TIN ĐỂ LÀM GÌ?
- Thứ tư - 08/05/2019 21:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi nghe trình bày Kitô giáo như vậy, xem ra nhiều người thấy như bị hấp dẫn. Nhưng rồi họ thường tự hỏi: Rốt cuộc thì tin để làm gì? Đức tin có mang lại gì hơn không? Người ta lại có thể sống ngay lành và xứng đáng mà chẳng cần làm cho cuộc đời thêm phức tạp với Tin Mừng hay sao?
Giải đáp cho một câu hỏi như thế có thể là rất ngắn gọn: lợi ích của đức tin không so sánh với bất cứ điều thiện nào, ngay cả với những điều thiện thuộc về luân lý. Không bao giờ Giáo Hội phủ nhận rằng một người vô tín cũng có thể sống lương thiện và chính trực. Ai cũng dễ nhận thấy được điều đó. Sẽ sai lầm khi cho rằng đức tin hữu ích vì nó khích lệ ta đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của nền luân lý nhân bản. Trái lại, ta có thể chủ trương rằng lợi ích của đức tin nằm ngay trong sự kiện tin và tín thác. Khi tin và tín thác chúng ta đáp lại lời Thiên Chúa. Lời này không rơi mất vào hư vô, nó sẽ mang hoa trái mà trở về với Đấng đã nói ra, như tiên tri Isaia diễn tả một cách thật sống động (x. Is 55, 10-11). Tuy nhiên, Thiên Chúa tuyệt đối không muốn bó buộc chúng ta phải đáp lại với Ngài.
Về điểm này, giáo huấn Công Đồng khai sáng cho chúng ta cách đặc biệt, chẳng hạn nhờ tuyên ngôn về tự do tôn giáo Diguitatis humanae (Nhân Phẩm). Lẽ ra phải trưng dẫn và phân tích toàn bộ văn kiện này. Nhưng thiết tưởng trích một vài đoạn cũng đủ. Công Đồng nói:
“Mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi đã nhận biết rồi, họ phải tuân theo và tin giữ” (số 1).
Điều mà Công Đồng nhấn mạnh ở đây, trước hết là phẩm giá con người. Bản văn viết tiếp: “Xét theo phẩm giá, mọi người, vì là những nhân vị, nghĩa là có trí khôn và có ý chí tự do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình. Vì thế bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tuân theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý ấy” (số 2).
Sau đó một chút Công Đồng xác định rõ hơn: “Tuy nhiên, phải tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính của con người, tức là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng lời giảng dạy (…), bằng trao đổi và đối thoại” (số 3).
Như người ta có thể nhận thấy, Công Đồng tỏ ra hết sức tôn trọng tự do của con người. Công Đồng nại đến những đòi hỏi thầm kín của lương tâm để cho thấy rằng khi một người đáp lại Thiên Chúa và lời của Ngài bằng đức tin, thì họ sống hoàn toàn xứng hợp với phẩm giá của họ. Con người không thể bị ép buộc gắn bó với chân lý. Họ chỉ được mời gọi làm điều đó do tự bản tính của mình: ngay cả tự do của họ cũng thôi thúc họ hãy đi tìm chân lý một cách ngay thẳng và khi đã tìm được, hãy gắn bó với chân lý trong trí khôn cũng như ngoài cuộc sống.
Điều này Giáo Hội đã giảng dạy từ lâu, và trước hết chính Chúa Kitô đã dạy và đã thực hành trong suốt cuộc sống trần gian của Ngài. Cần phải đọc lại dưới góc cạnh này trọn phần thứ hai của bản văn Công Đồng về tự do tôn giáo. Nơi đó ông sẽ gặp được lời giải đáp cho câu hỏi của ông. Vả lại lời giải đáp ấy cốt yếu đã có trong giáo huấn của các giáo phụ và trong thần học truyền thống, từ thánh Tôma Aquinô tới John Henry Newman. Công Đồng chỉ chuẩn nhận những gì Giáo Hội đã từng giảng dạy. Lập trường của Thánh Tôma thật rõ ràng, không hơn được nữa. Ngài tôn trọng lương tâm một cách vô điều kiện đến độ Ngài chủ trương rằng niềm tin vào Chúa Kitô sẽ không xứng đáng với con người, nếu bởi bất thường, lương tâm người ấy xác tín rằng tin như vậy là một điều xấu (x. Ia-Iiae, q.19, a.5). Con người luôn luôn có bổn phận lắng nghe và đi theo tiếng gọi, dù là tiếng gọi sai lầm của lương tâm mà họ nghe được. Tuy vậy, không thể vì thế mà được cho rằng họ có thể cứ ở mãi một cách vô can trong lầm lạc, chứ không chịu tìm đạt tới chân lý.
Nếu Newman đặt lương tâm lên trên quyền bính, thì ông cũng đã chẳng quả quyết điều gì khác với điều mà huấn quyền của Giáo Hội đã từng dạy. Theo giáo huấn của Công Đồng: “lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ (…). Trung thành với lương tâm, Kitô hữu liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nổ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng” (Vui mừng và hy vọng, số 16).
Khó mà không quan tâm tới nội dung vững chắc của Tuyên Ngôn Công Đồng về tự do tôn giáo. Dưới ánh sáng của bản văn này chúng ta thấy rõ rằng lợi ích của đức tin cốt yếu hệ tại việc con người có thể thực hiện được điều thiện hảo cao vời nhất đối với một thụ tạo có lý trí. Họ sẽ làm điều đó khi họ đáp lại tiếng Thiên Chúa mời gọi, và đấy là bổn phận họ phải chu toàn. Không phải chỉ là bổn phận đối với Chúa mà còn đối với chính mình nữa.
Chúa Kitô đã làm tất cả để chúng ta hiểu rằng câu trả lời ấy mang một tầm quan trọng căn bản: chúng ta phải đáp lại lời Thiên Chúa trong những điều kiện của tự do nội tâm, được soi dẫn bởi ánh sáng rạng ngời của chân lý, thứ chân lý cốt thiết cho phẩm giá con người. Chúa Kitô đã xin Giáo Hội hành động như Ngài. Vì thế qua dòng lịch sử của mình, Giáo Hội đã rất thường phản đối những ai ép buộc người khác phải tin bằng cách “hoán cải họ nhờ gươm giáo”. Phải nhắc lại ở đây lập trường của trường công giáo Tây Ban Nha ở Salamanque đối với những cách hành xử tàn bạo chống lại thổ dân Châu Mỹ, lấy cớ là để đưa họ vào Kitô giáo. Cũng trong tinh thần đó, nhân dịp Công Đồng Constance năm 1414, Hàn Lâm viện Cracovie đã lên tiếng phản đối những sưu cao thuế nặng đánh vào các dân tộc vùng Ban – tích, cũng vì lý do muốn ép họ theo đạo.
Dĩ nhiên Chúa Kitô muốn con người tin vì lợi ích của con người. Những ai xin Ngài làm phép lạ, Ngài bảo: “Con về đi, đức tin của con đã cứu độ con rồi” (Mc 10,52). Về điểm này, trường hợp người phụ nữ Canaan làm ta xúc động đặc biệt. Chúa Giêsu làm bộ như từ chối cứu giúp bà ta, Ngài như muốn gợi cho bà ta nói lên những lời này: “Những con chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” (Mt 15, 27). Ngài muốn thử thách người phụ nữ này để sau cùng có thể nói với bà ta: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28).
Chúa Giêsu muốn khơi dậy niềm tin từ lòng con người. Ngài mong mỏi họ đáp lại tiếng Chúa Cha mời gọi, nhưng Ngài vẫn luôn luôn tôn trọng phẩm giá con người, vì trong việc tìm kiếm đức tin con người đã mang sẵn nơi mình một đức tin dưới dạng tiềm ẩn, đức tin tiềm ẩn này là điều kiện cho ơn cứu độ.
Để trả lời câu hỏi của ông chúng ta rất nên đọc lại đoạn văn sau đây của Hiến Chế Công Đồng về Giáo Hội: “Những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, nhưng nếu thành tâm tìm kiến Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi” (Ánh sáng muôn dân, số 16).
Ông đã nhắc tới khả năng có “một con đường ngay chính và lương thiện ngoài con đường Phúc Âm”. Tôi sẽ nói rằng nếu cuộc sống con người nào đó thực sự là ngay chính, thì chính Phúc Âm – dù cho con người ấy không biết đến hay cố tình chối bỏ - vẫn đang hoạt động thực sự trong tâm hồn người ấy khi họ thành tâm đi tìm chân lý ngay lúc họ gặp được. Quả thực, thái độ ấy chứng tỏ rằng ơn thánh đã làm việc trong tâm hồn họ rồi. Thánh Thần thổi về đâu và cách nào là tùy ý Ngài (x. Ga 3,8). Tự do của Thánh Thần gặp gỡ tự do của con người, và đặt tự do con người trên những nền tảng kiên vững mà nó không có được.
Xác định này cần thiết để tránh được cách giải thích theo kiểu Pêlagiô. Kiểu giải thích này đã có từ thời thánh Augustinô và hình như lại xuất hiện vào thời đại chúng ta. Pelagiô chủ trương rằng, dù không có ơn trợ lực của Chúa, con người vẫn có thể sống một đời ngay thẳng và hạnh phúc. Như vậy đối với ông ta, ơn Chúa không tuyệt đối cần thiết. Trái lại, sự thật là con người được mời gọi đến lãnh nhận ơn cứu độ, và một đời sống lương thiện là điều cần thiết để được cứu, nhưng tự bản chất mình con người không thể đạt tới ơn cứu độ nếu không được ơn Chúa trợ giúp.
Tóm lại, chỉ mình Thiên Chúa mới cứu được người miễn là con người cùng cộng tác vào. Việc con người có thể cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa chính là điều làm cho con người được trở nên cao cả. Sự kiện con người được mời gọi làm việc với Thiên Chúa cho cùng đích của đời mình, tức là cho ơn cứu độ và sự thần hóa bản thân mình, đã được truyền thống Đông Phương diễn tả bằng từ ngữ “thần nhân đồng tác” (synergisme): cùng với Thiên Chúa con người “tạo nên” thế giới, cùng với Thiên Chúa con người “làm nên” ơn cứu độ của mình. Việc thần hóa con người là việc của Thiên Chúa, nhưng dù vậy, con người vẫn luôn luôn phải cộng tác với Ngài.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II
Trích trong tập sách BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG - Cuộc trò chuyện của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II với giới truyền thông.