SUY TÔN THÁNH GIÁ
- Chủ nhật - 08/09/2019 20:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là ngày lễ mâu thuẫn nhất của Ki-tô giáo: thập giá, dấu chỉ ô nhục nhất, hình ảnh ghê tỡm nhất, dụng cụ dã man và phi nhân nhất, đã trở thành biểu hiệu khải hoàn và vinh quang. Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ nạn để biến đổi đau khổ thành hòa giải giữa trời với đất, và biến sự chết thành con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Ds 21: 4-9
Vì dân Ít-ra-en trách cứ Thiên Chúa và ông Mô-sê, Thiên Chúa trừng phạt dân bằng cách cho rắn độc đến cắn chết họ. Dân chúng ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ. Thiên Chúa tha thứ bằng cách truyền cho ông Mô-sê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
Pl 2: 6-11
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Ki-tô trong bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô. Đây là lời chứng đáng chú ý của Giáo Hội tiên khởi.
Ga 3: 13-17
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su áp dụng bản văn Ds 21: 4-9 cho chính mình: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
BÀI ĐỌC I (Ds 21: 4-9)
Sách Dân Số, tiếp theo sau sách Xuất Hành và sách Lê-vi, lấy lại và bổ túc những yếu tố thuật chuyện cũng như những yếu tố luật của hai sách trước. Sách mang tên Dân Số là do việc kiểm tra dân số của mười hai chi tộc Ít-ra-en, theo lệnh của ông Mô-sê trước khi xuất hành ra khỏi núi thánh Xi-nai (ch. 1-4), và kiểm tra dân số thêm một lần nữa trước khi chuẩn bị vào đất hứa (ch. 26).
1. Bối cảnh:
Chuyện tích con rắn đồng thuộc vào giai đoạn sau cùng cuộc hành trình dài lâu của dân Do thái trong sa mạc. Sau một thời gian tạm nghỉ ở ốc đảo Ca-đê, họ lại tiếp tục cuộc hành trình hướng về phía bắc Pa-lết-tin. Họ phải chịu đói chịu khát và chán ngấy bánh man-na: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Trước đây, họ đã hoan hĩ đón nhận bánh man-na, nhưng gần cuối cuộc hành trình, họ khao khát được nếm những thức ăn đa dạng hơn, vì thế họ cằn nhằn gây gỗ.
2. Thiên Chúa trừng phạt dân:
Trình tự tái diễn đều đặn trong suốt cuộc hành trình đó là dân Ít-ra-en cằn nhằn gây sự và tỏ thái độ ngờ vực, vì thế Thiên Chúa trừng phạt dân. Dân hối hận ăn năn và cầu xin ông Mô-sê cầu bầu cho họ. Sau cùng Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thì triệt để: không một người Ít-ra-en nào thuộc thế hệ ra khỏi Ai-cập sẽ được đặt chân vào Đất Hứa, vì thế hệ này nghi ngờ Thiên Chúa.
Trong chuyện tích được kể hôm nay, dân chúng trách cứ Đức Chúa lẫn ông Mô-sê, vị trung gian của Ngài, vì thế Thiên Chúa phạt dân bằng cách cho rắn độc đến hại dân: “Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết”.
3. Lời cầu bầu của ông Mô-sê:
Trước tai ương, dân chúng ăn năn và xin ông Mô-sê cầu thay cho mình. Một lần nữa, ông Mô-sê cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân của Ngài. Sách Dân Số ghi lại nhiều lời cầu thay nguyện giúp của ông Mô-sê thật cảm động. Đức Chúa động lòng và tha thứ cho dân. Trong trường hợp này, Đức Chúa bảo ông Mô-sê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
4. Con rắn đồng:
“Lấy độc trị độc” là một phương thức chữa trị rất cổ xưa. Mặt khác, việc cúng tế con rắn như một vị thần rất phổ biến giữa các dân tộc thời xưa. Việc thờ phượng này do việc nọc độc của vài con rắn trở nên phương thuốc hiệu nghiệm trong việc điều trị nhiều chứng bệnh. Ở Hy-lạp, thần Esculape được gọi thần dược, mà biểu tượng của thần là một con rắn quấn quanh một chiếc đủa. Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, có một bức tượng con rắn đồng được truyền tụng là con rắn đồng do ông Mô-sê đúc trong sa mạc và được tôn thờ mãi cho đến thời vua Khít-ki-gia (716-687 trước Công Nguyên) mới thôi (2V 18: 4), vì dân Do thái cấm triệt để tạc tượng vẽ hình mà thờ.
Ông Mô-sê sử dụng tín ngưỡng dân gian, nhưng đưa vào đây một viễn tượng tôn giáo thờ Đức Chúa (Giáo Hội Ki-tô hóa các nghi thức ngoại giáo cũng theo cách thức như vậy). Chính Thiên Chúa cho dân một phương thế cứu chữa và đòi hỏi dân một hành vi đức tin. Tác giả sách Khôn Ngoan đã chú giải giai thoại này theo chiều hướng tinh thần: “Họ phải chịu hành hạ ít lâu như là chịu một lời cảnh cáo; rồi họ được một dấu hiệu cứu thoát nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền. Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16: 6-7).
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su áp dụng hình ảnh này vào chính Ngài: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)
Đoạn thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê này là một bài thơ bằng văn xuôi có nhịp điệu, gồm sáu khổ thơ. Ba khổ thơ đầu vạch lại ba giai đoạn tự nguyện hạ mình của Đức Ki-tô, và ba khổ thơ còn lại nói về ba giai đoạn tôn vinh của Ngài.
Người ta không khỏi ngạc nhiên khi gặp thấy ở nơi cung giọng nồng nàn nhưng thân quen, những dòng thơ khôn sánh này, như tuôn trào từ ngòi bút. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay chỉ là người trích dẫn bài thơ này. Bài thơ này, bằng Hy ngữ, được phô diễn rất điêu luyện. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn phát hiện ở đây những ảnh hưởng của ngôn ngữ A-ram. Phải chăng có một bản văn bằng tiếng A-ram trước bản văn Hy ngữ này? Nếu vậy, chúng ta đang đứng trước một bài thánh thi phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi. Dù thế nào, chúng ta có ở đây một chứng liệu rất quý, một trong những bản văn rất cổ xưa về Ki-tô học; nhất là nó mang đến một lời chứng có giá trị đầu tiên về đức tin tiên khởi vào cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su, trước cả Tựa Ngôn của thánh Gioan.
1. Ba giai đoạn tự hạ của Đức Ki-tô:
1)-Đức Giê-su, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nhất quyết đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa.
2)-Ngài tự hủy mình ra hư không và mặc lấy thân phận thấp hèn, nên giống phàm nhân, nghĩa là chia sẻ tất cả mọi mõng dòn yếu đuối của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
3)-Ngài lại còn hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết ô nhục trên thập giá.
2. Ba giai đoạn tôn vinh của Đức Ki-tô:
1)-Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng cho Ngài danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Chữ “danh hiệu” được hiểu theo nghĩa tuyệt đối: “Danh khả danh phi thường Danh”, nghĩa là danh hiệu này chỉ dành riêng cho một mình Ngài. Đây là danh của “Đức Chúa”, mà theo truyền thống Do thái dành riêng để chỉ tên khôn tả của Thiên Chúa. Danh hiệu “trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu”, vì danh này trổi vượt, thậm chí trên muôn loài muôn vật trên trời dưới đất.
2)-Muôn loài muôn vật phải phụng thờ Ngài.
“Để vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”. Không phải chỉ vì danh Giê-su, vì tên này khá phổ biến, đó là lý do tại sao tên này thường được đám đông xác định: “ông Giê-su thành Na-da-rét”; nhưng vì danh Giê-su đồng nhất với danh Đức Chúa như khổ thơ trước chỉ cho thấy.
“Cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty”: chỉ toàn thể vũ trụ. Điều này muốn nói rằng, không chỉ nhân loại phải tôn thờ Ngài, nhưng còn cả muôn loài thọ tạo nữa. Đây là đề tài chúng ta sẽ gặp lại ở sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chức tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5: 13).
3)-Sau cùng, Thiên Chúa ban cho Đức Giê-su quyền tối thượng hoàn vũ, nghĩa là tước vị “Chúa”.
Vì những người Ki-tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su tước vị này mà Cựu Ước dành riêng cho chỉ một mình Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Đây là lời tuyên tín đặc trưng tiên khởi; thánh Phao-lô nhấn mạnh nhiều lần Thần Tính của Đức Giê-su, cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ.
Câu cuối của bài thánh thi định rõ “để tôn vinh Chúa Cha”. Đây cũng là một nét thần học xứng đáng nhấn mạnh: siêu tôn Đức Giê-su đồng nghĩa tôn vinh Chúa Cha. Phụng Vụ Ki-tô giáo sẽ theo đường hướng này: mọi lời chúc tụng dâng lên Đức Ki-tô đều là tôn vinh Chúa Cha.
3. Mẫu gương:
Thánh Phao-lô rất yêu quý các tin hữu Phi-líp-phê mà thánh nhân đã sáng lập vào năm 49-50 và là cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên trên đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng thuộc miền Ma-xê-đoan; thành phố này được đặt tên theo tên vua Phi-líp-phê, cha của đại đế A-lê-xan-đê.
Khi thánh nhân viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân đang sống trong cảnh giam cầm. Thánh nhân ước mong các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài đồng tâm nhất trí với nhau, nhất là khiêm tốn tận đáy lòng. Vì thế, thánh nhân đưa ra cho họ mẫu gương Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Ga 3: 13-17)
Lễ Suy Tôn Thánh Giá rất hòa điệu với thần học cứu độ của thánh Gioan. Không tác giả Tin Mừng nào đã liên kết ý tưởng vinh quang với hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh hơn thánh Gioan. Đối với thánh Gioan, Thánh Giá không đơn giản là những đau khổ và sỉ nhục, nhưng là dấu chỉ khải hoàn của Thiên Chúa; Đức Giê-su được tôn vinh khởi đầu trên đồi Sọ.
Vì thế, vào ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay, phụng vụ đề nghị cho chúng ta suy niệm một bản văn Tin Mừng Gioan, bản văn gợi lên cảnh tượng Thánh Giá vinh quang.
1. Ngữ cảnh:
Đoạn Tin Mừng này được trích từ cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, một người Pha-ri-sêu vị vọng. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm, sau này ông sẽ kín đáo bày tỏ sự thiện cảm của mình đối với Ngài (7: 48-52) và sẽ dự phần vào việc mai táng Ngài (19: 34). Tuy nhiên, phần cuối của cuộc chuyện trò không còn hình thức đối thoại. Ông Ni-cô-đê-mô biến mất. Người đọc có ấn tượng rằng ở bên kia ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su ngỏ lời với tất cả những ai đã phải chọn lựa như vậy.
2. Thánh giá, tự hạ và tôn vinh:
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su tự nhận cho mình tước hiệu: “Con Người”, tước hiệu gợi lên trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en một nhân vật vừa thuộc về thiên giới, siêu việt, vừa dự phần vào nhân tính.
Ở đây, tư tưởng được khai triển giống như bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô trong thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê: từ cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su đến việc hạ mình của Ngài trong biến cố Nhập Thể, đoạn được Chúa Cha tôn vinh trên trời.
3. Thánh Giá, dấu chỉ của ơn cứu độ:
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”, nghĩa là, chính Đức Giê-su bị treo trên thập giá để đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
Thánh Gioan chủ ý dùng “từ hai nghĩa”; động từ “giương cao” ở đây vừa có nghĩa đen “đưa cao lên”, vừa có nghĩa bóng “chúc tụng, tôn vinh”: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12: 32-33) và “Khi các ngươi giương cao Con Người lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (8: 28). Nếu con rắn đồng đã là dấu chỉ cứu chữa hữu hiệu đối với dân Do thái, thì Con Người được giương cao lên trên thập giá còn hiệu nghiệm biết là ngần nào: “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
4. Thánh Giá mặc khải tình yêu Thiên Chúa:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Thánh Gioan lấy lại cùng những từ ngữ trong thư thứ nhất của mình. Đây là ý tưởng rất tâm đắc với thánh ký và thánh ký là người duy nhất cho Đức Giê-su tước hiệu “Con Một”, có lẽ ám chỉ đến I-sa-ác, người con một bị dẫn đi hiến tế (St 22: 1-18).
Ân ban của Chúa Cha là lời chứng xúc động về tình yêu của Người đối với nhân loại. Thiên Chúa muốn mọi người được sống đời đời: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Thánh Giáo Phụ I-rê-nê đã suy nghĩ sâu xa về tình yêu Thiên Chúa như vậy: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”.
Trên thập giá, Chúa Giê-su không là một Thẩm Phán, nhưng là Đấng Trung Gian. Giờ thập giá là giờ mà sự tha thứ ca khúc khải hoàn. Đây là giờ vinh quang của Thiên Chúa.