THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?
Điều răn thứ VIII: Chớ làm chứng dối

ĐIỀU RĂN THỨ VIII

CHỚ LÀM CHỨNG DỐI


“Anh em không được làm chứng gian hại người”
                             Xh 20, 16

Điều răn thứ VIII mời gọi chúng ta sống sự thật, tôn trọng sự thật, tôn trọng danh dự và phẩm giá của người khác. Điều răn này còn mời gọi con người – hình ảnh của Thiên Chúa sống phẩm giá là con cái sự sáng trong việc khao khát, thao thức tìm kiếm chân lý. Vậy, đâu là sự thật mà con người cần phải tôn trọng và nơi nào là chân lý để con người có thể kiếm tìm?
 
1. Thiên Chúa nguồn mạch mọi chân lý:
Kinh Thánh Cựu Ước chứng tỏ cho chúng ta rằng Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý. Thật vậy, điều đó được bày tỏ trong lời cầu xin của tiên tri Samuel: “Giờ đây, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy” (2Sm 7, 28) và trong sách Châm Ngôn “Miệng Ta nói lời sự thật, môi ta ghê tởm chuyện gian tà” (Cn 8, 7). Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Chân Thật (Rm 3,4) nên con cái của Ngài được mời gọi sống trong chân lý: “Đường chân lý này, con đã chọn; quyết định của Ngài con khao khát đợi trông” (Tv 119, 30).

Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật (x. Ga 1, 14), “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người (x. Ga 14, 26) đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13), Ngài đến để làm chứng cho chân lý (x. Ga 18, 37). Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không” (Mt 5,37).

Con người tự bản tính hướng đến chân lý bởi được thôi thúc bởi phẩm giá của chính mình. Chân lý ấy trước hết là chân lý của tôn giáo. Con người không thể chung sống với nhau nếu không tin nhau, xét như những nhân vị biểu lộ chân lý cho nhau. Là người con của Thiên Chúa chúng ta được mời gọi sống trong sự thật và chân lý.

 
2. Chân lý là gì?     
«Chân lý xét như là sự ngay thẳng trong cách hành động và trong lời nói của con người, có tên gọi là sự thật, sự thành thật hoặc tâm hồn cởi mở. Chân lý hoặc sự thật là một nhân đức, cốt tại việc con người tỏ ra mình thành thật trong các hành vi của mình, đối ngược với lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả»[1].

Nhân đức chân thật đòi buộc ta trả lại cho người khác cách công bằng điều ta mắc nợ họ. Đối với Thánh Toma Aquino, theo đức công bằng con người thành thật biểu lộ chân lý cho người khác”. Chân lý còn là giữ sự trung dung chính đáng giữa điều phải được nói ra với điều bí mật phải giữ kín[2]: chân lý bao hàm cả sự thành thật và kín đáo. Là con Thiên Chúa, người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho chân lý theo gương của Thánh Phaolo, trước mặt các thẩm phán phải giữ “Lương tâm không có gì đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Cv 24, 16).

Bổn phận của các kitô hữu là tham gia vào đời sống xã hội, làm chứng nhân cho Tin Mừng trong lời nói và việc làm[3]. Sự tử đạo[4] là dấu chứng cao cả nhất cho đức tin. Các thánh tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại mà họ được liên kết với Người bằng lòng mến. Đấng là Chân Lý và Sự Thật mà các ngài đã hy sinh bảo vệ và làm chứng cho đến cùng.

Chân lý được diễn tả bằng nhiều cách thức khác nhau: chân thành trong suy nghĩ, qua lời nói, bằng hành động và cách sống. Thánh Toma Aquino bảo rằng: «Tiếng nói tự nhiên là ký hiệu của trí khôn, nên thật là trái với tự nhiên và không đúng chút nào, nếu ai đó dùng tiếng nói để biểu lộ điều gì không có trong tâm trí mình». Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đã mặc lấy con người mới, là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống thánh thiện và công chính (x. Ep 4, 24). Chân lý tự nó là thiện, là mỹ. Vì thế, con người khao khát tìm kiếm chân lý bày tỏ nó trong chính phong cách sống của mình. Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý đi đôi với việc thực thi điều thiện. Chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã khẳng định rằng: Chân lý được con người diễn tả bằng nhiều cách thức khác nhau nhất là những điều khôn tả, những điều sâu thẳm của trái tim con người, những điều cao vời của linh hồn và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng các tác phẩm nghệ thuật của mình[5].

Chân lý tự nó là đẹp. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức được diễn tả chỉ riêng con người mới có, vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn những nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự ban tặng đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, và là sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban và nổ lực của con người, nghệ thuật là hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và tai lắng nghe. Nghệ thuật bao hàm một hoạt động nào đó trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý và lòng yêu mến vạn vật. Người làm nghệ thuật và nghệ thuật cũng có mục đích tối hậu của nó.

3. 
Những thực hành cụ thể của điều răn thứ 8[6]:
         
a. 
Những điều nên tránh
_ Làm chứng dối và thề gian: là những phát biểu công khai, một khẳng định nghịch với chân lý mang tính nghiêm trọng. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến tòa án. Những hành động làm chứng dối hay thề gian góp phần vào việc kết án người vô tội, hoặc gỡ tội cho phạm nhân, hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo. Những hành động này làm phương hại cách nghiêm trọng đến việc thực thi công lý và sự công bằng của bản án do các thẩm phán đưa ra.

_  Tránh mọi thái độ và lời nói có thể gây thiệt hại cách bất công cho người khác để tôn trọng thanh danh của nhân vị. Sẽ có lỗi khi:

          
♦ Phán đoán mơ hồ: nghĩa là khi không có đủ cơ sở, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khuyết điểm về luân lý nơi người thân cận là có thật.
 
          ♦ Nói xấu: nghĩa là không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khuyết điểm hoặc lỗi phạm của người khác cho người chưa biết.
 
          ♦ Vu khống: là khi dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh người khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người ấy.

_ Nói xấu và vu khống hủy hoại thanh danh và danh dự của người thân cận, là phạm đến nhân đức công bằng và bác ái.
 
_ Cần phải tránh các thái độ như: nịnh hót, tâng bốc để thúc đẩy và khuyến khích người khác làm điều xấu và hành động cách sai lầm. Muốn giúp đỡ hoặc sống tình bằng hữu không biện minh được cho lời nói hai lòng.

 _ Khoe khoang hoặc khoác lác là một lỗi phạm nghịch với chân lý. Về châm biếm, khi có ý làm mất uy tín một ai đó bằng cách diễu cợt, với ý xấu về một điều hay một hành động của người khác.

_ Nói dối: nói dối là nói điều sai đánh lừa người khác. Nói dối xúc phạm trực tiếp đến chân lý, làm hại tương quan của con người với chân lý và với người lân cận, xúc phạm đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Tính nghiêm trọng của nói dối được đo lường theo bản chất của chân lý mà tội đó làm sai lạc, tùy theo hoàn cảnh và ý hướng của người nói dối và những thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu.

Nói dối thật sự là một bạo lực đối với tha nhân. Nó làm tổn thương tha nhân về khả năng nhận thức, là điều kiện của mọi phán đoán và mọi quyết định, là mầm mống của sự gây chia rẻ và mọi tai họa cho xã hội.

Bất cứ lỗi phạm nào nghịch với công bằng và chân lý đều phải có bổn phận đền bù, mặc dù người lỗi phạm đã được tha thứ. Khi không thể đền bù cách công khai thì phải làm cách kín đáo. Việc đền bù là sự bắt buộc theo lương tâm.

b. Tôn trọng chân lý:

Quyền truyền thông chân lý không phải là tuyệt đối. Mỗi người phải sống phù hợp với giới luật yêu thương huynh đệ của Tin Mừng. Trong những trường hợp cụ thể giới luật này đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận xem có phải tỏ bày sự thật hay không tỏ bày cho người yêu cầu. Đức mến và sự tôn trọng chân lý phải quyết định câu trả lời cho mọi yêu cầu thông tin hay truyền thông. Lợi ích và sự an toàn của tha nhân, tôn trọng đời tư và công ích là những lý do đủ để làm thinh không nói điều người khác không được biết, hay dùng lời lẽ khôn ngoan.

Bổn phận tránh gây gương xấu thường đòi buộc phải im lặng nghiêm ngặt. Không ai bị buộc phải bày tỏ một sự thật cho người không có quyền được biết. Sách Huấn Ca dạy cho chúng ta về những điều bí mật : “Tiết lộ bí mật thì chẳng còn ai tin và không kiếm được bạn tâm tình nữa; hãy tha thiết với bạn bè và hết lòng trung tín, nhưng đã tiết lộ bí mật của ai, thì đừng chạy theo họ nữa; Vì như ai đó mất đi kẻ mình đã làm cho chết, con cũng đánh mất tình bạn của người thân; Chim trong tay, con để bay vụt mất, để mất người thân, con chẳng gặp lại đâu” (Hc 27, 16 – 19). Còn sách Châm ngôn thì dạy “Cứ tranh cãi với đối phương, nhưng đừng tiết lộ chuyện riêng của người khác; kẻo có nghe được, họ sẽ phỉ báng con, và con không rút lại được những lời nói xấu” (Cn 25, 9 – 10).

Bí mật của bí tích Giao Hòa là thánh thiêng và không được tiết lộ vì bất cứ lý do nào. Những bí mật nghề nghiệp như các nhà chính trị, y sĩ, luật gia, tâm lý, đồng hành thiêng liêng…hoặc những chuyện tâm sự phải được giữ kín chỉ trừ những trường hợp ngoại lệ, việc giữ bí mật sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và để tránh chỉ có thể nói ra sự thật. Mỗi người buộc phải giữ sự thận trọng chính đáng đối với đời tư của các nhân vị.

Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội có một vai trò khá quan trọng trong việc thông tin, thăng tiến văn hóa và đào tạo con người. Vai trò này gia tăng vì các tiến bộ kỹ thuật, vì lượng thông tin phong phú và đa dạng, vì ảnh hưởng của nó trên dư luận. Giáo Hội hướng dẫn về việc làm truyền thông như sau: “Việc thực thi đúng đắn quyền này đòi hỏi nội dung của việc truyền thông phải luôn xác thực và vẫn phải giữ đức công bằng và bác ái, phải luôn đầy đủ, ngoài ra, về cách thức, truyền thông phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là, phải tuyệt đối tuân giữ các luật luân lý, các quyền hợp pháp và phẩm giá con người, cả trong việc săn tin lẫn việc loan báo”[7].

Phần những người tiếp nhận thông tin cần phải điều độ và kỷ luật đối với các phương tiện truyền thông hiện đại, phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, nhờ đó họ có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện một cách dễ dàng. Những người có trách nhiệm về thông tin có nghĩa vụ phục vụ chân lý và không xúc phạm đến đức bác ái. Cố gắng tôn trọng bản chất của sự kiện và tôn trọng những giới hạn của việc phê phán các nhân vị.

Sống điều răn thứ VIII người Kitô hữu được mời gọi sống ngay thẳng trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Mọi hoạt động của con người phải bày tỏ chân lý và vẻ đẹp của chính Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mọi sự tốt đẹp vì con người và cho con người. Như Thánh Augustino, con người cả một đời loay hoay tìm kiếm chân lý và những điều thiện mỹ trong những điều trần tục. Chính khi khám phá ra VẺ ĐẸP và CHÂN LÝ đích thực, cuộc đời thánh nhân trở nên đẹp và tỏa sáng. “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp từ ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới. Ôi, CÁI ĐẸP con yêu Ngài quá đỗi muộn màng” “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khoắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Ngài” (Thánh Augustino).
 
 

[1] GLHTCG, s. 2468, tr. 686.
[2] GLHTCG, s. 2469, tr. 686.
[3] GLHTCG, s. 2472, tr. 687.
[4] GLHTCG, s. 2473, tr. 687.
[5] GLHTCG, s. 2501, tr. 693.
[6] X. GLHTCG, s. 2475 – 2499, tr. 688 – 692.
[7] X. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica, s. 5, tr. 377 – 378.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ