến bằng chứng khả giác về một con người bằng xương bằng thịt thực sự đang sống; tuy nhiên, các môn đệ không thể nào thấu hiểu mầu nhiệm tôn vinh của Ngài. Nhưng thân xác của Đấng Phục Sinh rõ ràng là thân xác đã biến mất khỏi ngôi mộ, thân xác mang lấy những dấu tử nạn của Ngài, vì thế, không thể nào là một bóng ma, không là một hình hài giả tạo. Hai kinh nghiệm tăng cường cho nhau, bổ túc cho nhau. Các Tông Đồ làm chứng với niềm xác tín tuyệt đối của mình cho đến phải hy sinh tính mạng của mình.
1. Ngày thứ nhất trong tuần:
Từ cuộc khám phá ngôi mộ trống, Tin Mừng Gioan tường thuật cho chúng ta một câu chuyện sống động, chính xác là câu chuyện của những nhân chứng mắt thấy tai nghe. Như luôn luôn trong Tin Mừng Gioan, những chi tiết vén mở những ý nghĩa thâm sâu.
2. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la:
Ngày sa-bát đã chấm dứt vào buổi chiều hôm qua, vì thế, ngày thứ nhất trong tuần đã bắt đầu, ngày thứ nhất nầy sẽ trở thành ngày Chúa Nhật của chúng ta, “Ngày của Chúa”, nói chính xác đó là ngày Chúa Phục Sinh.
Thánh Gioan nói: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ”. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la là một trong những người phụ nữ đã lấy của cải của mình mà giúp Đức Giê-su và các môn đệ Ngài trong những cuộc hành trình truyền giáo khắp miền Ga-li-lê của Ngài (Lc 8: 1-3), bà cùng với Đức Trinh Nữ đã can đảm đứng bên thập giá vào những giây phút sau cùng của Đức Giê-su (Ga 19: 25) và đã đế ý nhìn ngôi mộ và xem thi thể Ngài được đặt như thế nào (Lc 23: 55). Bây giờ, sau ngày hưu lễ, bà đi viếng mộ. Tin Mừng nói với chúng ta rằng bà ra đi đến mộ sáng sớm “lúc trời còn tối”: lòng mến và niềm tôn kính của bà đã thôi thúc bà ra đi không một chút trì hoãn để được ở bên cạnh thi thể của Chúa mà ngày sa-bát đã ngăn cản bà.
Thánh Gioan chỉ nêu tên một mình bà Ma-ri-a Mác-đa-la, tuy nhiên, tự bản văn, xem ra còn có các bà khác cùng đồng hành với người phụ nữ nầy, vì bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói : “Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Quả thật, thánh Mát-thêu kể ra hai người: bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà Ma-ri-a khác (Mt 28 : 1), còn thánh Mác-cô kể ra ba: bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a, mẹ của ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê (Mc 16 : 1), theo thánh Lu-ca, còn có nhiều hơn nữa (Lc 24 : 1); nhưng bà Ma-ri-a Mác-đa-la luôn luôn được trưng dẫn đầu tiên.
Tại sao bà Ma-ri-a Mác-đa-la được nêu tên duy nhất? Chắc chắn vì trong số các bà trung tín, kỷ niệm của người phụ nữ nầy đặc biệt nhất (thánh Gioan viết Tin Mừng của mình với một hoài niệm nào đó), và vì chính bà là người đầu tiên được diễm phúc gặp gỡ Đấng Phục Sinh trong số những lần Đấng Phục Sinh hiện ra được kể trong các sách Tin Mừng. Hơn nữa, bà là người được Đấng Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ Ngài (Ga 20 : 17-18). Vì thế, truyền thống Giáo Hội tôn kính bà khi gọi bà là “Tông Đồ của các Tông Đồ”, nghĩa là “Tông Đồ tuyệt hảo nhất”.
3. Thánh Phê-rô và thánh Gioan :
Khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin cho hai ông Phê-rô và Gioan, lúc đó hai ông có thể cùng cư ngụ trong một nhà. Cả hai ông thường được nêu tên cùng nhau và hoạt động cùng nhau (Cv 3 : 1-11 ; 4 : 1-22). Họ đã là hai trong số ba nhân chứng về biến cố Biến Hình, chắc chắn kinh nghiệm nầy sẽ giúp họ hiểu biến cố mà họ sẽ trải qua vào sáng này.
Thánh Phê-rô lớn tuổi hơn, vì thế ông không thể chạy theo kịp thánh Gioan. Thánh Gioan đến mộ trước, nhưng chỉ đứng ngoài mà liếc nhìn vào bên trong ngôi mộ. Để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi, thánh Gioan đứng đợi và nhường cho thánh Phê-rô vào mộ đầu tiên. Chi tiết này hé mở cho thấy thánh nhân nhận ra ở nơi thánh Phê-rô địa vị cao hơn. Trong Tin Mừng Gioan, quyền lãnh đạo của thánh Phê-rô sẽ được khẳng định chỉ sau cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh bên bờ hồ Ti-bê-ri-a (21: 15-19), nhưng được hàm chứa rồi ở nơi sự kiện Đức Giê-su đổi tên cho thánh nhân từ “Si-mon” sang “Kê-pha” (tức Phê-rô) trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của thánh nhân với Ngài (1: 42).
Tin Mừng Gioan vạch rõ ra rằng dù các người phụ nữ, đặc biệt bà Ma-ri-a Mác-đa-la, đến mộ trước tiên, các Tông Đồ là những người đầu tiên đi vào trong ngôi mộ và chứng kiến ngôi mộ trống, bằng chứng đầu tiên về việc Đức Giê-su phục sinh. Điều này rất quan trọng, vì theo luật Do thái, một sự kiện chỉ được chứng thực nếu có tối thiểu hai nhân chứng. Trước kia, Đức Giê-su đã nhắc lại luật này cho những người Pha-ri-sêu : “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8 : 17). Ngoài ra, theo Luật, lời chứng của các người phụ nữ thì không có giá trị.
4. Ánh sáng niềm tin bừng lên trong lòng người môn đệ Chúa yêu:
Không chỉ chứng kiến ngôi mộ trống, các ông còn thấy cảnh tượng: băng vải liệm vẫn còn ở đó và khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Sự thể này càng đánh động sâu xa hai vị Tông Đồ. Nếu thi thể bị đánh cắp, chắc hẳn băng vải liệm đã bị vất bừa bãi rồi; thế mà, mọi sự vật đều được xếp gọn gàng ngăn nắp.
Khi thấy cảnh tượng này, làm thế nào các ông không nhớ lại cảnh tượng của anh La-za-rô, khi anh được sống lại ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn? Anh La-za-rô được Chúa cho sống lại để rồi một ngày kia lại chết. Đức Giê-su thì hoàn toàn tự do, thoát khỏi bất cứ mọi ràng buộc nào của cái chết, nghĩa là tử thần không còn có quyền gì trên Ngài nữa. Chắc chắn hai vị tông đồ đã hiểu dấu chỉ nầy và bị chấn động đến mức mà thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu, “đã thấy và đã tin”: rõ ràng dụng ngữ này diễn đạt quá trình từ “nhìn thấy” đến gắn bó trọn vẹn với Đấng Phục Sinh.
Ánh sáng niềm tin bừng lên ở nơi người môn đệ Chúa yêu nầy trong ngôi mộ trống khi vừa chứng kiến băng vải liệm và khăn che đầu được xếp gọn gàng ngăn nắp. Nếu niềm tin của thánh nhân đã có thể bị lay động ít nhiều bởi những biến cố đau thương của Thầy, thì tình yêu của ông đã không hề suy giảm. Chính tình yêu mãnh liệt này đã thôi thúc ông theo bước chân Thầy cho đến nhũng giây phút cuối cùng của Thầy bên cạnh thập giá. Độ nhạy bén của tình yêu dẫn ông đến niềm tin ngay tức khắc: “Thầy đã sống lại rồi”. Cũng chính độ nhạy bén của tình yêu này mà vài ngày sau đó ông sẽ có thể nhận ra Thầy mình trên bờ hồ trong sương sớm: “Chúa đó” (Ga 21 : 7) trong khi những người khác chưa nhận ra. Trong ngôi mộ trống này, người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ thấy cái tối thiểu, tuy nhiên ông tin tối đa. Độ nhạy bén của con tim giúp ông hiểu biết con người và sự việc hơn bất kỳ ai khác.
5. Ơn soi sáng của Kinh Thánh:
Nếu đức tin nẩy sinh từ độ nhạy bén của một con tim “quen hơi bén tiếng”, tuy nhiên nó cũng cần được lý trí soi sáng. Câu nói: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Ki-tô phải chỗi dậy từ cõi chết”, ám chỉ đến một tiến trình theo đó các môn đệ hậu phục sinh giải thích biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô nhờ ánh sáng Cựu Ước (Ga 2 : 17, 22; 12 : 16); hơn nữa, Chúa Thánh Thần, Đấng soi lòng mở trí cho các môn đệ hiểu nội dung Kinh Thánh, hiện nay chưa được ban cho (Ga 14 : 26 ; Lc 24 : 45).
Các bản văn Kinh Thánh lại hiện ra trong tâm trí các ông. Người ta có thể phỏng đoán rằng họ nghĩ đến Tv 16, vì vài tuần sau đó, chính Thánh Vịnh nầy mà thánh Phê-rô sẽ viện dẫn cho đám đông ở Giê-ru-sa-lem để đưa ra những khẳng định của mình liên quan đến biến cố Phục Sinh (Cv 2 : 24-31). Quả thật, trong Thánh Vịnh này, chúng ta đọc thấy:
“Thân xác con cũng nghĩ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành để mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung nầy hư nát trong phần mộ”.
Ấy vậy, truyền thống Do thái đã áp dụng Thánh Vịnh này vào Đấng Mê-si-a. Như vậy, các ông rời bỏ ngôi mộ với hai niềm xác tín: trước hết, chứng thực những gì mà hai ông đã chứng kiến: “Chúng tôi đã thấy và chúng tôi xin làm chứng”; sau nữa, khẳng định những lời Kinh Thánh loan báo về Thầy mình.