CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN
Lời Chúa: Kb 1: 2-3; 2: 2-4; 2Tm 1: 6-8, 13-14; Lc 17: 5-10

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm C nêu bật chủ đề về sức mạnh của đức tin được chứng thực ở nơi lòng thành  tín.

Kb 1: 2-3; 2: 2-4      
Ngôn sứ Kha-ba-cúc mời gọi hãy  gìn giữ đức tin và lòng thành tín đối với Thiên Chúa, thậm chí ngay khi trí khôn phàm nhân của chúng ta không thể nào hiểu thấu những ý định khôn dò của Thiên Chúa đi nữa.

2Tm 1: 6-8, 13-14
Thánh Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê hãy gìn giữ đức tin cho thật tinh tuyền và vô tỳ vết trong việc trung thành tuân giữ lời cam kết và công bố toàn vẹn Tin Mừng.

Lc 17: 5-10
Bài học của Tin Mừng hôm nay là phải ra sức tăng trưởng đức tin của mình và trung thành phục vụ Thiên Chúa một cách vô vị lợi.

BÀI ĐỌC I (Kb 1: 2-3; 2: 2-4)
Sách Kha-ba-cúc là một trong những sách Cựu Ước ngắn nhất, chỉ vọn vẹn có ba chương: hai chương đầu theo hình thức đối thoại giữa vị ngôn sứ và Thiên Chúa, còn chương thứ ba là một thánh vịnh. Nhưng sách này nêu lên một vấn đề căn bản: sự chiến thắng của sự dữ và sự im lặng của Thiên Chúa.

1. Bối cảnh:
Chúng ta không biết chút gì về thân thế của vị ngôn sứ này, tuy nhiên bản văn cho phép chúng ta định vị niên biểu sứ điệp của ông vang lên vào năm 600 trước Công Nguyên. Đây là thời kỳ Tân Ba-by-lon chiến thắng đế quốc Át-sua: phá hủy kinh thành Ni-ni-vê vào năm 610 trước Công Nguyên và tiếp tục bành trướng thế lực của mình cho đến tận miền Pa-lét-tin. Ngôn sứ Kha-ba-cúc tiên báo cuộc xâm lăng này, vì thế ông ghi lại sứ điệp của ông giữa những cuộc xâm lăng và vây hãm kinh thành Giê-ru-sa-lem vào những năm 598-597 trước Công Nguyên.

Bản văn được trích dẫn hôm nay chỉ thuật lại câu hỏi đầu tiên của vị ngôn sứ (1: 2-3) và câu trả lời thứ hai của Thiên Chúa (2: 2-4) trong cuộc đối thoại giữa vị ngôn sứ và Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ theo đuổi diễn tiến toàn bộ tác phẩm này.

2. Thiên Chúa im lặng (1: 2-3):
Kha-ba-cúc chứng kiến chung quanh ông chỉ toàn là cảnh bạo lực, cướp bóc, tàn phá và khổ đau. Ông cầu xin Thiên Chúa ra tay cứu độ, nhưng Thiên Chúa không trả lời, như thử Ngài chẳng đoái hoài đến dân tình thế sự. 

Những lời than van của con người trước việc sự ác hoành hành và sự im lặng của Thiên Chúa thường được phát biểu trong Kinh Thánh: những tiếng than van nhiều lần của các thánh vịnh gia, của ông Gióp trên giường khổ đau, của ngôn sứ I-sai-a: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…” (Is 63: 19).

Câu trả lời của Thiên Chúa cho Kha-ba-cúc giúp cho hiểu rằng Thiên Chúa để cho con người cứ mặc sức tự tung tự tác chừng nào có thể, nhưng rồi Thiên Chúa sẽ ra tay khi cho một dân tộc khác dấy lên chống lại dân tộc này:

“Này Ta khiến cho dân Can-đê nổi lên,
một dân hung hăng tàn bạo;
nó rảo khắp mặt đất mênh mông
để chiếm đoạt nhà cửa không phải của mình” (1: 6).

Lúc đó, vị ngôn sứ hỏi Thiên Chúa về số phận mà Ngài dành cho kẻ gian ác, những kẻ vênh vang tự đắc về sự chiến thắng của mình, trong khi người công chính thường bị đè bẹp nghiền nát. Ông tìm kiếm lý do tại sao Thiên Chúa không can thiệp và nêu lên câu hỏi thứ hai:

“Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền
không thể chịu được điều gian ác,
Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng,
tại sao Thiên Chúa cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh
khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?” (1: 13).

3. Kiên nhẫn và trung tín (2: 2-4)
Câu trả lời của Thiên Chúa cho câu hỏi thứ hai của vị ngôn sứ là chính yếu; nó là trọng tâm sứ điệp của sách Kha-ba-cúc. Chính Thiên Chúa mặc lấy cho câu trả lời này một tính cách long trọng:

 “Đức Chúa trả lời và nói với tôi: ‘Viết lại thị kiến
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được cho xuôi chảy” (2: 2).

Thị kiến này sẽ ứng nghiệm vào thời được ấn định không một chút sai chạy. Nếu nó chậm tới, người công chính phải đợi chờ một cách thành tín:

“Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,
còn người công chính sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình” (2: 4).

Thánh Phao-lô trích dẫn đến hai lần bản văn Kha-ba-cúc này để hỗ trợ cho luận đề của thánh nhân về ơn công chính hóa nhờ đức tin: “Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được cứu sống (Rm 1: 17) và “Vả lại, không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính nhờ đức tin sẽ được sống (Gl 3: 11). Tác giả thư gởi tín hữu Do thái cũng trích dẫn bản văn này: Người công chính của Ta nhờ lòng tin sẽ được sống; nhưng nếu người ấy bỏ cuộc, thì Ta không hài lòng về người ấy” (Dt 10: 38).

Thật ra, từ Hy-lạp: “pistis” này, cũng như từ La-tin “fides”, đều có hai nét nghĩa: “đức tin”“lòng thành tín”. Kha-ba-cúc nhấn mạnh lòng thành tín, nghĩa là người công chính phải kiên trung bền vững trong đức tin bất chấp những tăm tối mà đức tin này phải đối mặt. Trong khi đó, những lời trích dẫn của bản văn Kha-ba-cúc trong Tân Ước lại nhấn mạnh đức tin hơn lòng thành tín.

BÀI ĐỌC II (2Tm 1: 6-8, 13-14)
Đây là bức thư cuối cùng của thánh Phao-lô vào lúc thánh nhân bị giam cầm một cách nghiêm nhặt ở Rô-ma. Thánh nhân nhận thức rất rõ số phận đang chờ đợi mình: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi” (4: 6). Như vậy, bức thư này một cách nào đó là di chúc tinh thần của thánh nhân. Thánh Phao-lô ngỏ lời với người cộng tác viên thân yêu của ngài bằng cung giọng thân tình trìu mến, nhưng cũng đầy tính kiên quyết của ngài. Thánh nhân để hết tâm huyết của mình vào những lời khuyên bảo này. Ông Ti-mô-thê xem ra đã là một người nhút nhát, thêm nữa bị tác động bởi những chướng ngại nổi lên trong Giáo Đoàn Ê-phê-xô, mà thánh Phao-lô đã giao phó cho ông trách nhiệm coi sóc.

1. Thần Khí đầy sức mạnh:
“Anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh”. Động từ Hy-lạp được dịch ở đây là “khơi dậy”, thực ra có nghĩa “khơi lên ngọn lửa trong lòng”, tức là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mà ông Ti-mô-thê đã lãnh nhận vào lúc ông được thụ phong. Thần Khí này “không là một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh”. Lời khuyên khởi đầu này cho hiểu rằng những căng thẳng đã trở nên nghiêm trọng và ông Ti-mô-thê phải trở nên kiên quyết hơn đối với những lạc thuyết.

2. Thần Khí đầy lòng mến:
Những lạc thuyết này vì gây nên những bất đồng nên không thể phát xuất từ đức mến được, như thánh Phao-lô đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Khi đi Ma-kê-đô-ni-a, tôi đã khuyên anh ở lại Ê-phê-xô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác…; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết. Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1Tm 1: 3-5). Ông Ti-mô-thê phải ra sức làm cho đức ái Ki-tô giáo ngự trị trong cộng đoàn.

3.Thần Khí biết tự chủ:
Từ ngữ được dùng ở đây “biết tự chủ” thuộc từ vựng khôn ngoan Hy-lạp; nó gợi lên phẩm chất của một tinh thần vừa biết tự kiềm chế chính mình trước sự sợ hãi hay đam mê vừa biết uốn nắn chính mình. Đối với ông Ti-mô-thê đây là tất cả chương trình hành động. Khi thực hành nhân đức này, ông sẽ làm tan biến những lạc thuyết mà xuống dưới vài dòng thánh Phao-lô sẽ xác định là “những chuyện nhảm nhí, trống rỗng” (2: 16).

4. Biết làm chứng và chịu đau khổ:
Thánh nhân nhấn mạnh rồi trong thư thứ nhất của ngài gởi cho Ti-mô-thê về tầm quan trọng của lời chứng, lời tuyên xưng đức tin trước các chứng nhân; thánh nhân thêm vào đây giá trị của sự đau khổ: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác quyết rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó” (2Tm 1: 12). Ông Ti-mô-thê chắc chắn phải chịu đau khổ nhiều lắm vì những bất đồng nội bộ trong cộng đoàn Ê-phê-xô. Thánh Phao-lô xin ông hãy kết hiệp những đau khổ của ông với sự đau khổ của thánh nhân – sự đau khổ của một tù nhân bị giam cầm – và nghĩ đến sự hữu hiệu tinh thần của ông và ngài: những đau khổ của họ làm cho lời loan báo Tin Mừng được trổ sinh nhiều hoa trái.

TIN MỪNG (Lc 17: 5-10)
Theo văn mạch của Tin Mừng Lu-ca, Chúa Giê-su tiếp tục giáo huấn các môn đệ của Ngài trên đường lên Giê-ru-sa-lem; nhiều lần Ngài đưa ra những yêu sách đối với những ai muốn bước đi theo Ngài. Đoạn trích chương 17 này là đoạn văn cuối cùng về đề tài này, không kém phần nghiêm khắc. Thánh Lu-ca đặt vào trong bối cảnh các môn đệ xin Chúa Giê-su thêm lòng tin cho họ.

1. Đức tin:
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Danh xưng “Tông Đồ” thì hiếm trong các sách Tin Mừng. Thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô và thánh Gioan dùng danh xưng này chỉ một lần; họ tránh dùng danh xưng này vì nó có nghĩa “người được sai đi” mà chỉ một mình Chúa Giê-su mới xứng đáng tước hiệu này: Ngài là Đấng được Chúa Cha sai phái. Thánh Lu-ca dùng danh xưng “Tông Đồ” này sáu lần, nhưng có chủ ý, trong vài trường hợp. Vì thế, chúng ta được báo trước rằng câu chuyện này thì quan trọng.

Cả ba thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô và thánh Lu-ca đều thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành một em bé bị quỷ ám mà các môn đệ đã bất lực. Tại Mát-thêu, các môn đệ ngạc nhiên nên hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”. Chúa Giê-su trả lời: “Tại anh em kém tin” (Mt 17: 20). Tại Mác-cô, chính cha của đứa trẻ xin Chúa Giê-su cứu giúp khi thốt lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9: 24).

Có lẽ chính vào dịp thất bại này hay thất bại tương tự khác mà các Tông Đồ đã bày tỏ lời thỉnh nguyện của mình: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Tuy nhiên, những ngôn từ được chọn lựa, cung giọng được ban cho lời thỉnh nguyện này, hướng tư tưởng về thời hậu phục sinh. Trước biến cố Phục Sinh, các sách Tin Mừng trình bày đức tin như một ân ban của Chúa Cha. Như vậy, sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô, Chúa Giê-su công bố: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16: 17). Gần trước cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su còn công bố cho thánh Phê-rô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22: 32).

Vì thế, xem ra khả dĩ hơn rằng lời thỉnh nguyện được thánh Lu-ca trích dẫn ở đây đã được ngỏ lời với Đấng Phục Sinh (vì thế, mới có những lời “Lạy Chúa”, “các Tông Đồ”). Thánh Lu-ca tham dự trước viễn cảnh hậu Phục Sinh, viễn cảnh Giáo Hội thường hằng lộ ra trong Tin Mừng của thánh nhân. Chính là Giáo Hội được mời gọi cầu nguyện với Đức Giê-su là “Chúa”, xin Ngài thêm lòng tin cho mọi chi thể của Ngài.

2. Sức mạnh của đức tin:
Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp lời thỉnh nguyện của các môn đệ Ngài. Nhưng nếu chúng ta cho lời thỉnh nguyện này một âm vang hậu phục sinh khi biện minh rằng thánh Lu-ca đặt ở đây những lời của Chúa Giê-su mà thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô trích dẫn trong một bối cảnh khác (x. Mt 13: 32; Mc 4: 31). Với những người sắp đảm nhận một công việc bao la là nâng dậy thế giới, Chúa Giê-su công bố rằng nếu anh em có lòng tin thì không gì là không thể, ngay cả truyền cho một cây cổ thụ có gốc rể bám sâu trong lòng đất, mà xuống mọc dưới đáy biển đi nữa. Đức tin có quyền năng biến đổi mọi sự.

3. Phục vụ Thiên Chúa một cách vô vị lợi:
Dụ ngôn tiếp theo sau không có mối liên hệ trực tiếp với giáo huấn đi trước; chắc hẳn dụ ngôn này nguyên thủy đã là độc lập. Tuy nhiên, sau lời dạy gợi ý về những điều kỳ diệu mà những người có lòng tin có thể thực hiện, Chúa Giê-su hạ xuống sự kiêu hãnh tiềm tàng của các môn đệ.

Bức tranh mang đậm nét miền Pa-lét-tin. Một nông dân, tiểu điền chủ, chỉ có một người nô lệ. Người nô lệ phải làm hết mọi việc trong nhà ngoài đồng của chủ. Dù phải mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả ngoài đồng, người nô lệ không được yêu sách bất cứ điều gì, dù nghỉ ngơi hay ăn uống, trước khi phục vụ chủ mình. Đó là bổn phận của một người nô lệ phải có đối với chủ mình. Dụ ngôn thì rắn rõi, nhưng ý nghĩa thì rõ ràng: những ai cam kết phục vụ Thiên Chúa, thì phải phục vụ cách khiêm tốn: “Khi đã làm tất cả những gì theo mệnh lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”, nghĩa là đừng tự cho mình là cần thiết.

4. Bữa ăn:
Tại sao Chúa Giê-su lại đưa ra một ví dụ về một bữa ăn như sự phục vụ tối hậu của người nô lệ đối với chủ mình sau khi kết thúc một ngày làm việc vất vả nhỉ? Đây không phải nhằm quy chiếu đến một bữa ăn khác sao? Thánh Lu-ca thích bức tranh bộ đôi, thậm chí nếu hai bức tranh không được kể ra trong bản văn của mình. Ở chương 12, trong bài diễn từ về việc phải sẵn sàng luôn, Chúa Giê-su gợi lên những người đầy tớ trung thành tỉnh thức đợi chủ trở về trong đêm khuya: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12: 37). Ở bàn tiệc cánh chung, chính Thiên Chúa đích thân phục vụ những tôi trung của Ngài… Nhưng trước đó, người tôi trung phải chứng tỏ là mình phục vụ Ngài một cách khiêm tốn và vô vị lợi.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông