PHẢI CẨN NGÔN
- Thứ sáu - 02/07/2021 05:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
RÈN ĐỨC THU TÂM
(Tiếp theo)
(Tiếp theo)
Phải cẩn ngôn
Bạn còn nhớ đoạn XVI của sách Thẩm Phán thuật chuyện gì chăng? Chuyện cô gái điếm Dalila hại Samson. Quân Philitinh là thù địch của Samson, một người có sức mạnh phi thường nhờ để tóc dài từ nhỏ. Quân Philitinh muốn hạ Samson nhưng không biết làm sao. Chúng dùng mỹ nhân kế. Chúng mướn cô gái điếm Dalila giả đò yêu Samson, hỏi cho được bí quyết mạnh mẽ của ông. Trong những phút âu yếm với Samson, Dalila năn nỉ hỏi mấy lần và ông bị gạt. Sau cùng ông nói thiệt rằng sở dĩ ông có sức khỏe Hạng Vương như vậy là nhờ để tóc dài. Dalila khoái trong dạ, đem nói cho quân địch ông hay, sau cùng cắt tóc ông và bị bọn Philitinh bắt, móc mắt.
Thưa thật với bạn, hồi nhỏ mỗi lần nghe mẹ chúng tôi thuật cho chuyện này, chúng tôi bắt oán ghét ba tấc lưỡi của đàn bàn như oán ghét vật gì ghê tởm. Khi lớn khôn nghĩ lại, thấy mình phán đoán hơi tuyệt đối, vì đâu phải người nữ nào cũng không cẩn ngôn như Dalila phải không bạn. Nhưng có điều này làm chúng tôi để ý nhất là sự bất cẩn trong lời nói hay đem lại kết quả khốc hại phi thường. Từ gia đình, học đường đến chợ đời có biết bao nhiêu người gây ác cảm cho mình, đem tai hại cho kẻ khác chỉ vì thèo lẻo. Họ không đủ can đảm hay vì một ích lợi nào đó nên thổ lộ những bí mật của kẻ khác mà họ không có quyền mạc khải. Người ta chẳng đã nói: “Có những chân lý không tiện nói ra” và phải nói thêm: “Có những chân lý không được quyền nói ra”. Có cần chúng tôi nhắc lại cho bạn những bí mật đó không? Người ta thường chia ra ba thứ bí mật: bí mật tự nhiên, bí mật ủy thác và bí mật cam kết.
♦ Những bí mật tự nhiên là những chân lý mà tự bản chất của chúng, chúng ta buộc được giữ kín để khỏi gây tai họa cho kẻ khác. Như chúng tôi tình cờ thấy bạn chôn một hũ vàng. Bạn không dặn chúng tôi giữ bí mật việc ấy, nhưng tự nhiên chúng tôi thấy không được phép hở môi, vì nếu tiết lộ bí mật ấy ra chúng tôi sẽ làm tổn hại tài sản của bạn.
♦ Những bí mật ủy thác là những chân lý kẻ khác cho ta biết và một cách minh nhiên hay mặc nhiên muốn ta giữ kín. Thường là những bí mật ta biết nhờ kẻ khác tin cậy ta, dặn ta giữ kín cách công khai hay hiểu ngầm rằng ta tự nhiên không bao giờ mặc khải cho ai. Những người thường được ủy thác những bí mật này là cha mẹ, thân hữu, thầy kiện, bác sĩ, thầy cả.
♦ Sau hết, bí mật cam kết là chân lý mà kẻ khác nghe hứa với người nói cách công khai sẽ giữ kín không cho người thứ ba nào biết.
Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao nhiêu điều bí mật như vậy, mà thử hỏi có mấy người lo giữ kín. Người ta đã phạm đức công bình, đức bác ái và bội tín mà mặc khải nhiều bí mật đáng lẽ khi xuống mồ cũng không nên nói cho ai.
Những cái thùng chảy thường người ta quăng dưới hầm rác. Những con người không cẩn ngôn thiên hạ cũng sa thải, oán ghét, chán chê. Nếu bạn muốn người xung quanh quý mến bạn, xin bạn chịu khó kiểm soát nghiêm nhặt ba tấc lưỡi. Đức Thánh Linh bảo chúng ta nói trước khi nói phải đánh lưỡi bảy lần. Chúng tôi không dám muốn bạn cực quá như vậy, nhưng mỗi khi nói điều gì ít ra bạn chịu khó suy nghĩ trước, cân đo lợi hại cho kỹ lưỡng. Để ý coi điều bạn sắp nói có phải là những bí mật mà bạn có phận sự giữ kín không. Nói ra thì sướng miệng, vui lắm đấy. Nhưng ngoài việc đem lại tai hại cho kẻ khác, bạn còn bị thiên hạ nghi kỵ, oán thù. Thường người ta quý mến chúng ta là vì coi chúng ta như bạn thân, coi lòng dạ chúng như của họ. Bởi sự tin tưởng này, họ cho chúng ta biết những bí mật của gia đình, của tâm hồn họ hay của những kẻ mà họ có liên quan. Có khi họ dặn chúng ta giữ kín và quá tin, hiểu ngầm rằng chúng ta tự nhiên bảo mật. Nếu ngày nào chúng ta đem phanh phui những điều kín ấy cho kẻ khác nghe thì chắc chắn chúng ta bị mất ngay uy tín và trở nên kẻ họ thù. Có lẽ bạn nói: “Thì thổ lộ bí mật rồi chúng ta dặn kẻ khác giữ kín”. Thưa bạn, nhiều người khác cũng có ý nghĩ như bạn và họ phải hối hận thiên thu. Tại sao bạn không biết? Tại vì kẻ khác cũng có ý nghĩ như bạn vậy. Lúc nghe bí mật, ai cũng khoái, hứa đủ điều, thề “bán mạng” không lộ mật cho kẻ khác nghe. Khi biết được rồi, tâm hồn nghe ngột ngạt, miệng ngứa, muốn nói để tỏ mình thông thạo. Thế là họ làm y như người đã cho họ biết bí mật. Họ cũng dặn kẻ nghe họ giữ kín điều họ nói nữa. Và kẻ này cũng bước theo lối của họ. Bí mật cứ như vậy mà bị đồn thổi. Sau cùng biến thành chân lý mình hiểu. Ai cũng biết, cũng hay. Vả lại, theo tâm lý thường tình, một điều gì ta tiết lộ bởi bất cẩn cho một kẻ khác mà dặn họ đừng nói lại với ai, thì bị bại lộ mau hơn là không dặn. Điều này người ta thường nhận rõ hơn ở dưới phụ nữ, cách riêng hạng người không có chồng! Xin bạn gái đọc đến đây đừng buồn chúng tôi nhé! Sự thật là vậy.
Một khi kẻ khác đem bí mật mà ta tiết lộ đồn thổi bốn phương, chừng ấy ta làm sao lấy lại lời nói của mình lại được. Người xưa đã am hiểu điều này nên nói: “Một lời nói ra bốn ngựa tìm khó được: nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Nếu điều bí mật là những tội lỗi, những gì có thể làm nhơ danh xấu tiếng kẻ khác, thì càng được gieo rãi trong dân chúng mau lẹ hơn những bí mật thường. Và bí mật của người làm điều sai trái càng đi xa, càng bị xuyên tạc, tiếng xấu của họ cũng lan rộng ra dần dần khi qua nhiều cửa miệng. Bạn thử tưởng tượng ai đó đã giao cho bạn những bí mật của mình mà vì bất cẩn bạn lộ mật, làm họ mất tiếng tốt, gặp nhiều tai hại, sau cùng họ còn thiện cảm với bạn được không? Riêng chúng tôi, nếu ở trường hợp của họ, chắc chắn sẽ có ác cảm với bạn. Mà chúng tôi nghĩ bạn cũng vậy. Kinh nghiệm về đời sống hằng ngày cho chúng ta biết phần nhiều những người cẩn ngôn tuy ít có bè bạn để chơi giỡn, nhưng có nhiều bè bạn tin cậy, phú gởi tâm sự, bàn tính những việc quan trọng. Trái lại những người trống miệng, thèo lẻo, hay đâm thọc, ban đầu thiên hạ lầm được nhiều kẻ mến thích, song dưới gót thời gian họ bị mọi người nghi kỵ, “sợ” và tránh xa.
Trong công giáo cấm nhặt cách tuyệt đối những linh mục nói ra tội lỗi hay tâm sự mà người khác xưng với mình, bàn luận với mình trong tòa giải tội hay khi làm việc linh hướng. Linh mục nào tiết lộ bí mật giải tội là phạm tội trọng. Và đọc lịch sử giáo hội, người ta chưa từng thấy vị linh mục nào phạm luật cấm này. Chúng tôi không dám muốn bạn làm những linh mục, song chúng tôi ước sao bạn học tập đức cẩn ngôn của các Đấng ấy. Bây giờ bạn hãy buông sách xuống, dùng năm phút thinh lặng mà thề hứa với tất cả lương tâm, danh dự của bạn rằng, cả đời bạn nhất định cẩn ngôn, không bao giờ tự ý tiết lộ bí mật nào mà bạn không có quyền tiết lộ hay không có lý do chính đáng để mạc khải. Thường tôi không thích tuyệt đối, nhưng trong vấn đề này, chúng tôi xin bạn hãy tuyệt đối cương quyết.
Bạn bảo mật đối với người thường đã đành, mà cả đến những người bạn thân thiết nhất, xin bạn hãy cẩn ngôn. Trên đời có những bí mật vì lương tâm, vì lợi ích kẻ khác, bạn phải giữ như những bí ẩn giải tội. Chúng tôi xin phép bạn nhấn mạnh điều đó. Bạn đừng viện lý người nghe bạn là bạn trăm năm, là tri âm của bạn. Sự giữ bí mật đây thuộc về danh dự, về giá trị con người trong lời hứa, trong sự cẩn ngôn mà. Đâu phải chỉ căn cứ trên chỗ tin cậy kẻ khác giữ bí mật được như mình mà tự do tiết lộ bí mật.
Chúng tôi không thể quên nhắn bạn điều này nữa là ta phải giữ bí mật chẳng những của kẻ không có ác cảm với ta mà cả của kẻ thù địch ta. Lý do vừa mới nói trên là: bảo mật vì danh dự, vì nhân cách.
Để dễ cẩn ngôn, bạn nên tránh tật già hàm. Một khi nói nhiều quá, chúng ta không đủ thì giờ kiểm soát những điều ta nói. Vì đó, bí mật có khi do sự vô ý mà bị bại lộ. Người cẩn ngôn chẳng những không tiết lộ điều bí mật mà còn không nói mé mé, nói xa xa điều bí mật mà mình có bổn phận phải giữ gìn. Vì nói như vậy vô tình khiến bí mật bị cái mà người ta hay nói chơi là “bật mí”. Thùng đầy rượu lủng lỗ nhỏ có thể chảy hết rượu. Bí mật của ta vì bất cẩn, bị bại lộ có thể bị kẻ khác tìm hiểu rộng hơn, sau cùng am tường tất cả. Vậy mỗi lời bạn nói hãy ý thức nó, coi nó sẽ có hậu quả gì, nếu có thể lộ mật mà bạn thấy không có quyền và có lý do đủ để nói, thì hoặc là bạn “đánh trống lảng” trả lời bằng những câu nói bông lông, hoặc bạn che giấu bí mật bằng cách nói sai đi. Như vậy không phải bạn nói dối đâu mà bạn chỉ che đậy bí mật với kẻ không có phận sự biết.
Người cẩn ngôn chẳng những không lộ bí mật, mà còn không bất lịch sự tra hạch những bí mật kẻ khác biết, dù kẻ ấy là thân hữu, là bạn trăm năm của mình. Chúng ta phải có óc tinh tế đủ để khỏi làm cho người khác nói chuyện với ta phải ngại vì những câu hỏi bất cẩn, và khinh rẻ ta, coi ta như người thất giáo.
Tóm lại, bạn nên nói hết sức ít, nhất định những bí mật nào không cần tiết lộ vì lý do chính đáng thì giữ kín đến xuống mồ.
Trên đây, chúng tôi đã chỉ mới bàn với bạn về một góc cạnh của cẩn ngôn, sự bảo mật. Cẩn ngôn còn buộc ta ăn nói thanh cao, vì đó, bạn để ý tránh cho câu chuyện của bạn những lời xằng bậy, những tiếng trêu ghẹo, mỉa mai, móc lò, hiểm hóc, sửa lưng, chỉ trích. Phải kính lòng tự ái của người ta như dân Ấn Độ quý trọng rắn vậy. Chúng tôi biết bạn nhanh trí, lúc bàn chuyện với kẻ khác, bạn ngứa miệng muốn tranh luận, muốn chọc ghẹo họ, đốn họ cho thất lý chơi. Nhưng thưa bạn, bạn thắng vì cao trí, vì lợi khẩu. Bạn vui lắm đấy. Nhưng kẻ bị bạn đánh bại có tâm trạng thế nào. Chắc chắn lòng tự ái của họ bị tổn thương lắm. Những lời mà bạn cho là duyên dáng, tỏ ra cho thiên hạ biết bạn nhanh trí, hùng biện, bạn có biết chăng chúng là những con dao, những mũi kim đâm thốn tâm can kẻ bạn tấn công. Họ làm sao có thiện cảm với bạn được.
Khi ai đó, vô tình lỗi lầm điều gì, bạn chịu khó đừng buông ra những tiếng trách móc. Cũng đừng xất xược, rùn vai, thốt lên “hỡi ôi!”. Chúng tôi biết bạn không ghét gì họ. Nhưng khi lầm lỗi, họ đã e ngại nhiều rồi, có tâm lý nhục nhã rồi mà bạn trách họ nữa thì họ oán ghét bạn ngay. Nên tự chủ để khỏi gây ác cảm vô lý.
Cẩn ngôn cũng buộc ta tránh những câu chuyện có liên quan đến lỗi lầm, tội ác của kẻ ta giao tiếp. Nếu có lỡ đề cập tới, ta phải khôn khéo tránh liền. Đừng tật bàn về chính trị, tôn giáo với bất cứ ai, nhất là tránh hẳn sự tranh luận về những vấn đề ấy. Bạn hãy hết sức thận trọng khi bàn về đời sống vợ chồng, về việc chăn gối. Sau hết, người cẩn ngôn là người suy nghĩ hết mọi điều mình nói mà không nói hết mọi điều mình nghĩ. Họ thấy trước kết quả của lời nói và tự chủ, không nói khi không cần. Đến lúc phải nói, họ nói lịch thiệp, trầm tưởng, kỹ từng tiếng, săn sóc từng giọng.
Tóm lại, xin bạn hãy nên người cẩn ngôn, rất mực cẩn ngôn để dễ dàng thu tâm người khác.
Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của HOÀNG XUÂN VIỆT