CHUYÊN ĐỀ - QUYỀN CHỌN LỰA (FREE CHOICE)
- Thứ sáu - 15/01/2021 08:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chọn lựa là quyền căn bản của mỗi một con người. Sự tự do lựa chọn diễn tả cơ hội và quyền tự chủ của một cá nhân để thực hiện một hành động được chọn từ ít nhất hai tùy chọn, không bị hạn chế bởi bên ngoài (Freedom of choice describes an individual’s opportunity and autonomy to perform an action selected from at least two available options, unconstrained by external parties). Từ quan niệm này, có thể nói rằng nét đặc sắc trong bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương (1870 - 1907) không chỉ dừng lại ở sự xót xa của tác giả đối với người vợ đáng thương nhưng là việc bà Tú chọn để sống với người chồng phóng túng. Bằng chính sự tự do, Bà đã chấp nhận gánh vác đau khổ để giải cứu ông và gia đình thoát khỏi những nghiệt ngã bế tắc trong cuộc sống lúc bấy giờ. Kết thúc bài thơ cho thấy, sự lựa chọn của bà Tú đã tô đậm vẻ đẹp của một tình yêu hy sinh – tự hiến nơi người phụ nữ Việt nam.
Trong một thế giới có nhiều điều hấp dẫn như ngày nay, các bạn trẻ có khái niệm như thế nào về sự lựa chọn của mình. Đây là chuyên đề mà các em học sinh tại Cộng đoàn Terexa Hòa Yên được học hỏi nhân dịp tĩnh tâm hôm Chúa Nhật ngày 10/01/2021.
Như thường lệ, mở đầu là phút hồi tâm. Quý Srs đã cho các em xem đoạn video về Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phanxico dành cho giới trẻ tại Colombia (ngày 07/09/2017). Sự nồng nhiệt nơi các bạn trẻ Colombia cũng phần nào khơi dậy nơi các em học sinh sức sống, niềm tin và hy vọng.
Sau phút hồi tâm Sr. Lệ Thủy chia sẻ về chuyên đề Quyền Lựa Chọn. Việc chọn lựa để học hay không học; học ít hay học nhiều… là những câu hỏi được đặt ra cho các em học sinh. Sr. Lệ Thủy đưa ra hai hình ảnh than đá (coal) và kim cương (diamond) để giúp các em giải đáp cách thỏa đáng và thích hợp hơn những câu hỏi trên. Than đá và kim cương đều được cấu thành từ cacbon; tuy nhiên, kim cương được hình thành dưới một áp suất cực lớn và nhiệt độ vô cùng cao. Sr. Thủy đã nêu một ví dụ cụ thể trong học tập liên quan tới hình ảnh kim cương. Chẳng hạn, mỗi lần gặp bài toán khó, bộ não của con người lại sáng lên như kim cương nhờ mật độ liên kết giữa các neuron với nhau. Số lượng Neuron không quyết định chỉ số thông minh của một người nhưng là mật độ liên kết giữa các neuron này.
Có lẽ mỗi bạn học sinh đang hiện diện nơi đây đều muốn trở thành người tốt, người có nhân cách, người có ích cho gia đình và xã hội như những viên kim cương sáng chói thay vì cục than đá tầm thường. Nhưng đâu là những cám dỗ khiến các bạn trẻ không thể đạt được điều mình mong ước? Phải chăng đó là games, cờ bạc, ma túy,…? Một trong những tệ nạn mà toàn nhân loại đang phải đối mặt và là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội đó chính là ma túy. Càng gần ma túy, con người càng xa cuộc đời; đến với ma túy là đến với sự hủy diệt…. Ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường cách tinh vi. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo đã trở thành nạn nhân gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Nguyên nhân dẫn tới nghiện các chất ma túy như sau:
(1) Nguyên nhân khách quan: Do sự đua đòi hưởng thụ, nhiều bạn trẻ đã có lối sống buông thả, dễ bị lôi kéo sa ngã; (2) nguyên nhân chủ quan: do thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy; muốn thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ, thích thể hiện mình. Với lý do này, nhiều bạn trẻ đã chủ động đến với ma túy. Như vậy, làm cách nào để những bạn trẻ với thành tâm thiện chí có thể xa tránh được nguy hại của ma túy?
Chiều nay, dưới sự hướng dẫn của Sr. Lệ Thủy, các em học sinh thật sôi nổi giơ tay phát biểu nói lên chiến thuật của riêng mình nhằm tránh xa cám dỗ nguy hại. Các em hiểu thêm rằng dù không kiểm soát được những điều đang xảy ra, các em vẫn có thể kiểm soát được hành động của bản thân. Hơn thế nữa, các em đều là những người con được Thiên Chúa yêu thương. Các em còn được cha mẹ, quý Sơ, quý thầy cô yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc ân cần. Vậy đâu là sự chọn lựa đúng đắn các em cần có nơi đây và lúc này? Các em chọn để học hành chăm chỉ không chỉ cho bản thân mà cho người khác nữa; các em chọn sống tốt không chỉ cho riêng mình mà cho cả gia đình, Giáo Hội và xã hội.
Sau đó, các em đến với Bí Tích Hòa Giải. Như những lần tĩnh tâm trước, việc đến với bí tích Hòa Giải góp phần quan trọng trong hành trình biến đổi và thăng tiến đời sống của các em học sinh nội & bán trú.
Cuối cùng là thánh lễ chiều Chúa Nhật, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Trong bài giảng, Cha Simon đã nêu rõ ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đăng. Đó là thái độ khiêm tốn thẳm sâu cần có để nhận ra con người yếu đuối tội lỗi của bản thân. Hình ảnh Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã hạ mình xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu vị thế xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Có thể nói rằng, dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng không đủ sức rửa Con Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa (Lc 12,50). Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi mỗi người, đặc biệt các bạn trẻ. Nếu các bạn cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu các bạn cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu các bạn chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, các bạn vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung.
Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để các bạn đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, các bạn sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ các bạn. Người sẽ nói về các bạn như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.
Cảm ơn Cha Simon và Sr. Lệ Thủy về lòng nhiệt thành và sáng kiến trong việc dẫn dắt các em học sinh nội & bán trú tại cộng đoàn chiều nay. Cuối cùng các em đã tự tay viết lên những lỗi lầm và sai phạm của mình để dâng lên Thiên Chúa trong Thánh Lễ. Bằng sự tự do và dưới tác động của ơn Chúa Thánh Thần, các em chọn để trở về với Chúa như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).