CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Lời Chúa: Gr 33: 14-16; 1Tx 3: 12-4: 2; Lc 21: 25-28, 34-36

Với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới theo chu kỳ là Năm C. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sống lại tâm tình của dân Do thái xưa chờ đón Chúa đến. Nhưng khác với dân Do thái, chúng ta biết rằng Chúa đã đến rồi trong thân phận yếu hèn của kiếp người, hiện nay Ngài vẫn hằng đến với chúng ta mọi ngày cách mầu nhiệm và Ngài sẽ đến sau cùng với chúng ta trong vinh quang, gần nhất vào ngày mỗi người từ giả cuộc sống trần thế này, và xa hơn vào ngày Quang Lâm của Ngài. Vậy, Mùa Vọng vừa chuẩn bị chúng ta mừng kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất trong thân phận yếu hèn của kiếp người, vừa giúp chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài.

Gr 33: 14-16
Bài Đọc I là sấm ngôn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã được một bàn tay vô danh sửa lại, hay nói đúng hơn, hiện tại hóa vào trong thời đại của mình, sau khi vương triều Đa-vít biến mất. Bản văn này chuyển niềm hy vọng Mê-si-a sang Giê-ru-sa-lem, thành đô của Thiên Chúa.

1Tx 3: 12-4: 2
Thánh Phao-lô khuyên các Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang bằng cách thực hành đức ái huynh đệ và thăng tiến trên con đường thánh thiện.

Lc 21: 25-28, 34-36
Tin Mừng được trích từ bài diễn từ của Đức Giê-su về ngày tận thế theo Tin Mừng Lu-ca. Đức Giê-su loan báo cuộc trở lại trong vinh quang của Ngài để khai mạc một thế giới mới; các tín hữu phải chờ đợi ngày này trong niềm tin tưởng chứa chan hy vọng.

BÀI ĐỌC I (Gr 33: 14-16)
Bản văn Gr 33: 14-16 nầy lập lại sấm ngôn của Giê-rê-mi-a ở 23: 5-6, tuy nhiên đoạn cuối đã được một nhà biên soạn vô danh sửa lại sau này: thay vì “Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn” (23: 6), thì lại “Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ được an cư lập nghiệp” (33: 16). Việc sửa lại này dâng hiến một lợi ích lớn lao về phương diện lịch sử cũng như tâm lý.

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a công bố sứ điệp hy vọng này vào lúc triều đại Đa-vít biến mất trong một cơn phong ba bảo táp dữ dội và xem ra cuốn theo với triều đại này mọi lời hứa về Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít.

1. Bối cảnh lịch sử:
Bối cảnh lịch sử được định vị vào năm 597 trước Công Nguyên, khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, xâm chiếm Giê-ru-sa-lem và bắt vua Giơ-hô-gia-khin, hậu duệ của vua Đa-vít, và các thân hào nhân sĩ đi lưu đày; đoạn, mười năm sau đó cướp sạch thành thánh và triệt hạ Đền Thờ.

Trước khi tai họa xảy đến cho đất nước, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã lãnh nhận một sứ mạng khó khăn là báo trước cho các vị lãnh đạo và các thân hào nhân sĩ những biến cố bi thảm này, nếu họ không chịu thay đổi cách ăn nếp ở, thực hành công chính và trung tín với Đức Chúa. Nhưng khi những nỗi gian truân bất ngờ xảy đến, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, từ ngôn sứ loan báo những tai họa trở thành sứ giả loan báo niềm hy vọng, khẳng định rằng không có gì mất cả; những lời hứa của Thiên Chúa liên quan đến dòng dõi vua Đa-vít không bị hủy bỏ.

“Này, sẽ đến những ngày” (biểu thức này ngôn sứ Giê-rê-mi-a rất tâm đắc, chắc chắn được mượn ở ngôn sứ A-mốt) Thiên Chúa sẽ cho mọc lên từ dòng dõi Đa-vít một “mầm non” (thuật ngữ này đã là một danh hiệu của Đấng Mê-si-a), Đấng này sẽ trị nước theo lẽ công minh chính trực. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a kết thúc sấm ngôn của mình khi trao tặng cho hậu duệ Đa-vít tương lai danh hiệu “Đức Chúa là sự-công-chính-của-chúng-ta”, một trong những danh xưng biểu tượng mà các ngôn sứ thường sử dụng (từ “công chính”  được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh là sự thánh thiện của Thiên Chúa).

2. Ý nghĩa của việc sửa lại.
Nhiều thế kỷ trôi qua, nền độc lập không được khôi phục và vương triều không được tái lập. Dân Thiên Chúa được tổ chức theo thần quyền, chung quanh các tư tế của họ và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Vào lúc đó, sấm ngôn Giê-rê-mi-a được sửa lại. Vì thế ai xứng đáng đón nhận danh hiệu Mê-si-a “Đức Chúa là sự-công-chính-của-chúng-ta” này, nếu không là Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa? Không phải từ nay Thành Thánh là nơi độc nhất mà các lời hứa cứu độ được ký thác sao?

Các nhà chuyên môn có thể ghi niên biểu của việc sửa đổi này vào hậu bán thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, vì bản dịch Hy lạp, bản Bảy Mươi, không biết đoạn văn này. Ấy vậy, bản dịch nầy được thực hiện ở A-lê-xan-ri-a vào những năm 285-246 trước Công Nguyên.

Việc sửa đổi này rất có ý nghĩa. Vào thời đó, dòng dõi Đa-vít bị mất hút vào trong tập thể. Vị thượng tế lãnh nhận lễ xức dầu tấn phong thế vị vua. Trào lưu Mê-si-a vương đế và trào lưu Mê-si-a tư tế được nhập thành một. Thành Thánh Giê-ru-sa-lem là trung tâm độc nhất, dấu chỉ niềm hy vọng vĩnh hằng.

BÀI ĐỌC II (1Tx 3: 12-4: 2)
Thánh Phao-lô viết Thư thứ nhất gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vào đầu năm 51, tức khoảng hai mươi năm sau cái chết của Đức Giê-su. Đây là một văn kiện Tân Ước lâu đời nhất.

Thánh Phao-lô viết hai bức thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong cả hai bức thư, viễn cảnh về ngày Quang Lâm của Đức Giê-su là một trong những chủ đề chính, viễn cảnh nầy đem lại cho những lời khuyến dụ của thánh nhân một cung giọng khẩn thiết. Như vậy, đoạn trích thư này hòa hợp với hai bài đọc còn lại của Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C này.

1. Bối cảnh:
Thánh Phao-lô đã sáng lập giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vào năm 50. Thê-xa-lô-ni-ca là thành phố thương mại miền duyên hãi, thủ phủ của miền Ma-kê-đô-ni-a. Đây là thành phố thứ hai thuộc Châu Âu đón nhận sứ điệp Tin Mừng, sau thành phố thứ nhất là Phi-líp-phê (1Tx 2: 2). Việc thánh Phao-lô rao giảng thành công đã khiến một nhóm người Do thái ghen tức, họ xúi dục một nhóm người chống đối thánh nhân dữ dội đến mức thánh nhân cùng với hai người bạn đồng hành là Xin-va-nô và Ti-mô-thê đang đêm phải vội vã trốn khỏi thành phố (Cv 17: 5-10). Thánh Phao-lô ra đi mang theo nỗi bận lòng của ngài vì phải rời bỏ một giáo đoàn mà ngài vừa mới thành lập mà đức tin của họ vẫn còn non yếu. Vì thế, khi thời thế thuận tiện, thánh nhân đã phái ông Ti-mô-thê viếng thăm giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca mà chính thánh nhân đã không thể. Khi trở về, ông Ti-mô-thê đem đến những thông tin đầy khích lệ: các tín hữu non trẻ vẫn “đứng vững trong Chúa” (Tx 3: 8), bất chấp những gian truân mà họ phải chịu. Lúc đó, thánh Phao-lô ở Cô-rin-tô, với niềm vui và tâm tình cảm tạ tri ân, viết một bức thư chan chứa ân tình, thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Thư này gồm hai phần. Đoạn trích hôm nay là một bản lề: chúng ta đọc đoạn kết của phần thứ nhất (3: 12-13) và đoạn mở của phần thứ hai (4: 1-2).

2. Lời nguyện xin của thánh Phao-lô:
Phần thứ nhất kết thúc với lời nguyện xin của thánh Phao-lô (phần thứ hai cũng vậy). Qua những ngôn từ của lời nguyện xin này, thánh nhân nhắc các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nhớ nguyên tắc Ki-tô giáo tuyệt vời: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”. Trong giáo đoàn đa số là các Ki-tô hữu gốc lương dân, như mạch văn để cho thấy điều đó, nhưng chắc chắn cũng bao gồm những Ki-tô hữu gốc Do Thái.

Trong Giáo Hội tiên khởi việc sống chung không là vấn đề, nhưng thánh nhân còn đi xa hơn: khuyên các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca không chỉ yêu thương nhau mà còn yêu thương hết mọi người, “ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”, lời khuyên này vào hoàn cảnh đó thật quan trọng, tức là các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải yêu mến những người bách hại mình, dù phải chịu nhiều nỗi gian truân. Để nâng đỡ và khích lệ họ, thánh nhân nhắc họ nhớ lại tấm lòng mà ngài có đối với họ: “cũng như tình thương của chúng tôi đối anh em vậy”.

Luật yêu thương là con đường thánh thiện, “không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người”.

3. Ngày của Chúa:
Chúng ta ghi nhận rằng ngay từ bản văn Tân Ước đầu tiên này, Đức Giê-su được gọi là Chúa (Đức Chúa), danh xưng mà Cựu Ước dành riêng cho Thiên Chúa. Như vậy, các Ki tô hữu tiên khởi đã khẳng định Thần Tính của Đức Giê-su. “Ngày của Chúa” mà các ngôn sứ đã loan báo nay được dùng để chỉ “ngày Quang Lâm”, nghĩa là ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang cùng với “các thánh của Người”.

Các thánh này là ai? Theo truyền thống Do thái, nhất là truyền thống khải huyền, vào ngày chung thẩm, Đức Chúa được các thiên sứ đứng chầu chung quanh, thường được gọi “các thánh” (x. Dcr 14: 5). Các sách Tin Mừng vang dội lại truyền thống này: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Ngài, có tất cả các thiên sứ theo hầu” (Mt 25: 31). Tuy nhiên, thánh Phao-lô vừa mới gợi lên sự thánh thiện của các tín hữu, vì thế, không thể không nghĩ rằng thánh nhân liên kết sự hiện diện của những người được tuyển chọn với sự hiện diện của các thiên sứ.

4. Trong ngày của Đức Giê-su:
Đoạn văn này chỉ trích dẫn lời mào đầu của phần thứ hai thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (4: 1-2). Trong lời mào đầu này, thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu hãy kiên vững và thăng tiến trên con đường thánh thiện. Thánh nhân nhắc nhớ giáo huấn của ngài, khi xác định ngài đã truyền đạt cho họ những chỉ thị mà ngài “đã lấy quyền Chúa Giê-su”. Thánh nhân sẽ luôn luôn tự giới thiệu mình chỉ là người trung gian, sứ giả phàm nhân của lời Thiên Chúa.

Mặt khác, thật đáng chú ý là, ngay từ bản văn đầu tiên của thánh Phao-lô, xuất hiện biểu thức thường được lập đi lập lại dưới ngòi bút của thánh nhân, biểu thức then chốt phản ảnh hồn tông đồ cũng như cuộc sống nội tâm của thánh nhân: “Nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em”. Xa hơn một chút, thánh nhân lập lại đến hai lần “Nhân danh Chúa Giê-su” (5: 12, 18). Phải sống, hành động, suy nghĩ, cầu nguyện “nhân danh Chúa Ki-tô”. Đây là cách thức duy nhất “làm vui lòng Thiên Chúa”.

TIN MỪNG (Lc 21: 25-28, 34-36)
 Năm Phụng Vụ khởi đầu và kết thúc trên viễn cảnh Đức Giê-su trở lại vào ngày tận thế để thiết lập Triều Đại của Ngài một cách vĩnh viễn và tôn vinh các thánh. Như vậy, vào Chúa Nhật trước, trong ngày lễ Chúa Giê-su Vua kết thúc năm Phụng Vụ theo chu kỳ Năm B, chúng ta đã cử hành vương quyền hoàn vũ của Đức Giê-su. Vào Chúa Nhật I Mùa Vọng này theo chu kỳ là Năm C, chúng ta lấy lại sự gợi ý tương tự, nhưng trong viễn cảnh Giáng Sinh. Đức Giê-su đã trở thành phàm nhân và đã hội nhập vào trong cuộc sống nhân loại để hướng dẫn nhân loại đến vận mệnh siêu nhiên của Ngài; Ngài sẽ hoàn thành công trình của mình vào ngày Quang lâm. Tương ứng với việc Chúa đến lần thứ nhất trong sự yếu đuối và khiêm hạ của biến cố Bê-lem lại là việc Chúa đến lần thứ hai trong quyền năng và sự cao cả của việc “Con Người ngự đến”.

1. Bối cảnh:
Cũng như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca đặt bài diễn từ về ngày Quang Lâm của Đức Giê-su vào giáo huấn sau cùng của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, không bao lâu trước cuộc Thương Khó của Ngài. Chúng ta đọc phần cuối của bài diễn từ này.

Trong cả ba Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giê-su công bố bài diễn từ này vào dịp Ngài rao giảng về sự sụp đổ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21: 6). Viễn cảnh này làm xao xuyến các môn đệ đến độ các ông liên kết nó với viễn cảnh ngày tận thế. Về phần mình, thánh Lu-ca cẩn trọng ghi nhận giữa hai biến cố này có một thời kỳ trung gian, “thời kỳ dân ngoại” ở 22: 24 ngay trước đoạn trích này: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại”.

Theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, Đức Giê-su công bố diễn từ này trên núi Ô-liu, khi ngỏ lời với các môn đệ, hay chỉ một nhóm nhỏ. Thánh Lu-ca định vị nó vào ở trung tâm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi mà việc sụp đổ sắp xảy ra (thành thánh Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ luôn luôn là trọng tâm của những viễn cảnh sách Tin Mừng Lu-ca). Bên kia các môn đệ, Đức Giê-su ngỏ lời với đám đông; như vậy thành thánh Giê-ru-sa-lem nghe công bố ngày Quang Lâm của Đấng mà nó sẵn sàng giết chết. 

2. Truyền Thống Kinh Thánh:
Trong Kinh Thánh, những điềm báo về việc Thiên Chúa can thiệp dứt khoát trong lịch sử, đề tài này xuất hiện rất sớm, chẳng hạn như Đức Chúa gieo rắc sự kinh hoàng tại đất Ai-cập trước khi giải phóng dân Ngài (Xh 7: 14-11: 8). Đức Giê-su loan báo ngày tận thế theo cùng tiến trình: “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc”, trong khi những người công chính “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.

Những điềm trời thường được các ngôn sứ sử dụng để loan báo những án phạt của Thiên Chúa trên các dân ngoại áp bức dân Ít-ra-en, cũng như trên chính dân Chúa chọn khi dân bất trung như Is 13: 10: “Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn tỏa sáng”.

Khởi đi từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, các sách khải huyền phóng đại những mô tả này bằng những cảnh tượng huyền hoặc được gợi hứng từ Phương Đông (điều này đã để lại dấu vết trên sách Khải Huyền của thánh Gioan). Thể loại văn chương này đưa vào trong Do thái giáo một trào lưu suy luận rộng lớn về “thế giới tương lai”“kỷ nguyên cánh chung”. Vào thời Đức Giê-su, người ta rất quan tâm đến vấn đề này; chúng ta cũng có thể nói rằng vào lúc đó nhiều thế hệ đã sống trong niềm mong đợi ngày tận thế. Nhiều người Ki-tô hữu gốc Do thái sống trong niềm mong đợi ngày Quang Lâm của Đức Kitô.

3. Con Người ngự đến:
Thánh Lu-ca gợi lên những hình ảnh truyền thống và quy ước về những xáo động trên đất và biển như khúc dạo đầu “Ngày của Chúa”, vì những hình ảnh nầy diễn tả những vùng vẫy sau cùng của những quyền lực sự ác trước khi chúng bị tiêu diệt; nhưng thánh sử không chú tâm đến những hình ảnh này; ông ngỏ lời với quần chúng ít quen thuộc với thể loại văn chương khải huyền Do thái. Tất cả từ vựng này được sử dụng cốt nhấn mạnh quyền tối thượng của Đấng “ngự trong đám mây mà đến”.

Đức Giê-su đã loan báo nhiều lần rồi cho các môn đệ về cuộc trở lại đầy quyền năng và vinh quang của Ngài dưới danh hiệu Con Người; ở đây Ngài đặt danh hiệu này vào trong bối cảnh gốc của nó hầu như theo sát nguyên văn, thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7: 13). Do đó, danh hiệu mà Đức Giê-su tự nhận cho mình được khám phá với tất cả trương độ ý nghĩa của nó. Trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, Con Người là thủ lãnh “dân thánh của Đấng Tối Cao”. Với tư cách là Con Người, Đức Giê-su mang lấy vận mệnh nhân loại. Vinh quang của Ngài cũng sẽ là tôn vinh tất cả những ai đã tin vào Ngài.

4. Bức tranh bộ đôi:
Thánh Lu-ca đặc biệt nhạy bén trước chiều kích con người về tấn thảm kịch sau cùng; thánh sử đặt hai bức tranh đối lập với nhau: bức tranh về quân vô đạo (chư dân) “sợ đến hồn xiêu phách lạc” và bức tranh về các tín hữu phát hiện giờ mình được cứu độ, giờ mình được giải thoát. Nói cách chính xác, nếu thánh ký không mô tả cuộc quy tụ của những người được tuyển chọn, thì những từ ngữ ông sử dụng có một âm vang rất ý nghĩa: “đứng thẳng”, “ngẩng đầu lên”, diễn tả tư thế của những người được sống lại.

5. Biến cố bất ngờ:
Đức Giê-su không bác bỏ những hình ảnh của văn chương khải huyền; nhưng Ngài đề nghị mô tả Triều Đại của Ngài theo một cách thức khác, khi dựa trên một truyền thống phổ biến: Ngày Quang Lâm của Ngài xảy đến bất ngờ không có dấu hiệu nào báo trước; nó thình lình giáng xuống địa cầu. Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đã gợi lên viễn cảnh này rồi ở nơi các dụ ngôn kêu gọi sự tỉnh thức của Ngài: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng , vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12: 40) và ở nơi việc Ngài so sánh Triều Đại của Ngài với trận đại hồng thủy xảy đến bất ngờ: “Vì ánh chớp lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng là như vậy trong ngày của Người” (Lc 17: 20).

Ở đây, Đức Giê-su sử dụng hình ảnh “chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu” mà ngôn sứ I-sai-a đã dùng: “Nào kinh hoàng, nào hố sâu, nào dò lưới đang chờ đợi ngươi, hỡi cư dân trái đất” (Is 24: 17). Khi căn dặn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng theo truyền thống như vậy: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5: 2), điều nầy không loại trừ thời kỳ gian nan khốn khó sau cùng: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2Pr 3: 10).

6. Tỉnh thức và cầu nguyện:
Đức Giê-su đặt hai truyền thống này bên cạnh nhau: một truyền thống đặt dấu nhấn trên chiều kích hoàn vũ của biến cố, còn truyền thống kia – không loại trừ chiều kích hoàn vũ này – nhấn mạnh sự gặp gỡ thân tình của mỗi cá nhân với Chúa. Từ đó, Đức Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Thánh Lu-ca không bao giờ quên tầm quan trọng của việc cầu nguyện; thánh nhân là thánh sử thường hằng ghi nhận tầm quan trọng quan trọng của lời cầu nguyện trong cuộc đời của Đức Giê-su: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, đây là lời căn dặn sau cùng của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài; Ngài sẽ lập lại vài giờ sau này ở vườn Ô-liu…

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông