CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
Lời Chúa: Rm 6: 3-9; Ga 6: 5: 51-59

Kể từ thế kỷ thứ năm, các thánh lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” đã được chứng thực rồi. Vào cuối thế kỷ thứ mười, năm 998, Đan Viện Phụ tu viện Cluny, thánh Ô-đi-lô, thiết lập lễ đặc biệt để tưởng nhớ những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời và thánh nhân ấn định vào ngày mồng hai tháng Mười Một, ngay sau lễ Các thánh nam nữ. Lễ này được phổ biến nhanh chóng khắp toàn thể Giáo Hội. Người tín hữu cử hành hai ngày lễ: “Các Thánh Nam Nữ” và “Cầu cho các tín hữu qua đời” liên tiếp cùng nhau (ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 11) để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những thân nhân đã qua đời và viếng thăm các nghĩa địa.

Trong ngày lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời”, Giáo Hội mời gọi mỗi người tín hữu suy gẫm về hai thiên ân lớn lao mà họ được diễm phúc lãnh nhận: bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể. Đây không chỉ khích lệ chúng ta đang sống trong trần thế này, nhưng cũng là niềm hy vọng của chúng ta khi tưởng nhớ những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Khi đang sống trong trần thế này, họ cũng đã trở thành con cái của Thiên Chúa nhờ bí tích Rửa Tội và đã được nuôi dưỡng đời sống làm con cái Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Thể. Vì thế, chúng ta tin chắc rằng họ đã cùng chết trong Đức Ki-tô và cũng đã được sống lại với Ngài.

Rm 6: 3-9
Người Ki-tô hữu trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, khởi đi từ bí tích Rửa Tội.

Ga 6: 5: 51-59
Người Ki-tô hữu được nuôi dưỡng đời sống làm con cái Thiên Chúa hằng ngày bằng bí tích Thánh Thể.

BÀI ĐỌC I (Rm 6: 3-9)
Trong đoạn trích thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng một người, khi chịu phép rửa để gia nhập cộng đoàn Ki-tô hữu, đã đón nhận đời sống mới, đời sống làm con Chúa, mà Thiên Chúa đã ban tặng như một thiên ân.

Người Ki-tô hữu hiệp nhất mật thiết với Đức Ki-tô để cùng chết với Ngài và cùng sống lại với Ngài. Hiệp nhất với Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dâng hiến bản thân mình (chết với tội lỗi). Hiệp nhất với Đức Ki-tô sống lại nghĩa là hiệp nhất với thân thể Đức Ki-tô, Đấng đã hiến mạng mình và đã nhận lại trong niềm tin: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2: 20). Trong tương lai, người Ki-tô hữu cũng sẽ được sống với Ngài sau khi chết: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (6: 8). Tuy nhiên, trong đoạn trích này, thánh Phao-lô tập trung vào cái khả thể “hiện nay”, vì thế “hiện nay” người Ki-tô hữu, đã là con cái Thiên Chúa, có bổn phận sống đời sống mới, “không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (6: 6).

TIN MỪNG (Ga 6: 51-59)
Trong bài diễn từ dài về “Bánh Trường Sinh” theo Tin Mừng Gioan, chúng ta lưu ý rằng Chúa Giê-su mặc khải Ngài chính là bánh từ trời xuống qua hai giai đoạn:

Trong giai đoạn thứ nhất (6: 35-48), bánh Chúa Giê-su ban tặng cho nhân loại là “Lời của Ngài”, được ban ngay lúc này, nếu người nghe tin Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Trong giai đoạn thứ hai (6: 49-58), bánh Chúa Giê-su ban tặng cho nhân loại là “Thánh Thể của Ngài” sẽ được ban trong tương lai. Chúng ta gặp thấy cũng một tiến trình như vậy trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri: Nước Hằng Sống biểu tượng ân ban Lời Ngài được ban cho chị ngay lúc này, nếu chị tin nhận Ngài chính là ân huệ Thiên Chúa ban (4: 10) và Nước Hằng Sống biểu tượng ân ban Thánh Thần (4: 14) sẽ được ban sau này trên thập giá khi Ngài tuyên bố: “Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19: 30).

Trong  giai đoạn thứ hai về “bánh Chúa Giê-su ban tặng là Thánh Thể” (6: 49-58) được khai triển thành hai đợt (6: 49-51 và 6: 52-58) phân định rõ ràng do phản ứng từ phía người Do thái (6: 52).

1. Bánh Chúa Giê-su ban tặng chính là “thịt của Ngài” (6: 49-51):
 Trong đợt thứ nhất (6: 49-51), Chúa Giê-su nhắc lại chủ đề trước đó, bằng cách đối chiếu bánh man-na với bánh từ trời xuống. Tổ tiên của người Do thái đã ăn bánh man-na trong sa mạc nhưng đều đã chết; còn ai ăn bánh từ trời xuống thì khỏi phải chết (6: 49-50). Cuối cùng, lời khẳng định của Chúa Giê-su còn khai triển xa hơn nữa, chẳng những giới thiệu Ngài là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời, mà còn cụ thể hóa lời khẳng định này khi tuyên bố: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (6: 51).

2. Phản ứng từ phía người Do thái (6: 52):
Lời tuyên bố của Chúa Giê-su đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía người Do thái, không còn những tiếng xầm xì như trước đó (6: 41), nhưng nay đã trở thành cuộc tranh luận sôi nổi. Trước đây khi Chúa Giê-su tuyên bố: “Tôi là bánh từ trời xuống”, họ đã xầm xì biện luận: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sau? Cha mẹ ông ta, chúng ta biết cả sau, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống’” (6: 42), nay khi Chúa Giê-su tuyên bố: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (6: 51), họ tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (6: 52).

3. Bánh Chúa Giê-su ban tặng chính là “thịt và máu của Ngài” (6: 53-58):
Với phản ứng dữ dội từ phía người Do thái, Chúa Giê-su chẳng những không rút lại hay đính chính lời khẳng định của Ngài, nếu như lời khẳng định ở trên: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (6: 51) chỉ mang tính biểu tượng; trái lại, Ngài lại còn quyết quyết cách mãnh liệt hơn nữa khi nói với họ biết rằng muốn được sống đời, không chỉ ăn thịt của Ngài nhưng còn phải uống máu của Ngài nữa (6: 53-54). Đối với người Do thái, uống máu là điều cấm kỵ: “Các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu” (St 9: 4). Khi muốn giết một con vật để ăn thịt, phải cho máu ra hết (Đnl 12: 15-16; 13: 20-24)). Để thấy rõ lời quả quyết chắc chắn như đinh đóng cột này, chúng ta tìm hiểu lập luận của Ngài qua cấu trúc của các câu 53-55.

Lời quả quyết này bắt đầu với biểu thức đặc biệt của Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông”. Trong Tin Mừng Gioan, qua biểu thức này, Đức Giê-su bảo đảm tính xác thực của những lời Ngài nói. Tiếp đó, lời phát biểu diễn tả cùng một ý tưởng vừa theo hình thức phủ định: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (6: 53), vừa theo hình thức khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6: 54), để làm tăng thêm tính xác thực của lời nói. Như vậy, không có lời quả quyết nào mạnh mẽ hơn nữa, những ai ăn thịt và uống máu Ngài, ngay khi còn ở đời này đã có ở nơi người ấy sự sống đời đời rồi, và sẽ được sống lại vào ngày chung cuộc. Từ lời quả quyết trên, Ngài kết luận rằng “Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (6: 55).

Theo văn hóa Do thái, “Thịt và máu” nói lên toàn thể con người. Trong hình bánh là thịt Ngài, và trong hình rượu là máu Ngài, Ngài sẽ ban tặng chính bản thân Ngài như Đấng sẽ trao ban mạng sống mình trên thập giá. Các tặng phẩm Thánh Thể có nền tảng là chính cái chết của Đức Giê-su trên thập giá, trong hành vi tận hiến để thế gian được sống, như bằng chứng tình yêu tận mức của Thiên Chúa đối với loài người. Đức Giê-su hiến mạng sống mình trên thập giá, cũng là Đấng ban thịt của Ngài như là của ăn và máu của Ngài như là thức uống. Thịt và máu này là bảo chứng về tình yêu tối hậu của Ngài khi hiến dâng mạng sống mình trên thập giá.

 Rõ ràng, Chúa Giê-su đang nói về của ăn thức uống đích thực, đó là thịt và máu của Ngài, mà chúng ta phải ăn và uống để có sự sống đời đời. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, tước hiệu “Con Người” được dùng một cách tinh tế ở đây: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống đời đời” (6: 53) để nói với chúng ta rằng đây không là thịt và máu thể lý của “Đức Giê-su tại thế” mà Ngài đòi hỏi chúng ta ăn và uống, nhưng là “thịt và máu đầy tràn Thần Khí” của Con Người thiên giới. Như vậy, thịt và máu mà Ngài ban tặng cho chúng ta và mời gọi chúng ta ăn và uống để có sự sống đời đời, chính là thịt và máu của Đấng đã chịu sát tế để đem lại ơn cứu độ cho muôn người và nay đang sống để không ngừng ban sự sống thần linh của mình cho con người để con người được sống đời đời.

Tại sao phải ăn thịt và uống máu của Ngài để có sự sống đời đời? Bởi vì “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (6: 56). Động từ “ở lại” là một trong những động từ chủ chốt của Tin Mừng Gioan, như cành nho ở lại trong thân nho để tiếp nhận nhựa sống và sinh nhiều hoa trái. Động từ này được dùng để diễn tả mối quan hệ trường tồn của Chúa Cha với Chúa Con, và của Chúa Con với các Ki-tô hữu: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (14: 20).

Trong Cựu Ước, “sự sống đời đời” là một nét đặc trưng của Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa (x. Đnl 6: 24; Kn 7: 27), đối lại với sự sống tạm bợ, chóng qua của con người. Tin Mừng Thứ Tư dùng biểu thức “ở lại trong” để nói về tính nội tại liên kết Chúa Cha, Chúa Con và các Ki-tô hữu lại với nhau trong một hiệp thông tròn đầy: Chúa Cha là nguồn sống đời đời của Chúa Con như thế nào, thì Chúa Con là nguồn sống đời đời của các môn đệ Ngài cũng như vậy: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (6: 57).

Tin Mừng Thứ Tư sử dụng chất liệu Thánh Thể ở nơi diễn từ về Bánh Trường Sinh, vì thế chẳng có gì phải ngạc nhiên khi tác giả không kể ra việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Chất liệu của Thánh Thể đã được chuyển đến sự cố nầy. Bằng cách nầy, Tin Mừng Thứ Tư đã thành công hiệp nhất ở nơi chương 6 nầy những điều cốt yếu của bàn tiệc Ki-tô giáo: Bánh từ trời chính là Lời Mặc Khải của Chúa Giê-su trong phần thứ nhất (6: 35-48) và là Thánh Thể của Ngài trong phần thứ hai (6: 49-58).

Ngoài ra, theo thánh Phao-lô, “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1Cr 11: 26), còn theo thánh Gioan thì điểm nhấn được đặt trên mầu nhiệm Nhập Thể: “Ngôi Lời đã trở nên phàm nhân (sarx)” (1: 14), nhờ đó mới có thể hiến dâng thịt và máu của Ngài làm lương thực nuôi sống chúng ta. Thần học bí tích ở đây thật sự là sâu xa: thứ nhất, bí tích Thánh Tẩy cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Giê-su trong cùng một cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa, trong khi bí tích Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông