THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?
Những nét căn bản về luân lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Đức tin là hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Đó là một hành trình kép trong đó con người đi tìm Thiên Chúa và Thiên Chúa mặc khải Chính Mình cho con người và mặc khải con người cho chính họ. Bởi tự nhiên, con người luôn đi tìm căn tính của chính mình, điều này được kết dệt trong những câu hỏi đầy tính hiện sinh như: tôi là ai? Từ đâu đến, chết rồi đi đâu? Sống để làm gì? Tại sao tôi phải sống?
Đi tìm căn tính của con người đồng nghĩa với việc đi tìm nguồn gốc của chính mình và của sự sống. Bởi lẽ, con người nhận thức cách sâu xa trong chính mình tồn tại chiều kích siêu việt. Điều này thể hiện ngay trong việc con người khao khát Thiên Chúa và khả năng nhận biết Ngài[1] qua tư duy của lý trí và nhạy cảm của tâm hồn đọc, hiểu và cảm nhận từ những mầu nhiệm của chính mình và của thế giới xung quanh[2]. Mặc khải của Thiên Chúa[3] được thực hiện trong thế giới và cuộc sống, qua dòng lịch sử của nhân loại và của mỗi cá nhân, nhưng cao cả hơn là qua chính Đức Giêsu Kitô trong dòng lịch sử cứu độ, Ngài là đỉnh cao, là Người thực hiện và hoàn tất ơn cứu độ ấy.

Đức tin và tuyên xưng đức tin là kết quả của việc con người đón nhận những mặc khải của Thiên Chúa qua các sự kiện và lời. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều là những thời khắc cứu độ Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận và sống.

Các đặc tính của đức tin là[4]: đức tin là ân sủng và là quà tặng của Thiên Chúa; là hành động thuộc về trí khôn con người; là hành động của sự tự do, có chiều kích vừa cá nhân vừa cộng đoàn; đức tin cần thiết cho cuộc sống con người; sự dấn thân của đức tin không phải là một lần cho mãi mãi nhưng là một hành trình luôn luôn tiếp tục, đổ vỡ và hoàn thiện; đức tin cho chúng ta niềm vui nội tâm; tin là hành động của Giáo hội, bởi vì đức tin của Giáo Hội thực hiện, sinh ra, nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.

Đức tin của Hội Thánh Công Giáo được tóm gọn trong tín biểu[5]: Kinh tin Kính, mà chúng ta tuyên xưng cách long trọng vào mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Tuy nhiên Đức tin của Hội Thánh Công Giáo là một đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và sống kết hiệp với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì thế, Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được cấu trúc trong bốn phần: Phần I: Tuyên xưng đức tin, phần II: Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, phần III: Đời sống trong Chúa Kitô và phần cuối cùng là Kinh nguyện Kitô giáo.

Sống niềm tin Kitô giáo là lời đáp trả của con người với tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Lời đáp trả tình yêu ấy hình thành nên phong cách sống kitô của người kitô hữu được xây dựng trên lề luật căn bản của Chúa Kitô: tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Bởi lẽ, khi nhận biết phẩm giá mới của mình nhờ đức tin, các kitô hữu được kêu gọi để từ nay ăn ở cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô bằng việc uốn nắn các ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, sao cho họ có nơi mình tâm tư của Đức Kitô Giêsu và sống theo gương Người[6].

Như người thanh niên giàu có đi tìm sự sống đời đời (x. Mt 19, 16 – 22). Anh tin rằng anh sống ở đời này không chỉ đơn giản để sống nhưng để đi vào sự sống vĩnh cửu mà đời sống ấy là kết quả của những chọn lựa sống tốt ở đời này, trong từng giây phút hiện tại ở đây và ngay bây giờ “Tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phần III trình bày cách rõ ràng và sâu sắc con đường để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp mà Chúa Giêsu gợi ý cho chàng trai trẻ đầy hoài bão và mơ ước kia, cũng là con đường Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu hôm nay: Anh hãy giữ các điều răn và hơn nữa nếu muốn nên hoàn thiện thì hãy bán đi những gì anh có mà theo Tôi.



 
 

[1] X. GLHTCG s. 27 – 30, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Ủy Ban Giáo Lý và Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012, tr. 28 – 29.
[2] Những con đường giúp con người nhận biết Thiên Chúa, GLHTCG s. 31 – 35, tr. 29 – 31.
[3] Thiên Chúa đến gặp con người, GLHTCG s. 50 – 67, tr. 35 – 41.
[4] GLHTCG s. 153 – 165, tr. 60 – 64.
[5] GLHTCG s. 185 – 197, tr. 70 – 73.
[6] GLHTCG s. 1691 – 1696, tr. 505 – 506. 

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ