SỰ THINH LẶNG CỦA KẺ TIN

SỰ THINH LẶNG CỦA KẺ TIN
Lạy Chúa, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ Xin lấy tinh thần quảng đại mà đỡ nâng con.

 
 “Abba, Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14, 36a). Đó là những lời của Chúa Giêsu cất lên trong thinh lặng thẳm sâu của đêm tối nơi vườn Gietsemani. Đáp trả lời ấy là tiếng ồn ào của quân lính hầm hầm khí giới trên tay và một tâm hồn đầy thù nghịch đến vây bắt Ngài. Chúa Giêsu điềm tĩnh, nhẹ nhàng để cho đám người hung hãn ấy dẫn đi xét xử vì tội xưng mình là Đấng Kitô. Từ đây bắt đầu hành trình thinh lặng của Người đến để làm chứng cho sự thật chìm sâu giữa những tiếng gào thét của kiêu căng, của ghen ghét và của bạo lực.

Hành trình thương khó và cái chết của Chúa Giêsu năm xưa là kết quả của một cuộc thách thức: con người thách thức Thiên Chúa. Người ta điệu Chúa ra trước công nghị với lập luận rằng nếu Ngài quả thật là Con Thiên Chúa thì hẳn Ngài sẽ tự làm chứng cho mình và tự giải thoát mình. Ngài thinh lặng trước một Philatô đầy quyền lực tra hỏi về những việc Ngài làm, những điều Ngài giảng dạy. Trên thập giá, Ngài thinh lặng trước những lời sỉ nhục và mỉa mai: “Hắn cứu được thiên hạ mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô, Vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 31– 32). Cũng chính trên thập giá ấy, khi những tiếng gào thét đòi đóng đinh và những lời nhục mạ Đức Giêsu chìm trong thinh lặng thì lúc ấy sự thật được công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39).

Liệu kinh nghiệm của những người âm mưu bắt Chúa Giêsu, của người giao nộp và kết án Ngài năm xưa có trở nên bài học cho chúng ta, những người tin hôm nay? Dường như chúng ta đang sống trong nghịch lý của chính mình. Khi cuộc sống sung túc, an nhàn thư thái, xuôi chèo mát mái chúng ta có bao giờ nghĩ đến Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài? Nếu chúng ta không thấy Thiên Chúa trong những thành công chói lọi, trong những điều đẹp đẽ, không sống theo những lời hay ý đẹp Ngài dạy thì liệu trong gian khó chúng ta có đủ tư cách để hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi thế giới đang gặp khốn khó? Và có lẽ chúng ta cũng đang chờ đợi một cuộc can thiệp ngay và tức khắc để chúng ta tin Ngài chăng?  

Trong những khốn khó của cuộc sống, con người thường gặp thấy sự thinh lặng của Thiên Chúa. Vì thế, những ai tin vào Ngài cũng cần học để đọc và hiểu sự thinh lặng ấy. Bởi vì chính Thiên Chúa cũng đã phải trải qua đau khổ để gặp được con người và nâng con người lên. Bởi, con đường của Chúa là “qua thập giá tới vinh quang”. Không có vinh quang nào mà không qua thập giá. Không có tình yêu nào mà không được kết dệt bởi những hy sinh, tình yêu không hy sinh chỉ là sự trống rỗng và hão huyền. Hy sinh càng nhiều, tình yêu càng sâu đậm.

 Và có lẽ, những người tin vào Thiên Chúa cũng đang đối diện với những thách đố như Giop trước những lời ra tiếng vào của chính người vợ và bạn bè ông: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyễn rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2,9). Trong thinh lặng một mình trước Thiên Chúa, ông Gióp đi tìm “cái tại sao” của những đau khổ mà ông đang chịu, để rồi cuối cùng ông thốt lên: “Trước kia, con chỉ được biết Ngài nhờ Người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều con nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 5 – 6).

Sự thinh lặng của Gióp là sự thinh lặng của kẻ tin. Thinh lặng của người dù trong gian nan thử thách vẫn tin tưởng nhẫn nại vào tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa. Lạy Chúa, trong tận cõi thinh lặng của lòng mình và của một thế giới đang chìm trong đau thương, con thân thưa cùng Ngài:
                         Lạy Chúa, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ
                         Xin lấy tinh thần quảng đại mà đỡ nâng con.
                                                                     Tv 50,14

Tác giả bài viết: Ngọc Trong Đá