CHUYÊN ĐỀ: VƯỢT KHÓ

CHUYÊN ĐỀ: VƯỢT KHÓ
Các em học sinh nội trú và bán trú tĩnh tâm tháng 11

Lòng biết ơn và vượt khó có sự nối kết như thế nào? Đó là kỹ năng mà các em học sinh nội trú và bán trú của cộng đoàn Têrêsa Hòa Yên đã được học tập và rèn luyện hôm Chúa Nhật (15/11/2020), nhân dịp tĩnh tâm tháng 11.

Mở đầu ngày sống là phút hồi tâm. Hồi tâm được hiểu là những giây phút so sánh, đối chiếu mình qua gương sống tốt lành thánh thiện của một nhân vật nào đó. Với ý nghĩa này, quý Sơ đặc trách nội trú đã cho các em xem đoạn video về mẫu gương sống đạo của thánh Carôlô Acutis. Vị thánh trẻ đang là mẫu gương sáng ngời của người trẻ trong thế kỷ mới. Thánh nhân sinh ngày 3 tháng 5, năm 1991 và qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2006. Carôlô là một thiếu niên Công giáo người Ý. Cậu nổi bật vì sự vui vẻ và kỹ năng vi tính cũng như lòng sùng kính sâu sắc đối với Bí Tích Thánh Thể. Khi còn là một học sinh trung học tại học viện Dòng Tên ở Istituto Leone XIII, cậu đã từng nhìn vào những mẫu gương của các thánh (như thánh Phanxico Assisi, thánh Francisco và thánh Jacinta Marto, thánh Dominic Savio, thánh Tarcisius, thánh Bernadette Soubirous) làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Đoạn video về cuộc đời và gương sáng của vị thánh trẻ Carôlô Acutis phần nào giúp các em học nơi vị thánh cùng tuổi cách học tập và sống niềm tin của mình. 

 



Sau phút hồi tâm, Cha Simon - Quản xứ Giáo xứ Vĩnh Hòa chia sẻ về chuyên đề “Vượt khó”. Chuyên đề hôm nay cũng không kém phần quan trọng và hấp dẫn đối với các em học sinh như chuyên đề Giáo Dục Giới Tính Tuổi Dậy Thì mà các em đã được học hỏi hôm tháng 10. Cha đã nêu rõ ý nghĩa của vượt khó qua các mẫu gương, cụ thể là những câu chuyện vượt khó của một số bạn bị tật nguyền, bị thiếu ăn, và mẫu gương vượt suối băng đồi để đi học của một em học sinh người dân tộc Giao.
 
 

 
Những câu chuyện kèm theo hình ảnh cụ thể sống động đó dường như đã chạm cõi lòng các em với nhiều câu hỏi khác nhau. “Tôi khám phá ra trên thế giới này còn có nhiều người phải chịu thiệt thòi hơn tôi”;  “Có người chịu cảnh đói rách đến nỗi không có tấm áo che thân”;  “Thế nhưng tại sao những người này vẫn tỏ ra vui tươi và thậm chí họ cố tìm sự sống trong cái đói rã rời?” Câu hỏi đặt ra là phải chăng do người này may mắn, người nọ kém may mắn? Điều quan trọng hơn cả sẽ là sự nhận định của mỗi người về nén bạc được trao.

Chuyên đề vượt khó được gắn kết với ý nghĩa và lời mời gọi của đoạn Tin Mừng của thánh Matthew (Mt 25: 14-30). Cha Simon đã nêu bật ý nghĩa của việc hồi tâm. Vậy hồi tâm không chỉ nhìn vào người khác để so sánh, nhưng cụ thể hơn là sự khám phá ra những nén bạc chưa được nhìn thấy nơi bản thân với lòng biết ơn. Mỗi người nhận được số nén bạc đều là của Chúa giao phó cho. Đấng tạo hóa đương nhiên là giao cho tôi sự sống, trí tuệ, tài năng… và nhiều điều khác nữa. Vậy của cải đích thực Thiên Chúa giao phó cho tôi là gì? Cha Simon mời gọi: Là những người Kitô hữu, các em cần nhận ra rằng: Thiên Chúa cứu độ trao ban cho tôi một thứ còn quý báu và vĩ đại hơn nhiều đó chính là tình yêu tha thứ; nén bạc này thì mọi người ai cũng nhận được. Kho báu quý giá nhất mà người kitô hữu tìm thấy chính là ơn cứu độ Chúa ban. Mỗi kitô hữu đều tự biết mình đã nhận được số yến bạc tha thứ của ông chủ là bao nhiêu: kẻ năm, người hai,… tùy theo nhận định riêng của mỗi người. Tuy nhiên vẫn có những kẻ cho rằng mình chỉ nhận được ít ỏi. Trong câu chuyện dụ ngôn, hai người trước biết mình nhận được một số yến bạc nào đó, đã làm sinh lợi ra nhiều yến bạc khác. Còn người thứ ba, vì cho rằng mình nhận được quá ít nên đào lỗ chôn giấu.  

 
Khi nhận ra nén bạc Chúa ban với lòng biết ơn thì đó chính là nền tảng và động lực để mỗi người vượt khó và sống vui. Với tài năng thuyết phục, cha Simon đã dẫn các em học sinh nội trú, từ thái độ ngỗ nghịch, nguội cảm thờ ơ thì giờ lại trở nên trầm tư, mềm dẻo hơn. Những giọt mưa ơn thánh của Chúa nay đang thấm vào những mảnh hồn tuy ngây thơ nhưng cũng không kém phần khô cứng. Lòng biết ơn là một ân huệ tuyệt vời trong cuộc sống; nó xuất phát từ tình yêu và hy vọng. Với lòng biết ơn, cuộc sống của các em sẽ được nuôi dưỡng bằng sự tha thứ ngay cả với những người đã làm tổn thương chính mình.

Sau cùng là lời tri ân của các em nội trú tới cha Simon và quý Sơ trong cộng đoàn nhân ngày nhà giáo Việt Nam sắp tới.  Các em cảm ơn Cha vừa là người thầy giáo đã từng dắt dìu, vừa là người cha đáng kính của các em. Các em kính chúc Cha thêm nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Lòng biết ơn của các em còn được bày tỏ qua lời cầu nguyện xin ơn Chúa phù giúp cho Cha được tràn đầy nhiệt huyết để cùng đồng hành với các em trên con đường hướng tới tương lai. Xin cha tiếp tục nâng đỡ, đồng hành và cầu nguyện cho các em trong thời gian tới để các em luôn là người con ngoan trong gia đình và xã hội.

Các em cũng bày tỏ lòng tri ân tới quý Sơ. Đối với các em, quý Sơ trong cộng đoàn là những người thay mặt cho cha mẹ các em để chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ. Quý Sơ còn là những người giáo dục và là người đồng hành, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ… chỉ với một ước mong là các em trở nên những con người tốt, có ích cho gia đình, Giáo Hội và xã hội.

  

Tác giả bài viết: CĐ. Têrêsa, Hòa Yên