RÈN NHÂN CÁCH

RÈN NHÂN CÁCH
Vấn đề phải đặt đầu tiên cho con người là phục hồi và củng cố địa vị cho tinh thần được đứng ưu tiên trong bản ngã con người.

Trong kỳ trước chúng ta đã nói đến vai trò quan trọng của việc rèn nhân cách với khái niệm căn bản: tâm linh dục, là phương pháp mỗi người muốn trở nên người hơn thì hãy tự huấn luyện lấy mình. Lần này, chúng ta nói đến mối tương quan của hai hoạt động của tinh thần và vật chất cũng như vai trò của tinh thần trong việc đào luyện nhân cách.

Tương quan của hai thứ tâm linh
Ở những trang trước chúng tôi chỉ mới căn cứ vào những sự kiện để thảo luận cùng bạn về những sự khái niệm của hai thứ tâm linh hoạt. Chúng tôi muốn bàn luận cùng bạn thêm về sự tương quan của tâm linh hoạt thượng đẳng và hạ đẳng khi có những sự kiện vô thức xảy ra trong con người. Một điều bạn nên biết chắc trước là cái vốn di truyền, có do dòng máu của cha mẹ, của dân tộc. Chính nó là cấu thành cái mà những nhà tâm lý học gọi là tính khí. Tính khí lại chia ra đảm trấp, lâm ba, đa cơ, đa sầu, thần kinh đa huyết. Còn cái mà chúng ta gọi là tâm linh hoạt thượng đẳng không phải hoàn toàn là tính nết nhưng chính nó làm nòng cốt cho tính nết.

Có lẽ bạn sẽ hỏi: “Mà trong một cái tôi, hai thứ tâm linh hoạt có kình chống nhau không?”. Rất có thể hai thứ tâm linh hoạt này kình chống nhau, nhưng theo thực tế thì có một cái nào đó vượt thắng. Nếu trong một người mà tâm linh hoạt hạ đẳng hung hăng, bạo động và chiến thắng tâm linh hoạt thượng đẳng thì người ấy sẽ hành động như ngựa không cương, sẽ hành động dục tốc, quyết đoán nông nổi, nói năng quá lố. Thuộc hạng người này là phần đông những người dã man, những người có học thức nhưng chỉ có vốn trí học mà nghèo hay không có tâm học. Cách chung, không nhiều thì ít chúng ta là nạn nhân cho sự hoành hành của tâm linh hoạt hạ đẳng. Theo William Jamesm trong một ngàn người khó mà kiếm một người có chí khí, cường dũng chế ngự tâm linh hoạt hạ đẳng của mình. Thường chúng ta chịu thua, chịu đè bẹp những sự ám thị, những tưởng tượng, những yên trí, những dư luận. Ngoan ngoãn như một con búp bê dưới tay đứa bé, nhiều lúc chúng ta đi đứng theo tình dục, nói năng theo thú tính, hành động thói quen, theo hủ tục. Chúng ta chẳng khác nào một cái lò xo, buông tay ra nó bật lên. Con người của chúng ta hễ có cơ hội là bộc lộ ra theo sự bẻ lái của tâm linh hoạt hạ đẳng. Chúng ta rất lười trong sự tự chủ và sự tự điều khiển. Bệnh lười này có hoặc vì ý chí của chúng ta không được giáo luyện gì hết hoặc không được giáo luyện đầy đủ. Ở gia đình hay ở học đường, chúng ta thường được giáo dục về phần trí khôn hơn là tâm đức. Chúng ta sáng trí, khôn ngoan thiệt, nhưng chúng ta không có tập quán hành động nghịch với bản năng, với thú tính của mình. Con người hạ đẳng của chúng ta dần lớn lên như một con ngựa chứng không được tập rèn, như một miếng rừng hoang vu đầy cỏ gai đáng sợ. Vẫn hiểu rằng chúng ta có lương tri, có lý trí, có lương tâm để thấy đâu là đúng, đâu sai, đâu dở, đâu hay. Nhưng tiếc một điều là như thánh Phaolo nói, chúng ta muốn làm lành mà đi làm dữ. Nghe dư luận chỉ trích ồn ào một người nào đó, tự nhiên cũng biết cần phải tìm hiểu kẻ ấy theo tinh thần khoa học rồi phán đoán về họ. Thê mà sau khi nghe đồn xấu về họ nhiều quá cũng có cảm tưởng xấu về họ, yên trí xấu và sau cùng tàn nhẫn kết án họ, kết án không phải bằng những chứng cứ sưu tầm theo đường lối khoa học mà bằng dư luận, bằng ám thị, bằng sự quyết định hẹp hòi.

Một mặt, ý chí của chúng ta không được rèn đúc. Mặt khác, miếng đất tâm linh hoạt hạ đẳng của chúng ta bị gieo đủ thứ giống tật xấu. Sự cung dưỡng mù quáng của cha mẹ chúng ta cũng gây hại về sau cho chúng ta không ít. Nhiều lúc chúng ta nhỏng nhẻo, khóc la, đòi ăn uống, đòi đồ chơi cách phi lý, cách không cần mà cha mẹ vẫn chiều chuộng ta. Dần dần chúng ta lớn lên trong sự “muốn nào được nấy”. Chúng ta không biết tự chủ, vâng lời là gì. Khi ra đời chúng ta nhiều lúc làm đầy tớ cho tình dục để làm những tội lỗi tưởng không có gì là lạ. Ngoài cảnh gia đình chúng ta còn gặp nhiều nguyên nhân do làm cho ta liệt chí như những nhà nhảy, những phim tuồng ô uế, những quảng cáo, những tuyên truyền, những bạn xấu, những sách báo xấu. Nguyên do nữa là người ta quá lo chú trọng sự phát triển kinh tế. Nói chuyện với một ngàn người thì hết 990 người thích bàn luận đến làm ăn, kiếm tiền. Con người đang quay cuồng trong cơn lốc vật chất, khao khát vật chất và coi việc rèn luyện tâm hồn như công việc xa lạ. J. de Courberie nói: “Có một sự mất quân bình trong việc phát triển tinh thần kỹ thuật và phát triển tâm đức – tâm lý”. Một nguyên do đáng kể nữa là nhiều tà thuyết nổi lên như nấm mùa mưa. Nọc độc của chúng khiến con người khinh chê phong hóa tự nhiên và luân lý tôn giáo là hai “phanh” kiềm hãm tình dục. Kết quả là những ai tiêm nhiễm tà thuyết, coi thường tôn giáo, mất đi lòng đạo hạnh thì dù miệng nói ái quốc, ái nhân thế nào, tâm hồn vẫn là sào huyệt của dâm dục, tham lam, ích kỷ, kiêu căng… Và mấy thứ tội này dĩ nhiên một phần lớn là con đẻ của tâm linh họa hạ đẳng không được giáo dục.

Vậy sau khi biết qua cơ cấu của tâm linh hoạt hạ đẳng thì chúng ta thấy rằng trong một cái tôi nếu tâm linh hoạt hạ đẳng hoành hành thì cái tôi ấy là cái tôi không làm gì có giá trị được. Nó chứa đầy thú tính uy hiếp lề luật tự nhiên của con người là phải sống cho ra người. Đối với tâm linh hoạt siêu đẳng nó không cần phải bị tiểu trừ song cần phải được chế ngự. Trong hệ thống tâm linh, nó phải chịu tùng phục tâm linh hoạt thượng đẳng. Tình dục phải được khuất phục dưới tinh thần.

Địa vị của tinh thần
Có lẽ khỏi cần đọc mấy dòng dưới đây bạn cũng hiểu khá về địa vị tinh thần trong bản ngã con người. Bạn có nhớ định nghĩa về con người của Aristote chứ? “Con người là con vật có lý trí”. Con thú vật chỉ có sinh hồn giác hồn. Nó sống hoàn toàn theo thú tính, theo bản năng. Những tác động của nó phần lớn là kết quả của tự động tính. Không có vấn đề phản trắc của của ý chí, vấn đề sáng kiến của tinh thần với nó. Con người là con vật, bạn có thể gọi là phần hạ. Chúng ta cũng có sinh hồn, giác hồn để sống, để cảm xúc như thú vật. Chúng ta cũng hành động theo tự động tính cách vô ý thức như nó. Nhưng có điều chúng ta khác nó là chúng ta có linh hồn. Chúng ta có ý chí và trí tuệ. Chúng ta có thể biết chúng ta làm gì và có thể làm nghịch với thú tính của chúng ta. Pascal chẳng đã nói cách chí lý  rằng chúng ta tuy là những cây sậy, nhưng là những cây sậy biết tư tưởng và khi bị giết, biết kẻ giết mình là ai. Đứng về mặt giá trị không cần nói chi thiêng liêng tính của tinh thần, nội tác động của nó, nó cũng siêu vượt vật chất rồi. Người ta quả đã nói chí lý “ý tưởng điều khiển vũ trụ”. Tinh thần – mẹ đẻ của ý tưởng – tuy ta không thấy, tuy nó không ồ ạt, nhưng chính nó điều khiển vật chất, thú tính nếu người ta biết dùng nó. Biết bao kinh thành đồ sộ phải thành đống tro tàn, bao sinh mạng vai u thịt bắp phải ngã quỵ nơi lò thịt chiến trường chỉ vì những phát sung, con đẻ của kẻ cặm cụi nơi phòng thí nghiệm. Ngày nay thế giới đầy những đồ vật văn minh khiến cho kẻ có tầm mắt nông nổi tưởng là kết quả của năng lực vật chất mà thôi. Song, họ có biết đâu kỹ thuật bao giờ cũng bị điều khiển bởi văn hóa (văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp).

Cho nên đứng về mặt giá trị tinh thần tự nhiên siêu vượt vật chất. Song trong nhân loại có mấy kẻ biết đặt tinh thần cho đúng địa vị của nó.

Một phương diện của tinh thần là trí khôn, có mấy ai phát triển nó cho chu đáo. Chúng ta đừng quên rằng những nhà thông thái, những người có học trên mặt đất này là con số ít sánh với hạng người còn ngồi trong đêm mù tối của sự vô ngộ. Còn ý chí? Ý chí, phương diện kia của tinh thần, cũng rất ít được giáo luyện và sử dụng. Trong một xã hội bạn thử kiếm coi được bao nhiêu người có chí khí, hành động theo ý chí của mình, chế ngự được tình dục của mình? Bạn kiếm được mấy người rất thông thái rất bặt thiệp mà nói rất ít, nói rất trầm tĩnh, kỹ lưỡng để mỗi lời nói của họ thành một đống vàng? Hay bạn rất thường gặp những tay già hàm, nói sôi bọt cua, xấc láo? Họ hình như  không muốn cho ai nói, nên hễ nói hết câu này thì tiếp câu kia, hết chuyện này đến chuyện khác. Ai mới hở môi là họ cướp lời rồi. Họ bất cần suy nghĩ trước khi nói và cứ nói thao thao bất tuyệt mà không kể đúng hay sai, thiên hạ nghe hay không nghe. Đó là chúng tôi chỉ mới nói về sự thiếu tự chủ trong lời nói.

Vậy vấn đề phải đặt đầu tiên cho con người là phục hồi và củng cố địa vị cho tinh thần được đứng ưu tiên trong bản ngã con người. Không thể để thú tính ăn đứt, án bóng lý trí và ý chí của ta. Nếu thú tính bấy lâu có hoành hành trong ta, coi rẻ tinh thần, thì chính ta hãy giúp tính thần làm một cuộc cách mệnh chinh phục thú tính. Chúng tôi nói chinh phục chứ không phải là tiêu diệt. Điều cột trụ mà chúng tôi muốn nói là con người đừng làm thú vật mà cũng đừng làm thiên thần. Hãy sống đúng địa vị của mình. Khẩu hiệu là: “Làm Người cho ra Người”. Ta hãy giúp tinh thần đặt trên tự động tính của ta một sợi dây cương. Hãy lý trí hóa tất cả những tâm tưởng, tâm tình, cử chỉ, hành vi, lời nói của ta. Nhất định ta không nên làm nô lệ cho óc tưởng tượng, cho bản năng, cho tập quán, cho hủ tục. Lòng ham muốn của ta lúc nào cũng có chừng mực. Ta không tư tưởng trên bắp gân, phán đoán ngoài da, cẩu thả hẹp hòi. Tâm hồn chúng ta bao giờ cũng bình thản. Bên ngoài chúng ta không vụng chạc mà điềm tĩnh. Ta không bất định, hoài nghi mà cũng không vội quyết. Cõi lòng chúng ta nồng nhiệt mà không nóng cộc, hăng hái như lửa rơm. Việc ăn mặc của ta phải theo lẽ phải, theo tiết độ chứ không mù quáng phụng sự xa hoa, vật dục. Tinh thần ta luôn tập trung nên con người ta là một nguồn khí lực dồi dào. Nó tóm lại, tinh thần đặt bàn tay bá chủ của mình lên thú tính. Công việc này rất có ích, tuy khó làm vì “tinh thần thì nhanh lẹ, xác thì yếu đuối”, vì như thánh Phaolo nói “Tôi muốn điều lành mà tôi lại làm điều dữ”, song bên cạnh ân sủng, chúng ta có thể dùng phương thế nhân loại  để thành công. Phương thế ấy, chúng tôi muốn nói: Tâm linh dục.

Trích trong tập sách RÈN NHÂN CÁCH  của Hoàng Xuân Việt, xuất bản 1965, tr. 28 - 34.