RÈN ĐỨC THU TÂM

RÈN ĐỨC THU TÂM
Rèn đức thu tâm (tiếp theo)

 Đừng ích kỷ
Không ai ưa cho được người ích kỷ. Con người tự nhiên thích được kẻ khác săn sóc, giúp đỡ, quan tâm. Từ ngày loài người mới có cho đến bây giờ, tâm lý vẫn là một. Chúng ta phải biết nó để quên mình, phục vụ kẻ khác mới mong được người ta mến yêu. Chúng ta không thể nói kẻ khác cần chừa tính ích kỷ. Ai lo cho nấy, chuyện gì bắt chúng ta phục vụ kẻ khác cách bất công. Nếu bạn muốn sửa đổi bản chất con người thì tùy ý chí tự do của bạn. Nhưng nếu bạn muốn thu tâm thì thưa với bạn rằng xin bạn đừng sống ích kỷ. Làm ngược lại cuộc đời bạn sẽ cô độc, thất bại. Đây bạn chịu được những cử chỉ này của chúng tôi không? Sống chung với bạn, không với một lý do nào chính đáng, chúng tôi sống như Robinson Crusoé ở giữa cù lao hoang vắng. Chúng tôi coi bạn như không có… Khi bạn “tối lửa tắt đèn” cậy nhờ chúng tôi điều gì, chúng tôi khước từ bạn. Bạn đau bệnh, chúng tôi chẳng ngó ngàng gì. Khi bạn buồn thảm, chúng tôi vui cười, chọc ghẹo. Tai nạn đến cho bạn chúng tôi, lạc quan, khoan khoái trong lòng khi bạn gặp nạn mà chúng tôi bình yên. Công việc của bạn quá nhiều, nhất là công việc ích chung bạn làm muốn đứt hơi, chúng tôi ngồi chơi, hút thuốc, uống trà, nói dóc. Trong đời bè bạn chúng tôi hay nói rằng chúng tôi thương mến bạn, hy sinh vì bạn, song về mặt thực hành cứ lạm dụng bạn đủ điều. Chúng tôi lạm dụng cách nào cho thỏa mãn tính ích kỷ của mình, chứ không nhớ đến sự cần thiết của bất kỳ ai. Người ích kỷ như thế bạn có thích không? Vậy, để thu tâm được, chúng ta đừng ích kỷ. Chúng ta kiềm chế dần dần cho được quan điểm cho mình là trung tâm của vũ trụ. Đừng có rút mình trong mu rùa cá nhân để chỉ phụng sự cho bản thân mình mà quên bao nhiêu kẻ khác. Ta lấy lường nào mà đong cho kẻ khác, thì họ mới lường ấy đong lại cho ta. Xin bạn chép câu ấy chừng 50 lần để nó thâm nhiễm tận tiềm thức của bạn hầu bạn sẽ thành con người hoàn toàn bác ái.
 
 Đừng lãnh đạm
Bạn có tinh thần siêu thoát, không bận tâm đến những cuộc tranh đua vật chất. Hay lắm! Nhưng bạn đừng lãnh đạm với người xung quanh.
Xin bạn hãy khắc ghi điều này. Qua mọi thời gian, ở mọi không gian, con người tự nhiên cho mình là quan trọng, muốn làm cho mình vinh hiển và khi được ai quan tâm đến thì có cảm tình với người đó ngay. Bởi nhiều người xung quanh ta có thứ tâm lý cố hữu ấy nên khi ta lãnh đạm, rút vào bản ngã của mình không kể gì những sinh hoạt của kẻ khác thì chúng ta bị ác cảm.

Théodore Roosevellt ngoài những giờ bận rộn về phận sự hya hỏi thăm, nói chuyện cùng người làm bếp của ông. Người làm bếp của ông quý mến không như cha ruột. Thật những vĩ nhân thường thấu đáo tâm lý người hơn ai hết. Chỉ những người tầm thường mới không chế ngự được tính ích kỷ, nên chỉ biết nghĩ đến mình, không quan tâm đến ai khác. Cuộc đời của chúng ta vì thế gặp nhiều cô độc, sầu buồn và thiên hạ không bận tâm giúp đỡ. Dale Carnegie trong cuốn “How to win friends and influence people” nói con người tự nhiên muốn sức khỏe, sống lâu, ăn, ngủ, tiền của, lưu danh hậu thế, thỏa nhục dục, con cái hạnh phúc, kẻ khác coi mình quan trọng. Từ đây, gặp kẻ khác, xin bạn đừng lãnh đạm nữa. Hãy bặt thiệp hỏi thăm về những điều con người tự nhiên muốn được quan tâm. Thực hành bí quyết này, chắc chắn bạn sẽ có được nhiều bạn bè, nhiều cộng sự viên. Bởi lẽ dễ hiểu là thiên hạ tự nhiên thích sự quan tâm của người khác. Ai quan tâm đến mình nhiều thì giao du, có cảm tình thì muốn giúp đỡ để tỏ tình thương.


 Đừng vô lễ
Bạn có muốn một bí quyết thần diệu để gây ác cảm không? Đây: vô lễ. Jéremo Coignard nói: “Con người là một con khỉ, và sự tiến phát của văn minh là nhốt nó vào chuồng. Bạn không nhốt con khỉ của bạn vào chuồng”. Bạn coi cái mà người văn minh gọi là lịch sự như cỏ rác. Bạn sống như những người của thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Trong xã hội có lối chào hỏi riêng, có cách ăn mặc, nói chuyện, ngồi bàn, đãi tiệc, tiếp khách. Bạn bất chấp tất cả những thông lệ ấy. Gặp ai, chưa kịp chào hỏi, bạn vỗ vai, nói tía lia. Quàn áo của bạn, bạn không may theo thời trang mà may kiểu kỳ lạ. Rồi khi dùng không kể gì là sạch sẽ. Khi nói chuyện thì nếu không ngậm câm để tỏ ra lù khù thì bạn cướp lời kẻ khác và nói như thác đổ. Lúc ngồi bàn với kẻ khác, bạn không nhường nhịn, ăn kếu chách chách, húp canh nghe sồn sột và ợ liên miên. Tiếp đãi những khách biết lịch sự mà bạn coi họ như kẻ thất giáo, bạc đãi họ, lãnh đạm với họ. Khi tiếp khách, bạn cũng vụng về. Khách vào nhà bạn không mời nước, không chỉ nhà vệ sinh, không hướng dẫn cẩn thận cách sử dụng đồ dùng và thời gian biểu… Vậy, muốn thu tâm xin bạn đừng vô lễ. Hãy nghe Montaigne khuyên bạn: “Lễ phép không mất tiền mua mà mua được tất cả”. Chịu khó tự chủ, quên đi cái tôi của mình để đối xử lịch sự với kẻ khác, lịch sự từ lời nói, cử chỉ đến thư từ, hành động. Sự thành công sẽ trả lại cân xứng, gấp đôi cho sự chịu khó của bạn.

 Đừng phách lối
Theo John Dewey, mọi người đều muốn mình được vinh hiển. Ước muốn ấy mạnh mẽ trong người cũng như nhu cầu ăn uống. Vì nó mà người ta, khi bố thí không thích làm âm thầm, thích nói nhiều để biểu lộ sự thông thái, hay làm thầy đời thiên hạ. Cũng vì nó mà nhiều thiên tài lập nhiều công tác lưu danh muôn đời. Con người có thứ tâm lý ấy nên rất thích những kẻ hạ mình xuống, ưa ai khen ngợi mình, ca tụng tài ba, đức tính, kinh nghiệm của mình. Nhìn một tấm hình chụp chung mà thấy hình mình đẹp thì trái tim như nở ra, hồn lâng lâng. Đọc một cuốn sách phê bình văn học mà tên tuổi mình được ca tụng thì thấy khỏe khoắn. Nhưng khi nào thấy người khác tài ba hơn mình thì oán ghét. Bởi vậy, những kẻ phách lối thường không được mấy người ưa thích. Người phách lối làm tôi thị dục (thị dục: lòng ham muốn những điều tầm thường), háo danh, muốn đem cái tôi của mình ra quảng cáo, trình bày cho ai nấy nể phục. Họ cũng tưởng làm như vậy thiên hạ phải nhìn nhận giá trị của mình. Không ngờ những người khác khi thấy ai phách lối thì cảm thấy cá nhân mình bị che khuất, thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương và tự nhiên có ác cảm. Con người tự nhiên ưa sự thật mà kẻ phách lối lại thường giả dối, hay ngụy trang bằng những tài đức mình không có hay có cách phù phiếm, có không bao nhiêu. Khỏi cần nói con người không thích đa ngôn mà kẻ phách lối hay già hàm.

Vậy trong khi xử thế, để mua lòng người, bạn chịu khó đừng phách lối. Nên nhớ rằng người đời ai cũng coi mình “trượng” hết. Phách lối như đám mây che họ tối sầm, họ không chịu. Vả lại, điều gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho kẻ khác. Tự nhiên ta cũng có thị dục huyền ngã như ai, ta không muốn thiên hạ phách lối, lấn át ta thì ta đừng phách lối đối với thiên hạ trước. Nên khiêm nhường ăn nói nhỏ nhoi, dè dặt, hiền từ. Đó là bí quyết thần diệu.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH của Hoàng Xuân Việt

Hết phần Rèn đức thu tâm bằng cách tránh hay loại bỏ những điều không nên, tiếp theo lần tới là Rèn đức thu tâm bằng cách luyện tập các điều tốt.