TIẾNG CHUÔNG

TIẾNG CHUÔNG
Dù người tin hay không tin thì tiếng chuông đã trở nên gần gũi và là âm thanh thiêng liêng của con người qua bao thế kỷ.

 
Đã một tuần trôi qua, Giáo Hội chìm trong thinh lặng, không tiếng chuông ngân xa, không lời kinh trầm bổng. Có người bật khóc khi nghe tin nhà thờ đóng cửa, ngưng mọi hoạt động thờ phượng có giáo dân tham dự. Dường như con người đang mất đi một điều gì đó không thể diễn thành lời. Cuộc sống sẽ về đâu? Lo âu, thất vọng!

Đã một tuần trôi qua, người ta khám phá ra rằng, con virut corona siêu nhỏ có thể cắt đứt sợi dây chuông, nhưng không thể cắt đứt lòng tin của con người vào Thiên Chúa. Người ta thờ phượng Thiên Chúa trong thinh lặng…thinh lặng của cõi lòng.

Vắng tiếng chuông không thể làm xáo trộn cuộc sống của một số người, nhất là các cụ ông cụ bà, những người đang sống bằng những thói quen của một lòng tin đã hình thành nên nếp sống. Các cụ vẫn dậy sớm, lần từng bước đến nhà thờ khi tiếng chuông còn chưa buông tiếng, cửa nhà thờ còn chưa người mở, khi những người trẻ còn chìm trong giấc ngủ say. Ai cũng biết chỉ các cụ là không biết, ai cũng hiểu chỉ các cụ không hiểu. Giáo đường vắng bóng người, các cụ trở về nhà với tràng chuỗi mân côi và những lời kinh quen thuộc đã nằm lòng tự thuở thiếu thời.

Đã một tuần trôi qua, tiếng chuông không vang vọng mời gọi các tín hữu quây quần cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa nơi cộng đoàn giáo xứ, nhưng tiếng chuông lòng thôi thúc họ quây quần bên nhau trong giờ kinh gia đình. Giáo Hội đã biết bao lần cảnh báo về những bất trắc xảy ra trong gia đình hôm nay là do những chểnh mảng về giáo đục đức tin, cũng như đời sống thiêng liêng của gia đình đang mất đi. Giáo Hội cũng đã biết bao lần mời gọi các gia đình hãy sống tận căn căn tính “Hội Thánh tại gia” của mình. Mấy ai đã làm được!? Phải chăng đây là lúc thuận tiện? Chợt nhớ ai đó đã nói rằng cái đáng phải bỏ mà mình bỏ không được thì Chúa sẽ bỏ cho, điều gì đáng làm mà mình làm không được thì Chúa tạo điều kiện để thực hiện.

Người tín hữu đang sống ngày thứ Sáu Thánh dài…thật dài!

Dù người tin hay không tin thì tiếng chuông đã trở nên gần gũi và là âm thanh thiêng liêng của con người qua bao thế kỷ. Tiếng chuông đã trở nên nguồn cảm hứng và là lời mời gọi thiêng liêng của biết bao tâm hồn: “Chuông chiều ngân đâu đây vọng tiếng cầu kinh vơi đầy….”. Nay Giáo Hội đã bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô. Đường thương khó năm nay càng khó, vì những người tin chỉ đứng xa xa tưởng niệm hành trình thương khó của Chúa Kitô. Đã đến lúc người tín hữu nhớ và thèm tiếng chuông ngân vang sớm chiều. Đã đến lúc người tín hữu cảm nghiệm được giá trị của việc quây quần bên nhau làm thành cộng đoàn thờ phượng với những lời kinh bay cao và bay xa. Thèm sao cung giọng và ca từ của Passio (bài Thương Khó) trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và thứ Sáu Thánh!

Dù long trọng hay đơn giản, dù tham dự trực tiếp hay online, dù có giáo dân tham dự hay linh mục đơn độc một mình nơi bàn thánh, thì chắc chắn cuộc tưởng niệm đường Thương Khó của Chúa Kitô và sự Phục Sinh của Ngài năm nay cũng đầy ý nghĩa và thiêng liêng, ân sủng và ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn là một và tròn đầy, miễn là chúng ta sống niềm tin mà Thánh Phaolo đã sống: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39).

 

Tác giả bài viết: Ngọc Trong Đá