CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Lời Chúa: Is 61: 1-2a, 10-11; 1Tx 5: 16-24; Ga 1: 6-8, 19-28

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngân vang lời mời gọi các tín hữu: “Hãy vui lên, Chúa sắp đến gần rồi”.

Is 61: 1-2a, 10-11
Bài Đọc I loan báo tin mừng cho những ai nghèo hèn, bất hạnh, bị giam cầm… biết rằng năm hồng ân của Chúa sắp đến rồi.

 1Tx 5: 16-24   
 Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy vui luôn mãi và không ngừng tạ ơn Chúa vì những thiên ân mà họ đã lãnh nhận được.

 Ga 1: 6-8, 19-28     
 Tin Mừng tường thuật chứng từ của Gioan Tiền Hô, thánh nhân khẳng định rằng Đấng muôn dân mong đợi hiện đang ở giữa anh em.

BÀI ĐỌC I (Is 61: 1-2a, 10-11)
Vào Chúa Nhật II Mùa Vọng trước đó, chúng ta đã đọc lời khẩn nguyện của vị ngôn sứ thời lưu đày. Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, chúng ta đọc bài thánh thi của vị ngôn sứ thời hậu lưu đày. Đây là bài Thánh Thi Chúc Tụng được cộng đoàn xướng đáp.

Bài thánh thi này được đặt vào bối cảnh vài năm sau năm 538 trước Công Nguyên, năm những đoàn người lưu đày ở Ba-by-lon lần đầu tiên được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Tác giả của bài thánh thi nầy là một vị ngôn sứ nặc danh sống ở giữa những người hồi hương tại Giê-ru-sa-lem. Ông thường được gọi với biệt danh là I-sai-a đệ tam thời hậu lưu đày (Is 56-66) để phân biệt với hai vị tiền nhiệm của ông là vị ngôn sứ nặc danh khác thời lưu đày được gọi với biệt danh là I-sai-a đệ nhị (Is 40-55) và ngôn sứ I-sai-a đệ nhất thời tiền lưu đày (Is 1-39).

Bài Đọc I của Chúa Nhật III Mùa Vọng trích dẫn hai phần khác nhau của bài thánh thi này (Is 61: 1-11): đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a) là phần mở, và đoạn trích thứ hai (61: 10-11) là phần kết.

1. Đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a):
Trong đoạn trích thứ nhất, tác giả biện minh cho sứ vụ ngôn sứ của mình:
 “Thần Khí của Đức Chúa, là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (61: 1).

Ông đã được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong. Đây là cuộc xức dầu tấn phong thiêng liêng bởi vì không có nghi thức xức dầu tấn phong cho các ngôn sứ. Chính Thiên Chúa đã chọn các ngôn sứ của Ngài và ủy quyền cho họ nói thay cho Ngài.

Ông có sứ mạng là “loan báo tin mừng cho những người nghèo hèn”(tác giả lấy lại diễn ngữ “tin mừng” của vị tiền nhiệm của mình là I-sai-a đệ nhị được trích trong Bài Đọc I của Chúa Nhật II Mùa Vọng trước đó). Tin Mừng nầy có thể được tóm lược như sau: “Phúc thay những người nghèo khổ!”, âm vang một trong những mối phúc thật của Đức Giê-su.

Những người hồi hương thật sự vỡ mộng trước thực trạng muôn vàn khó khăn trong công cuộc tái thiết quê hương. Họ là những người nghèo hèn với tấm lòng tan nát. Vị ngôn sứ gọi họ là “kẻ bị giam giữ” cho dù hiện nay họ đã được phóng thích. Qua những từ ngữ đó, ông muốn nhấn mạnh nỗi cùng cực khốn khổ của họ mà hình ảnh sau đó được giải thích rõ hơn: “công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa”, nghĩa là năm mà những người nô lệ được phóng thích, mọi nợ nần được tha bổng, đất đai được phân phối lại. “Năm hồng ân” được cử hành cứ năm mươi năm một lần. Năm Hồng Ân này thật ra khai triển “năm sa-bát”, năm được cử hành cứ bảy năm một lần (Năm Hồng Ân là năm thứ 50 của 7 x 7 = 49). Năm hồng ân biểu tượng một lý tưởng về sự công bình xã hội.

Đây là những “người nghèo của Đức Chúa”, những người mà Kinh Thánh gọi là “anawim”. Danh xưng “anawim” bao hàm những người nghèo khổ vật chất, nhưng khiêm hạ và tín thác vào Thiên Chúa. Đặc ngữ này mang một nét nghĩa căn bản là “còng lưng xuống”, còng lưng xuống dưới gánh nặng của sự nghèo khó, của sự nhục nhã, nhưng cũng “sấp mình xuống” vì thái độ tôn giáo của họ, tin tưởng phó thác hoàn toàn vào lượng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Đây là một khái niệm căn bản của Cựu Ước cũng như Tân Ước. Chính những kẻ hèn mọn nầy mà Đức Giê-su dành trọn niềm ưu ái cho họ. Một trăm năm sau đó, một vị ngôn sứ khác, Xô-phô-ni-a, đã tiên báo cuộc thăng tiến của những người nghèo nầy:

“ Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa.
Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ nữa” (Xp 3: 12-13).

2. Đoạn trích thứ hai (61: 10-11).
Trong đoạn trích thứ hai, cộng đoàn xướng lên những lời hân hoan chúc tụng:
“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Thiên Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!” (61: 10a).

Lý do của những lời hoan ca nầy được diễn tả qua hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là “trang phục”: Giê-ru-sa-lem được mặc hồng ân cứu độ, được khoắc áo choàng công chính như chàng rể chỉnh tề khăn đóng, tựa cô dâu điểm trang lộng lẫy. Hình ảnh thứ hai là “khu vườn”: Giê-ru-sa-lem được sánh ví với khu vườn được Thiên Chúa chăm sóc tận tình để “trở hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân”.

 3. Ý nghĩa của việc nối kết hai đoạn trích nầy:
Khi đặt hai đoạn trích đầu và cuối bài thánh thi nầy bên cạnh nhau, Phụng Vụ mời gọi chúng ta gẫm suy về mối liên hệ sâu xa giữa “ơn cứu độ” mà Đấng Mê-si-a hứa ban và “vẻ đẹp lộng lẫy” của Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa nơi dân Thiên Chúa. Sách Khải Huyền lấy lại hình ảnh Giê-ru-sa-lem thiên quốc như Tân Nương được điểm trang lộng lẫy nhờ máu Con Chiên.

Cách thức tiếp cận lịch sử như vậy có thể hiểu được nhờ những đau khổ của nhóm nhỏ trung thành còn sót lại, những “người nghèo hèn” nầy mà nỗi khốn khổ của họ lôi kéo lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính qua họ mà lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa trải dài cho đến tận cùng thế giới.

BÀI ĐỌC II (1Tx 5: 16-24)
Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa lô-ni-ca là văn phẩm sớm nhất trong các văn phẩm Tân Ước. Bức thư nầy được viết vào mùa đông năm 50-51. Thánh Phao-lô thiết lập giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vào mùa hè năm 50, nhưng ngài đã phải vội vả trốn chạy khỏi thành phố khỏi cơn thịnh nộ của người Do thái tìm cách giết ngài, vì lời rao giảng của thánh nhân khiến nhiều người Ít-ra-en lẫn lương dân ăn năn trở lại.

Vì thế, thánh nhân thật sự bận lòng đến cộng đoàn non trẻ bị hăm dọa nầy. Sau nầy, cộng tác viên của ngài là ông Ti-mô-thê quay trở lại Thê-xa-lô-ni-ca và thuật lại cho thánh nhân những tin tốt lành: dù bị người Do thái đe dọa và quấy nhiễu, cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non trẻ nầy vẫn kiên vững trong niềm tin của mình. Thế nên, thánh Phao-lô viết bức thư nầy gởi đến họ với cung giọng nồng nàn chan chứa niềm hân hoan và cảm tạ. Đoạn trích thư hôm nay được định vị vào cuối thư bao gồm những lời khuyên bảo và khích lệ.

1. Vui mừng, cầu nguyện và tạ ơn:
Trong lời khuyên thứ nhất, Thánh nhân kêu mời ba điều quan trọng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”.

Trước hết, “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”. Thánh Phao-lô thường nhấn mạnh niềm vui Ki-tô giáo. Niềm vui là hoa quả của Thần Khí, Đấng hằng ở với người Ki-tô hữu ngay cả trong gian nan thử thách. Chính thánh nhân luôn “chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7: 4). Niềm vui này phát xuất từ niềm xác tín là được dự phần vào vương quốc Thiên Chúa ngay từ cõi thế nầy.

Tiếp đó, “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Thánh nhân hầu như luôn luôn khuyên cầu nguyện “không ngừng”, “mọi lúc”, “đêm cũng như ngày”. Chung chung, thánh nhân cầu nguyện với Chúa Cha, qua Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần. Hiếm khi thánh nhân cầu nguyện trực tiếp với Chúa Ki-tô. Thánh nhân nói, chính nhờ Thần Khí mà chúng ta mới có thể thân thưa với Thiên Chúa là “Cha”.

Sau cùng, “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Tạ ơn là một cấu tố của lời cầu nguyện, xoay quanh lời chúc tụng. Truyền thống Do thái dành một chỗ đặc biệt cho tâm tình cảm tạ tri ân, chẳng hạn như bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) của cụ già Si-mê-ôn là bài ca cảm tạ tri ân (Lc 1: 68-79). Thánh Phao-lô hầu như luôn luôn bắt đầu bức thư của mình với lời chúc tụng Thiên Chúa.

2. Ân ban Thần Khí:
Trong lời khuyên thứ hai, thánh Phao-lô kêu mời các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em chớ dập tắt Thần Khí”. Cứ để mỗi người nói lên những ân ban mà mình nhận được, ngay cả ơn ngôn sứ. Điều quan trọng là phải biết “cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy; còn tất cả những gì xấu thì lánh cho xa”.

 3. Ơn thánh hóa:
Trong lời khuyên thứ ba, thánh Phao-lô nói lên đề tài tâm đắc của mình: ơn thánh hóa, mà sau này, thánh nhân sẽ khai triển sâu xa hơn: chúng ta được thánh hóa nhờ tác động của Thiên Chúa chứ không do nổ lực cá nhân của mình.

Việc phân chia con người thành ba phần: thần trí, tâm hồn và thân xác, không gặp thấy bất cứ nơi nào khác trong các thư của thánh Phao-lô. Người Hy lạp cũng như người Do thái đều không quan niệm con người theo cách phân chia như thế. Ở đây, thánh Phao-lô chỉ muốn nói đến toàn diện con người. Theo thói quen của mình, thánh nhân khai triển chữ “toàn diện” đi trước và tô đậm chữ “thần trí” theo sau. Chữ “thần trí” này mang lấy ý nghĩa Ki-tô giáo: chính nhờ thần trí, con người rộng mở trước tác động của Thần Khí.

TIN MỪNG (Ga 1: 6-8, 19-28)
Tin Mừng hôm nay được trích từ hai đoạn văn khác nhau của Tin Mừng thư tư: một từ Tựa Ngôn (1: 1-18) giới thiệu “chức năng chứng nhân” của Gioan Tiền Hô (1: 6-8) và một khác từ Tuần Lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su (1: 19-2: 12) trình bày “lời chứng” của Gioan Tiền Hô (1: 19-28).

1. Chức năng chứng nhân của Gioan Tiền Hô (1: 6-8):
Tựa Ngôn là một bài thánh thi ca ngợi “Ngôi Lời” bị ngắt nhịp hai lần để giới thiệu Gioan Tiền Hô là chứng nhân của Đức Ki-tô (1: 6-8 và 15). Lần ngắt nhịp thứ nhất được trích dẫn ở đây như phần mở đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay.

Trong phần mở đầu nầy, tác giả Tin Mừng thứ tư không đề cập đến sứ điệp của Gioan Tiền Hô cũng như ‎ý nghĩa phép rửa của thánh nhân, nhưng tô đậm “chức năng chứng nhân” của thánh nhân:

“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
Ông đến để làm chứng,
và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1: 6-8).

Đối với Tin Mừng thứ tư, “chứng nhân” là chức năng quan trọng bậc nhất, như tác giả nhấn mạnh trong thư thứ nhất của mình:
“Điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…
Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa…” (1Ga 1: 1-4).

2. Lời chứng của Gioan Tiền Hô (1: 19-28):
 Sau khi giới thiệu chức năng chứng nhân của Gioan Tiền Hô, tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày lời chứng của thánh nhân.

Thánh nhân phủ nhận tất cả những gì người ta nghĩ tưởng về ông để chỉ tập trung lời chứng của mình vào sự hiện diện của Đấng đến sau ông và hiện có mặt ở đây rồi. Ông không phải là Đấng Mê-si-a mà dân chúng đang mong đợi. Ông cũng không phải là Ê-li-a mà truyền thống truyền tụng theo đó vị ngôn sứ này được rước lên trời và sẽ trở lại trần thế để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a. Ông cũng không phải là ngôn sứ vĩ đại mà Đức Chúa hứa với ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng…” (Đnl 18: 18).

Sau khi đã phủ nhận tất cả những nhân vật nổi tiếng mà người ta nghĩ tưởng về mình, thánh nhân công bố sứ điệp: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Đối với thánh nhân, Chúa Giê-su phải được đón nhận như một ân huệ mầu nhiệm của Thiên Chúa mà không ai biết thân thế của Ngài. Ở đây, có thể ám chỉ đến niềm tin dân gian vào một Đấng Mê-si-a ẩn mình cho đến khi ngôn sứ Ê-li-a tái xuất hiện và chỉ cho người ta nhận ra Ngài. Thật vậy, sách Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh hơn các sách Tin Mừng khác lời loan báo về Đấng Mê-si-a hiện ở giữa họ rồi mà họ không nhận ra.

Cuối cùng, thánh nhân làm chứng về sự cao cả của Đấng đến sau ông, nhưng trổi vượt hơn ông đến mức chính ông cũng “không đáng cởi quai dép cho Ngài” (1: 27), một công việc thấp hèn dành cho người nô lệ đối với chủ của mình. Về phương diện lịch sử, Đấng ấy sinh ra sau ông và thi hành sứ vụ sau ông, nhưng về phương diện thần linh, Đấng ấy hiện hữu trước ông.

Tại sao lời chứng của Gioan Tiền Hô về Đức Ki-tô mặc lấy một tầm mức quan trọng đến như thế? Để có thể lĩnh hội được Tin Mừng thứ tư, chúng ta cần phải giải mã những ẩn ý nầy. Tin Mừng thứ tư vốn giàu biểu tượng nên luôn luôn hàm chứa hai nghĩa: nghĩa trực tiếp và nghĩa ẩn dụ.

3. Nghĩa trực tiếp:
 Theo nghĩa trực tiếp, chúng ta có thể gặp thấy chìa khóa ở nơi “Tuần Lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su” đối xứng với “Tuần Lễ bế mạc sứ vụ công khai của Ngài” tại thành thánh Giê-ru-sa-lem. Tuần Lễ Khai Mạc được trình bày thành bảy ngày và được phân định cách mặc nhiên hay minh nhiên qua biểu thức “Hôm sau”:

-Ngày thứ nhất: Gioan Tiền Hô làm chứng về chính mình và về Đức Ki-tô trước những chất vấn của các tư tế và các thầy Lê-vi được phái đến từ Giê-ru-sa-lem (1: 19-28).
-Ngày thứ hai: Gioan Tiền Hô làm chứng trước dân chúng về Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” và là Đấng mà Thần Khí ngự xuống vào lúc Ngài chịu phép rửa (1: 29-34).
-Ngày thứ ba: Gioan Tiền Hô làm chứng về Đức Giê-su cho hai môn đệ của mình là ông An-rê và người môn đệ khác. Hai môn đệ này liền rời bỏ thầy mình mà đi theo Đức Giê-su.
-Ngày thứ tư: Ông An-rê rũ em mình là ông Phê-rô cùng gia nhập với mình (1: 35-42).
-Ngày thứ năm: Ông Phi-líp-phê và ông Na-tha-na-en nhập đoàn với các môn đệ tiên khởi (1: 43-51).

 Việc tác giả không kể ra ngày thứ sáu là có chủ ý, nhờ đó tác giả mới có thể bắt đầu dấu lạ Ca-na vào ngày thứ bảy như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê”, trong đó các môn đệ tiên khởi đã “chứng kiến vinh quang của Ngài” và đã “tin vào Ngài”. Với diễn ngữ thời gian: “ngày thứ ba”, người Ki-tô hữu nghĩ ngay đến cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su, biến cố bày tỏ tuyệt mức vinh quang của Ngài.

Khi trình bày một tuần lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su như thế, tác giả Tin Mừng thứ tư thiết lập sự đối xứng với một tuần lễ sáng tạo thế giới, qua đó thánh ký muốn nói rằng Đức Ki-tô giáng trần để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, hay đúng hơn, một cuộc tái tạo.

2. Nghĩa ẩn dụ:
Lời chứng của Gioan Tiền Hô được trích dẫn trong Tin Mừng hôm nay định vị vào ngày thứ nhất trong Tuần Lễ Khai Mạc. Trong tuần lễ sáng tạo thế giới, ngày thứ nhất được đánh dấu bởi việc phân tách Ánh Sáng ra khỏi bóng tối (St 1: 3-5).

Do đó, tất cả ‎ý nghĩa sâu xa của đoạn Tin Mừng hôm nay chính là Gioan Tiền Hô đến để làm chứng về ánh sáng. Trái lại, các tư tế và các thầy Lê-vi được cử đến và trở về Giê-ru-sa-lem mà không đón nhận phép rửa tỏ bày lòng sám hối, vì thế, không rộng mở lòng mình ra để đón nhận ánh sáng. Tuy nhiên, họ đã được loan báo cho biết: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (động từ “biết” theo văn hóa Do thái không chỉ nói lên một sự hiểu biết thuần trí tuệ nhưng đặc biệt trọn cả con tim nữa). Như vậy, giáo quyền Do thái, ngay từ đầu, vẫn đắm mình trong bóng tối. Sự kiện nầy sẽ chi phối cách hành xử sau cùng của họ đối với Đức Ki-tô.

Cặp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối nầy hình thành nên một trong những đề tài chủ đạo của Tin Mừng thứ tư. Việc đối lập nầy đã được minh chứng rồi ngay trong Tựa Ngôn.

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông