CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- Thứ tư - 19/01/2022 20:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúa Nhật III Thường Niên năm C này có thể được gọi là “Chúa Nhật Lời Chúa”. Trong Bài Đọc I, Lời Chúa được long trọng công bố cho toàn dân; còn trong Tin Mừng, vào một buổi phụng vụ Lời Chúa vào ngày sa-bát tại hội đường Na-da-rét, Đức Giê-su hiện tại hóa Lời Chúa vào con người và sứ mạng của Ngài.
Nkm 8: 2-4a, 5-6, 8-10
Bài Đọc I, trích từ sách Nơ-khe-mi-a, thuật lại lần đầu tiên Sách Luật (Ngũ Thư) được long trọng công bố trước công chúng. Đây là khuôn mẫu phụng vụ Lời Chúa vào ngày sa-bát trong các hội đường sau này.
1Cr 12: 12-30
Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô chứa đựng Thần Học về Giáo Hội, tức là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô: “Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung”.
Lc 1: 1-4; 4: 14-21
Tin Mừng Lu-ca tường thuật sự kiện Đức Giê-su tham dự một buổi phụng vụ Lời Chúa trong hội đường Na-da-rét. Sau khi đọc bản văn I-sai-a, Đức Giê-su công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị đã nghe”.
BÀI ĐỌC I (Nkm 8: 2-4a, 5-6, 8-10)
Sách Nơ-khe-mi-a có cùng một tác giả với sách Ét-ra và với hai sách Sử Biên, được soạn thảo vào giữa năm 360 và 300 trước Công Nguyên. Tự nguồn gốc, sách Nơ-khe-mi-a và sách Ét-ra được hình thành nên một quyển sách; quả thật, bản Kinh Thánh Híp-ri cũng như bản Kinh Thánh Hy ngữ (bản Bảy Mươi) chỉ nhận biết một quyển sách duy nhất. Việc phân chia thành hai cuốn sách được ghi nhận vào những thế kỷ đầu tiên Ki-tô giáo.
Ở chương 8 này, sách Nơ-khe-mi-a dành một chỗ đặc biệt cho tư tế Ét-ra. Bản văn tường thuật một biến cố có tầm quan trọng lịch sử lớn lao: đây là lần đầu tiên Sách Luật, cũng được gọi Ngũ Thư, được long trọng công bố trước toàn dân.
1. Bối cảnh lịch sử:
Thật khó xác định niên biểu chính xác của biến cố này. Dựa trên chính tác phẩm, biến cố có lẽ đã xảy ra vào năm thứ bảy triều đại vua Ba tư là Ác-tắc-sát-ta, tức vào năm 458 trước Công Nguyên. Nhưng trong toàn bộ sách, niên biểu của những biến cố khá phức tạp; dù thế nào, bối cảnh lịch sử khá rõ. Thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn in hằn nhiều vết tích cuộc xâm lăng của đế quốc Ba-by-lon vào thế kỷ trước đó; đất nước đã mất nền độc lập gần một trăm năm mươi năm rồi. Thật ra, chính sách cai trị của đế quốc Ba Tư cho người dân được tự do và thậm chí khoan dung hơn, khác xa với sự thống trị của đế quốc Ba-by-lon. Những người lưu đày đã được hồi hương trở về, Đền Thờ đã được tái thiết, mặc dầu nhỏ hơn và đạm bạc hơn đền thờ Sa-lô-môn trước đó. Nhưng những bức tường thành vẫn còn in dấu nhiều vết loang lỗ phơi bày một cảnh tượng tang thương, dân cư Giê-ru-sa-lem trở nên thưa thớt và nhiều đoàn người ngoại quốc đến định cư; những hôn nhân hỗn hợp càng lúc càng nhiều, những thanh niên thiếu nữ Ít-ra-en được nhiều người mẹ ngoại giáo nuôi nấng dạy dỗ. Đức tin của dân Chúa gặp nguy hiểm. Giê-ru-sa-lem đã mất đi căn tính của mình.
2. Hai nhà canh tân:
Hai nhân vật Do thái, ông Ét-ra, tư tế và kinh sư, và ông Nơ-khe-mi-a, giáo dân, đều là quan chức của triều đình Ba Tư, dưới triều đại vua Ác-tắc-sát-ta đệ nhất. Cả hai ông đều ngậm ngùi trước hoàn cảnh tang thương này, vì thế xin được phái đến miền Pa-lét-tin để chăm lo đồng hương của họ.
Tư tế Ét-ra có ý định phục hưng niềm tin cho Thành Thánh hoang tàn đổ nát và phục hồi căn tính của Thành, bằng cách đặt toàn dân vào việc lắng nghe Lời Chúa. Ông tổ chức một nghi lễ long trọng ở bên ngoài trung tâm Thành Thánh, nghĩa là ở nơi không thánh thiêng để mọi người đều có thể tề tựu. Ông khởi sự nghi lễ vào ngày mồng một tháng bảy, suốt bảy ngày liên tiếp từ sáng đến trưa.
Trước cuộc lưu đày, ngày mồng một tháng bảy đã là ngày lễ Tân Niên như Sách Dân Số đã nêu lên: “Ngày mồng một tháng bảy, anh em sẽ phải tập hợp để thờ phượng Đức Chúa; anh em không được làm một việc nặng nhọc nào: đối với anh em, đó sẽ là ngày Hò Reo” (Ds 29: 1). Vì thế, ông Ét-ra có chủ ý chọn ngày này để quy tụ toàn dân.
3. Phụng vụ Lời Chúa:
Tư tế Ét-ra đứng trên bục gỗ cao và đọc Sách Thánh, còn các thầy Lê-vi thì giảng giải. Tất cả mang đậm nét của một lễ nghi phụng vụ: dân chúng đứng trong thái độ lắng nghe và cầu nguyện; vị tư tế chúc tụng Thiên Chúa, cộng đồng đáp lại, hai tay giơ lên cao hay phủ phục để bày tỏ tâm tình thờ phượng. Ở đây có đủ yếu tố sẽ hình thành nên nền tảng phụng vụ hội đường sau này. Nghi lễ được tường thuật ở đây đánh dấu ngày khai sinh Do Thái Giáo.
Ông Ét-ra đã khởi xướng phụng vụ Lời Chúa này với lòng mộ đạo sâu xa, cũng như niềm tôn kính lớn lao mà ông dành cho các bản văn Kinh Thánh. Ông Ét-ra là “tư tế kinh sư, chuyên về các lời diễn tả mệnh lệnh và các thánh chỉ của Đức Chúa liên quan đến Ít-ra-en” (E r 7: 11). Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng ông đã đóng một vai trò quan trọng vào công trình biên soạn chung cuộc bộ Ngũ Thư. Ngoài ra, các vua Ba Tư chủ trương rằng mỗi miền đế quốc rộng lớn của họ đều có luật riêng của mình. Vì thế, ở Ít-ra-en, luật chỉ có thể là Luật Mô-sê.
Nếu phụng vụ Lời Chúa được mô tả trong bản văn này là nguồn gốc của phụng vụ hội đường, thì đó cũng là nguồn gốc của phần thứ nhất trong việc cử hành Thánh Thể của chúng ta, được gọi “Bàn Tiệc Lời Chúa”, vì việc cử hành Thánh Thể được gợi hứng từ phụng vụ hội đường. Chắc chắn vào thời lưu đày, những người Do thái, sống xa quê hương, xa Đền Thờ, đã cùng nhau tụ họp lại để cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, một loại phụng vụ hội đường trước khi có văn bản. Chúng ta ghi nhận rằng tư tế Ét-ra nhấn mạnh tính thánh thiêng “ngày của Chúa”, nhu cầu biến ngày của Chúa thành ngày của niềm vui và ngày của đức ái, vả lại phù hợp với truyền thống theo đó vào những ngày lễ, các tín hữu không được quên những người nghèo khổ túng thiếu.
BÀI ĐỌC II (1Cr 12, 12-30)
Bản văn này, được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, tiếp theo bản văn của Chúa Nhật trước.
1. Sự hiệp nhất trong Hội Thánh:
Thánh Phao-lô đã chứng minh cho các tín hữu chia rẽ rằng cộng đoàn của họ hình thành nên một sự hiệp nhất sâu xa vì cộng đoàn sống dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất. Thánh nhân tiếp tục chứng minh sự hiệp nhất này bằng hình ảnh về sự duy nhất của một thân thể với các bộ phận của nó. Quả thật, chính trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh Phao-lô phác họa những dữ kiện căn bản về thần học Hội Thánh, tức là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, mà sau này thánh nhân sẽ khai triển, nhất là trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô.
2. Hội Thánh, Nhiệm Thể của Đức Ki-tô:
Trong bản văn trước, thánh Phao-lô đã gợi lên rằng các tín hữu được tháp nhập vào Đức Ki-tô nhờ bí tích Thánh Thể: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta bẻ Bánh Thánh , đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (10: 16-17).
Trong bản văn được trích dẫn hôm nay, thánh Phao-lô quy chiếu về bí tích Rửa Tội: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Và thánh nhân nhắc nhớ mối liên hệ giữa Phép Rửa và Chúa Thánh Thần: “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”. Mối liên hệ giữa Phép Rửa và Chúa Thánh Thần thuộc truyền thống Kinh Thánh, ví dụ ở Ga 7: 38-39: “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: ‘Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận”.
3. Tính đa dạng của các sứ vụ trong Hội Thánh:
Sau khi đã khai triển chi li về mối liên kết mật thiết của mỗi bộ phận trong cùng một thân thể, thánh Phao-lô áp dụng vào tính đa dạng của các sứ vụ trong Hội Thánh. Ba sứ vụ được nêu tên đầu tiên cao trọng hơn các sứ vụ khác: các tông đồ, các ngôn sứ, thầy dạy. Danh xưng “tông đồ” phải được hiểu theo nghĩa rộng: không chỉ nhóm Mười Hai hay thánh Phao-lô, những người đã lãnh nhận sứ vụ của mình từ chính Đức Ki-tô, nhưng còn những ai được các tông đồ ủy quyền.
Danh xưng “các ngôn sứ” bao gồm những nhà rao giảng, những nhà truyền giáo, những người mà chúng ta có thể nói rằng họ đã lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô khai triển vai trò của họ cho đến chương tiếp theo sau. “Người nói tiên tri thì phải nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi” (14: 3). Danh xưng “thầy dạy” là những người Ki-tô hữu có học thức đảm nhận trách nhiệm đào tạo các tín hữu.
Những sứ vụ hay những đặc sủng phải được thi hành mà không tìm cách xé lẽ hay gây nên sự đố kỵ. Nếu mỗi người chu toàn đặc sủng mà mình lãnh nhận thì sự hiệp nhất của cộng đồng sẽ ngự trị, vì các bộ phận không đơn giản là cái thêm vào Thân Thể của Đức Ki-tô: “Như thế, không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phần nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung”. Sau này thánh Phao-lô sẽ nói rằng Đức Ki-tô là đầu, thủ lãnh của Hội Thánh: Ngài là nguyên lý hợp nhất toàn thân thể mầu nhiệm của Ngài.
Thần học của thánh Phao-lô về mối quan hệ mầu nhiệm hiệp nhất người Ki-tô hữu với Đức Ki-tô có nền tảng ở nơi giá trị của bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể, nhưng chắc chắn trực giác đầu tiên đến từ biến cố trên đường Đa-mát, từ một tiếng nói gây choáng váng: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9: 4).
TIN MỪNG (Lc 1: 1-4; 4: 14-21)
Tin Mừng hôm nay được kết hợp bởi hai bản văn rất riêng biệt, cách xa nhau trong Tin Mừng Lu-ca. Trước hết là Lời Tựa của sách Tin Mừng Lu-ca (1: 1-4), tiếp đó là khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê (4: 14-21), trong khi bỏ qua hai chương về thời thơ ấu của Đức Giê-su, mà chúng ta đã đọc những đoạn trích vào Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh.
1. Lời Tựa:
Lời Tựa này chuẩn bị một cách tuyệt vời lời công bố của Đức Giê-su ở hội đường Na-da-rét: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa mới nghe”. Nói một cách chính xác, lời công bố này là khởi đầu Tin Mừng.
Như các văn nhân thời Hy lạp, thánh Lu-ca dẫn nhập tác phẩm của mình với một lời tựa, trong đó thánh nhân giải thích lý do tác giả viết tác phẩm của mình: thông tri một cách chính xác cho ông Thê-ô-phi-lô, chắc chắn một nhân vật quan trọng, chính cũng cho nhân vật này tác giả sẽ đề tặng sách Công Vụ Tông Đồ; tuy nhiên, chúng ta không biết một chút gì về nhân vật này.
Thánh Lu-ca thổ lộ nổi bận lòng của một sử gia: “Tôi cũng vậy, sau khi cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự”. Quả thật, thánh nhân không là một Tông Đồ, cũng không là một môn đệ trực tiếp của Đức Giê-su, cũng không là một người đã thấy tận mắt những việc Đức Giê-su làm, đã nghe tận tai những lời Ngài nói. Nói cho cùng, thánh Lu-ca đã không sống những biến cố mà thánh nhân tường thuật; thánh nhân làm việc trên những chứng liệu. Thánh nhân chỉ ra rằng ông đã có những vị tiền nhiệm, trong số đó phải kể đến thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu (Tin Mừng Lu-ca thường theo rất sát Tin Mừng Mác-cô). Ngoài ra, dựa trên những truyền thống “được truyền đạt bởi những chứng nhân mắt thấy tai nghe”, thánh nhân đã tự mình tra cứu; chắc chắn ông đã tiếp xúc với thánh Gioan, vì có những điểm tương đồng giữa Tin Mừng thứ ba và Tin Mừng thứ tư.
2. Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét:
Từ Lời Tựa này chúng ta đi thẳng vào khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê và cuộc viếng thăm Na-da-rét của Ngài.
Tình tiết của cuộc viếng thăm Na-da-rét cũng được thánh Mác-cô (Mc 6: 1-6) và thánh Mát-thêu (Mt 13: 53-58) tường thuật. Thánh Lu-ca tường thuật dài hơn; vì thế, câu chuyện này được phân chia thành hai phần và được công bố vào hai Chúa Nhật liên tiếp. Việc phân chia thành hai phần này càng được biện minh hơn nữa vì xem ra có hai bản văn kể việc Đức Giê-su viếng thăm Na-da-rét. Vào cuộc viếng thăm thứ nhất, Đức Giê-su được mọi người hân hoan chào đón và ngưỡng mộ. Những người đồng hương của Ngài hảnh diện về danh tiếng của một người trong họ và thán phục về cách giải thích Kinh Thánh của Ngài. Trái lại cuộc viếng thăm thứ hai là một cuộc thất bại và gây nên làn sóng giận dữ của dân làng Na-da-rét (chính cuộc viếng thăm lần thứ hai này được Tin Mừng Mác-cô và Tin Mừng Mát-thêu tường thuật).
Nhưng thánh Lu-ca đã ráp nối những lời chứng liên quan đến hai cuộc viếng thăm thành một câu chuyện duy nhất, như vậy tăng cường hơn nữa bài tường thuật của mình: thánh nhân làm cho câu chuyện của mình thành biểu tượng cho hai thái độ của dân Ít-ra-en: trước hết, họ hoan hỷ tiếp đón Đức Giê-su, đoạn họ loại bỏ và tìm cách giết Ngài. Ngoài ra, Đức Giê-su loan báo rằng sứ điệp của Ngài cũng dành cho lương dân (phần thứ hai của câu chuyện này được trích dẫn vào Chúa Nhật tới). Như vậy câu chuyện về sự khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê mang tính ngôn sứ: những biến cố tương lai được ghi khắc ở nơi những tình tiết khởi đầu này.
3. Phụng vụ hội đường vào ngày sa-bát:
“Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”. Chính ở nơi lời này mà Thánh Lu-ca tóm tắt phần đầu sứ vụ vinh quang của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê, vì danh tiếng của Ngài đồn ra khắp vùng. Vào một ngày sa-bát, Ngài đến hội đường Na-da-rét, nơi Ngài đã từng theo thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a đến tham dự phụng vụ ngày sa-bát.
Đối với người Do thái, ngày sa-bát là ngày thánh để kính Đức Chúa, ngày nghỉ ngơi và kinh nguyện, như Chúa đã truyền (Xh 20: 8-11; Đnl 5: 12-15). Vào ngày đó dân chúng cùng nhau tụ họp lại để lắng nghe Lời Chúa. Vào lúc bắt đầu phụng vụ sa-bát, các tín hữu xướng kinh “Shêma”, và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kinh “Shêma” được xem như kinh tin kính của người Do thái, kinh này lập lại Đnl 6: 4-5 với lời mở đầu: “Nghe đây (Shêma) hỡi Ít-ra-en”, và được phụ thêm với Đnl 11: 13-21.
Sau đó, các tín hữu lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ. Mọi tín hữu đều có quyền đọc Kinh Thánh, hoặc tự nguyện hay được viên trưởng hội đường chỉ định. Vị này thường mời một người trong số những người hiện diện, am tường Kinh Thánh lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn. Vào dịp này, chắc chắn Đức Giê-su được mời. Đức Giê-su thường lợi dụng dịp này để rao giảng đạo lý của Ngài (x. Lc 4: 16tt.), và sau này các Tông Đồ của Ngài cũng sẽ noi gương Ngài như vậy (x. Cv 13: 5, 14, 42, 44; 14: 1; vân vân). Phụng vụ ngày sa-bát kết thúc với công thức chúc lành tư tế, được vị chủ trì hay một tư tế nếu có mặt ở đó, xướng, và dân chúng đáp “A-men” (x. Ds 6: 22tt.).
4. “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”:
Đức Giê-su gặp thấy bản văn Is 61: 1-2, trong đó ngôn sứ I-sai-a biện minh sứ mạng của mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất trích dẫn bản văn I-sai-a này. Đây cốt là một trong những bản văn ngôn sứ I-sai-a đệ tam gởi đến những người hồi hương trở về từ cảnh lưu đày ở Ba-by-lon; họ bị bầm dập, nghèo khổ, thất vọng trước những khó khăn; họ thuộc vào số những người nghèo của Đức Chúa.
Sau khi đã đọc xong, Đức Giê-su không giải thích bản văn nhưng công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Đức Giê-su không ngần ngại hiện tại hóa sấm ngôn của Is 61: 1-2 vào con người và sứ mạng của mình: chính Ngài là Đấng mà bản văn I-sai-a loan báo. “Theo thánh Lu-ca, các câu trên là tuyên ngôn cứu thế đầu tiên của Đức Ki-tô, nó sẽ được nối tiếp bằng những việc làm và lời nói mà Tin Mừng cho chúng ta biết. Bằng những việc làm và lời nói này, Đức Ki-tô làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người” (Gioan Phao-lô II, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, 2008, tr. 13-14).
5. Năm Hồng Ân của Chúa:
“Một năm hồng ân của Chúa” ám chỉ đến Năm Toàn Xá được cử hành cứ năm mươi năm một lần (x. Lv 25: 8-17). Năm Toàn Xá là hình thức mở rộng của Năm Sa-bát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15: 1-11). Năm này tiêu biểu lý tưởng công bình xã hội mà người ta nhắm đến một cách thiết thực và cụ thể. Đây là Tin Vui, Tin Mừng, Tin Giải Thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cố thế bị chèn ép áp bức, dưới bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và đem thân làm tôi đòi cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết mọi người hãy ăn năn sám hối, vì hoặc đã góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của anh em đồng loại của mình. “Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Ki-tô trong họ” (Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, 8).