HOA HỒNG MẠNH MẼ
- Thứ hai - 30/09/2019 09:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Có một bông hoa nhỏ được bứng trồng trên núi Cát Minh, phải tươi nở dưới bóng thập giá; nước mắt và máu của Giêsu trở thành sương sa cho nó và mặt trời của nó là Thánh Nhan đáng tôn thờ phủ nước mắt”[1].
Ngày 1 tháng 10 hằng năm là ngày lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Nhắc đến thánh Têrêxa, có lẽ chúng ta vẫn thường nghĩ đến vị thánh nữ nhỏ bé của Dòng Cát Minh. Quả thật, nơi ngài có rất nhiều điều nhỏ bé: Vào dòng khi tuổi còn nhỏ (15 tuổi), sống trên đời với một khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ với 24 năm, làm những công việc nhỏ bé tầm thường. Thế nhưng, nơi ngài lại ẩn chứa một tình yêu Giêsu mãnh liệt, một nguồn sức mạnh nội tâm mạnh mẽ. Chính nguồn sức mạnh nội tâm này mà ngài đã vượt lên những đau khổ của cuộc sống; kiên trì theo đuổi ước mơ thành một nữ tu Cát Minh; can đảm chiến đấu với bản tính tự nhiên và thực thi đức bác ái trổi vượt để đi trọn con đường thơ ấu thiêng liêng và trở nên một vị thánh lớn của Giáo Hội. Chính vì thế, tôi đã gọi ngài là “Bông hoa hồng mạnh mẽ”.
Cuộc sống là những chuỗi ngày được dệt nên bởi niềm vui và nỗi buồn, bởi hạnh phúc và đau khổ. Và đối với Têrêxa, đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Lên 4 tuổi, Têrêxa mất mẹ. Sự ra đi của người mẹ đã để lại trong lòng thánh nữ nhiều tổn thương khiến trái tim vốn mỏng manh của Têrêxa lại càng trở nên vô cùng nhạy cảm. Mẹ mất, gia đình chuyển về Buissonnets. Nơi đây, Têrêxa đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ của mình trong trường nội trú. Nhưng đó không phải là những tháng ngày vui tươi hồn nhiên bên bạn bè trên ghế nhà trường mà là những tháng ngày đầy tổn thương khi “bông hoa nhỏ phải sống giữa những bông hoa đủ loại mà các chùm rễ của nó thật thiếu tế nhị”. Têrêxa không thể hòa hợp được với các bạn. Ngài chỉ thường ở một mình. Thêm vào đó vì sự ganh tỵ mà một bạn cùng lớp đã gây ra cho Têrêxa nhiều đau khổ. Dẫu vậy, Têrêxa chỉ biết khóc thầm mà chẳng nói với ai [2].
Gia đình là nơi duy nhất Têrêxa tìm được sự an ủi nhưng Thiên Chúa lại muốn cho hiền thê của ngài không bám víu vào một mối tình trần gian nào. Nên lần lượt Người lấy đi những người mà Têrêxa yêu thương: chị Pauline và Maria vào dòng Cát Minh, chị Leonei vào dòng Clara. Chia ly làm Têrêxa đau khổ nhiều. “Ôi! Làm sao con có thể nói lên nỗi ưu phiền trong lòng. Trong chốc lát, con hiểu được cuộc đời là gì, cho tới bây giờ con chưa từng thấy nó buồn đến thế nhưng nó hiện lên trước mắt con với tất cả thực tế của nó. Con thấy rằng cuộc đời chỉ là đau khổ và chia ly liên tục. Con rơi những giọt nước mắt cay đắng và con chưa hiểu được niểm vui của hy sinh”[3]. Dẫu đau khổ nhưng Têrêxa âm thầm chịu đựng. Ngài chấp nhận tất cả những nỗi đau ấy và để cho tâm hồn mình lớn lên. Đau khổ giúp Têrêxa nhận ra rằng trần gian chỉ là bến đỗ để rồi bông hoa nhỏ chỉ hướng lòng lên Chúa và mong ước có một ngày được ở bên Chúa trên đỉnh núi Cát Minh.
Để vào được Cát Minh, Têrêxa phải trải qua rất nhiều thử thách. Ngài đã cảm thấy rất khó khăn để thổ lộ ơn gọi với cha của mình, bởi cha rất yêu ngài và việc rời xa người con yêu dấu sẽ làm người cha vô cùng đau khổ. Sau khi cầu nguyện và hy sinh thật nhiều, Têrêxa can đảm nói lên ước muốn cùng cha vào ngày lễ Hiện Xuống. Với một đức tin và trái tim tốt lành, người cha nhân hậu đã đồng ý cho thánh nữ vào dòng. Ngay sau đó, Têrêxa lại gặp sự ngăn cản của người cậu. Têrêxa đã đau khổ nhiều, ngài cảm thấy cô đơn như ở trong đêm tối của Vườn dầu[4]. Ngài tìm sự an ủi trong cầu nguyện và Chúa nhân lành đã mở lòng người cậu cho phép Têrêxa vào dòng. Nhưng đó mới chỉ là nơi thử thách bắt đầu. Vì chưa đủ tuổi vào dòng Cát Minh nên Têrêxa phải xin phép của giáo quyền. Ngài đến gặp Đức Giám Mục Bayuer. Trước mặt Đức Giám Mục đáng kính, Têrêxa đã búi tóc cao lên để trông có vẻ già hơn. Cô bé 15 tuổi đã can đảm trình bày trước Đức Giám Mục về ơn gọi của mình để thuyết phục ngài rằng ơn gọi ấy đến từ Thiên Chúa. Nhưng có lẽ là để thử thách tình yêu của hiền thê mình và Thiên Chúa còn muốn Têrêxa chứng tỏ lòng khao khát của mình nhiều hơn nữa nên dẫu đã vận dụng hết tài hùng biện, Têrêxa vẫn không thể nào thuyết phục được Đức Giám Mục Bayuer, ngài lặng lẽ ra về trong nước mắt[5]. Nhưng khó khăn không thể nào ngăn cản bước chân của tình yêu. Khi ước muốn đã quá mãnh liệt, ngài quyết tâm vượt qua tất cả. Têrêxa cùng với người cha yêu dấu theo đoàn hành hương đến yết kiến Đức Giáo Hoàng Lêô XIII để xin phép ngài. Được yết kiến Đức Giáo Hoàng là một hồng ân to lớn. Nhưng vì ngày hôm ấy có quá nhiều đoàn hành hương, và có lẽ vì sợ Đức Thánh Cha mệt nên cha Tổng đại diện đã đứng bên cạnh Đức Thánh Cha như để không cho phép ai nói gì với Đức Thánh Cha cả. Nhưng Têrêxa không sợ hãi và chùn bước. Ngài đã làm một chuyến hành trình dài như vậy đâu phải để bỏ cuộc vào phút chót. Têrêxa quyết nắm lấy cơ hội mà ngài biết chỉ có một lần trong đời. Sau khi quỳ trước mặt Đức Thánh Cha, Têrêxa chấp tay cầu khẩn điều mà con tim ngài muốn nói: “Tâu Đức Thánh Cha, con muốn xin ngài một ân huệ lớn, vì lễ kỷ niệm của ngài, xin cho con được vào dòng Cát Minh năm 15 tuổi”. Khi Đức Thánh Cha trả lời con nên vâng lời các bề trên, Têrêxa vẫn tha thiết xin thêm một lần nữa “Ôi, thưa Đức Thánh Cha, nếu ngài nói được thì mọi người sẽ vâng theo”. Vì lời van xin tha thiết đó, Đức Thánh Cha trả lời: “Được! Được! Con sẽ vào dòng nếu Chúa nhân lành muốn”[6]. Và cuối cùng Têrêxa đã có được điều mình muốn. Ba tháng sau, thư của Đức Thánh Cha đến dòng Cát Minh, cho phép Têrêxa vào dòng. Nhưng ngài lại phải đợi thêm 3 tháng nữa bởi nhà dòng đã quyết định chỉ cho phép Têrêxa vào dòng sau mùa chay. Dẫu có hơi buồn vì sự chậm trễ này, nhưng Têrêxa đã làm một việc có ý nghĩa hơn sự không bằng lòng bằng việc chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào hành trình ơn gọi bằng một nếp sống nghiêm túc và hãm mình hơn bao giờ hết[7].
Con đường vào Cát Minh của Têrêxa là như thế đó. Têrêxa thật là một cô bé can trường, mạnh mẽ. Dẫu ơn gọi tu trì là một con đường tốt lành thánh thiện nhưng Chúa nhân lành vẫn muốn thử thách tình yêu của con cái Người một chút. Đâu phải chỉ ước muốn là có được điều mình mong muốn mà phải chiến đấu nữa. Khó khăn là để xem có thật sự ước muốn và Têrêxa đã chứng tỏ được điều đó.
Cát Minh, khung trời tình yêu mà Têrêxa hằng mong ước. Cát Minh, nơi ngài đã cảm nhận được tất cả sự dịu ngọt của tình yêu Giêsu, nơi Thiên Chúa đã ban cho ngài được ơn thông hiểu các điều bí nhiệm khôn ngoan mà Người chỉ tỏ ra cho những người bé mọn. Cát Minh, nơi bông hoa nhỏ được lớn lên sau thử thách của những trận mưa bão. Ngay từ khi vào dòng Têrêxa đã viết: “Con đã gặp nhiều gai hơn là hoa hồng. Vâng, đau khổ đã giang cánh tay ra đón con và con âu yếm ngã vào vòng tay ấy”. Nhưng dẫu bị đối xử tệ, bị chống đối, bị trách mắng vô lý Têrêxa vẫn vui tươi vì được chịu khổ vì Chúa. Ngài đã từng bước chiến thắng con người tự nhiên của mình. Như, hồi còn thỉnh sinh, thỉnh thoảng Têrêxa bị cám dỗ đi vào phòng Mẹ bề trên để tìm sự thỏa mãn, tìm một vài giọt niềm vui. Têrêxa đã chiến đấu với cám dỗ ấy bằng cách đi nhanh qua phía trước phòng mẹ, nắm chặt tay vịn cầu thang[8]. Hay có lần sau giờ kinh tối, một chị đã lấy mất cái đèn của mình, thay vì bực bội, Têrêxa cảm thấy vui khi nghĩ rằng đức khó nghèo hệ tại việc thấy mình bị tước mất không chỉ các tạo vật mình ưa thích mà cả các vật thiết yếu với mình nữa. Rồi trong giờ kinh chiều, có một sơ già gây ra tiếng động làm Têrêxa rất khó chịu và chia trí. Theo tính tự nhiên Têrêxa muốn ngoái đầu lại và nhìn thẳng vào mặt Sơ ấy, nhưng Têrêxa đã không làm như thế. Ngài chịu đựng sự khó chịu mà người khác gây ra cho mình vì yêu mến Chúa và không muốn làm người khác buồn. Hay khi một chiếc bình nhỏ để sau cửa sổ bị gió đập vỡ mà chị giáo tập tưởng là Têrêxa làm rớt nên đã bảo ngài lần sau đừng vô ý nữa, Têrêxa không biện hộ mà chỉ lặng lẽ hôn đất và hứa lần sau sẽ cẩn thận hơn.
Bằng việc chiến thắng bản tính tự nhiên của mình, Têrêxa đã tiến tới trong việc thực hiện các nhân đức. Ngài làm những công việc mà không ai để ý đến như xếp lại các áo choàng mà các chị bỏ quên hay làm những công việc phục vụ nho nhỏ. Ngài tình nguyện dẫn một Sơ già rất khó tính đến nhà ăn với tất cả sự yêu thương, vui vẻ và tế nhị. Trong những giờ chơi hay lúc rãnh rỗi, Têrêxa thường tìm đến để trò chuyện với các sơ mà ngài không ưa mấy để làm công việc của người Samari nhân hậu cho các tâm hồn bị tổn thương này. Bởi ngài biết rằng một lời nói một nụ cười dễ thương cũng đủ để làm cho một tâm hồn đang buồn phiền trở nên thoải mái. Và Thiên Chúa đã cho ngài hiểu: “Một tu sĩ Cát Minh để làm vui lòng Giêsu có thể đãi tiệc gì cho chị em mình nếu không phải là yến tiệc thiêng liêng gồm có đức ái đáng yêu và vui tươi”[9] và ngài đã sống đức ái đáng yêu và vui tươi đến hết cuộc đời.
Vị thánh nữ của chúng ta đã trải qua một cuộc đời như thế đó. Một cuộc sống rất đời thường với những tình cảm con người. Ngài cũng có những quyến luyến, những yêu thương, cũng đau khổ bởi sự chia ly. Ngài cũng gặp những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Ngài cũng chịu nhiều đau khổ bởi sự ích kỷ và yếu đuối của con người, chịu hiểu lầm, thua thiệt. Ngài cũng chịu những va chạm của đời sống cộng đoàn, chịu đau đớn giày vò về bệnh tật, chịu thử thách về đức tin. Tất cả những điều đó có thể làm cho cuộc đời một con người trở nên đau khổ và cay đắng. Nhưng với Têrêxa đau khổ đã trở nên ngọt ngào bởi tình yêu và ước muốn cứu rỗi các linh hồn. Ngài đã viết: “Muốn đạt được mục đích thì phải sử dụng phương tiện, Giêsu cho con thấy rằng, chính nhờ thập giá mà Người muốn ban cho con các linh hồn và niềm say mê của con đối với các linh hồn càng lớn lên thì đau khổ càng gia tăng”[10]. Và ngài đã can đảm lựa chọn “Con không dại gì đánh đổi mười phút thực hiện nhiệm vụ bác ái hèn mọn của mình để vui hưởng một ngàn năm lễ hội phàm tục. Bởi nếu giữa cơn đau khổ, giữa cuộc phấn đấu chúng ta có thể hưởng được một giây lát hạnh phúc vượt xa mọi hạnh phúc trần gian này rồi thì khi Chúa đã kéo chúng ta ra khỏi trần gian, ở trên trời chúng ta sẽ còn hạnh phúc biết bao giữa niềm hân hoan và an nghỉ vĩnh cửu”[11]. Cuối cùng, Thiên Chúa đã chiến thắng, tình yêu đã chiến thắng vì Têrêxa không chiến đấu bằng sức của riêng mình nhưng là bằng sức mạnh của Chúa. “A! Chính kinh nguyện, chính sự hy sinh làm nên tất cả sức mạnh của con. Đó chính là vũ khí vô địch mà Giêsu ban cho con”[12], “Con biết rằng tự sức riêng con không làm được gì cả, nếu con dựa vào sức mình thì chỉ một chút thôi hẳn con đã phải chấp nhận thua trận”[13], và Têrêxa đã luôn nghe theo tiếng nói của con tim mình. Tình yêu đã cho tâm hồn ngài sức mạnh bởi để chọn điều Chúa muốn, chọn hy sinh để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp nhưng cuộc sống lại không hoàn hảo, đan xen giữa những thành công là thất bại, có lúc tràn đầy hy vọng nhưng rồi lại thất vọng thật nhiều, yêu thương xen lẫn thù hận, đau khổ và hạnh phúc...Có những nơi ta muốn đến mà chẳng bao giờ được đến, có những người không muốn lìa xa mà vẫn phải lìa xa, có những công việc không muốn làm nhưng lại phải dấn thân, có những khi cố gắng thật nhiều mà chẳng đạt được điều mình muốn, yêu thương thật nhiều mà không được đáp trả, muốn cải thiện bản thân thật tốt nhưng rồi lại thấy mình vẫn như xưa, có khi loay hoay giữa cuộc đời rồi chẳng biết mình đi về đâu, cố gắng vì cái gì nữa.
Vậy chúng ta phải làm gì đây? Chẳng lẽ oán trách cuộc đời sao quá nghiệt ngã? Chẳng lẽ để cuộc đời dạt trôi một cách vô định? Chẳng lẽ để cho nhân vị mà Chúa đã đặt nơi mỗi chúng ta bị tan biến mất? Chẳng lẽ để nguồn sức mạnh của Chúa trong chúng ta bị những khó khăn kia đánh bại?
Chúng ta hãy bắt chước Thánh Têrêxa, tìm đến Chúa để có nguồn sức mạnh nội tâm mạnh mẽ. Nội tâm mạnh mẽ để đón nhận những điều không hoàn hảo của cuộc sống. Nội tâm mạnh mẽ để dù cuộc đời có bất công ta vẫn tin yêu cuộc sống, để dù người đời có xấu xa ta vẫn theo đuổi những giá trị tốt đẹp. Nội tâm mạnh mẽ để dù có thất bại, chúng ta vẫn không ngừng cố gắng, dù gặp trở ngại vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ. Nội tâm mạnh mẽ để mỗi sáng thức dậy ta can đảm bước ra khỏi giường, giang tay đón chào cuộc sống, để ta trung thành chu toàn bổn phận mà không để cho cảm giác buồn chán đè nặng. Nội tâm mạnh mẽ để nở nụ cười với tất cả mọi người, để quyết tâm không nói những lời khó nghe, để hy sinh làm thêm một việc ngoài bổn phận...Nội tâm mạnh mẽ để tin và yêu Chúa suốt đời. Nội tâm mạnh mẽ không phải để làm những việc gì to lớn nhưng là để sống cuộc đời của mình cho xứng đáng và thể hiện giá trị của con người là một nhân vị giống Thiên Chúa.
[1] Hương Việt- Đỗ Đức Phổ (dịch), Truyện một tâm hồn, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008, tr. 295.
[2] Truyện một tâm hồn, tr. 114.
[3] Truyện một tâm hồn, tr. 122.
[4] Truyện một tâm hồn, tr. 221.
[5] Truyện một tâm hồn, tr. 235.
[6] Truyện một tâm hồn, tr. 264.
[7] Truyện một tâm hồn, tr. 283.
[8] Truyện một tâm hồn, tr. 469.
[9] Truyện một tâm hồn, tr. 490.
[10] Truyện một tâm hồn, tr. 289.
[11] Truyện một tâm hồn, tr. 491.
[12] Truyện một tâm hồn, tr. 476.
[13] Truyện một tâm hồn, tr. 471.