CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
Lời Chúa: St 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18; Rm 8: 31b-34; Mc 9: 2-10

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay năm B nhấn mạnh một chủ đề duy nhất: “Con Một”.

St 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18
Bài Đọc I kể cho chúng ta tổ phụ Áp-ra-ham đã sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa, I-xa-ác, “đứa con một” mà ông hết lòng yêu mến.

Rm 8: 31b-34
Bài Đọc II, trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma, gợi lên tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại quá lớn “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp  vì hết thảy chúng ta”.

Mc 9: 2-10
Tin Mừng Mác-cô kể cho chúng ta cuộc Biến Hình, trong đó Chúa Cha công bố: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Ấy vậy, cuộc Biến Hình xảy ra chỉ sau vài ngày trước lời loan báo đầu tiên của Đức Giê-su về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, nghĩa là “Con Một” chịu chết vì hết thảy chúng ta.

BÀI ĐỌC I (St 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18)
Trong khuôn khổ hạn định của Phụng Vụ, chuyện tích nổi tiếng nầy không được trích dẫn toàn bộ vì độ dài của nó. Dù chuyện tích nầy nổi tiếng mấy đi nữa, nó cũng để lại cho chúng ta một ấn tượng bất ổn vì cách hành xử của Thiên Chúa làm chúng ta khó chịu. Làm thế nào một vị Thiên Chúa tốt lành, đầy lòng yêu thương, lại có thể thử thách một người công chính đến tận mức như vậy. Cho dù ngay từ đầu câu chuyện, người kể chuyện nói trước “đây chỉ là một cuộc thử thách”, nghĩa là sự việc không thực sự xảy ra, cũng không làm cho chúng ta khỏi hoang mang.

1. Lịch sử hình thành chuyện tích hiện nay:
Tuy nhiên, lịch sử hình thành câu chuyện soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của câu chuyện và xua tan những xao xuyến của chúng ta. Các nhà chú giải mời gọi chúng ta phải phân biệt hai giai đoạn khác nhau trong việc hình thành chuyện tích nầy:

-Chuyện tích nguyên tác đã bị thất truyền, nhưng ý nghĩa của nó thì rõ ràng: ngay từ nguồn gốc, có một sự đối lập giữa tôn giáo của dân Do thái và tôn giáo của dân Ca-na-an về việc hiến tế con cái cho thần linh.

-Câu chuyện mà chúng ta đọc xuất hiện sau nầy, được soạn thảo mười một thế kỷ sau đó. Chuyện tích này được đưa vào trong tập truyện của vị tổ phụ Áp-ra-ham để bày tỏ một ý hướng khác với ý hướng của câu chuyện nguyên thủy: câu chuyện sau nầy là một thần học về sự thử thách, đồng thời loan báo một sứ điệp chan chứa hy vọng. Ở bên kia nhân vật I-xa-ác, ẩn hiện “dân Chúa chọn”, bị đe dọa diệt vong (nhất là vương quốc Ít-ra-en miền Bắc). Chính trong bối cảnh bi thảm đó, sứ điệp vang lên: phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài không thể khoanh tay đứng nhìn dân mà Ngài gọi “con đầu lòng của Ngài” (Xh 4: 22-23) phải bị họa diệt vong.

2. Tôn giáo của dân Ca-na-an:
Tổ phụ Áp-ra-ham đến đất Ca-na-an có lẽ vào khoảng 1850 trước Công Nguyên. Ông đến từ miền Lưỡng Hà Địa thuộc nền văn hóa Su-me. Thành Ua của người Can-đê, quê hương của ông, đã là một thành phố rực rỡ nền văn minh Su-me. Nhưng Áp-ra-ham không là người Su-me, nhưng là người Sê-mít. Ông di dân đến sống với những người Sê-mít, được gọi chung là người Ca-na-an. Ông khám phá nhiều dị biệt không chỉ về văn hóa nhưng cũng về phụng tự nữa: như việc dân Ca-na-an thực hành việc hiến tế gia súc cũng như con cái cho các thần linh mà dân Su-me lại không hề biết đến.

Ngay cả Kinh Thánh cũng cung cấp vài chứng liệu về việc hiến tế con cái của mình trong hai trường hợp: vào những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, nguy hiểm, nguy cơ thất trận để xin thần linh cho tai qua nạn khỏi, hay vào lúc cử hành lễ đặt móng để xin thần linh cho công việc xây cất được hoàn thành. Trong trường hợp thứ nhất, nạn nhân được chọn phải là con người đắt giá nhất, thân thiết nhất như vua Mô-áp, khi thấy cuộc chiến ác liệt, không cầm cự nổi, “liền bắt con đầu lòng, là người có quyền lên ngôi kế vị, mà tế trên tường thành làm lễ vật toàn thiêu” (2V 3: 27). Vua A-khát cai trị miền Giu-đa, mất niềm tin vào Đức Chúa, trước hoàn cảnh tuyệt vọng vì bị quân thù công hãm Giê-ru-sa-lem, “làm lễ thiêu con trai mình” (2V 16: 3). Một thế kỷ sau đó, vua Mơ-na-se cũng làm tương tự (2V 21: 6). Trong trường hợp thứ hai, sách Các Vua quyển thứ nhất tường thuật: “Ông Khi-ên, người Bết Ên, xây cất lại Giê-ri-khô, nhưng ông đã phải mất người con đầu lòng là A-vi-ram, khi đặt nền, và mất đứa con út là Xơ-gúp, khi dựng cửa” (1V 16: 34).

Phải chăng khi có ý định hiến tế I-sa-ác, ông Áp-ra-ham muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình đối với Thiên Chúa của mình chẳng thua kém gì dân Ca-na-an đối với các thần linh của họ?

3. Tôn giáo của dân Ít-ra-en:
Tuy nhiên, dù việc hiến tế các con trai đầu lòng của mình mang phẩm chất cao quý đến mấy đi nữa, tôn giáo Ít-ra-en luôn luôn ghê tởm những hành vi man rợ như thế. Luật Mô-sê nói rất rõ: “Ngươi phải nhường lại cho Đức Chúa mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về Thiên Chúa… Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại (Xh 13: 11-13).

Vào thế kỷ thứ mười và thứ tám trước Công Nguyên, những văn kiện và những truyền thống liên quan đến các tổ phụ được tập hợp lại và soạn thảo. Từ lâu, chuyện tích hiến tế I-xa-ác minh chứng quyết định của luật Mô-sê: I-xa-ác được chuộc lại bởi hy tế của “con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây” (St 22: 13). Trong câu chuyện nầy, chân dung của tổ phụ Áp-ra-ham được phát họa như một con người có tấm lòng quảng đại và một con người có niềm tin kiên vững.

A. Một con người có tấm lòng quảng đại:
Ông Áp-ra-ham thường hằng bày tỏ tấm lòng quảng đại. Ông Áp-ra-ham để ông Lót, cháu của mình, chọn những cánh đồng màu mở nhất. Ông Áp-ra-ham biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm của mình. Ông Áp-ra ham đã cứu giúp vua Sơ-đom, nhưng từ chối mọi quà tặng mà vua đề nghị ban cho ông: “Dù một sợi chỉ, dù một quai dép, bất cứ cái gì của ông, tôi cũng không lấy” (St 14: 23). Ông Áp-ra-ham cũng hành xử với Thiên Chúa cùng một cách như vậy. Khi chấp nhận hiến tế đứa con một của mình, ông Áp-ra-ham dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa của mình.

B. Một con người có niềm tin kiên vững:
Việc hiến tế I-xa-ác được định vị ở cuối một loạt những thử thách trong đó vị tổ phụ đã bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa của mình rồi, bất chấp những vẻ bên ngoài khó mà tin được. Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời như cát dưới biển; ấy vậy thực tế, ông và vợ mình càng ngày càng già yếu đi mà không có một người con nối dõi tông đường. Thiên Chúa hứa ban cho ông tất cả đất đai mà ông thấy trước mắt; ấy vậy, ông chỉ là một khách kiều cư, lang thang phiêu bạt nay đây mai đó. Vị tổ phụ cũng giữ một thái độ tràn đầy niềm tin như vậy khi ông dẫn đứa con trai duy nhất của mình lên núi để hiến tế theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Cho dù ông không lý giải được lệnh truyền này nhưng ông vẫn tin là Thiên Chúa có một giải pháp, vì Ngài không thể nào mâu thuẩn với chính mình. Như vậy ông Áp-ra-ham đưa ra một khuôn mẫu đức tin, một đức tin dựa trên “lời Thiên Chúa” chứ không trên lý lẽ của người đời. Vì thế, ông Áp-ra-ham được cả ba tôn giáo: Do thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo, gọi là “Cha của những kẻ tin”.

Khi nhấn mạnh đức vâng phục của vị tổ phụ, một cách nào đó người kể chuyện muốn đặt ông Áp-ra-ham đối nghịch với nguyên tổ A-đam. Ông A-đam vì bất phục tùng đã đem đến những lời nguyền của Thiên Chúa trên nhân loại. Trái lại, ông Áp-ra-ham vì vâng phục đã đem đến những lời chúc phúc của Thiên Chúa trên muôn thế hệ.

Đáp lại niềm tin và sự vâng phục đến mức anh hùng của vị tổ phụ, Thiên Chúa làm mới lại mọi lời hứa mà Ngài đã hứa với ông trước đó. Hơn nữa, Thiên Chúa còn cam kết: “Ta lấy chính danh Ta mà thề”. Một cách nào đó, ông Áp-ra-ham trở thành một người bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa, chứng nhân về lời thề của Thiên Chúa, vì lời thề thì chắc chắn hơn một lời hứa.

4. Thần học về sự thử thách:
Tác giả sống vào khoảng năm 750 trước Công Nguyên trong vương quốc Ít-ra-en miền Bắc. Chẳng bao lâu sau vương quốc nầy bị tấn công và trở thành chư hầu của đế quốc Át-sua và cuối cùng bị tiêu diệt (721 trước Công Nguyên).

Để soi sáng cho những biến cố mà tác giả đã trải qua, ông đọc lại những chứng liệu lịch sử. Chẳng có gì quá đáng khi nói rằng ông đã thấy ở nơi cuộc hiến tế I-xa-ác một dấu chỉ cho thấy cách thức Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử thánh: những ý định của Ngài bên ngoài xem ra thất bại. Ông Áp-ra-ham luôn luôn hy vọng cho dù bên ngoài chẳng le lói một tia hy vọng nào. Ít-ra-en phải thấy ở nơi hành vi tròn đầy tin tưởng nầy nền tảng của việc mình được tuyển chọn và họ cũng phải thấy ở nơi việc Đức Chúa can thiệp để cứu I-xa-ác một sự đảm bảo rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những người con của Lời Hứa.

Khi ghi lại chuyện tích hiến tế I-xa-ác, tác giả muốn trả lời cho những thử thách mà những người đương thời của ông đã trải qua trong suốt những khủng hoảng lớn của thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên.

5. Khía cạnh ngôn sứ:
Hình ảnh người cha hiến tế đứa con một của mình, đứa con rất mực dấu yêu của mình, và hình ảnh người con mang trên vai mình bó củi sẽ được dùng để hiến tế chính mình, thật sự gợi lên một tấm thảm kịch khác, trong đó chính Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài để cứu độ nhân loại.

Khi ám chỉ đến hy tế của I-xa-ác, thánh Gioan áp dụng tước hiệu “Con Một” vào Đức Giê-su: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3: 16), và thánh Phao-lô đã phải thốt lên: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8: 32). Ẩn hiện phía sau chuyện tích nầy, chúng ta đọc thấy cái vẻ thất bại bên ngoài của Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng tình yêu Thiên Chúa đối với loài người được bày tỏ cách rực rỡ ở nơi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su, Con Một của Ngài.

BÀI ĐỌC II (Rm 8: 31b-34)
Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Rô-ma vào mùa đông những năm 56-57; lúc đó thánh nhân hiện ở Cô-rin-tô. Những ngày lưu lại ở đây giúp thánh nhân khây khỏa trước những căng thẳng (các bài đọc của những Chúa Nhật vừa qua đã cho chúng ta những vang âm của những căng thẳng nầy). Cũng chính ở nơi đây mà ngài viết thư gởi các Ki-tô hữu Rô-ma mà ngài dự định sẽ viếng thăm họ. Như vậy, bức thư nầy chuẩn bị cuộc hành trình đến Rô-ma của ngài.

1. Bối cảnh:
Bài Đọc II được trích từ chương 8 thư gởi tín hữu Rô-ma, chương dâng trào cảm xúc bao la đến độ chúng ta như cảm thấy tâm tình tôn giáo nồng nàn của vị Tông Đồ. Thánh nhân miêu tả hoàn cảnh ưu tiên của người Ki tô hữu: được Thần Khí ngự trong lòng, được gọi là con cái của Thiên Chúa, được dành cho vinh quang bất diệt, được công chính hóa nhờ đức tin. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu lớn lao đến như thế, nên chúng ta không có gì phải sợ ngoài một niềm hy vọng chan chứa niềm vui.

2. Người Ki-tô hữu chẳng có gì phải sợ cả:
Chương 8 nầy kết thúc với một bài thánh thi ca ngợi Tình Yêu Thiên Chúa bằng một cung giọng đắc thắng. Bài Đọc II là phần khởi đầu của bài thánh thi nầy. Không một quyền lực nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (8: 32). Còn sự đảm bảo nào có thể sánh ví với tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta và những ân huệ mà Ngài ban tặng cho chúng ta!

Thánh Phao-lô hình dung một phiên tòa ở đó những người Thiên Chúa chọn được điệu đến. Ai dám buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa vừa buộc tội họ vừa tuyên bố họ công chính? Hay chẳng lẽ Đức Ki-tô ngự bên hữu Chúa Cha lại buộc tội chúng ta? Ấy vậy, Đức Ki-tô là Đấng đã cứu chúng ta và cầu bầu cho chúng ta. Vì thế, người Ki tô hữu chẳng có gì phải lo sợ cả.

TIN MỪNG (Mc 9: 2-10)
Biến cố Biến Hình là một trong những biến cố chất nặng mầu nhiệm Tin Mừng nhất, nhưng cũng là một trong những biến cố phong phú nhất về giáo huấn.

Biến cố này được xác định vào thời điểm rất có ý nghĩa: “Sáu ngày sau”. Vài ngày trước đó, gần miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ của Ngài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phê-rô, đại diện các môn đệ, tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô” (Mc 8: 29). Đức Giê-su nghĩ rằng đây là dịp thuận tiện để mặc khải sứ mạng mà Ngài sẽ thực hiện, vì thế Ngài báo trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Phê-rô không đồng tình với lời loan báo nầy liền tìm cách ngăn cản Ngài. Ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều đặt vào trong bối cảnh nầy biến cố Biến Hình, biến cố đem đến một câu trả lời.

Biến cố nầy phải được khảo sát dưới hai khía cạnh: biến cố nầy có ý nghĩa như thế nào đối với Đức Giê-su? và biến cố nầy có ý nghĩa như thế nào đối với ba nhân chứng: thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan?

1. Biến cố Biến Hình đối với Đức Giê-su:
Biến cố Biến Hình đem lại một sự nâng đỡ tâm lý và tinh thần quan trọng nhất mà Đức Giê-su nhận được trong suốt sứ vụ của Ngài. Trong khi Đức Giê-su đang hướng đến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của mình, thì Chúa Cha đem đến cho Ngài một niềm an ủi đặc biệt. Qua biến cố Biến Hình, Đức Giê-su được đảm bảo rằng con đường đau khổ mà Ngài sắp trải qua, sẽ dẫn Ngài đến vinh quang, vinh quang mà Ngài đã có trước khi nhập thể và lúc nầy đây Ngài được nhận lại trong chóc lát.

“Ông Ê-li-a và ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su”. Trên núi cao rực rỡ ánh vinh quang gợi lên núi Xi-nai, việc ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra không có gì phải ngạc nhiên. Cả hai nhân vật Cựu Ước nổi tiếng nầy đã gặp gỡ Thiên Chúa trong những hoàn cảnh tương tự. Ở đây, sự hiện diện của hai ông nêu bật rõ nét nhất tước vị Mê-si-a: sự hiện diện của hai ông chứng thực rằng Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su. Chắc chắn, ông Mô-sê đại diện Lề Luật và ông Ê-li-a đại diện truyền thống Ngôn Sứ, nhưng ở bên kia hình tượng nầy, họ là “dấu chỉ”. Quả thật, họ là những người mà truyền thống liên kết thường nhất với triều đại Mê-si-a. Ông Mô-sê đã loan báo rằng một ngôn sứ vĩ đại sẽ đến, những lời của đấng ấy cũng sẽ là lời của Thiên Chúa (Đnl 18: 18), trong khi ông Ê-li-a được truyền tụng là sẽ trở lại chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a ngự đến. Cuộc Biến Hình nhấn mạnh mối liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Vào lúc Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả, Chúa Cha đã công bố: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1: 11). Nay vào lúc Đức Giê-su biến hình, Chúa Cha công bố: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”, lời tuyên bố nầy một lần nữa khẳng định tử hệ thần linh của Đức Giê-su và trọn tình yêu của Chúa Cha dành cho Con của Ngài. Vì thế, lời nầy đem lại cho Đức Giê-su một niềm an ủi lớn lao mà Ngài đã nhận được vào lúc bắt đầu sứ vụ của Ngài, và được làm mới lại vào thời điểm Ngài khởi sự phần thứ hai, phần khó khăn nhất của sứ vụ của Ngài. Tuy nhiên, lời tuyên bố vào lúc Đức Giê-su chịu phép rửa nhấn mạnh trên sự hài lòng của Chúa Cha với Con Ngài, trong khi lời tuyên bố vào lúc Biến Hình lại nhấn mạnh trên sứ điệp: “Hãy vâng nghe lời Người”, bởi vì Đức Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa.

2. Biến cố Biến Hình đối với các môn đệ:
Chỉ có ba nhân chứng được diễm phúc chứng kiến cuộc Biến Hình nầy: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Đây là ba nhân chứng mà Đức Giê-su đã cho họ được chứng kiến việc Đức Giê-su cho con gái ông Gia-ia được sống lại (Mc 5: 37-42); cũng chính ba Tông Đồ nầy Đức Giê-su sẽ đem theo với Ngài vào vườn Ghết-sê-ma-ni ở đó họ sẽ là nhân chứng về cơn hấp hối của Ngài (Mc 14: 33). Vì thế, chúng ta có thể nói rằng qua biến cố Biến Hình này Đức Giê-su an ủi họ trước.

Việc thánh Phê-rô có mặt ở biến cố Biến Hình thật quan trọng: biến cố nầy củng cố những gì ông đã tuyên xưng từ trực giác của mình ở Xê-da-rê Phi-líp-phê và làm chứng rằng Đức Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa hằng sống. Mặt khác, lời loan báo của Thầy mình về Đấng Mê-si-a chịu đau khổ mà ông không thể nào chấp nhận được lại được thay thế một Đức Giê-su chói ngời vinh quang thần linh. Vị thủ lãnh của các Tông Đồ và người bạn đồng hành của Đức Giê-su sau nầy sẽ có nhiệm vụ rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, vào giây phút nầy được chiêm ngưỡng chính Đức Giê-su vinh quang giữa hai nhân vật danh tiếng nhất của lịch sử Ít-ra-en. Cuộc Biến Hình là phản đề của đồi Can-vê.

Như vậy, đây là nền tảng niềm tin của Các Tông Đồ, mà trên đó tất cả niềm tin của Giáo Hội được thiết lập. Thánh Gioan, người môn đệ trung thành từ đầu cho đến cuối sẽ chiêm ngắm Thầy Mình chịu đóng đinh trên khổ giá cũng sẽ viết: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sựu thật” (Ga 1: 14). Còn thánh Gia-cô-bê, ông sẽ là vị Tông Đồ đầu tiên chịu chết vì niềm tin của mình.

Thánh Phê-rô là người duy nhất tuyên xưng đức tin ở Xê-da-rê-phi-líp-phê và cũng chính ông phản kháng trước lời loan báo về cuộc Tử Nạn của Ngài. Ở đây, ông là người duy nhất phản ứng. Thánh nhân đầy phấn chấn. Ông muốn thời gian dừng lại và giữ chân ba nhân vật chính của cuộc Biến Hình. Ông đề nghị dựng ba cái lều: một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Trong tận cõi lòng mình, ông chứng thực rằng ông luôn luôn tin tưởng vào triều đại vinh quang của Đấng Mê-si-a.

“Thực ra, ông không biết mình nói gì, vì các ông sợ quá”. Đức Giê-su đột nhiên xuất hiện trước mặt các ông trong một mầu nhiệm cao cả đến nổi sự sợ hãi linh thánh xâm chiếm các ông.

“Bổng có một đám mây bay đến bao phủ các ông”. Trong Cựu Ước, “đám mây” tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Cha hiệp nhất các ông với Đức Giê-su và liên kết các ông vào trong mầu nhiệm của Ngài, trong sự bí mật của mặc khải mà họ không được kể cho ai “cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại” như Đức Giê-su đòi hỏi họ.

Vào lúc nầy, các Tông Đồ không hiểu được “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. Sau nầy, các ông sẽ nhớ lại và hiểu tại sao Đức Giê-su cho các ông chứng kiến việc phục sinh của con gái của ông Gia-ia và biến cố Biến Hình của Ngài.

Sau này, các ông sẽ công bố mối liên hệ giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Biến Hình nầy. Thánh Gioan, một trong ba nhân chứng, diễn tả rõ ràng điều nầy: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là Con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3: 2). Thánh Phao-lô cũng viết như vậy: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3: 21).  

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông