SỰ THINH LẶNG BIẾT LẮNG NGHE

SỰ THINH LẶNG BIẾT LẮNG NGHE
Những nẻo đường thinh lặng kỳ 20

Nếu Thiên Chúa trong Kinh Thánh “nói” với dân Người, thì ta hiểu rằng “lắng nghe” là đặc điểm của truyền thống Kitô Do Thái giáo.

“Hỡi Israel, hãy im lặng mà nghe! Hôm nay ngươi đã trở thành dân của Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngươi hãy nghe tiếng Đức Chúa. Thiên Chúa ngươi, và đem ra thực hành những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người” (Đnl 27, 9).

Nhưng đối với con người trong Kinh Thánh “Lời Thiên Chúa” không rơi từ trời xuống như một thiên thạch, hay một tiếng nói vọng trong kịch nghệ. Nó “sinh ra” khi biến cố gặp gỡ con người sống biến cố đó. Khi biến cố mà dân Chúa đã kinh qua (Ra khỏi Aicập lưu đày ở Babylon), gặp gỡ “lòng” của một con người được Thần Khí linh hứng và giải thích biến cố đó.

Lịch sử một dân tộc và sứ điệp được loan báo bởi những con người từng có kinh nghiệm thiêng liêng (được linh hứng) thì không thể tách rời nhau. Khi nói đến khái niệm “Lời Chúa” trong Kinh Thánh.

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã làm trỗi dậy những “người trung gian”, Abraham, Môsê, các ngôn sứ, các hiền nhân. Những người này, trong sự thinh lặng của sa mạc hay của lòng mình, đều lắng nghe Thần Khí, suy nghĩ và giải thích ý nghĩa sâu xa của lịch sử dân tộc mình, và nhận ra một sự hiện diện luôn hành động; sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế các biến cố ấy trở thành “Lời Chúa”, trở thành những sứ điệp có thể hiểu được, và cần được truyền lại cho toàn dân.

Trong chiều hướng đó, trong các tác phẩm của thánh Gioan chẳng hạn, động từ “lắng nghe, nghe” có một tầm quan trọng rất lớn. Chữ ấy trở đi trở lại 58 lần trong Phúc Âm thánh Gioan, 16 lần trong các thư tín của ngài, và 46 lần trong sách khải huyền. Nó là một thành phần của từ vựng mặc khải, 22 lần là “nghe” Chúa Giêsu; con người Ngài, “nghe” lời nói và tiếng nói của Ngài, và 4 lần là “nghe” Chúa Cha hay tiếng của Cha.

Chúa Giêsu ta đã nói rằng Ngài rất quen thuộc với thinh lặng - tự giới thiệu mình là người nói mặc khải, làm chứng về điều mình đã nghe, Ngài thường sống trong thái độ lắng nghe Cha Ngài. Ngài là “Đấng đến từ trên cao… để làm chứng về điều chân thật và điều tôi nghe nơi người cũng chân thật, đấy là điều mà tôi công bố cho thế gian” (Ga 8, 26).

Và người Do Thái muốn giết Ngài vì Ngài nói, Ngài mặc khải sự thật. “Bây giờ các ông muốn giết tôi, tôi là người đã nói sự thật mà tôi đã nghe nơi Thiên Chúa” (Ga 8,40). Ngài là Ngôi Con, Đấng đã tỏ cho môn đệ mà Ngài xem là bạn hữu – biết mọi điều Ngài đã nghe nơi Cha Ngài. “Mọi điều Thầy nghe được nơi Cha , Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Người môn đệ theo gương Ngài, là người biết lắng nghe. Hành trình đức tin, hành trình theo Chúa Kitô luôn khởi đầu bằng một Lời mà ta nghe được. Do đó chính vì “nghe lời” của Thầy mình; mà hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã “theo Đức Giêsu”. Nhưng, Lời của Chúa Giêsu thì lại càng sâu sắc hơn nữa.

Đấy là điều mà những người Samari tuyên bố khi họ nghe được lời chứng của người phụ nữ từ giếng Giacóp quay về. “Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 41- 42).

Nếu lời của người phụ nữ đã đánh thức đức tin của họ, thì Lời Đức Giêsu sau khi được “lắng nghe” và “nghe ra”, đã thay đổi đức tin non trẻ ấy thành một xác tín cá nhân: “Người này là Đấng cứu độ”. Nghe là một yếu tố căn bản cho đức tin.

Trong tác phẩm thánh Gioan, có một tương quan mật thiết giữa “nghe Lời Chúa” và “tin”. “Ai nghe lời tôi và tin Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24).

Lắng nghe lời Đức Giêsu, nhận ra đấy là Lời của Đấng Thiên Sai và tin vào Lời ấy, gắn bó với Lời ấy như gắn bó với Lời của chính Chúa Cha, tất cả những hành động ấy đều là một. Thế nhưng hành động “Lắng nghe và nghe” ấy đòi hỏi một số tư thế nội tâm mà tư thế căn bản là đón nhận và suy tư trong thinh lặng của lòng mình.

Việc lắng nghe ấy không phải là hệ quả của những cuộc thảo luận vô bổ, mà là kết quả của “sự thinh lặng biết lắng nghe”, và đó đã là một tác động của Thiên Chúa để thôi thúc lòng con người mở ra hầu đón nhận mặc khải của Người.

“Không ai đến được với tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy…” Trong sách ngôn sứ, có lời chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai đã nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi” (Ga 6, 44-45).

Một chủ đề khác cũng gần với chủ đề ấy, trong Tin Mừng thánh Gioan; ấy là chủ đề “nghe tiếng” bao hàm một tương quan trực tiếp hơn với chính con người Giêsu: Tiếng ấy là “tiếng” của Con Thiên Chúa (Ga 5, 25) của “Con loài người”, của Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết (Ga 5, 27 - 29) của Người Chăn Chiên Lành (Ga 10, 3-5: 16-17), của vị vua và chứng nhân cho chân lý (Ga 18, 37).

So sánh với lời nói, thì tiếng nói làm ta liên tưởng rõ ràng hơn đến một lời gọi, một lời mời khẩn thiết. Khi nghe tiếng Thầy gọi, chị Maria (em Matta) vội vã đứng lên và đến với Chúa Giêsu (Ga 11, 28-29). Nghe và nhất là lắng nghe tiếng thì đòi hỏi phải có mối liên hệ thuộc về nhau giữa người gọi và người được gọi.

Về phương diện này, bài giảng về Đấng Chăn Chiên Lành soi sáng cho chúng ta nhiều, và cho chúng ta thấy tương quan thân mật khi nói đến việc lắng nghe tiếng Chúa. Chiên của Ngài “lắng nghe tiếng Ngài”, vì mỗi con được gọi đúng tên mình và chúng nhận ra tiếng của Chủ Chăn. Như Maria Mácdala sẽ “nhận ra” tiếng của Thầy mình chỉ khi nghe một người gọi tên mình: “Maria!”. Maria nhận ra Ngài không phải vì nhìn thấy Ngài (bởi lẽ chị ngỡ là người làm vườn) nhưng vì giọng nói của Ngài, vì nghe “tiếng” Ngài (Ga 20,16). Như hôn thê trong Diễm Ca “nhận ra” tiếng của Người Yêu (Dc 2,8; 5,2; 8,13). Cũng thế, Gioan Tẩy Giả so sánh mình với bạn của Tân Lang, và ông “đứng đó lắng nghe, hớn hở vui mừng vì nghe tiếng Tân Lang” (Ga 3, 29).

Lời Chúa chỉ có thể chạm đến lòng của người nào sẵn sàng, một người ở trong tư thế lắng nghe. Chỉ người nào tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến thinh lặng “lắng nghe Thiên Chúa”, thì mới nghe được mà thôi.

Trích trong tập sách NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG của Michel Hubaut