CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Lời Chúa: Cv 2: 14, 36-41; 1Pr 2: 20-25; Ga 10: 1-10

Theo chu trình ba năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Chúa Nhật cầu cho Ơn Thiên Triệu.

Cv 2: 14, 36-41
Chúng ta tiếp tục đọc bài diễn từ thánh Phê-rô công bố cho đám đông đến Giê-ru-sa-lem mừng lễ Ngũ Tuần. Thánh nhân khuyên họ hoán cải và lãnh nhận phép Thánh Tẩy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Đó phải là con đường đi vào ràn chiên của Đức Giê-su Ki-tô.

 1Pr 2: 20-25                                                      
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phê-rô, trong đó thánh nhân an ủi các tín hữu đang phải chịu đau khổ và cho họ biết rằng Đức Ki-tô là vị Mục Tử của họ.

Ga 10: 1-10
Dụ ngôn Đấng Chăn Chiên nhân lành được trích từ Tin Mừng Gioan và được chia thành ba phần theo chu trình ba năm Phụng Vụ. Đoạn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay là phần đầu của dụ ngôn Người Mục Tử nhân lành.

BÀI ĐỌC I ( Cv 2: 14a, 36-41)
Bản văn nầy là phần kết của bài diễn từ mà thánh Phê-rô công bố ở Giê-ru-sa-lem, vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần, qua đó thánh nhân đang ngỏ lời với đám đông dân chúng đến mừng lễ.

Trong phần trước đó, thánh nhân công bố ý nghĩa cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su và ân ban dồi dào của Chúa Thánh Thần, Đấng nội tâm hóa sứ điệp của Đức Ki-tô và thúc đẩy các tín hữu dấn bước theo Đức Giê-su.

1. Đức Giê-su là Đức Chúa và là Đấng Ki-tô:
Trong phần kết nầy, khởi đi từ nhân tính của Đức Giê-su, thánh nhân công bố tước vị Đức Chúa và Đấng Ki-tô của Đức Giê-su: “Thưa toàn thể nhà Ít-ra-en, xin biết chắc cho điều nầy: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”. Tước hiệu “Đức Chúa” (“kupios”) là tước hiệu mà bản Bảy Mươi dùng để dịch danh xưng của chính Thiên Chúa là “A-đô-nai”. Thánh Phê-rô ban cho Đức Giê-su tước hiệu nầy, như vậy thánh nhân không ngần ngại định vị Đức Giê-su vào trong lãnh vực thần linh. Vả lại, sách Công Vụ ban tước hiệu Đức Chúa lúc thì cho Thiên Chúa (Đức Chúa Cha), lúc thì cho Đức Giê-su (Đức Chúa Giê-su), để nhấn mạnh tính duy nhất của Cha và Con.

Lời công bố nầy đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn những người đang hiện diện khiến họ đi đến một quyết định cụ thể: “Thưa quý ông, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Thế nên, thánh Phê-rô trả lời với một đòi hỏi kép: hoán cải tận căn: “Anh em hãy đoạn tuyệt với thế hệ gian tà nầy” và lãnh nhận phép Thánh Tẩy “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”. Đây là phương thức đầu tiên để trở thành người Ki-tô hữu.

2. Hoán cải và lãnh nhận phép Thánh Tẩy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô:
Như thường gặp thấy trong Kinh Thánh, tên gọi của một người chính là con người mang tên ấy. Ai lãnh nhận phép Thánh Tẩy “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”, tức là tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô, người ấy được sáp nhập vào con người của Đấng Phục Sinh, thuộc vào Đức Ki-tô, trở nên một với Ngài. Thánh Phê-rô nghĩ đến ý nghĩa phép Thánh Tẩy chứ không đến chính nghi thức. Chúng ta ghi nhận rằng thánh Lu-ca không bao giờ dùng danh từ “phép rửa” để chỉ phép Thánh Tẩy Ki tô giáo, bởi vì thuật ngữ này luôn luôn quy chiếu đến phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Thánh Lu-ca dành riêng cho phép Thánh Tẩy Ki-tô giáo động từ “rửa”, thường nhất ở thể thụ động thần linh.

Có lẽ công thức Ba Ngôi “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” đã chưa được sử dụng cách phổ quát ngay. Công thức Ba Ngôi được thánh Mát-thêu trích dẫn (Mt 28: 19) rõ ràng được thánh Phao-lô nêu lên ở 1Cr 6: 11: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta”. Cuối thế kỷ thứ nhất, sách Đi-đa-khê hay “Giáo Huấn của nhóm Mười Hai” (sưu tập giáo lý và phụng vụ) chỉ biết công thức Ba Ngôi. Tuy nhiên, ở đây thánh Phê-rô kể ra liền ngay ân sủng Thánh Thần như thực hiện lời Thiên Chúa hứa. Thế nên, Ba Ngôi hiện diện rồi.

3. Ơn cứu độ phổ quát:
Thánh nhân ngỏ lời trước tiên với người Do thái: “Vì đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em” (nghĩa là ân sủng Thánh Thần như lời hứa ban cho dân Ngài vào thời Mê-si-a), nhưng ngay liền sau đó, thánh nhân ngỏ lời với lương dân: “và tất cả những người ở chốn xa xăm”. Quả thật, cách nói nầy thường được dùng để chỉ lương dân đối lập với dân Chúa chọn, dân ở “gần” Thiên Chúa, như Is 57: 19: “Bình an cho những ai ở xa (lương dân) như cho những ai ở gần (dân Chúa chọn)”. Đang khi xuất thần ở trong Đền Thờ, thánh Phao-lô nghe tiếng Chúa bảo ông: “Hãy đi, vì Thầy đã sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa  (Cv 22: 21).

Thánh Lu-ca kết thúc bài bài trình thuật nầy khi nhấn mạnh rằng Ki-tô giáo phát triển rất nhanh như thánh nhân thường làm: “Và hôm ấy đã có thêm được ba ngàn người theo đạo” .

BÀI ĐỌC II (1Pr 2: 20-25)
Phụng vụ hôm nay chọn đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô, vì câu cuối của đoạn trích nầy vang dội Tin Mừng hôm nay về Người Mục Tử nhân lành: “Vì trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về cùng Vị Mục Tử chăm sóc linh hồn anh em”.

1. Ý hướng:
Trong đoạn trích nầy, thánh Phê-rô đưa ra những lời khuyên cho những người Ki-tô hữu thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Những lời khuyên này cốt yếu được gởi đến cho “những tôi tớ”, “những gia nhân”. Bản văn phụng vụ dịch khá khái quát: “anh em”, vì những lời khuyên bảo nầy có giá trị đối với tất cả những ai đang chịu đau khổ.

Việc thánh Phê-rô chú ý đến những người bé mọn nầy chứng thực Ki-tô giáo được đón nhận rộng rãi ở giữa những thành phần xã hội bị ngược đãi nhất. Cũng như thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phê-rô không nhằm đặt lại tận căn những cơ cấu xã hội vào thời đại của ngài: thánh nhân chỉ nhắm đến việc biến đổi bên trong. Sống những giá trị Ki-tô giáo trong điều kiện mà người ta đang sống đó là cách thức biến đổi những mối tương quan giữa người với người. Một cách khái quát, thư nhắm đến ý nghĩa nầy: cách ăn nếp ở của những người Ki-tô hữu phải khiến cho lương dân suy nghĩ, soi sáng họ, khiến họ thay đổi cách hành xử của mình. Lúc đó, sức mạnh giải phóng của Đức Ki-tô thay đổi cơ cấu xã hội và biến toàn thể nhân loại thành một cộng đoàn huynh đệ và bình đẳng.

2. Người Công Chính phải chịu đau khổ:
Để an ủi những người bé mọn nầy phải chịu nhiều đau khổ bất công, thánh Phê-rô nhắc nhở họ, hãy theo gương Đức Giê-su, hãy lấy Ân báo Oán. Thánh nhân không ngần ngại nói về ơn gọi của người Ki-tô hữu đó là chấp nhận đau khổ: “Anh em được Chúa gọi để sống như thế”, ám chỉ đến lời mời gọi của Đức Giê-su: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy vác lấy thập giá mình…”.

Đức Ki-tô đã không giải quyết những đau khổ, nhưng Ngài đã đảm nhận, đón nhận chúng vào nơi chính bản thân mình và biến đổi chúng bằng cách cho chúng một ý nghĩa. Để giải thích cuộc Tử Nạn mà Đức Giê-su phải chịu dựa trên sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị về Người Tôi Trung Đau Khổ, thánh Phê-rô trích dẫn khá tự do bài ca thứ ba (Is 50: 5-8) và bài ca thứ tư (Is 53: 4-7), và áp dụng vào Đức Ki-tô, Đấng “mang trong thân xác mình tội lỗi của chúng ta mà đưa lên thập giá…”.

Vì thế, câu cuối của đoạn văn này minh họa một chủ để quan trọng của bức thư: thành quả tinh thần của sự đau khổ mà người công chính phải chịu và mối phúc của những người bị bách hại. Những người Ki-tô hữu đang phải sống những gian nan thử thách, họ chắc chắn thuộc vào đoàn chiên của Vị Mục Tử chân thật, Ngài đang “chăn dắt họ”.

TIN MỪNG (Ga 10: 1-10)
Trong cả ba chu trình Năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành.”  Dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành” được chia thành ba phần theo chu trình ba năm Phụng Vụ: năm A: Ga 10: 1-10, Ga 10: 11-18 vào năm B: Ga 10: 11-18, và năm C: Ga 10: 27-30.

1. Hình ảnh “người mục tử” trong Kinh Thánh:
Hình ảnh “người mục tử và đàn chiên” chạy xuyên suốt Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Tự nguồn gốc, dân Ít-ra-en vốn là dân du mục. Vào thời Đức Giê-su, một thành phần vẫn còn sống nghề chăn chiên. Các tác giả thánh vịnh đã có chủ ý phóng chiếu trên Thiên Chúa của mình những nét đặc trưng của vị mục tử lý tưởng, như Tv 23:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức tôi…”

hay Tv 78:

“Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu,
đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên,
đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ…”  (Tv 78: 51-52).

Các ngôn sứ đã phác họa Đấng Mê-si-a theo những nét đặc trưng của vị mục tử lý tưởng này; nhất là ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả một viễn cảnh thật táo bạo. Vị ngôn sứ, nhân danh Thiên Chúa, gay gắt lên án các vị lãnh đạo thời ông. Họ là những mục tử vô trách nhiệm, là quân trộm cướp, chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm đến đoàn chiên. Vì vậy, Thiên Chúa sẽ tước đi khỏi họ quyền chăn dắt đoàn chiên của Người. Chính Người sẽ đích thân chăm sóc chiên của Người. Cuối cùng, Người sẽ cho xuất hiện một vị Mục Tử Nhân Lành theo dung mạo vua Đa-vít, sống chết vì đàn chiên (Ed 34). Dụ ngôn của Đức Giê-su được đặt vào truyền thống của dụ ngôn Ê-dê-ki-en, vì thế, khi tuyên bố mình là Mục Tử Nhân Lành, Đức Giê-su đòi hỏi cho mình tước hiệu Mê-si-a.

Trong Tin Mừng Gioan, Diễn Từ: “Người Mục Tử đích thật” đặt liền ngay sau câu chuyện người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Những kiểu nói được lập đi lập lại: “Thật, tôi bảo thật các ông” loan báo sự phối hợp của hai câu chuyện này và chỉ cho thấy sự liên tục của tư tưởng và tuyến phát triển của lập luận. Mối liên kết nầy soi sáng những lời nói của Đức Giê-su. Qua những hình ảnh biểu tượng: người mục tử, ràn chiên, cửa chuồng chiên, Đức Giê-su muốn mặc khải cho chúng ta những khía cạnh mầu nhiệm của con người Ngài, vén mở cho chúng ta thoáng thấy những mối tâm giao mới giữa Thiên Chúa và con người mà Ngài đến thiết lập, và giúp chúng ta nắm bắt một cách sâu xa tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.

2. Người Mục Tử đích thật:
Phần thứ nhất đặt sự tương phản giữa người mục tử và quân trộm cướp. Bức tranh nầy rất quen thuộc với miền Pa-lết-tinh. Ràn chiên là một thuở đất giữa đồng được rào chung quanh và có người canh giữ để chiên khỏi bị quân trộm cướp đến giết hại. Khi chiều xuống, những người mục tử gởi đàn chiên của mình vào chung một ràn chiên. Sáng sớm, người chăn chiên đến tìm đàn chiên của mình, anh chỉ cần lên tiếng gọi: chiên nào thuộc người chăn chiên thì nhận ra tiếng của anh và chạy đến với anh; chúng không theo người lạ.

Qua hình ảnh đó, Chúa Giê-su khẳng định mối tâm giao giữa người chăn chiên và đàn chiên: “Anh gọi tên từng con một”. Đối với Đức Giê-su, không có đám đông vô danh; Ngài nhận biết và yêu mến từng con chiên. Đáp lại, đàn chiên quen hơi bén tiếng với người chăn chiên của mình: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”. Qua mối tâm giao hổ tương này, Chúa Giê-su đối lập thái độ của Ngài với thái độ của nhóm Pha-ri-sêu: họ đã loại bỏ một cách tàn nhẫn anh mù được sáng mắt, như thế họ đã hành xử như mục tử gian ác. Trái lại, Đức Giê-su không chỉ tiếp đón anh, nhưng sau khi đã cho con mắt xác thịt của anh được thấy, Ngài còn dẫn dắt anh đến niềm tin, đã khai lòng mở trí cho anh đón nhận ánh sáng, vì Ngài là mục tử đích thật.

3. Cửa chuồng chiên:
“Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu Người có ý nói gì”. Vì thế, Chúa Giê-su tiếp tục nói với họ khi giới thiệu Ngài là “cửa chuồng chiên”. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra nét tinh tế của bản văn ở đây. Đức Giê-su không nói: “Tôi là cửa chuồng chiên”, nhưng “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Đây là một nét biệt phân quan trọng: Đức Giê-su không là cửa của một nơi chốn, nhưng Ngài là lối đi cho chiên ra vào, như vậy, Ngài khẳng định mình là Đấng trung gian duy nhất. Ngài là cửa duy nhất, qua đó chiên có thể vào nơi trú ẩn an toàn mỗi khi chiều xuống, để rồi khi bình minh đến, đàn chiên ra đi đến đồng cỏ xanh tươi: “Ai qua tôi mà vào, thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ được ra vào và tìm được lương thực nuôi mình”. Cuối cùng, khi phác họa chân dung người mục tử lý tưởng, Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai tiếp tục sự nghiệp dẫn dắt dân Ngài hãy bước theo mẫu gương nầy. Vì thế, Chúa Nhật IV Phục Sinh này cũng được gọi “Chúa Nhật Ơn Thiên Triệu”.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông