CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
- Thứ hai - 02/03/2020 19:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong cả chu trình ba năm phụng vụ, Chúa Nhật II Mùa Chay đều tường thuật biến cố Biến Hình. Biến cố nầy nhắc người Ki-tô hữu nhớ rằng trong thời gian Mùa Chay họ không chỉ được dự phần vào mầu nhiệm Thương Khó và Tử Nạn, nhưng cũng vào mầu nhiệm Phục Sinh vinh quang của Đức Giê-su.
St 12: 1-4a
Bài Đọc I, trích từ sách Sáng Thế, thuật lại ơn gọi của tổ phụ Áp-ra-ham. Vâng theo tiếng gọi mầu nhiệm, ông Áp-ra-ham rời bỏ quê hương và gia tộc của mình để đi đến một vùng đất xa lạ. Ông gắn bó với một Thiên Chúa duy nhất, Đấng ông đã đón nhận Lời Hứa tuyệt vời của Ngài, như thư gởi tín hữu Do thái viết: “Vì thế, do một con người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11: 12).
2Tm 1: 8b-10
Viết cho ông Ti-mô-thê, người môn đệ thân yêu của mình đang trải qua thời gian thử thách, thánh Phao-lô nhắc nhớ hiệu quả tâm linh của đau khổ, vì chỉ có đau khổ mới đảm bảo cho công cuộc loan báo Tin Mừng được sinh hoa kết quả và dẫn chúng ta đến cuộc sống bất tử.
Mt 17: 1-9
Tin Mừng trình thuật cuộc Biến Hình theo thánh Mát-thêu. Biến cố nầy được đặt vào trong bối cảnh Đức Giê-su loan báo lần đầu tiên về cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài (Mt 16: 21-23). Lời loan báo nầy đã khiến cho các môn đệ bàng hoàng. Vì thế, như một cách thức giải tỏa sự kỳ chướng của thập giá, Đức Giê-su đã đem ba môn đệ lên núi cao, ở đó Ngài cho các ông thoáng thấy trước vinh quang Phục Sinh của Ngài, qua đó Ngài đảm bảo với các ông rằng Thương Khó và Tử Nạn là con đường cứu độ mà Ngài phải đi qua, nhưng đây không là một ngõ cụt mà khai mào cho cuộc Phục Sinh vinh quang.
BÀI ĐỌC I (St 12 : 1-4a)
Sách Sáng Thế được chia thành hai phần: phần thứ nhất (1: 1-11: 26) trình thuật nguồn gốc nhân loại và phần thứ hai (11: 27-50: 26) trình thuật nguồn gốc dân Ít-ra-en qua các Tổ Phụ của họ. Bài Đọc I, trích từ đoạn đầu của phần thứ hai sách Sáng Thế, bao gồm ơn gọi, lời hứa và lời chúc phúc.
1. Ơn gọi (St 12: 1):
Lời mở đầu của Bài Đọc 1: “Khi ấy, Chúa phán với ông Áp-ra-ham: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi’” (12 : 1), quy chiếu đến những sự kiện trước đó (11 : 27-32). Quê quán của ông Te-ra, cha của ông Áp-ra-ham, là thành Ua, một thành phố lớn ở Hạ Lưỡng Hà Địa. Thành Ua là một trong những chiếc nôi của nền văn minh Su-me rực rỡ. Một ngày kia, ông Te-ra quyết định rời bỏ thành Ua cùng với gia tộc của mình “để đi tới đất Ca-na-an” (St 11: 31). Nhưng ông Te-ra cùng gia tộc của mình định cư lập nghiệp ở Kha-ran phía bắc miền Lưỡng Hà Địa và ở đó ông qua đời (11 : 32).
A - Cuộc hành trình đức tin:
Phải chăng khi rời bỏ Kha-ran để đi tới đất Ca-na-an, ông Áp-ra-ham, người con trưởng của ông Te-ra, muốn tiếp tục thực hiện ước nguyện của cha mình? hay vâng theo một sự thôi thúc nội tâm? Thật khó xác định rõ ràng. Dù thế nào, truyền thống luôn luôn gìn giữ ký ức sống động về cuộc hành trình tâm linh của ông Áp-ra-ham. Đó là một đề tài gây kinh ngạc vì nhiều lẽ.
Trước hết, vị tổ phụ gắn bó mật thiết với một Thiên Chúa độc nhất khi loại bỏ các vị thần linh khác của tôn giáo cha ông. Đây là một kinh nghiệm mầu nhiệm đặc biệt, biến cố trọng đại, khởi điểm của ơn tuyển chọn Ít-ra-en. Thứ nữa, khi gọi ông Áp-ra-ham ra đi, Thiên Chúa đòi hỏi ông thực hiện một hành vi đức tin: cắt đứt mọi mối dây liên hệ với quê hương, bà con thân thuộc và nhà cha của mình để đi đến một miền đất chưa được xác định:“đến đất mà Ta sẽ chỉ cho người” (12 : 1). Hơn nữa, vào lúc đó, Thiên Chúa chưa hứa với ông: “đến đất mà Ta sẽ ban cho ngươi” hay “đến đất mà hậu duệ người sẽ sở hữu”. Ông Áp-ra-ham chấp nhận vâng lời bằng hành vi tin tưởng và phó thác: “Ông A-bra-ham ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông” (12 : 4).
B - Kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa:
Chính trong khi sống trong kiếp lang bạt từ Kha-ran đến Ai-cập, đoạn đến Khép-rôn mà tổ phụ Áp-bra-ham đã chia sẻ thân phận của biết bao người vào thời đó, vì những biến động lịch sử họ phải tha phương lang bạt khắp nơi. Tuy nhiên, chính cũng trong kiếp sống lang bạt đó mà ông Áp-ra-ham càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa của ông hơn, gắn bó với Thiên Chúa mật thiết hơn, Đấng hiện diện với ông trong cảnh đời vô định và cũng phán với ông qua những bất tất lịch sử. Dù ông Áp-ra-ham không thấy ngay tức khắc tất cả những thành quả của lời hứa, nhưng ông đặt để tương lai của mình vào trong niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa của ông.
Đây là khuôn mẫu các bài tường thuật về ơn gọi trong Cựu Ước. Khi nào Thiên Chúa gọi những lãnh tụ, sứ giả, ngôn sứ … , Ngài đòi hỏi họ một sự thoát ly, tiến về phía trước mà không nhớ tiếc quá khứ hay lưu luyến tình thân. Đức Giê-su cũng sẽ có một thái độ từ bỏ cách dứt khoát như thế và Ngài cũng đòi hỏi các môn đệ của Ngài cũng phải có một hành vi tin tưởng và phó thác như vậy, Ngài cũng đòi hỏi những người mà Ngài chữa lành về phương diện thể xác hay luân lý như vậy: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”, hay “Hãy đi, đức tin của con đã cứu con”, hoặc “hãy chỗi dậy và đi !”.
2. Lời hứa (St 12: 2):
Lời đầu tiên Thiên Chúa hứa với ông Áp-ra-ham: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn… Ta sẽ cho tên tuổi ngươi sẽ lẫy lừng…” (12 : 2), lời hứa này sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần xuyên suốt “truyện dài nhiều tập” của tổ phụ Áp-ra-ham (St 11 : 27-25 : 11).
Tuy nhiên, những gì Thiên Chúa hứa ban luôn luôn mâu thuẫn với thực trạng trước mắt. Thiên Chúa loan báo cho cụ già bảy mươi lăm tuổi không con nầy, lãnh tụ của một bộ tộc du mục nhỏ bé nầy, một tương lai huy hoàng rực rỡ hoàn toàn không tương xứng với những gì mà ông hiện có trong tầm tay: một kẻ không có gì bảo đảm cho tương lai (vợ ông, bà Xa-rai hiếm hoi, không con: St 11 : 30) được mời gọi lên đường đến một nơi chưa được xác định. Tuy nhiên, truyền thống Ít-ra-en luôn luôn xem tổ phụ Áp-ra-ham là cha của lời hứa. Chính vì lời hứa nầy mà ông sống. Quả thật, chính từ lời hứa này, ông sinh ra một dân mà Chúa đặc tuyển làm dân riêng của Ngài, một dân mà Thiên Chúa ưu ái cách đặc biệt.
3. Lời chúc phúc (12 : 3):
Lời chúc phúc của Thiên Chúa là dấu chỉ hữu hình cho thấy tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả tính hữu hiệu và nhắc nhớ ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa:
“Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành cho người;
ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12 : 3).
Lời chúc phúc không bị giới hạn vào con người Áp-ra-ham, nhưng mở ra những viễn cảnh còn rộng lớn hơn. Theo mạch văn của sách Sáng Thế, ông Áp-ra-ham được định vị trong hàng hậu duệ của ông Sêm, vì thế phân biệt với hậu duệ của ông Kham và ông Gia-phết. Tuy nhiên, lời chúc phúc mà ông Áp-ra-ham cưu mang và qua trung gian của ông, sẽ trải rộng đến hết mọi gia tộc trên mặt đất. Nếu Thiên Chúa đã tuyển chọn một người, một dân tộc, trong cái khung lịch sử để truyền đạt giao ước, lời hứa và lời chúc phúc, thì muôn dân tộc trên mặt đất, ngay từ nguyên khởi của lịch sử cứu độ, đã là những người thụ hưởng những ân phúc nầy rồi. Vì thế, lời chúc phúc nầy vốn hàm chứa chiều kích phổ quát của Ki-tô giáo rồi.
4. Viễn cảnh thần học:
Tác giả Gia-vít đã suy niệm sâu xa về địa vị ưu đẳng của con người và sự thất bại do tội lỗi gây ra (St 2: 4-19). Cũng chính tác giả đã nhắc nhớ huynh đệ tương tàn giữa hai anh em Ca-in và A-ben, lụt Hồng Thủy, tháp Ba-ben, nghĩa là nhân loại càng lúc càng lún sâu trong vũng lầy của sự ác và là đối tượng của những trừng phạt và những lời chúc dữ của Thiên Chúa.
A - Tổ phụ Áp-ra-ham là phản đề của nguyên tổ A-đam:
Vào lúc ông Áp-ra-ham vâng lệnh Thiên Chúa mà ra đi, có điều gì đó thay đổi trong lịch sử của nhân loại. Không gì ngoài những lời chúc phúc: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi… Ngươi sẽ là một mối phúc lành…”. Trong tất cả kỳ tích của vị tổ phụ này, tác giả nêu bật ông Áp-ra-ham như một phản đề của nguyên tổ A-đam. Nguyên tổ A-đam đã nghi ngờ và đã bất tuân, trái lại tổ phụ Áp-bra-ham là con người của niềm tin và tuân phục. Chính từ nguyên tổ A-đam mà sự ác xâm nhập vào nhân loại và kéo theo lời chúc dữ của Thiên Chúa. Khởi đi từ tổ phụ Áp-ra-ham, nhân loại được mời gọi sống niềm hy vọng. Chắc chắn, qua vị tổ phụ này, Thiên Chúa chọn cho mình một dân tộc, nhưng sự chọn lựa nầy, thay vì giới hạn ý định của Ngài, trái lại loan báo chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ: “Nhờ ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc lành”.
B - Tổ phụ Áp-ra-ham là cha của những người tin:
Tổ phụ Áp-ra-ham sống trên đất Ca-na-an như người du mục của Thiên Chúa và ông sẽ không ngừng là người du mục nầy, trong khi tìm kiếm một nơi thờ phượng: Xi-khem, Bê-then… Từ cuộc sống du mục của vị tổ phụ nầy, tác giả thư gởi tín hữu Do thái đã rút ra tầm mức tâm linh : “Nhờ đức tin, ông A-bra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như một nơi đất khách… vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng… Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11: 8-12).
BÀI ĐỌC II (2 Tm 1 : 8-10)
Thư thứ hai gởi ông Ti-mô-thê là bút tích cuối cùng của thánh Phao-lô. Lúc đó, thánh nhân đang bị giam cầm rất nghiêm ngặt ở Rô-ma: thánh nhân “phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2Tm 2 : 9). Thánh nhân biết rất rõ số phận đang chờ đợi ngài : “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4 : 6-8).
1. Ông Ti-mô-thê :
Ông Ti-mô-thê là người đồng sự thâm niên và rất trung thành của thánh Phao-lô. Thánh nhân đã nhận ông vào chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ngài khi ngài đến Lýt-ra, miền Tiểu Á vào năm 46 hay 47 (Cv 16 : 1-3).
Cha ông là người Hy lạp, còn mẹ ông là người Do thái đã theo Ki-tô giáo, ông Ti-mô-thê đã được mẹ ông là bà Êu-ni-kê và bà ngoại ông là bà cụ Lô-ít dạy Kinh Thánh lúc còn thơ ấu, vì thế ông đã có lòng tôn kính Kinh Thánh và có một vốn kiến thức sâu xa về Kinh Thánh, như thánh Phao-lô đã nhận định về lòng tin của ông: “Tôi hồi tưởng lại niềm tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (1Tm 1 : 5).
Thánh Phao-lô và ông Ti-mô-thê đã cộng tác với nhau vô cùng mật thiết đến mức sáu bức thư của thánh Phao-lô đều có ông Ti-mô-thê là người đồng gởi, trong đó có thể ông đã biên soạn vài đoạn. Thánh Phao-lô giao phó cho ông Ti-mô-thê trông coi cộng đoàn Ê-phê-xô để đảm bảo công việc loan báo Tin Mừng vẫn được tiếp tục, vì ông là người đáng tin cậy. Thánh Phao-lô cũng đã bổ nhiệm ông Ti-tô ở Crète như vậy. Vì thế, các thư gởi cho ông Ti-mô-thê và ông Ti-tô được gợi “Các Thư Mục Vụ”, vì trong những thư này, thánh Phao-lô đưa ra những huấn thị của mình cho những người kế nghiệp ngài.
2. Lý do của bức thư :
Vào lúc đó, cộng đoàn Ê-phê-xô gặp phải những khó khăn do những biện luận (thánh Phao-lô kể ra sau đó) dễ nẩy sinh lạc giáo. Khi phải đối mặt với những trào lưu tư tưởng, người tông đồ phải giữ vững một thái độ duy nhất là “loan báo Tin Mừng”. Trong đoạn trích dẫn ngắn này, thánh nhân lập lại hai lần diễn ngữ này. Thánh nhân khẩn khoản nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ rằng lời rao giảng của ông, dù thế nào đi nữa, đừng để bị ảnh hưởng bởi những học thuyết thịnh hành vào lúc đó. Tin Mừng không thể nào bị xuyên tạc bóp méo được.
3. Tính hiệu quả của sự đau khổ :
Để lời khích lệ mình có tác dụng, thánh nhân trước tiên nhắc nhở tính hiệu quả của sự đau khổ. Ông Ti-mô-thê chịu đau khổ. Thánh Phao-lô cũng chịu đau khổ trong xiềng xích. Thánh Phao-lô nói với người môn đệ thân yêu của mình : “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (1: 8). Nhờ đau khổ, lời rao giảng Tin Mừng được sinh hoa kết trái. Lời mời gọi nầy nhắc nhớ đến lời dạy của thánh nhân trong thư gởi tín hữu Cô-lô-xê : “Những gian nan thử thách Đức Giê-su còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1 : 24).
4. Ơn gọi tông đồ :
Tiếp đó, thánh nhân nhắc nhở ông Ti-mô-thê về sự cao cả của ơn gọi tông đồ, thuần túy ân sủng của Thiên Chúa, không có liên hệ gì với “công kia việc nọ chúng ta đã làm”. Những lời nầy âm vang Bài Đọc I về ơn gọi của tổ phụ Áp-ra-ham. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi khám phá ở đây một đạo lý về ơn cứu độ bởi đức tin, chứ không bởi công trạng. Chúng ta đang ở trong cùng một dòng tư tưởng. Chúng ta cảm nhận rằng đây là niềm xác tin mà thánh nhân đã sống: chính thánh nhân, xưa kia là một Biệt Phái tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật và là người nhiệt thành bách hại Ki-tô giáo, đã được Thiên Chúa chọn làm Tông Đồ của Ngài không do công trạng của mình, nhưng do “kế hoạch và ân sủng của Chúa”.
5. Sự chiến thắng của Đức Ki-tô Phục Sinh:
Sau cùng, thánh nhân khuyên ông Ti-mô-thê hãy vững tin vào những lời hứa ban “phúc trường sinh bất tử”, bao hàm cuộc khải hoàn phục sinh của Đức Ki-tô. Đó chính là sứ điệp mà ông phải loan báo. Kế hoạch này Thiên Chúa đã dự định từ muôn thuở được biểu lộ qua mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Đức Giê-su.
Trong những thư khác của thánh Phao-lô, chúng ta gặp thấy những diễn ngữ tương tự; chắc chắn trong đoạn trích nầy, nhờ mạch văn, những diễn ngữ nầy có mức độ chính xác hơn. Vì ở giữa những đe dọa lạc thuyết giữa lòng cộng đoàn Ê-phê-xô, có những quan niệm sai lạc về mầu nhiệm Phục Sinh. Thánh Phao-lô ra sức gìn giữ cho đến hơi thở cuối cùng làm thế nào sứ điệp Tin Mừng được thuần khiết.
Thư này không được gởi cho cộng đoàn như phần lớn các thư khác của thánh Phao-lô, nhưng cho một cá nhân đảm nhận một chức vụ đặc thù. Rõ ràng phải lưu ý đến điều nầy trong bản văn. Tuy nhiên, đoạn trích dẫn nầy mang lấy một tầm mức phổ quát hơn, vì lẽ nó có thể tách biệt ra khỏi mạch văn và có thể được hiểu như được gởi cho mọi người Ki-tô hữu. Mỗi người Ki-tô hữu là chứng nhân cho Đức Ki-tô và vì thế phải để cho mình bị chất vấn bởi lời căn dặn khẩn thiết của thánh Phao-lô trong đoạn thư nầy, như Karl Gatzweiler nhận định: “Không bản văn nào thích hợp cho việc nuôi dưỡng sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta hơn bản văn nầy. Nó quy chiếu chúng ta đến điều cốt yếu. Phải rao giảng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng tỏ mình ra là vị Thiên Chúa cứu độ. Phải loan báo Tin Mừng về sự Phục Sinh của Ngài, Đấng chiến thắng sự chết và mở lối vào cuộc sống thần linh. Ngoài ra, bản văn nầy nhắc nhở cho mọi người Ki-tô hữu ơn gọi làm chứng nhân của họ, họ phải thực thi vai trò chứng nhân của mình không chút ngần ngại, với lòng can đảm và lạc quan, bất chấp những khó khăn. Vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (“Parole sur le chemin”, tr. 52).
TIN MỪNG (Mt 17 : 1-9)
Bài trình thuật về biến cố Biến Hình là một trong những bài trình thuật Tin Mừng chất nặng mầu nhiệm nhất, nhưng cũng là một trong những bài trình thuật phong phú nhất về giáo huấn. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật biến cố nầy và đều đặt vào trong bối cảnh vài ngày sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô và lời công bố đầu tiên về cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su. Trước đó, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ Ngài : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Thánh Phê-rô đáp : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16: 15-16). Nghĩ rằng thời điểm đã đến để mặc khải Ngài là Đấng Mê-si-a như thế nào, Đức Giê-su loan báo cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Thánh Phê-rô không thể nào dung hòa được một viễn cảnh như thế với lời khẳng định mà ông vừa mới tuyên xưng, vì thế ông đã ngăn cản Ngài. Biến cố Biến Hình mang đến một câu trả lời.
1. Thời điểm, nhân vật và nơi chốn:
Bài trình thuật bắt đầu với thời điểm: “Sáu ngày sau”, diễn ngữ thời gian này, xét về phương diện văn chương, đóng vai trò chuyển tiếp vừa để giới thiệu bài trình thuật tiếp theo sau, nhưng đồng thời cũng để nối kết với bài trình thuật đi trước. Thời điểm “Sáu ngày sau” nghĩa là sáu ngày sau khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16: 16).
Bài trình thuật đi trước kết thúc với một lời nói bí nhiệm của Đức Giê-su: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16: 28), trong khi bài trình thuật Biến Hình bắt đầu với việc kể ra ba nhân vật được diễm phúc chứng kiến cuộc Biến Hình này: “Đức Giê-su đem ông Phê-rô, cùng hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đi riêng với mình lên một ngọn núi cao”. Vì thế, đa số các Giáo Phụ và các nhà chú giải nhận thấy rằng câu nói bí nhiệm nầy loan báo trực tiếp đến biến cố Biến Hình, đặc biệt kiểu nói: “trong số người có mặt ở đây”, có thể nhắm đến ba môn đệ được tuyển chọn làm chứng nhân cho biến cố Biến Hình nầy. Ngoài ra, thời điểm “Sáu ngày sau” và nơi chốn “một ngọn núi cao” xem ra quy chiếu đến Xh 24: 16: “Vinh quang Đức Chúa ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Mô-sê”. Chính ở trên núi cao nơi tách biệt nầy mà Đức Giê-su, Mô-sê mới, Đấng giải phóng dân Ngài, dẫn ba môn đệ được tuyển chọn, những người mà sau nầy cũng sẽ được chứng kiến lời cầu nguyện tha thiết của Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu (Mt 26: 37).
Trong khi thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu đều xác định biến cố Biến Hình xảy ra “sáu ngày sau” lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô (Mc 9: 2; Mt 17: 1), thì thánh Lu-ca lại xác định “khoảng tám ngày sau” (Lc 9: 28), tức là ngày thứ nhất sau ngày sa-bát, ngày các truyền thống Tin Mừng tưởng niệm ngày Phục Sinh của Đức Giê-su. Tuy các Tin Mừng Nhất Lãm đưa ra thời điểm có khác nhau, nhưng cả ba đều có chung quan điểm thần học như lời nhận định của cha Guillemette: “Xét theo văn mạch, thì cuộc biến hình có mục đích cho các môn đệ ưu ái thấy trước Vinh quang của ngày sau hết, vinh quang nay đang tập trung trong con người của Đức Giê-su đang sống thường ngày với họ. Thiên Chúa phán với các môn đệ đầy sợ hãi rằng họ phải vâng lời đi theo Đức Giê-su trên đường dẫn tới Giê-su-sa-lem, tiến đến vinh quang qua thập giá” (“L’Evangile de Matthew”, 195).
Tại sao Đức Giê-su phải nhọc công leo lên ngọn núi cao, đến nơi đồi núi hoang vắng nầy ? Thánh Lu-ca vén mở cho chúng ta câu trả lời: “Người lên núi để cầu nguyện”. (Lc 9 : 29). Theo truyền thống Cựu ước, “núi” là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa bày tỏ mình ra. Vì thế, sự kiện núi không được nêu tên không phải là không có chủ ý, bởi vì “ngọn núi cao” không thuộc trật tự địa lý nhưng tâm linh. Trong vài giây phút nữa, ngọn núi nầy sẽ mang dáng dấp của núi Xi-nai, nơi các môn đệ chứng kiến cuộc biến hình vinh hiển của Đức Giê-su và cuộc Thần Hiển.
2 - Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Ngài:
Thánh Mát-thêu mô tả cuộc biến đổi hình dạng của Đức Giê-su thành một con người rạng ngời vinh hiển: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”, còn thánh Lu-ca thì mô tả sự biến đổi hình dạng nầy trong mối tương quan tăng dần của lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su thân thưa với Cha của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bổng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9: 29). Biến cố Biến Hình nầy mặc khải rằng con người xác thịt của Ngài được liên kết với chính Hữu Thể Thiên Chúa, có nghĩa, kể từ đây, cái chết không có quyền gì trên thân xác của Ngài; theo một cách nào đó, biến cố Biến Hình là tham dự trước cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.
3 - Sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Ê-li-a:
Chính trên một ngọn núi Xi-nai (còn gọi là Khô-rếp), ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã lần lượt gặp gỡ Thiên Chúa. Cũng trên ngọn núi Biến Hình nầy, “ba môn đệ thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người”. Sự hiện diện của hai nhân vật này là một bảo chứng tuyệt vời cho tước vị Mê-si-a của Đức Giê-su, bởi vì cả hai ông được xem như báo trước Đấng Mê-si-a: ông Mô-sê đã báo trước rằng một vị ngôn sứ vĩ đại sẽ đến, lời của Đấng ấy sẽ là lời của chính Thiên Chúa (Đnl 18 : 18); còn ông Ê-li-a, theo truyền thống, phải trở lại để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a ngự đến.
Hơn nữa, hai nhân vật nầy hiện diện bên cạnh Đức Giê-su vinh hiển, không chỉ như biểu tượng của Lề Luật và Ngôn Sứ, nhưng cũng như những người trung gian tuyệt mức của Giao-Ước. Như vậy, họ đại diện khởi đầu và chung cuộc của Lịch Sử Cứu Độ được hoàn thành nơi Đức Giê-su. Vì thế, biến cố Biến Hình nhấn mạnh mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Bài trình thuật của thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng hai ông Mô-sê và ông Ê-li-a đàm đạo với Đức Giê-su về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9 : 31). Thuật ngữ “xuất hành” nhắc nhớ đến cuộc hành trình gian khổ nhất của dân Ít-ra-en: ra khỏi đất Ai-cập và lang thang trong hoang địa. Cuộc hành trình ấy đòi hỏi dân Thiên Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng dẫn họ đến miền Đất Hứa. Với một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng dấn thân vào một cuộc hành trình gian khổ nhất, một cuộc hành trình đến thập giá, nhưng cũng là cuộc hành trình đến vinh quang. Biến cố Biến Hình đem lại một sự nâng đỡ tâm lý và tinh thần quan trọng nhất mà Đức Giê-su đã nhận được trong suốt sứ vụ của Ngài. Trong kiếp sống phàm nhân trên con đường tiến về cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, Chúa Giê-su được Chúa Cha an ủi cách đặc biệt bằng biến Cố Biến Hình. Qua biến cố Biến Hình, Đức Giê-su được đảm bảo rằng con đường đau khổ mà Ngài sắp trải qua, sẽ dẫn Ngài đến vinh quang, vinh quang mà Ngài đã sở hữu trước khi Nhập Thể, vinh quang nầy Ngài lấy lại trong một khoảng khắc thoáng qua của cuộc Biến Hình.
4. Ba nhân chứng :
Chỉ có ba môn đệ: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, được diễm phúc chứng biến cuộc Biến Hình. Trước đây, chính ba môn đệ nầy được Đức Giê-su cho phép chứng kiến việc Ngài phục sinh con gái ông Gia-ia (Mc 5 : 37), và sau này cũng chính ba môn đệ nầy được Đức Giê-su dẫn theo với Ngài vào trong vườn Cây Dầu ở đó họ sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Ngài (Mt 26 : 37). Trước đây, trong việc Phục Sinh con gái của ông Gia-ia, ba môn đệ nầy chứng kiến quyền năng của Ngài trên sự chết (Mc 5 : 37), còn nay trong cuộc Biến Hình vinh hiển nầy, họ nghe Chúa Cha chứng nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17 : 5), để rồi sau nầy trong cuộc Khổ Nạn của Ngài, họ có đủ nghị lực chịu đựng và tin tưởng khi thấy Thầy mình phải chịu nhục mạ, khổ hình.
Việc thánh Phê-rô có mặt trong biến cố Biến Hình rất quan trọng, bởi vì ông gặp thấy ở đây sự cũng cố cho lời tuyên xưng trực giác của ông ở Xê-da-rê : “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16 : 16). Mặt khác, ông chứng kiến một Đức Giê-su vinh hiển thay thế cho hình ảnh về một Đấng Ki-tô chịu đau khổ mà theo quan điểm của ông, ông không thể nào chấp nhận được. Sau này, vị lãnh tụ của các Tông Đồ sẽ đảm nhận một công việc khó khăn là rao giảng một Đức Ki-tô bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, còn lúc nầy thánh nhân chiêm ngưỡng Đức Giê-su vinh hiển ở giữa hai nhân vật nổi tiếng nhất của lịch sử Ít-ra-en. Vì thế, cuộc Biến Hình là phản đề của đồi Sọ. Như vậy, niềm tin, trên đó tất cả niềm tin của Giáo Hội dựa vào, được đặt nền móng ở nơi biến cố Biến Hình này.
Thánh Gio-an, người môn đệ trung thành, sẽ đi cho đến cùng và sẽ chiêm ngắm một thân xác bầm dập rách nát không còn hình tượng người của Đấng bị đóng đinh trên khổ giá, chính ông sẽ viết trong Tựa Ngôn Tin Mừng của mình:
“Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14).
Ẩn hiện sau Tựa Ngôn nầy là bức tranh về biến cố Biến Hình. Còn thánh Gia-cô-bê là vị Tông Đồ đầu tiên chết vì niềm tin của mình.
5 - Phản ứng của Phê-rô:
Trong chương nầy, như trong những chương trước đây, thánh Mát-thêu nêu bật nhân vật Phê-rô. Trước đây, chỉ mình thánh Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su ở Xê-da-rê, và chỉ một mình thánh nhân bày tỏ nổi bất bình khi Thầy mình loan báo cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh.
Trong câu chuyện Biến Hình nầy, thánh nhân cũng là người duy nhất phản ứng. Vốn bản tính nhiệt thành, bộc trực, nghĩ sao thì nói vậy, thánh Phê-rô muốn dừng thời gian và hoạt cảnh nầy lại khi đề nghị dựng ba lều: một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Khi phát biểu như vậy, thánh nhân không nghĩ gì đến mình và các bạn đồng môn của mình. Tuy nhiên, có thể thánh nhân liên tưởng đến lễ Lều, lễ tưởng niệm dân Ít-ra-en đã dựng lều trong hoang địa trước khi vào Đất Hứa: biểu tượng niềm mong đợi thời Thiên Sai.
Theo truyền thống Do thái, vào thời sau hết Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Ngài (Ed 37 :27 ; Hs 12 : 10) trong lều vinh quang của Ngài, còn dân chúng sẽ dựng lều quanh Đấng Ki-tô của họ (Ga 1 : 14) và các dấu lạ thời Xuất Hành sẽ tái diễn. Vì thế, qua phản ứng nầy, có thể trong tiềm thức, thánh Phê-rô chứng nhận rằng mình luôn luôn tin vào sự đăng quang vinh hiển của Đấng Ki-tô. Khi đề nghị dựng ba lều, ông nghĩ rằng thời sau hết đã đến và cho rằng đã đến lúc thiết lập thiên đàng ở trên mặt đất ngỏ hầu cuộc Thần Hiển trong một ngày sẽ kéo dài mãi mãi.
6. Cuộc Thần Hiển :
“Ông Phê-rô còn đang nói, chợt có một đám mây sáng ngời bay đến phủ bóng trên các ông”. Trong Cựu Ước, đám mây sáng ngời vừa bày tỏ nhưng đồng thời phủ che sự hiện diện hữu hình nhưng siêu việt của Thiên Chúa trước mắt phàm nhân (Xh 40 : 34-35 ; 1V 8 : 10-12 ; Ed 10 : 3-4 ; Tv 18 : 12). Một giọng nói vang lên như vào ngày Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gio-an Tẩy giả, tuy nhiên ở đây không còn là “các tầng trời mở ra và Thần Khí ngự xuống trên Người”, nhưng “dung mạo Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” với lời công bố tước vị “Con Thiên Chúa” của Đức Giê-su. Lời công bố này không chỉ nhấn mạnh đặc tuyển, nhưng cũng nhắm đến tầm quan trọng của sứ điệp : “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Huấn lệnh nầy xem ra nhắc nhớ lời hứa của Đức Chúa với dân Ngài qua ông Mô-sê: từ giữa họ, Ngài sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ như Mô-sê, Ngài sẽ đặt lời Ngài trên môi miệng của Đấng ấy, vì thế “Các ngươi hãy nghe vị ấy” (Đnl 18 : 15). Như vậy, Đức Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa.
Phải lưu ý rằng đám mây bao phủ ba vị Tông Đồ, như vậy hiệp nhất họ với Đức Giê-su, liên kết họ làm một với mầu nhiệm của Ngài, trong mặc khải kín nhiệm mà họ không được hé lộ ra cho bất cứ ai trước khi Ngài sống lại (17 : 9). Nói cho cùng, chỉ trong ánh sáng Phục Sinh của Đức Giê-su, các ông mới có thể hiểu được những gì các ông đã chứng kiến trong cuộc Biến Hình này. Khi đám mây biến mất, các Tông Đồ không còn thấy ai ngoài chỉ một mình Đức Giê-su. Từ đây, Đức Giê-su hiện thân cho Lề Luật và Các Ngôn Sứ.
7. “Chỗi dậy đi”:
Trước đây, các ông đã nghe lệnh truyền nầy vào lúc Ngài phục sinh con gái của ông Gia-ia, lúc này Đức Giê-su cũng lập lại lệnh truyền này với các ông: “Chỗi dậy đi !”, đó cũng là lời căn dặn được ngỏ với các ông: “Đừng nói cho ai hay điều anh em vừa thấy, cho đến khi Con Người chỗi dậy từ cõi chết”. Vào lúc nầy, các ông không thể nào nắm bắt được ý nghĩa của lời căn dặn nầy. Sau nầy, các ông sẽ nhớ lại và hiểu tại sao Đức Giê-su đã cho họ chứng kiến cuộc phục sinh con gái của ông Gia-ia và cuộc Biến Hình của Ngài. Họ sẽ công bố mối liên hệ giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Biến Hình. Thánh Gioan, một trong ba nhân chứng này, sẽ diễn tả rõ ràng: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3 : 2). Thánh Phao-lô cũng viết : “Đức Giê-su sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta để nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3 : 21).