ĐỒNG HÀNH TRONG ĐỨC TIN

ĐỒNG HÀNH TRONG ĐỨC TIN
Sư phạm Giáo Lý (tiếp theo), trong phần này chúng ta đi tìm hiểu ý nghĩa của việc dạy Giáo Lý
III. Dạy Giáo Lý
1.  Dạy Giáo Lý: đồng hành trong đức tin
Khái niệm dạy Giáo Lý[1] theo nghĩa gốc Hy Lạp là làm vang vọng lại, là tạo ra echo của một tiếng hay một âm thanh nào đó. Ý nghĩa này ngụ ý các hành động như: dạy dỗ, dạy bằng lời, kể lại (Lc 1,4; Cv 18,25; Rm 2,18; 1Cr 14,19; Gl 6,6; Mt 28,19 – 20). Đối với ý nghĩa này khái niệm “dạy Giáo Lý” xuất hiện trong Tân Ước còn khác nhiều so với cách diễn đạt nói lên Giáo Lý là sứ vụ của Lời được cụ thể hóa trong các hành động như: tin mừng hóa, giáo dục, nói tiên tri, cổ vũ, làm chứng nhân…

Tuy nhiên, giữa những cách diễn đạt khác nhau này, chúng ta nhận thấy có một sự phân biệt căn bản của hai khoảnh khắc: loan báo và dạy dỗ. Trước hết là thời khắc đầu tiên của loan báo sứ điệp Kitô giáo bao gồm những hành động như hô lớn, loan báo, làm chứng…. Điều này được ghi lại rất rõ trong sách Công Vụ Tông Đồ một biến cố lịch sử của việc rao giảng Tin Mừng: đó là sự kiện xảy ra sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra củng cố tinh thần cho các Tông Đồ, Chúa về trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống, lòng các Tông Đồ đầy niềm vui, hân hoan và sức mạnh. Trong khung cảnh ấy Thánh Phêrô không kìm nén được niềm vui của mình công bố giữa thành Giêrusalem về việc Đức Kitô chết và sống lại; kết quả của lời loan báo ấy là có thêm khoảng 3 ngàn người theo đạo (x. Cv 2, 1 – 41); thời khắc thức hai là giải nghĩa, đào sâu lời loan báo ấy, trong ý hướng này chúng ta tìm thấy ý nghĩa của dạy Giáo Lý với các hành động như: dạy dỗ, bàn luận, giáo dục… Điều này cũng được kể lại trong cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi rằng “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Trong thời hậu các Tông Đồ và các Giáo Phụ, việc dạy Giáo Lý mang một ý nghĩa rõ ràng hơn đó là việc dạy căn bản đức tin Kitô giáo trong phạm vi giáo dục tân tòng. Bởi vậy, hình thức Giáo Lý này dành cho những người đang thực tập đời sống Kitô hữu để đón nhận bí tích Rửa Tội. Vì thế, trong thời các Giáo Phụ có hai loại Giáo Lý căn bản: Giáo Lý Phép Rửa và Giáo Lý huấn nhiệm (mistagiogia: Giáo Lý giúp cho những người theo đạo đã lãnh nhận Phép Rửa đi sâu hơn và sống cách sâu sắc hơn các mầu nhiệm trong đạo).

Với sự đổ vỡ của tân tòng khởi đi từ thế kỷ V và trong suốt thời trung cổ với chiếu chỉ Milano 313 xác nhận Kitô giáo là quốc giáo La Mã, các Kitô hữu không còn bị cấm bách, được tự do loan truyền và thực hành niềm tin của mình, trong bối cảnh này khái niệm dạy Giáo Lý biến mất. Thay vào đó là khái niệm “Giáo Lý” chỉ cuốn sách nhỏ trong đó là những câu hỏi đáp về đức tin Kitô giáo. Động từ được dùng trong thời kỳ này là “giáo lý hóa” chính là sự giáo dục khai tâm cho các em đã rửa tội bằng phương pháp hỏi đáp được soạn thảo thành sách Giáo Lý.

Trong thời hiện đại (XVI – XIX), kỷ nguyên của những thay đổi rất mạnh mẽ và lớn lao về xã hội cũng như con người, khoa học xã hội và kỹ thuật phát triển, nhiều luồng tư tưởng mới xuất hiện, đây cũng là kỷ nguyên của Giáo Lý. Bởi vì, trong giai đoạn này dạy Giáo Lý phát triển trong hình thức giáo dục tôn giáo căn bản và hệ thống, cũng là giai đoạn hình thành và ra đời Sách Giáo Lý hay Toát yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (1992). Đồng thời việc dạy Giáo Lý cũng phát triển về phương pháp, vấn đề hội nhập văn hóa, chú tâm đến phát triển toàn diện con người tâm sinh lý và yếu tố của nhân văn của con người. Người ta bắt đầu dùng đến các khái niệm như: giáo dục, dạy học… Giáo Lý được xem như là khoa giáo dục Kitô giáo.

Khởi đi từ những năm cuối của thế kỷ XIX, nảy sinh và phát triển một phong trào rộng khắp canh tân các ấn phẩm Giáo Lý. Tuy nhiên, Giáo Lý vẫn còn ở trong cách thức cũ và truyền thống: Giáo Lý hỏi đáp, giáo dục tôn giáo, giảng dạy học thuyết Kitô giáo, dạy về tôn giáo… Trong bối cảnh mới đầy phát triển đó của xã hội và con người, biết bao câu hỏi được đặt ra cho việc dạy Giáo Lý: những tín điều đức tin mà việc dạy Giáo Lý làm cho người ta thuộc nằm lòng ấy giúp ích gì cho con người? Nó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống? Bởi lẽ, những thế kỷ đã qua người ta lãng quên khái niệm “dạy Giáo Lý” là “làm vang lại lời Thiên Chúa” hay là loan báo hoặc công bố Tin Vui. Vì thế, trong bối cảnh của phong trào canh tân này, người ta cố gắng quay trở lại với sự phong phú của cội nguồn, trên hết là trở về với thời của các Tông Đồ và các Giáo Phụ với ước mong vượt qua những giới hạn của khái niệm một cách chủ yếu dựa vào trí óc và sách vở. Trong đó dạy Giáo Lý là truyền lại kho tàng đức tin trong một trung thành kép: trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người. Nghĩa là Giáo Lý có bổn phận truyền lại cách trung thành niềm tin duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô trong sự làm mới lại và làm cho Tin Mừng được sống trong mọi thời đại, mọi nền văn hóa và đem lại ý nghĩa cho từng lứa tuổi, theo dòng cuộc sống của con người, đem lại động lực và ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

Vậy đâu là ý nghĩa của việc dạy Giáo Lý? Dạy Giáo Lý là hoạt động giáo dục của Giáo Hội bằng chính lời của Thiên Chúa qua đó giúp các Kitô hữu trưởng thành trong đức tin, giúp các Kitô hữu tháp nhập và xây dựng thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô[2]. Nếu như dạy Giáo Lý là hoạt động làm vang lại Lời Thiên Chúa nghĩa là đem lại ý nghĩa sống động cho cuộc sống con người, thì dạy Giáo Lý cũng là đồng hành cùng các Kitô hữu trưởng thành đức tin. Dạy Giáo Lý còn là khoa giáo dục Kitô giáo, nghĩa là trong khi truyền lại niềm tin, Giáo Lý chú tâm đến con người trong mọi chiều kích của họ: văn hóa, lối sống, tâm sinh lý của người thụ huấn.

Công Đồng Vatican II xác định tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt giáo dục Kitô giáo trong Gravissium Educationis, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo. Công Đồng khẳng định[3] nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, các Kitô hữu đã trở nên những tạo vật mới, được gọi là con Thiên Chúa nên có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo. Nền giáo dục này chính yếu còn giúp những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy nhờ được hướng dẫn từng bước trong việc hiểu biết các mầu nhiệm cứu rỗi, trở nên ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã lãnh nhận; biết thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý; đặc biệt qua cử hành phụng vụ, được đào luyện để sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý; nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, vươn tới tầm viên mãn của Đức Kitô và góp phần vào việc tăng trưởng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Dạy Giáo Lý đối với Giáo Hội là một bổn phận thiêng liêng và là quyền không thể thay thế[4]. Vì thế, dạy Giáo Lý không chỉ đơn giản là cách thế, ở đó Giáo Hội trong muôn vàn phương cách của mình cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng con cái lớn lên trong đức tin mà còn là cách sống trong đó Giáo Hội sống niềm tin của mình một cách sáng tạo trong mọi nền văn hóa và mọi thời đại. Trong suốt dòng lịch sử qua Giáo Hội không ngừng cần mẫn với sứ mạng đồng hành cùng dân Thiên Chúa để lớn lên mỗi ngày trong sự gắn bó với Thiên Chúa qua việc không ngừng học hỏi, đào sâu, cảm nghiệm về Thiên Chúa. Chính mục đích căn bản và cốt yếu của việc dạy Giáo Lý này canh tân cái nhìn của Giáo Hội về việc dạy Giáo Lý như là đồng hành cùng các Kitô hữu trong đức tin đã tạo ra động lực mới, cách thế mới và phương pháp đầy sáng tạo trong việc dạy Giáo Lý.
 
 

[1] X., E. Alberich, «Catechesi», trong J. Gevaert (ed.), Dizionario di Catechetica, Editrice Elle Di Ci, Torino 19872, 104 – 108. Xem, E. Alberich, “Giáo Lý”, trong J. Gevaert (ed.), Từ điển Giáo lý, Nhà xuất bản Elle Di Ci, Torino 1987 xuất bản lần thứ 2, tr. 104 – 108.
 
[2] Gioan Phaolo II, Tông huấn Catechesi Tradendae (ngày 16. 10. 1979), s. 1, tr. 1. (Tông huấn về Dạy Giáo Lý)
[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, s. 2, tr. 721 – 722.
[4] X. Gioan Phaolo II, Catechesi Tradendae – Tông huấn về việc dạy Giáo Lý, s. 14. 

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ