CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Lời Chúa: Br 5: 1-9; Pl 1: 4-11; Lc 3: 1-6

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng chuẩn bị cho người tín hữu tâm tình chờ đón Chúa đến. Giáo Hội mời gọi người Ki-tô hữu tìm lại ý nghĩa của việc Chúa đến qua những bản văn Kinh Thánh.

Br 5: 1-9
Bài Đọc I, trích từ một bản văn rất muộn thời, mô phỏng lại những đề tài về cảnh giam cầm tại Ba-by-lon và cuộc hồi hương trở về. Thiên Chúa sẽ đích thân đến cứu dân Người và dọn sẵn một con đường để dẫn họ trở về thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Pl 1: 4-11
Bài Đọc II được trích từ thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, trong đó thánh Phao-lô kêu mời người Ki-tô hữu hãy thăng tiến trên con đường thánh thiện và mở rộng lòng mình trước ân sủng để sống trong tâm thế sẵn sàng chờ đón ngày Đức Ki-tô trở lại.

Lc 3: 1-6
Tin Mừng tường thuật bước khởi đầu sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả. Vị Tiền Hô khuyên bảo mọi người hãy sống trong tâm thế sẵn sàng đón chào Đức Ki-tô sắp ngự đến.

BÀI ĐỌC I (Br 5: 1-9)
Ông Ba-rúc là “bạn tâm giao” và là “thư ký” của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, nhưng không là tác giả của sách mang tên ông. Sách Ba-rúc này được viết rất muộn thời, chắc chắn từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Sách này thật sự là một tuyển tập: những phần khác nhau của sách không do cùng một tác giả và cũng không thuộc cùng niên biểu.

1. Bối cảnh:
Dù thế nào, sách Ba-rúc đưa chúng ta trở về thời kỳ trào lưu ngôn sứ vắng bóng từ lâu, người ta lấy lại những bản văn cũ, suy niệm chúng và thích ứng chúng (như chúng ta đã đọc bản văn của Giê-rê-mi-a được sửa đổi ở Chúa Nhật I Mùa Vọng). Người ta cố gắng hiện tại hóa sứ điệp khi đặt nó dưới sự bảo trợ của một nhân vật quá khứ nổi tiếng. Tác giả của sách Ba-rúc cũng theo một cách thức như vậy (thể loại văn chương này được gọi là “trào lưu ngôn sứ ẩn danh”).

Tác giả chọn cảnh giam cầm tại Ba-by-lon làm khung cảnh lịch sử, bằng cách tưởng tượng ông Ba-rúc ở giữa những người lưu đày, để báo trước cho họ biết họ sắp được trở về quê cha đất tổ và kêu mời Giê-ru-sa-lem hân hoan vui mừng. Thật ra, ông Ba-rúc cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không bị phát lưu sang Ba-by-lon. Những đề tài, hình ảnh, ngôn từ được mượn ở I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vị ngôn sứ an ủi những người lưu đày, cũng như ở I-sai-a đệ tam (Is 56-66), vị ngôn sứ của thời kỳ những người lưu đày được hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem.

2. Sấm ngôn:
Rất dễ nhận ra đoạn văn Ba-rúc này mô phỏng vài bản văn của I-sai-a đệ nhị (Is 40-55) và I-sai-a đệ tam (Is 56-66), ở đó chúng ta gặp thấy cũng một lời mời gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem hãy vui lên như thế: “Hỡi Xi-on, thức dậy, thức dậy đi, hãy biểu dương sức mạnh! Hỡi thành thansah Giê-ru-sa-lem, hãy mặc lễ phục huy hoàng! Vì từ nay kể không cắt bì cũng như người ô uế sẽ không còn bước vào thánh điện nữa. Hỡi Giê-ru-sa-lem bị tù đày, hãy giũ bụi, đứng lên! Nào thiếu nữ Xi-on bị tù đày, hãy mở tung xích xiềng buộc cổ!” (Is 52: 1-2).“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông” (Is 60: 1-4).

Và cũng ở đó chúng ta cũng gặp thấy chính thành thánh Giê-ru-sa-lem hân hoan vui mừng như vậy: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi đức chính trực công minh, như chú rễ chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61: 10).

Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã sánh ví rồi cuộc hồi hương của những người lưu đày với cuộc Xuất Hành mới ở đó Thiên Chúa còn thực hiện những điều kỳ diệu cho dân Ngài: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40: 4), “trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương” (Is 41: 19).

3. Những danh hiệu biểu tượng:
Những danh hiệu mà tác giả sách Ba-rúc gán cho Giê-ru-sa-lem như “Bình-an-xây-dựng-trên-công-chính” hay “Vinh-quang-phát-xuất-từ-lòng-kính-sợ-Thiên-Chúa”, được định vị vào hàng những danh hiệu thuộc trào lưu ngôn sứ: ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã trao cho Giê-ru-sa-lem danh hiệu “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta” (Gr 33: 16); ngôn sứ I-sai-a đệ tam gọi thành thánh là “Xi-on-của-Đức-Thánh-Ít-ra-en” (Is 60: 14) hay “Thành-không-bị-bỏ-rơi” (Is 62: 12), vân vân.
Bù lại, việc Thiên Chúa được gọi là “Đấng Vĩnh Hằng” là một nét mới và đặc thù của sách Ba-rúc. Danh hiệu này được lập đi lập lại đến bảy lần trong toàn bộ bài thơ; đây là một ví dụ độc nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Qua đó tác giả nhấn mạnh: tất cả những gì Thiên Chúa làm đều “vĩnh hằng”: “mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi”, Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi…”.

4. Hiện tại hóa sứ điệp:
Vấn đề tất yếu được nêu lên: tại sao có sự mô phỏng này? Tại sao mô phỏng theo cách thức này? Tại sao “loan báo” cuộc hồi hương vốn đã xảy ra bốn trăm năm trước đó? Tại sao thánh thánh Giê-ru-sa-lem lại được tán dương nhiều thế kỷ sau này? Phải đọc ẩn dụ này như thế nào để gặp lại độ nhạy bén của những người đương thời mà tác phẩm được gởi đến?

Thay vì đọc và nghĩ đến “những người Do thái lưu đày”, chúng ta nên đọc và nghĩ đến “những người Do thái tha hương”, điều này giúp chúng ta giải đáp được một phần điều bí ẩn này. Đây là những cộng đoàn Do thái Hải Ngoại gởi gắm những tâm tư nguyện vọng của mình vào nơi sách Ba-rúc. Bị phân tán trong thế giới Hy-La và trong miền Trung Đông, sống xa thành thánh Giê-ru-sa-lem, các cộng đồng này cảm thấy mình như “những kẻ lưu đày”; tuy xa mặt nhưng không cách lòng: mọi tâm tư tình cảm của họ đều hướng về Thành Thánh; họ hiệp nhất với Thành Thánh qua lời cầu nguyện (phần thứ nhất của sách Ba-rúc), qua việc thực hành Lề Luật, tức sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (phần thứ hai của sách) và qua niềm hy vọng (phần thứ ba, từ đó đoạn trích dẫn của chúng ta).

5. Giê-ru-sa-lem thời Mê-si-a:
Bản văn được đọc lại trong viễn cảnh này: bài thơ ngợi tán dương thánh thánh Giê-ru-sa-lem thời Mê-si-a. “Ánh vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa” sẽ được biểu lộ trong Thành Thánh. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ là Thành Đô Bình An vì được xây dựng trên sự công chính, tức là sự thánh thiện của Thiên Chúa; Thành Thánh sẽ rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa, do “lòng kính sợ Thiên Chúa”. Chính “Lời Đấng Thánh” sẽ quy tụ mọi con cái Thiên Chúa. Kỷ nguyên Mê-si-a này sẽ là Triều Đại chứa chan niềm vui, tràn ngập ánh sáng “của lòng từ bi và sự công chính của Người”.

Người Do thái đã đọc lại bài thánh thi này vào năm 63 trước Công Nguyên, để lấy lại can đảm sau khi tướng Rô-ma là Pom-pê đánh chiếm Giê-ru-sa-lem; họ cũng đã đọc lại bài thánh thi trong nước mắt vào ngày kỷ niệm các đạo binh của tướng Ti-tô phá hủy Đền Thờ thành bình địa vào năm 70; như vậy họ khẳng định niềm hy vọng muôn đời bất biến của họ.

Người Ki-tô hữu đọc bản văn này bởi vì họ hiểu được tầm quan trọng mang tính ngôn sứ của bài thơ này: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Ngài “để dân Ngài tiến bước bình an dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người”.

BÀI ĐỌC II (Ph 1: 4-6, 8-11)
Thánh Phao-lô sáng lập cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên ở thành Phi-líp-phê thuộc miền Ma-kê-đô-ni-a, trên vùng đất Châu Âu vào năm 49-50, khi thánh nhân dự tính thực hiện một cuộc mạo hiểm lớn: vượt qua biển Ê-gi-ê để loan báo Tin Mừng cho một lục địa khác.

1. Bối cảnh:
Thành Phi-líp-phê được đặt tên theo vua Phi-líp-phê II, thân phụ của A-lê-xan-đê đại đế. Sau khi đã sáp nhập miền này vào năm 360 trước Công Nguyên, vị đại đế Hy lạp này đã tái thiết và phát triển thành phố. Vào năm 42 trước Công Nguyên, hai tướng Rô-ma, Mác-cô An-tô-ni-ô và Ốt-ta-vi-a-nô (Âu-gút-tô), đã đánh bại Bru-tô và Ca-xi-ô, và đã thiết lập một khu cho các cựu chiến binh thuộc các binh đoàn chiến thắng. Vào thời thánh Phao-lô, thành phố đã trở thành một đô thị Rô-ma, có những quan tổng trấn Rô-ma cai trị và được cấu trúc theo kiểu thành thị Rô-ma.

Vào năm 56 hay 57, thánh Phao-lô có dịp gởi một bức thư cho các Ki-tô hữu Phi-líp-phê. Đối với thánh nhân đó là một niềm vui, vì ngài rất quý mến giáo đoàn này, vả lại họ đã chứng tỏ tấm lòng trung thành đến cảm động. Thánh nhân đã hai lần chấp nhận sự hỗ trợ vật chất của các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu này, trong khi ngài từ chối bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía các cộng đoàn Ki-tô hữu khác. Thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê bộc lộ lòng quý mến của thánh nhân đối với giáo đoàn này mà không có bất kỳ hậu ý trách cứ cũng như vấn đề đạo lý; bức thư này cũng là bức thư hấp dẫn nhất.

Phụng Vụ chọn đoạn văn hôm nay vì nó gợi lên ngày Đức Giê-su trở lại và cách thức người Ki-tô hữu chuẩn bị chờ đón. Đoạn văn này gồm có hai phần, chứa đựng một suy tư thần học có tầm mức lớn lao theo hình thức tạ ơn và khuyến dụ.

2. Công trình của Đức Giê-su:
Trước hết, thánh Phao-lô nói lên niềm vui và lòng biết ơn của mình đối với các tín hữu Phi-líp-phê vì họ nhiệt tâm đối với Tin Mừng và góp phần vào sứ mạng tông đồ của ngài; thánh nhân nhận ra đó là công việc tốt lành của Thiên Chúa ở nơi họ. Viễn cảnh này vẫn là một quan điểm thường hằng của thánh nhân: chúng ta không thể tự mình thánh hóa chính mình bằng sức riêng của mình, như vậy thánh Phao-lô khẳng định “quyền ưu tiên của ân sủng”.

Tuy thế, người Ki-tô hữu phải luôn luôn sống trong tâm thế sẵn sàng, đó là điều tất yếu. Thánh nhân cũng gởi đến các tín hữu Phi-líp-phê những khuyên nhũ khẩn thiết bằng những lời lẽ trìu mến.

2. Sự cộng tác của con người:
Sau khi bày tỏ niềm vui, thánh Phao-lô nói lên tâm tình của mình: thánh nhân nhắc các tín hữu Phi-líp-phê nhớ đến tấm lòng của ngài đối với họ: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi, là tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giê-su Ki tô”. Từ ngữ Hy lạp diễn tả “tình thương của Đức Ki-tô” theo nghĩa rất mạnh; nó gợi lên “tình phụ tử”; Đức Ki-tô đã sinh ra họ trong đức tin qua sứ vụ của vị tông đồ của Ngài; vị tông đồ yêu thương họ bằng tình yêu có nguồn gốc ở nơi tình yêu của Đức Kitô.

Qua lời khẩn nguyện dâng lên Thiên Chúa, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê hãy kiên tâm bền chí: động lực thăng tiến tinh thần của họ cốt ở nơi tình yêu, vừa lòng mến đối với Thiên Chúa vừa đức ái đối với nhau. Chính nhờ tình yêu này mà họ đạt được “ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên”. Thánh Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phân định: “nhận ra cái gì là tốt hơn” mà thánh nhân thường lập lại ở đây. Sự phân định này là một khía cạnh của đức khôn ngoan Ki-tô giáo, đổi mới thật sự lòng trí con người.

3. Ngày của Đức Ki-tô:
Trong đoạn văn này, thánh Phao-lô hai lần nhắc đến “ngày của Đức Ki-tô”. Như hai thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thư gởi tín hữu Phi-líp-phê làm chứng rằng các thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên nao nức mong chờ ngày Quang Lâm của Đức Giê-su Ki-tô sắp đến gần. Vào ngày đó, những người Ki-tô hữu phải được tinh tuyền và không làm gì đáng trách, sinh nhiều hoa trái dồi dào từ đời sống công chính nhờ Đức Ki-tô (từ ngữ công chính theo nghĩa Kinh Thánh là sống cuộc sống đạo hạnh phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa). Chúng ta gặp lại ở đây Thần Học về ân sủng. Đây là phương thức quen thuộc của thánh Phao-lô, thánh nhân thích lập lại ở phần cuối lời khẳng định ban đầu.

Tất cả cuộc sống Ki-tô hữu này, được định vị trong Đức Ki-tô, nhằm một mục đích tối hậu là “tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa”. Đây là cứu cánh của con người.

TIN MỪNG (Lc 3: 1-6)
Thánh Lu-ca giới thiệu sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả với lời mào đầu long trọng (3: 1-2), qua đó thánh ký định vị biến cố này vào trong lịch sử thế giới khi trích dẫn hoàng đế Rô-ma. Điều này cho thấy thánh Lu-ca quan tâm đến lịch sử, tuy nhiên thánh ký cũng muốn nói rằng lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, loan báo kỷ nguyên cứu độ, liên quan đến hết mọi người. Chính cũng vì lý do này, khi viện dẫn Is 40, thánh Lu-ca tuân theo truyền thống Mc 1: 3 và Mt 3: 3; tuy nhiên, thánh Lu-ca đem đến một điều mới mẽ khi trích dẫn trọn vẹn sấm ngôn của I-sai-a, vì sấm ngôn này chấm dứt với những từ: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Qua câu này, thánh Lu-ca khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ mà Is 40: 6 đã loan báo, cũng như thánh Lu-ca đã nói trước ở 2: 30-31: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.

1. Bối cảnh lịch sử (3: 1-2a):
Lời mào đầu giới thiệu sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trước quần chúng một cách long trọng trong bối cảnh lịch sử thế giới qua đế quốc Rô-ma; lịch sử trong và ngoài miền đất Pa-lét-tin qua ba tiểu vương, các con của vua Hê-rô-đê Cả; cũng như lịch sử dân thánh qua hai vị thượng tế vào thời đó.

- “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô”: Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô xem ra từ ngày 1 tháng 10 năm 27 đến ngày 30 tháng 7 năm 28. “Thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê”, tổng trấn Phi-la-tô đại diện chính quyền Rô-ma. Kể từ năm thứ sáu Công Nguyên, miền Giu-đa không còn có chính quyền bản địa nữa; vào năm này chính quyền Rô-ma đã truất quyền vua Ác-khê-lao, con và người kế vị vua Hê-rô-đê Cả, và nắm quyền trực tiếp trên miền Giu-đê, miền thường gây ra những cuộc bạo động. Như vậy miền Giu-đê có một thể chế đặc biệt. Chúng ta biết điều đó trong cuộc xét xử Đức Giê-su.

- “Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê”: Miền Ga-li-lê vẫn duy trì chính quyền bản địa do tiểu vương Hê-rô-đê, biệt hiệu An-ti-pát, con Hê-rô-đê Cả. Chính vị tiểu vương này đã giết Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su bị điệu đến trước ông.

- “Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít”: Tiểu vương Phi-líp-phê, cũng là con của Hê-rô-đê Cả, cai trị lãnh địa đông bắc biển hồ Ti-bê-ri-a. Ông là vị tiểu vương ôn hòa, không nhiệt thành lắm với Do thái giáo, thậm chí ưu đãi những việc thờ cúng ngoại giáo.

- “Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên”: Miền A-bi-lên là một lãnh địa nhỏ bé được định vị ở Anti-Liban, phía tây Đa-mát. Tiểu vương Ly-xa-ni-a rất ít được biết đến. Vì thế người ta có thể tự hỏi trong danh sách của thánh Lu-ca vị tiểu vương này đóng vai trò gì. Đế quốc Rô-ma cho ba người con của Hê-rô-đê Cả làm tiểu vương ba lãnh địa, hai trong đất Pa-lét-tin và một ở ngoài đất Pa-lét-tin. Thật hợp lý khi kể thêm tiêu vương Ly-xa-ni-a cho đủ số ba người con của Hê-rô-đê Cả. Nhưng lý do thật sự xem ra còn sâu xa hơn. Rõ ràng ý định của thánh Lu-ca là muốn thông tri cho đọc giả hiểu rằng “biến cố Gioan Tẩy Giả” vượt quá bên ngoài ranh giới miền đất Pa-lét-tin.

- “Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế”: Sau khi nói đến thế quyền, thánh Lu-ca đề cập đến giáo quyền: Kha-nan, vị thượng tế mãn nhiệm, và Cai-pha, người con rể, vị thượng tế đương nhiệm. Kha-nan được nêu tên, vì thế lực của ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Theo thánh Gioan, sau khi bị bắt, Đức Giê-su bị điệu trước tiên đến thượng tế Kha-nan, sau đó mới đến thượng tế Cai-pha.

Đối diện với thế quyền và giáo quyền này, thánh Lu-ca đưa vào một nhà khổ hạnh sống ẩn dật trong hoang địa, ông Gioan, con ông Da-ca-ri-a. Chính nơi nhân vật khiêm hạ này mà Lời Chúa được gởi đến.

2. Sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả (3: 2b)
“Có Lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gioan trong hoang địa”. Thánh Lu-ca mượn văn phong Kinh Thánh để mô tả ơn gọi ngôn sứ như Hs 1: 1 hay Gr 11: 1. Như vậy thánh ký ghi nhận rằng ông Gioan Tẩy Giả là một vị ngôn sứ, ông nói với tư cách một vị ngôn sứ. Sự kiện này lại càng gây chú ý hơn nữa vì từ năm trăm năm qua đã không có một ngôn sứ nào xuất hiện.

Ông Gioan xuất thân từ gia đình tư tế; cha ông, ông Da-ca-ri-a, là tư tế phụng sự đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ấy vậy, chức vụ tư tế của dân Ít-ra-en là cha truyền con nối. Ông Gioan khước từ chức vụ và danh dự này; được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ông vào sống ẩn mình “trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1: 80).
Hoang địa này là sa mạc Giu-đê, dưới chân những ngọn đồi khô cằn, trong miền này được định vị giữa thành Giê-ri-cô và địa danh Qum-ran, có dòng sông Gio-đan đổ nước vào Biển Chết. Để thi hành sứ vụ của mình, ông Gioan Tẩy Giả tiếp cận với dân cư quanh vùng: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan”.

3. Phép rửa tỏ lòng sám hối (3: 3)
Phép rửa mà Gioan Tẩy Giả đề xướng không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tỏ lòng sám hối. Các vị lãnh đạo Do thái giáo đòi buộc các dự tòng muốn gia nhập vào cộng đồng Ít-ra-en phải chịu phép rửa cùng với phép cắt bì. Các nghi thức thanh tẩy thì rất nhiều; thậm chí người Do thái thời hậu lưu đày vì lòng sốt sáng đã thêm một số lượng lớn; nghi thức thanh tẩy được thực thi hằng ngày và đa dạng tại các tu sĩ Qum-ran. Nhưng phép rửa mà Gioan đề xướng là một nghi thức duy nhất, bất khả lập lại, cũng không thuần túy chỉ là nghi thức. Thanh tẩy của thánh nhân là dấu hiệu thanh tẩy nội tâm, chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, nhưng tự nó chưa có quyền ban ơn tha thứ này.

4. Ơn cứu độ phổ quát (3: 4-6)
 Cả bốn tác giả Tin Mừng đều trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a đệ nhị hứa với những người lưu đày ở Ba-by-lon, họ sẽ sớm được hồi hương. Thiên Chúa sẽ sai phái một sứ giả “trong sa mạc, mở một con đường cho Đức Chúa” (Is 40: 3-5), vì chính Thiên Chúa sẽ dẫn đường cho dân Ngài trở về Giê-ru-sa-lem.

Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều đã thấy ở nơi vị sứ giả này dung mạo của ông Gioan Tẩy Giả khi hiện tại hóa bản văn của I-sai-a vào trong hoàn cảnh hiện nay của mình: thay vì “Trong sa mạc, mở một con đường cho Đức Chúa”, thì lại “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, bởi vì Gioan Tẩy Giả thi hành sứ vụ dọn đường cho Đức Chúa ở trong hoang địa. Tuy nhiên, chỉ duy thánh Lu-ca trích dẫn trọn vẹn sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a, nhưng thánh ký chủ ý thay đổi một chút câu cuối: thay vì “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy”, thánh ký viết: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Thật ra vinh quang của Đức Chúa được bày tỏ ở nơi quyền năng rực rỡ của Ngài, Đấng, sau một thời gian dài xem ra không đoái hoài đến dân Ngài, ra tay giải thoát dân Ngài khỏi cảnh giam cầm tại Ba-by-lon, tiên trưng một cuộc giải thoát khác, chính xác hơn, giải thoát khỏi mọi giam cầm của tội lỗi.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxio Hồ Thông