CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN
- Thứ hai - 11/01/2021 21:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào Chúa Nhật II Thường Niên năm B, Bài Đọc I và Tin Mừng cùng đề cập đến mầu nhiệm “ơn gọi”. Thiên Chúa kêu gọi một cách dứt khoát, bởi vì Ngài nhìn thấu tận cõi lòng sâu kín của con người.
1Sm 3: 3b-10, 19
Bài Đọc I, trích từ sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, thuật lại chuyện tích về “ơn gọi” của con trẻ Sa-mu-en. Thần Khí Thiên Chúa sẽ ở với em mọi ngày suốt cuộc đời của em.
1Cr 6: 13c-15a, 17-20
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô gợi lên phẩm giá của thân xác là chi thể của Đức Ki-tô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Ga 1: 35-42
Tin Mừng Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của các môn đệ với Đức Giê-su. Ngài đưa mắt nhìn dứt khoát trên Phê-rô, vị thủ lãnh Giáo Hội tương lai của Ngài.
BÀI ĐỌC I (1Sm 3: 3b-10, 19)
Ngôn sứ Sa-mu-en là một trong những nhân vật hấp dẫn của Cựu Ước. Cuộc chào đời của ông tiên vàn là một “dấu chỉ”.
1. Đứa con của lời khẩn nguyện.
Mẹ ông là bà An-na, một trong hai người vợ của ông En-ca-na quê thành Ra-ma-tha-gim. Đây vẫn còn thời đại đa thê vào thế kỷ XI trước Công Nguyên. Tuy nhiên, chỉ những bậc vị vọng và giàu có mới có thể có nhiều vợ. Chúng ta ghi nhận rằng hai sách Sa-mu-en và hai sách Các Vua không cho thấy bất kỳ trường hợp đa thê nào khác ngoài trường hợp hy hữu nầy. “Một vợ một chồng” là thể chế gia đình thông thường nhất ở Ít-ra-en. Bà Pơ-nin-na có nhiều con trong khi bà An-na không có một đứa con nào. Vì thế, bà An-na rất khổ tâm và cảm thấy bà Pơ-nin-na như đối thủ đang chọc tức mình để hạ nhục mình.
Chồng bà yêu quý bà và chiều chuộng bà: “An-na, sao em khóc? Sao em không chịu ăn? Sao lòng em rầu rĩ vậy? Đối với em, anh lại không hơn mười đứa trai sao?” (1Sm 1: 8). Tuy nhiên, bà An-na vẫn không nguôi nỗi phiền muộn nên quyết tâm khấn hứa với Đức Chúa.
Vào dịp đại lễ hằng năm, bà cùng gia đình hành hương lên thánh địa Xi-lô. Ở đó, bà khấn hứa với Đức Chúa rằng nếu Ngài ban cho bà một đứa con trai, bà xin dâng hiến trọn cuộc đời cậu để phụng sự Ngài. Khi con trẻ sinh ra, bà giữ trọn lời khấn nguyện. Khi con trẻ lớn khôn, bà dẫn đứa bé lên đền thánh Xi-lô và trao gởi con mình cho thầy cả Ê-li. Vào ngày đó, bà dâng hy lễ lên Đức Chúa và hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa. Đây là nguồn cảm hứng đầu tiên mà Đức Ma-ri-a đón nhận khi Mẹ hát lên bài ca “Magnificat” của Mẹ.
2. Ơn gọi.
Kể từ đó, cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa bên cạnh thầy cả Ê-li. Nhưng Đức Chúa có những dự định lớn lao hơn đối với đứa trẻ nầy và rất sớm Ngài khai lòng mở trí cho cậu hiểu. Đây là câu chuyện về ơn gọi mà chúng ta đọc vào ngày lễ hôm nay.
Ơn gọi của trẻ Sa-mu-en vén mở khoa sư phạm của Thiên Chúa. Trước hết, Thiên Chúa kêu gọi những kẻ bé mọn và những người yếu đuối để thi hành những ý định của Ngài. Thứ nữa, chính Ngài luôn luôn đề xuất sáng kiến. Thiên Chúa đã kêu gọi ông Mô-sê trong hoang địa theo cùng một cách thức như thế (Sh 3: 1-6) và sau này Ngài cũng sẽ kêu gọi ngôn sứ I-sai-a ở trong Đền Thánh Giê-ru-sa-lem theo cùng cách thức vậy (Is 6: 1-12).
Thiên Chúa ba lần đánh thức cậu khi đang cậu ngủ say trong trạng thái hồn nhiên vô tư lự. Ngài “khẻ đánh thức” cậu, vì thế cậu tỉnh dậy mà không chút sợ hải. Bản văn nói với chúng ta: “Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Chúa, và Chúa chưa mặc khải Lời Người cho cậu”. Suốt cuộc đời mình, “Chúa ở với cậu, và Người thực hiện mọi lời Người đã phán với cậu, không sót lời nào”. Sa-mu-en là vị Thủ Lãnh cuối cùng của dân Ít-ra-en, nhưng là một vị Thủ Lãnh vĩ đại nhất.
BÀI ĐỌC II (1Cr 6: 13c-15a, 17-20)
Thánh Phao-lô viết thư gởi tín hữu Cô-rin-tô từ Ê-phê-xô, chắc hẳn vào mùa xuân 55. Giáo đoàn Cô-rin-tô là một trong những giáo đoàn thánh nhân đã thiết lập. Tuy nhiên, cộng đoàn nầy gặp phải nhiều vấn đề. Thánh nhân vừa mới nhận được những thông tin thật đáng lo ngại về đạo lý, vì thế thánh nhân ra sức giáo huấn họ. Trong bức thư nầy, chúng ta gặp thấy những quan điểm thần học cao vời của thánh nhân.
Đoạn trích hôm nay đề cập đến những vấn đề thân xác theo những viễn cảnh Ki-tô giáo. Để hiểu được những lời khuyên bảo của thánh nhân, chúng ta phải đặt những lời khuyên này vào trong bối cảnh thành phố Cô-rin-tô đương thời.
1. Bối cảnh thành phố Cô-rin-tô.
Cô-rin-tô là một thành phố mới; thành phố xưa đã bị phá hủy vào thời đế quốc Rô-ma chinh phục vào năm 146 trước Công Nguyên. Hoàng đế Xê-da đã phục hưng thành phố nầy và thiết lập thành một thuộc địa Rô-ma vào năm 44 trước Công Nguyên. Thành phố hoàn toàn được xây dựng lại và sớm lấy lại vị thế của mình là thủ phủ thương mại.
Với hai thương cảng, một ở phía đông (biển Ê-gê), và một ở phía tây (biển I-o-ni), giữa đường từ Châu Á đến Rô-ma, thành phố nầy được hưởng một hoàn cảnh ưu đãi. Với số lượng phu khuân vác, thợ thủ công, hàng hóa phong phú, nhiều ngân hàng, thành phố tứ xứ nầy tạo nên một vùng đất thuận tiện cho việc phát triển các tệ nạn: óc con buôn, nạn hám lợi và cuộc sống xa hoa. Ngoài ra, ở đây còn có cuộc sống sa đọa do bối cảnh tế tự xa xưa còn được lưu truyền. Vào thuở xa xưa, thành phố đã phụng thờ nữ thần tình ái và sinh sản. Có đám đông nữ tư tế phụ trách việc tế tự này. Đây là một hình thức trụy lạc thánh, tự nguồn gốc được coi như nghi thức sinh sản và hành vi lôi kéo ân phúc của nữ thần. Thành phố Cô-rin-tô chắc chắn không là thành phố đức hạnh.
2. Sự mới mẽ của Ki-tô giáo.
Những nhà luân lý ngoại giáo tố cáo cuộc sống phóng túng và đề cao sự khổ chế của thân xác nhân danh chủ nghĩa nhân bản thanh cao và lý tưởng. Thánh Phao-lô đem lại cho luân lý Ki-tô giáo một chiều kích hoàn toàn khác: tội lỗi tác hại đến “những mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa”. Người ta dễ thấy điều nầy ở nơi cách thức sử dụng thân xác của mình. Để sống đức độ, thánh nhân công bố: “Thân xác con người không phải để gian dâm, nhưng để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác”.
3. Ba luận chứng:
Thánh nhân xây dựng lời công bố này trên ba luận chứng vững chắc tựa như “kiềng ba chân”. Luận chứng thứ nhất gây ấn tượng nhất và cũng mới mẽ nhất trong lịch sử tư tưởng: “Thân xác của chúng ta sẽ được sống lại”. Luận chứng thứ hai được gợi ý cách ngắn gọn: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là chi thể của Đức Ki-tô sao?”. Đây là một trong những đề tài chủ đạo và tâm đắc mà thánh nhân sẽ nhắc lại ở nơi các thư khác. Luận chứng thứ ba dẫn chúng ta lên đến một bình diện không kém phần cao vời: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người”. Được kết hợp với Đức Ki-tô, qua cầu nguyện, Thánh Thể, tận hiến, vân vân, chúng ta không còn ý muốn nào khác ngoài ý muốn của Chúa.
Đặt nền tảng trên ba luận chứng trên, thánh Phao-lô đẩy đến cực điểm khi lên án chống lại tội gian dâm: tội duy nhất làm ô uế thân xác của mình. Thánh nhân nêu bật sự tương phản giữa việc kết hợp với Chúa nhờ đó chúng ta được nâng cao lên đến mức hiệp nhất “tinh thần” với Ngài, và những kết hợp thấp hèn đánh mất phẩm giá của thân xác.
4. Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Tiếp đó, thánh nhân khai triển phép Rửa Ki-tô giáo: thân xác chúng ta đã trở nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, vì thế, không còn thuộc về chúng ta nữa. Dâng hiến thân xác của mình cho một thần linh nào khác là tội thờ ngẫu tượng (đây cũng là đề tài trong thư gởi tín hữu Ga-lát và thư gởi tín hữu Ê-phê-xô).
5. Giá máu cứu chuộc của Đức Giê-su.
Lời ghi nhận cuối cùng được diễn tả đầy cảm xúc: “Thiên Chúa đã trả giá rất đắt mà chuộc lấy anh em”. Đức Ki-tô không khinh chê thân xác bởi vì Ngài đã mặc lấy một thân xác như chúng ta. Thân xác này, Đức Ki tô đã hiến dâng để bị đóng đinh vào thập giá, ngõ hầu nhờ hy tế nầy, chúng ta được dự phần vào sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta không được làm tổn hại đến thiên ân mà Ngài đã phải trả bằng một giá rất đắt như thế. Vì thế, câu kết luận tất yếu phải có là: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em”.
Trong đoạn văn đậm đặc đạo lý nầy, thánh nhân chỉ gợi ý, bắt đầu với ơn Phục Sinh và kết thúc với ơn Cứu Chuộc, đây là hai thái cực bất khả phân của khoa thần học thánh Phao-lô.
TIN MỪNG (Ga 1: 35-42)
Bài Đọc I tường thuật ơn gọi của cậu bé Sa-mu-en, cậu được thánh hiến cho Thiên Chúa ngay từ lúc còn niên thiếu, trong khi Tin Mừng Gioan trình bày hoàn cảnh ơn gọi của các môn đệ tiên khởi của Đức Giê-su; tâm hồn của họ đã được Gioan Tẩy Giả chuẩn bị rồi.
1. Thời gian: ngày thứ ba của Tuần Lễ Khai Mạc.
Hoạt cảnh được định vị ở bên bờ sông Gio-đan hay trong vùng phụ cận. Theo diễn tiến thời gian của “tuần lễ khai mạc”, hoạt cảnh nầy được định vị vào ngày thứ ba sau ngày thứ nhất Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Giê-su trước giáo quyền Do thái và ngày thứ hai ông làm chứng cho Đức Giê-su trước đám đông dân chúng. Hoạt cảnh diễn ra cuộc cuộc gặp gỡ này được định vị “vào ngày thứ ba” thật có ý nghĩa, nó gợi lên biến cố Phục Sinh tương lai. Chính là vào buổi chiều “ngày thứ ba” của biến cố Phục Sinh sau khi Đức Giê-su đã chịu chết và mai táng trong mộ, các Tông Đồ đã phân tán, nay quy tụ lại, nghĩa là Giáo Hội được khai sinh. Vì thế, việc khai sinh Giáo Hội ẩn hiện trong câu chuyện nầy. Ơn gọi của ba môn đệ đầu tiên trong đó có Phê-rô, vì thế, Giáo Hội được ươm mầm rồi. Chính đó là lý do tại sao thánh ký đặt việc Chúa Giê-su đổi tên ông Si-mon thành “Kê-pha” (“Phê-rô”) ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên.
2. Tước hiệu: “Chiên Thiên Chúa”.
Hoạt cảnh rất sống động và tự nhiên. Gioan Tẩy Giả đang đứng với hai môn đệ của mình. Khi thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông nói với hai môn đệ về Đức Giê-su dưới tước hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Tước hiệu nầy muốn nói lên điều gì?
2.1- Chiên Vượt Qua.
Đối với người Ki-tô hữu, mà sách Tin Mừng thứ tư này viết cho họ, tước hiệu nầy gợi lên Hy Tế Vượt Qua của Đức Giê-su, Ngài bị kết án tử vào đúng thời điểm chiên Vượt Qua bị sát tế ở tại sân Đền Thờ (Ga 19: 14). Ngoài ra, các bản văn Kinh Thánh đã mô tả “Người Tôi Trung” bị nhục mạ, bị ngược đãi thậm tệ, chẳng mở miệng oán than, “như chiên bị đem đi làm thịt” (Is 53: 7). Chúng ta biết các Tông Đồ đã trải qua biết bao khó khăn mới có thể chấp nhận ý tưởng về Đấng Mê-si-a chịu đau khổ và bị đóng đinh.
Rõ ràng đây không thể là quan niệm của vị Tiền Hô khi gọi Đức Giê-su dưới tước hiệu Chiên Thiên Chúa, vì thánh nhân không được diễm phúc thấy cuộc Hiến Tế của Đức Giê-su như Con Chiên bị sát tế. Xem ra đối với Gioan Tẩy Giả, “Chiên Thiên Chúa” là hình ảnh của sự tinh tuyền và thánh thiện. Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã thấy “Thần Khí ngự xuống trên Ngài” (Ga 1: 32), được sánh ví với “Chiên Vượt Qua” mà Luật đòi buộc “không tì vết”.
2.2-Chiên Khải Hoàn.
Mặt khác, vài bản văn thuộc trào lưu khải huyền Do thái đã gợi ra rằng Đấng Mê-si-a sắp đến như một con chiên yếu đuối, nhưng ở nơi con chiên nầy Thiên Chúa ban sức mạnh và quyền năng, vì thế, đây sẽ là con chiên khải hoàn (không phải Thiên Chúa thường sử dụng những người bé nhỏ và yếu đuối để thực hiện những dự định vĩ đại của Ngài sao?). Trong sách Khải Huyền của mình, thánh Gioan Tông Đồ lấy lại hình ảnh “Chiên Khải Hoàn” được liên kết với hình ảnh “Chiên bị sát tế”. Cả hai hình ảnh nầy diễn tả chỉ một nhân vật: Đức Giê-su Ki-tô.
Vì thế, như thường thấy trong Tin Mừng thứ tư, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” giả thiết nhiều mức độ đọc và hiểu khác nhau.
3. Các nhân vật.
Chúng ta biết rất rõ các nhân vật của hoạt cảnh nầy. Tuy nhiên, thái độ của mỗi nhân vật đáng cho chúng ta gẫm suy.
3.1- Gioan Tẩy Giả.
Trước hết, Gioan Tẩy Giả là một nhân vật đáng được ngưỡng mộ. Ông biết Đấng Mê-si-a có mặt ở đó. Ông mời gọi các môn đệ của mình đến gặp Ngài. Ông sẵn sàng nhường các môn đệ thân tín của mình cho Đức Giê-su. Ông có thể đi theo Đấng mà ông tiên cảm sự cao cả của Ngài. Nhưng không, sứ mạng của ông chính là chuẩn bị các tâm hồn, niềm vui của ông chính là mặc khải cho người khác nhận ra Chúa Giê-su: “Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3: 28-29). Ông gieo nhưng Đức Giê-su gặt.
3.2- Ba môn đệ.
Ông An-rê, một môn đệ ẩn danh mà truyền thống sau này nhận dạng là Gioan Tông Đồ, tác giả của Tin Mừng thứ tư này, và ông Phê-rô là em của ông An-rê. Ba người này làm gì ở trong hoang địa miền Giu-đa này? Họ là những ngư phủ đến từ biển hồ Ti-bê-ri-a để nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, vì danh tiếng của ông đã vang dội đến tận nơi họ đang sinh sống. Lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả rất nghiêm khắc, nhưng chắc chắn đã chinh phục bầu nhiệt huyết của ba ngư phủ trẻ tuổi này. Từ khi vị Tiền Hô chỉ cho họ “Chiên Thiên Chúa”, họ không chút ngần ngại bám theo Đức Giê-su. Như vậy, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Đức Giê-su. Đoạn, họ trở về miền Ga-li-lê tiếp tục công việc chài lưới của mình. Tuy nhiên, ơn gọi của họ sẽ chín mùi; và rồi một ngày kia, trước tiếng gọi bất ngờ của Ngài: “Hãy theo tôi”, “họ rời bỏ tất cả mà theo Ngài”. Đó là lần ra đi theo đuổi ơn gọi của mình một cách dứt khoát.
3.3- Đức Giê-su.
Trong đoạn Tin Mừng nầy, thánh Gioan phác họa đôi nét về Đức Giê-su và ghi lại vài lời đầu tiên của Ngài.
Chính Đức Giê-su có sáng kiến bắt chuyện với hai người thanh niên đang dò dẫm bước đi theo sau Ngài – và sau này cũng sẽ là như vậy khi Ngài mời gọi họ làm môn đệ của Ngài. Khi thấy hai người đi theo mình, Chúa Giê-su quay lại và hỏi: “Các anh tìm gì thế?”; họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Câu trả lời của Đức Giê-su: “Đến mà xem”, thật giản dị nhưng gợi lên sự hiếu kỳ ở nơi họ. Thế là “họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy”. Nhưng thánh ký không nói cho chúng ta biết chính xác nơi ở của Ngài, bởi vì trong cuộc đời công khai, Đức Giê-su không có một mái nhà để trú ngụ. Thánh ký không nói cho chúng ta biết bất cứ điều gì về nơi ở của Ngài, cũng không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về cuộc chuyện trò đầu tiên của Ngài với hai người môn đệ này. Tuy nhiên, tác động của cuộc gặp gỡ đầu tiên này ghi dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm khảm của họ qua tiếng reo vui của ông An-rê khi gặp em mình là Phê-rô: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”.
Từ giây phút nầy, thánh ký giữ mãi kỷ niệm sống động nầy, vì thời gian đã trôi qua rất lâu sau đó, ấy vậy, ông không thể nào quên giây phút tuyệt vời này: “Đó là vào khoảng giờ thứ mười” (tức bốn giờ chiều). Đây là chi tiết của một chứng nhân nhưng cũng là chữ ký của người bạn đồng hành ẩn danh của ông An-rê, tức là Tông Đồ Gioan, tác giả sách Tin Mừng mang tên ông.
4. Hai cái nhìn.
Chắc chắn ấn tượng chúng ta có khi đọc bản văn nầy đó là câu chuyện bắt đầu và kết thúc trên một cái nhìn. Cái nhìn đầu tiên là cái nhìn của Gioan Tẩy Giả, cái nhìn của một vị ngôn sứ nhận ra Đấng Mê-si-a, nhưng không biết chính xác Đấng ấy sẽ như thế nào. Và cái nhìn của Đức Giê-su trên Phê-rô, cái nhìn thấu suốt đến tận cõi tâm can, cái nhìn xa trông rộng đến tận tương lai, và từ đó xác định sự chọn lựa của mình. Sẽ còn có những cái nhìn khác của Đức Giê-su trên Phê-rô. Thánh ký sẽ khai triển cái nhìn của Đức Giê-su một cách sâu xa trong Tin Mừng của mình.