LỜI NGỎ
- Chủ nhật - 27/08/2017 05:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dạy Giáo Lý là một trong những hoạt động quan trọng, thậm chí là một bổn phận không thể thiếu của Giáo Hội vì qua đó Giáo Hội sống căn tính đem Tin Mừng cho muôn người. Giáo Hội luôn ý thức mình là Thân Thể huyền nhiệm của Đức Kitô, sống trong thế giới và cho thế giới. Được thúc đẩy từ những sự kiện và trạng thái xã hội của từng giai đoạn lịch sử, Dân Thiên Chúa lớn lên trong kiên nhẫn và hy vọng, trưởng thành nhận thức của chính mình và của sứ mạng trong việc dấn thân cách trung với Lời Chúa, với ý nghĩ của Đức Kitô, trong nhớ lại cách kính cẩn các giáo huấn đáng tin cậy của truyền thống Giáo Hội và trong việc ngoan ngùy với sự soi sáng nội tâm của Chúa Thánh Thần. Là kinh nghiệm của tiếp tục hoán cải, của thanh luyện và của đức ái thúc đẩy Giáo Hội trung thành luôn luôn tròn đầy hơn nữa với Thiên Chúa và hậu thuẫn sứ mạng bình an của Ngài và ơn cứu độ cho muôn người.
Nhận định về đời sống đức tin của người tín hữu hôm nay trong bối cảnh xã hội có quá nhiều bóng tối, Giáo Hội nhận thấy một trong những nguyên nhân quan trọng đó là: khái niệm dạy Giáo Lý như trường dạy đức tin, như sự học hỏi và thực tập kéo dài suốt cuộc sống người kitô hữu không được thấm vào cách tròn đầy trong ý thức của người kitô hữu[1].
Bởi vậy, dọc theo chiều dài lịch sử của Giáo Hội những vấn đề của Giáo Lý như nội dung, phương pháp, công cụ, văn hóa được nghiên cứu và đào sâu để Tin Mừng được đến với mọi người cách hiệu quả và giúp các tín hữu sống cách sống động, sống niềm vui sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.
Như đã được viết trong Tông Huấn Porta fidei - Cánh Cửa Đức Tin, để truyền lại nội dung của các tín điều có thể chỉ cần một cuốn sách, nhưng điều loan báo trong Giáo Hội là ánh sáng mới nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa chạm tới tận thâm tâm con người. Như vậy, dạy Giáo Lý là làm nhớ về Thiên Chúa, là kể lại những kỳ công của Ngài, những gì Ngài đã làm cho tôi, cho bạn, cho chúng ta và cho cả nhân loại từ đó làm cho chúng ta biết tin Ngài, vâng phục Ngài, ca tụng Ngài, cầu xin Ngài và làm chứng cho Ngài.
Do đó, dạy Giáo Lý không đơn giản là giúp người khác thuộc nằm lòng nội dung của tín điều, nhưng là sự khám phá mới mang lại ý nghĩa, động lực cho chính cá nhân. Dạy Giáo Lý là một nghệ thuật của sự đồng hành, đồng hành trong đức tin, trong đó người đồng hành và người được đồng hành lớn lên cùng nhau trong kinh nghiệm về Thiên Chúa và sống Lời Ngài. Vì lẽ rằng “Kitô hữu, người ta không sinh ra mà trở nên” (Tertulino), hành trình trở nên này được đan bện bởi sự đón nhận, nổ lực mỗi ngày và đồng hành cùng với người khác trong cộng đoàn kitô hữu.
“Hãy nghiên cứu Giáo Lý với niềm đam mê và kiên trì … nếu bạn không muốn đức tin của bạn bị bốc hơi như giọt sương dưới ánh nắng mặt trời… nếu bạn không muốn tình yêu của bạn bị hoen ố vì những hình ảnh khiêu dâm, nếu bạn không muốn bỏ rơi những người những người yếu đuối, và trở nên vô cảm với đối với những nạn nhân của cuộc đời này” (ĐTC Benedetto XVI)[2].
Những lời Tin Mừng truyền dạy chẳng là gì khác mà chính là giáo huấn của Thiên Chúa, là nền móng để nặn đẽo đức cậy, rường cột củng cố đức tin, lương thực nuôi dưỡng tâm hồn, tay lái hướng dẫn đường đi, sự trợ giúp để đạt tới ơn cứu độ. Ở đời này, những lời ấy giáo dục tâm hồn các tín hữu đạo hạnh và dẫn đưa họ vào Nước Trời[3].
Vì thế, những cố gắng của chúng ta trong sư phạm Giáo Lý là những cố gắng làm cho sứ điệp của Thiên Chúa đến với con người để con người được lớn lên trong ân sủng của Ngài mà xây dựng nước trời trần thế và đạt đến hạnh phúc viên mãn. Dạy Giáo Lý là đồng hành trong đức tin, là khoa sư phạm trong đó Đức Kitô là nhà Sư Phạm cao cả nhất. Giáo dục là công việc của tâm hồn, ở đó Thiên Chúa làm chủ. Chúng ta sẽ không đạt được gì nếu Thiên Chúa không dạy ta nghệ thuật và không trao cho ta bí quyết (Thánh Gioan Bosco).
[1] CONGREGATION FOR THE CLERGY, General directory for catechesis, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1997, 30.
[2] Youcat, Chuyển ngữ Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2013, tr. 21.
[3] Trích khảo luận của thánh Sipriano, Chúa Con ban sự sống cho ta và cũng dạy ta cầu nguyện, trong Các bài đọc Kinh Sách tập 1 và 2, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM 1998, 243.