THẢO KÍNH CHA MẸ
- Thứ ba - 19/12/2017 09:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất nước mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi" (Xh 20,12)
Ngay sau ba điều răn hướng về Thiên Chúa thì điều răn thứ 4 Thiên Chúa đòi buộc chúng ta hãy thảo kính cha mẹ. Đó cũng là điều răn đầu tiên trong phần thứ hai của bản Thập Giới, phần Thiên Chúa muốn con người hãy yêu người thân cận như chính mình. Vì thế, theo Thánh Phaolo đó là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1 – 3).
Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài cũng muốn chúng ta tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta. Điều răn này trước tiên nhắm đến con cái, trong tương quan giữa họ với cha mẹ. Mối tương quan này được mở rộng trong tương quan với họ hàng, dòng họ, tổ tiên. Tuy nhiên, điều răn này còn bao hàm những bổn phận của cha mẹ, người giám hộ, thầy cô, người lãnh đạo, nghĩa là những ai đang thực thi quyền bính trên người khác hay trên một cộng đồng các nhân vị.
Trong Kinh Thánh bàn bạc những câu chuyện và bài học về tình yêu gia đình. Đức Giêsu đã từng sống trong gia đình, vâng phục cha mẹ và sống tình con thảo: Ngài theo cha mẹ trở về Nazareth và vâng phục các ngài Lc 2, 51; Dt 5,8; sự kiên nhẫn của cha mẹ và tình yêu vô bờ được diễn tả trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” Mt 14, 11 – 32…
1a. Gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa
Người nam và người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân, cùng với con cái họ tạo thành gia đình. Vì thế, bản chất của hôn nhân và gia đình là được xây dựng hướng về thiện ích của đôi phối ngẫu, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Thể chế này đi trước mọi công nhận của công quyền, hơn nữa công quyền phải nhìn nhận thể chế này. Gia đình được coi là điểm qui chiếu thông thường căn cứ vào đó mà đánh giá các liên hệ khác. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình con người và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Các phần tử trong gia đình là những nhân vị bình đẳng về phẩm giá. Vì công ích của các phần tử trong gia đình và của xã hội, gia đình có những trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận đa dạng.
Giáo Hội được soi sáng bởi đức tin, nhận biết tất cả sự thật về sự tốt lành quí giá của hôn nhân và đời sống gia đình, về giá trị sâu sắc của đời sống ấy và đặc biệt cảm thấy sự cần thiết của việc loan báo Tin Mừng trong đời sống gia đình.
Vì thế, gia đình Kitô giáo là cộng đoàn đầu tiên được mời gọi loan báo Tin Mừng cho con người và đưa dẫn họ đến sự trưởng thành toàn diện vừa trong chiều kích con người và Kitô giáo ngang qua quá trình giáo dục tiệm tiến và giáo dục kitô giáo. Vì là một cộng đoàn giáo dục, gia đình phải giúp đỡ cá nhân phân định ơn gọi của mình và khả năng đảm nhận sự dấn thân cần thiết cho sự công bằng lớn lao hơn, đào luyện họ từ khởi đầu cho đến các tương quan đa chủ thể, sự phong phú về công bình và tình yêu.[1]
Do đó, hôn nhân và gia đình cũng là kế hoạch trong công trình lớn lao của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) và sống trong chính mình mầu nhiệm hiệp thông nhân vị của tình yêu. Ngài tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và không ngừng tuôn đổ sự hiệp thông của tình yêu ấy trong chính con người, Thiên Chúa khắc ghi trong con người: người nam và người nữ một ơn gọi, đó là khả năng và trách nhiệm về tình yêu và sự hiệp thông. Tình yêu ấy là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mỗi nhân vị con người. Mặc khải Kitô giáo nhận biết hai hình thức đặc biệt để sống ơn gọi tình yêu của con người: hôn nhân và trinh khiết. Dù đời sống hôn nhân hay Khiết tịnh thánh hiến trong hình thức của riêng mình, chúng cụ thể hóa sự thật sâu sắc của con người là “Hình ảnh Thiên Chúa”.
Vậy khi người nam và người nữ đón nhận nhau trong hôn nhân và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình, họ sống tình yêu trao ban, trao ban lẫn nhau. Điều duy nhất làm cho sự trao ban lẫn nhau này có thể sống theo sự thật toàn vẹn của nó đó là hôn nhân, tức là hiệp ước tình yêu phối ngẫu hay sự chọn lựa đầy ý thức và tự do, với nó người nam và người nữ đón nhận sự hợp nhất thâm sâu của cuộc sống và của tình yêu được Thiên Chúa mong muốn và chúc phúc. Bởi lẽ, Ngài đã chọn tình yêu hôn ước này để mặc khải tình yêu của Ngài cho nhân loại, chọn sự hợp nhất của hôn nhân để nói lên sự kết hiệp mật thiết của Ngài với con người. Chúng ta thấy bàn bạc trong Kinh Thánh lối mặc khải này. Lời trọng tâm của mặc khải “Thiên Chúa yêu dân Người” được loan báo ngang qua những lời sống động và cụ thể mà người nam và người nữ sống tình yêu của mình. Cái ràng buộc tình yêu của họ trở nên hình ảnh và biểu tượng của Giao Ước Thiên Chúa nối kết với dân Người (Hs 2, 21; Ger 3, 6 – 13; Is 54) và cũng như tội lỗi có thể làm tổn thương giao ước hôn nhân trở nên hình ảnh của sự bất trung của dân đối với Thiên Chúa (Ez 16, 25). Nhưng sự bất trung của Israel không phá vỡ sự trung thành đời đời của Thiên Chúa, bởi lẽ ấy, tình yêu luôn luôn trung thành của Thiên Chúa là gương mẫu của các tương quan tình yêu trung thành cần phải hiện hữu giữa những con người (Hs 3).
Sự kết hợp giữa con người và Thiên Chúa tìm thấy sự hoàn thiện đầy ý nghĩa trong Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu yêu thương và trao ban chính mình như Đấng Cứu Độ của nhân loại, hợp nhất họ lại trong một Thân Thể của chính mình. Tình yêu ấy được mặc khải đỉnh điểm trong quà tặng tình yêu mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, đảm nhận tự nhiên con người và trong hy tế Chúa Kitô trao ban chính mình trên Thập Giá cho Hiền Thê của Người là Giáo Hội. Trong hiến tế này Ngài đã mặc khải một cách tròn đầy căn tính của tình yêu tự hủy mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong con người của người nam và người nữ từ ngay khi tạo dựng (x. Ep 5, 32). Vì thế, hôn nhân của những người đã chịu Phép Rửa trở nên biểu tượng thực tại của Giao Ước mới và vĩnh hằng, được chúc phúc trong máu của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần, Ngài tuôn đổ, trao ban trái tim mới, làm cho người nữ và người nam có khả năng yêu thương lẫn nhau như Đức Kitô đã yêu chúng ta. Tình yêu phối ngẫu đạt đến sự tròn đầy, ở đó đức ái phối ngẫu là hình thức căn bản và đặc thù, với nó những người sống đời hôn nhân tham dự và được mời gọi sống chính đức ái của Chúa Kitô mà Ngài đã trao ban chính mình trên Thập Giá[2].
Gia đình kitô giáo là cộng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến; là «Hội Thánh tại gia»[3]. Thế nhưng gia đình hôm nay gặp rất nhiều khó khăn và thách đố. Hoàn cảnh lịch sử trong đó gia đình sống bao gồm ánh sáng và cả bóng tối. Điều này bày tỏ rằng lịch sử không đơn giản là một tiến triển cần thiết hướng về sự tiến bộ nhưng là một sự kiện của tự do, thậm chí là một cuộc đấu tranh giữa hai sự tự do đối lập giữa chúng, nghĩa là theo lời của Thánh Augustino, là xung đột giữa hai tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy đến chổ tự hủy chính mình và tình yêu của chính mình thúc đẩy đến chổ hủy bỏ Thiên Chúa[4].
2d. Bổn phận trong gia đình
Điều răn này trình bày cho chúng ta cách minh nhiên bổn phận của con cái đối với cha mẹ và một cách mặc nhiên bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Việc tôn kính cha mẹ được đặt nền tảng trên tình phụ tử và tình phụ tử nhân loại này bắt nguồn từ tình phụ tử thiêng liêng.
Kinh Thánh đưa ra cho chúng ta những lý do rất căn bản của lòng tôn kính cha mẹ và sự hiếu thảo của con cái. «Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?» (Hc 7,27 – 28). Vì thế, công ơn sinh thành và dưỡng dục là lý do căn bản mà con cái phải tôn kính và biết ơn cha mẹ. Lòng hiếu thảo ấy được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành, lắng nghe và hỏi ý kiến các ngài trong những lúc cần thiết. Bàn bạc trong Kinh Thánh biết bao lời khuyên răn của Chúa về cách sống, cách ứng xử của con cái đối với cha mẹ:
_Về sự vâng lời Sách Châm Ngôn dạy rằng «Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai… Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy» (Cn 6,2 – 22); «Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy» (Cn 13,1). Tuy nhiên, Giáo Lý Hội Thánh cũng dạy chúng ta, nếu xét theo lương tâm, thấy vâng theo lệnh truyền nào đó của cha mẹ xấu về mặt luân lý thì không được vâng lời[5].
_ Kinh Thánh cho chúng ta lý do để khuyên chúng ta nên hỏi ý kiến các bậc cha mẹ và trưởng lão vì «Người đầu bạc thì khôn ngoan» (Kn 4,9); «Cứ hỏi cha ngươi là người sẽ dạy, thỉnh bậc lão thành họ sẽ nói cho nghe» (Đnl 32, 7b).
Điều răn này còn nhắc nhớ con cái đã trưởng thành về trách nhiệm của họ đối với cha mẹ: trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần bao nhiêu có thể trong những năm tháng của tuổi già, hoặc suốt thời gian bệnh tật, cô đơn hoặc túng thiếu. Khi thực hiện tất cả các điều ấy, người con không chỉ thực hiện bổn phận của mình đối với cha mẹ, nhưng từ đó họ sẽ được đón nhận những ân huệ và phúc đức lớn lao. «Chúa làm cho người cha vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với con các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng» (Hc 3, 2 – 6).
Điều răn thứ tư một cách mặc nhiên cũng khuyên bậc cha mẹ hãy làm tròn bổn phận của mình. Vì sự phong phú của tình yêu phu phụ không chỉ giới hạn vợ chồng ở việc sinh sản con cái, mà còn mở rộng đến cả việc giáo dục luân lý và đào tạo thiêng liêng cho con cái[6]. Nhiệm vụ này cao cả và quan trọng đến mức, Công đồng Vatican II khẳng định rằng “nếu thiếu, chắc chắn không gì thay thế được”[7]. Còn Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II thì khẳng định, đối với cha mẹ việc giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu, bất khả nhượng[8]. Sứ mạng giáo dục này được đặt nền tảng vào việc họ tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa và sứ mạng ấy được thánh hiến trong bí tích Hôn Phối[9].
Thế thì cha mẹ dạy cho con cái điều gì? Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra những điều căn bản sau:
_ Cha mẹ phải dạy cho con cái biết chu toàn luật Thiên Chúa, bằng cách cho con cái thấy chính họ cũng vâng phục thánh ý Cha trên trời. Gia đình là mái trường đầu tiên ở đó con cái học từ nơi cha mẹ mình: tình âu yếm, lòng tha thứ, sự tôn trọng lẫn nhau, lòng chung thủy và sự phục vụ vô vị lợi. Là nơi thích hợp cho việc giáo dục các nhân đức. Việc giáo dục này đòi hỏi phải tập bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ là những điều kiện để có sự tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết đặt những gì là vật chất và tự nhiên phụ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần.
_ Gia đình là môi trường tự nhiên để khai tâm cho nhân vị về tình liên đới và trách nhiệm cộng đồng. Cha mẹ dạy cho con cái biết giữ mình khỏi những nguy hiểm và sa ngã đang đe dọa xã hội con người.
_ Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời và đồng hành cùng họ trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Vì thế, cha mẹ sống sứ mạng loan báo Tin Mừng cho con cái mình, họ là Giáo lý viên đầu tiên của con cái. Cha mẹ cần cho con cái hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh. Họ còn có nhiệm vụ dạy con cái cầu nguyện và khám ra ơn gọi làm con Thiên Chúa.
_ Trong khi tôn trọng và yêu thương, sửa dạy con cái cha mẹ cần giáo dục con cái để chúng biết sử dụng lý trí và sự tự do của mình một cách đúng đắn.
Để thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy cha mẹ phải xem con cái của mình như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị. Phương pháp giáo dục tốt nhất và hữu hiệu nhất là: Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là nêu gương tốt cho con cái, khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái và cần có uy tín để dạy chúng. Tạo môi trường sống trong gia đình quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục làm cho các bậc phụ huynh có quyền căn bản cần được tôn trọng và bảo vệ bởi công quyền đó là quyền chọn cho con cái một trường học. Cha mẹ cần tôn trọng con cái trong việc lựa chọn nghề nghiệp hoặc bạn trăm năm. Cha mẹ cũng ý thức rằng, các mối quan hệ trong gia đình là quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối. Cũng như đứa trẻ tăng trưởng trong sự trưởng thành và tự lập về mặt nhân bản và thiêng liêng, thì cũng vậy, ơn gọi riêng của chúng đến từ Thiên Chúa cũng được khẳng định cách rõ ràng và mạnh mẽ. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi ấy. Bởi lẽ, trở thành môn đệ Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa, sống theo cách sống của Ngài “Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Tôi, là mẹ Tôi” (Mt 12,50). Bởi đó, cha mẹ hãy đón nhận điều ấy và tôn trọng với tâm tình vui mừng và tạ ơn Chúa.
3d. Tôn trọng quyền bính xã hội
Điều răn thứ tư cũng dạy chúng ta tôn trọng tất cả những ai đã đón nhận từ Thiên Chúa một quyền bính trong xã hội để mưu ích cho chúng ta. Do đó người thực thi quyền bính cần phải đảm nhiệm và thi hành một số bổn phận cụ thể. Trước tiên người ấy phải là một người phục vụ “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26). Quyền bính của con người có nguồn gốc nơi Thiên Chúa, vì thế không ai có thể truyền lệnh hay thiết lập điều gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên.
Việc thực thi quyền bính nhằm biểu lộ trật tự chính đáng của các giá trị giúp mọi người dễ dàng thực thi quyền tự do và trách nhiệm. Cấp trên phải khôn ngoan thực thi sự công bằng phân phối, bằng cách quan tâm đến những nhu cầu và phần đóng góp của mỗi người, và nhằm xây dựng sự hòa thuận và bình an. Phải cảnh giác không để các chuẩn mực và quy định họ thiết lập đưa đến cám dỗ, là lợi ích cá nhân đối nghịch với lợi ích chung cả cộng đồng.
Công quyền phải tôn trọng các quyền lợi căn bản của nhân vị. Phải thực thi tất cả với lòng nhân đạo.
Bên cạnh đó, đối với công dân phải phục tùng quyền bính coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa đã đặt để họ làm thừa tác viên phân phát các hồng ân của Ngài. Công dân có bổn phận cộng tác trung thành với cấp trên trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, tình liên đới và sự tự do, nhưng cũng phải lên tiếng phê phán cách công bằng những gì có hại cho phẩm giá con người và cho công ích.
Những quốc gia giàu hơn buộc phải đón nhận bao nhiêu có thể những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế mà họ không có được nơi chính quê hương họ.
Công dân có quyền khước từ vâng phục chính quyền dân sự khi những đòi hỏi của chính quyền đi ngược lại những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng.
Hành động dùng vũ khí chống lại sự áp bức của chính quyền là không hợp pháp, trừ khi đồng thời hội đủ các điều kiện sau:
_ Sau khi đã dùng hết mọi phương cách.
_ Không gây ra những xáo trộn tệ hại hơn.
_ Có đủ cơ sở để hy vọng thành công tốt đẹp.
_ Không tìm được cách hợp lý giải pháp tốt hơn.
Do nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Hội Thánh không hề bị lẫn lộn với một cộng đồng chính trị[10]. Hội Thánh vừa là dấu chỉ, vừa là người bảo vệ tính cách siêu việt của nhân vị. Hội Thánh tôn trọng và cổ võ sự tự do chính trị và trách nhiệm của công dân. Hội Thánh có sứ vụ đưa ra những phán đoán luân lý cả trong những vấn đề liên quan đến chính trị khi các quyền lợi căn bản của con người hay ơn cứu độ của các linh hồn đòi hỏi bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ dẫn những phương tiện phù hợp với Tin Mừng và hòa hợp với lợi ích mọi người, tùy theo thời đại và hoàn cảnh.
3d. Điều răn thứ tư và đạo hiếu trong gia đình Việt Nam
Chữ hiếu là nguyên tắc chủ đạo cho tất cả mọi hành vi của bất cứ người Việt Nam nào, tựa như đức mến gợi hứng cho toàn bộ cuộc sống của mọi Kitô hữu[11]. Chữ hiếu vừa tóm tắt mọi bổn phận của con cái đối với cha mẹ vừa hình thành một trong các nền tảng cơ bản của gia đình cũng như xã hội Việt Nam. Điều này thể hiện trong muôn vàn cách cư xử và thái độ của người Việt Nam: thờ cha kính mẹ không chỉ là thái độ nhân bản mà là đạo hiếu.
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chứ hiếu mới là đạo con.
Trong Tông huấn Giáo Hội Á Châu, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết rằng: Người Á Châu hãnh diện về các giá trị tôn giáo và văn hóa của mình […] hiếu thảo với cha mẹ, đàn anh và tổ tiên, đặc biệt họ coi gia đình là nguồn sống ban sức mạnh[12]. Đạo hiếu được giảng dạy qua nguyên tắc Tam Cương của Khổng Tử: quân – thần, phụ - tử - phu phụ.
Đạo hiếu và triết lý sống ấy đã trở nên niềm tin, hành động luân lý của người dân việt. Trong những bàn luận về văn hóa và đức tin ở Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, một tham luận của các Giám Mục Việt Nam đã xác định rằng: Một mặt, việc thờ cúng tổ tiên được xem như một hình thức tôn giáo, mặt khác nó là một hành vi luân lý[13], ngang qua đó người ta sống đạo làm con. Chúng ta thấy rất rõ trong cuộc sống thường ngày, hành vi thờ phượng trở nên thái độ sống của người Việt. Trong mỗi gia đình có bàn thờ của tổ tiên với nén hương. Thờ kính tổ tiên bày tỏ niềm tin của con người trong cuộc sống siêu việt, cái mà người ta không thấy bằng mắt thường nhưng tin rằng nó tồn tại. Vì thế, sống đạo làm con không chỉ là một việc đạo đức mang tính luân lý nhưng còn là thái độ của những người tin, tin vào cuộc sống sau cái chết, tin vào sự bất tử của con người. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ về giáo dục trong gia đình công giáo[14] đã khẳng định rằng gia đình là môi trường giáo dục đạo làm con và giáo dục tôn thờ Thiên Chúa, vì đạo làm con là bổn phận của người yêu mến Thiên Chúa và ao ước nên hoàn hảo.
Nếu như việc thờ kính tổ tiên là kính nhớ cội nguồn của một dòng tộc, thì tôn thờ Thiên Chúa là nhận biết cội nguồn đích thật của con người và của cuộc sống. Ai tôn kính cha mẹ thì kính sợ Thiên Chúa.
[1] Gioan Phaolo II, Hiến chế Cộng đoàn gia đình - Familiaris Consortio, s. 2.
[2] Gioan Paolo II, Familiaris Consortio, s. 13.
[3] Như trên, s. 21.
[4] Như trên, s. 6.
[5] GLHTCG s. 2217, tr. 628.
[6] GLHTCG s. 2221, tr. 629.
[7] X., Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis, s. 3, tr. 722.
[8] X., Gioan Phaolo II, Tông huấn Cộng đồng Gia Đình Familiaris consortio, s. 36.
[9] Như trên, s. 38.
[10] GLHTCG, s. 2245 - 2246, tr. 635 – 636.
[11] Trăng Thập Tự, Đạo hiếu theo Giáo Lý Công Giáo, tr.
[12] X., Gioan Phaolo II, Tông huấn Giáo Hội Á Châu, s. 6.
[13] Cf., Nguyễn Như Thể, «Inculturation in the context of the veneration of ancestors», in Peter C. Phan, The Asian Synod. Text and commentaries, Complied and edited by Peter C. Phan 2002, 124 – 126.
[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Môi trường giáo dục gia đinh công giáo, s. 8, trong http://www.hdgmvn.org, tổng hợp ngày 15.4.2013.