CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN
- Thứ ba - 04/02/2020 02:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên năm A nhấn mạnh sức mạnh của lời chứng: sức mạnh này làm cho người tín hữu trở thành con người của ánh sáng (Bài Đọc I và Tin Mừng) và qua sự yếu đuối của phàm nhân, chứng thực quyền năng Thiên Chúa (Bài Đọc II).
Is 58: 7-10
Bài Đọc I được trích từ phần thứ ba của sách I-sai-a, phần này được biên soạn vào thời hậu lưu đày (sau năm 538 trước Công Nguyên). Vị ngôn sứ khuyên bảo hãy thực thi đức ái huynh đệ, quan tâm đến những người không nơi nương tựa, những người túng thiếu, đó là điều kiện để trở thành một con người chiếu giải ánh sáng Thiên Chúa.
1Cr 2: 1-5
Thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-rin-tô nhớ rằng khi đến với họ, thánh nhân đã cảm thấy yếu đuối và sợ hãi (thánh nhân vừa mới chịu thất bại ở A-thê-na, ở đó sự khôn ngoan của Tin Mừng đã đụng chạm đến sự khôn ngoan phàm nhân). Nhưng sự yếu đuối này bày tỏ sức mạnh của Thần Khí trong sứ mạng gian khó của ngài là làm chứng cho Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
Mt 5: 13-16
Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su khuyên các môn đệ Ngài hãy làm chứng niềm tin của họ: như vậy, họ sẽ đem đến một vị mặn thần linh cho những sự vật trần thế và sẽ trở nên ánh sáng cho thiên hạ.
BÀI ĐỌC I (Is 58: 7-10)
Bản văn tuyệt đẹp này xem ra thuộc vào thời kỳ những người lưu đày ở Ba-by-lon trở về Giê-ru-sa-lem (cuộc hồi hương khoảng năm 538 trước Công Nguyên). Tác giả của nó chắc chắn là một môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, ông được gọi dưới biệt danh là ngôn sứ I-sai-a đệ tam.
1. Cách ăn chay mà Chúa ưa thích là thực hành đức ái:
Giáo Hội có chủ ý mời gọi chúng ta suy niệm bản văn này để chuẩn bị bước vào Mùa Chay. Quả thật, lời khuyên bảo được gởi đến những tín hữu thực hành chay tịnh và sám hối trong niềm mong chờ Thiên Chúa thi ân giáng phúc.
Vị ngôn sứ vạch cho thấy những khổ chế này chỉ là công việc đạo đức vô giá trị nếu không đi kèm theo việc thực hành đức ái. Cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích:
“Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước những anh em cốt nhục?” (Is 58: 7)
2. “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”:
Vị ngôn sứ sánh ví những thành quả của đức ái với ánh mặt trời vào lúc rạng đông. Trong những xứ sở Cận Đông ánh bình minh là một yếu tố thiết yếu của cuộc sống thường ngày. Ánh bình minh đồng nghĩa với hạnh phúc, niềm vui, thịnh vượng.
“Bấy giờ, ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành” (58: 8a)
Đây sẽ là một ngày mới, một cuộc tái sinh thực sự không chỉ về phương diện luân lý nhưng còn cả về thể xác nữa vì sức lực sẽ được phục hồi mau chóng.
3. “Đức Công chính ngươi sẽ mở đường phía trước”:
“Đức công chính sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (58: 8b)
Trong vế thứ nhất của câu này, từ Híp-ri được dịch “đức công chính”, theo văn mạch cũng có nghĩa “chiến thắng”. Chắc chắn sắc thái ngữ nghĩa này phải được hiểu ở đây. Đức công chính mà người tín hữu thực hành được sánh ví với những chiến lợi phẩm sẽ mở đường phía trước người chiến thắng.
Vế thứ hai được dịch sát chữ: “Vinh Quang Thiên Chúa sẽ là hậu quân của ngươi”. Đây là hình ảnh của đám rước khải hoàn.
4. Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả:
Nhịp tăng dần của nhà thơ còn đi xa hơn khi tác giả khẳng định rằng Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả người thực hành đức ái. Đây là cách thức diễn tả cuộc đối thoại thường hằng giữa Thiên Chúa và người công chính.
“Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!” (58: 9)
Vị ngôn sứ một lần nữa liệt kê những cử chỉ bác ái và một lần nữa sánh ví thành quả của chúng với thành quả của ánh sáng, nhưng lần này với ánh sáng nội tâm. Sự rực sáng của thiện nhân chẳng khác nào sự chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa:
“Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thỏa lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (58: 10).
BÀI ĐỌC II (1Cr 2: 1-5)
Trong đoạn trích thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh Phao-lô tiếp tục biện luận về sự khôn ngoan Thiên Chúa và sự khôn ngoan phàm nhân. Thánh nhân giải thích cho các tín hữu Cô-rin-tô hiểu rằng sự khôn ngoan Thiên Chúa được bày tỏ qua những người khiêm hạ, điều này được kiểm chứng bởi muôn ân sủng mà họ nhận được.
1. Quyền năng Thiên Chúa được bày tỏ ở nơi sự yếu đuối:
Bản thân thánh nhân là một trong những ví dụ đó. Khi đến với họ, thánh nhân đã cảm thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy, và chẳng có lời lẽ hùng biện. Chẳng phải sự hùng biện phải câm nín khi loan báo một Đức Ki-tô chịu đóng đinh sao? Thánh Phao-lô thích nhấn mạnh sự tương phản giữa sự yếu đuối của ngài, sự bé nhỏ của những phương tiện ngài sử dụng và ảnh hưởng của lời ngài rao giảng. Thánh nhân muốn công bố rằng “quyền năng Thiên Chúa được thực hiện ở nơi sự yếu đuối” (2Cr 12).
Đừng hiểu “sợ sệt và run rẩy” theo nghĩa đen, đây là một thành ngữ. Chúng ta gặp lại thành ngữ này trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô khi thánh nhân gợi lên việc các tín hữu này đã đón tiếp nồng hậu người cộng tác viên của ngài là ông Ti-tô: “Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh” (2Cr 7: 15). Đây là cách diễn tả thái độ khiêm tốn và kính trọng, dẫu rằng vào lúc đó thánh nhân có nhiều lý do để lo lắng: những vết thương do việc đánh đòn mà thánh nhân đã chịu ở Phi-líp-phê chưa lành hẳn; những quấy nhiễu của người Do thái ở Thê-xa-lô-ni-ca đã buộc thánh nhân phải trốn chạy; mới đây, cách tiếp đón lạnh nhạt của dân thành A-thê-na.
2. Hậu cảnh: cuộc thất bại ở A-thê-na:
Thánh Phao-lô đã đến Cô-rin-tô vào năm 50 từ A-thê-na ở đó thánh nhân đã nếm mùi thất bại. Ở nơi đỉnh cao của sự khôn ngoan và triết học, thánh nhân đã không được hiểu. Sứ điệp của Đức Ki-tô đã không dễ dàng hòa nhập vào giữa những suy luận ngoại giáo, thậm chí bởi những lời lẽ hùng biện. Vì thế, ở Cô-rin-tô, thánh nhân sử dụng một phương pháp khác. Thánh nhân không dùng “lời lẽ khôn ngoan để thuyết phục”, nhưng để cho Thần Khí hoạt động qua những lời đơn sơ giản dị của mình và cách hành xử khiêm hạ của mình.
Đừng nghĩ rằng thánh nhân kết án sự hùng biện, vì lẽ thánh nhân mượn ở nơi nghệ thuật này biết bao điều tốt đẹp, cũng không sự khôn ngoan phàm nhân, vì lẽ thánh nhân ca ngợi đức điều độ của người Hy-lạp. Nhưng thánh nhân kết án sự khôn ngoan khi mà nó tự phụ áp dụng những tiêu chuẩn của mình vào một sứ điệp vượt quá nó. Đây là điều mà những người Hy lạp này với tinh thần tinh tế xem ra cư xử Tin Mừng như một sự chọn lựa khôn ngoan hay lời dạy của nhà hùng biện.
TIN MỪNG (Mt 5: 13-16)
Bản văn này được trích từ Bài Giảng Trên Núi của thánh Mát-thêu và trực tiếp kết nối với các “Mối Phúc” (5: 3-12) qua trung gian của các câu 11-12 với cách xưng hô ở ngôi thứ hai số nhiều: “Anh em”. Bản văn này được gởi đến không phải cho những người môn đệ đặc biệt, nhưng cho tất cả những ai tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giê-su. Qua bản văn này, cộng đoàn Ki-tô hữu được nhắc nhớ đến bổn phận truyền giáo. Khi đề cập đến sứ mạng của người môn đệ “trong thế gian”, Đức Giê-su khuyên các môn đệ Ngài hãy làm chứng niềm tin của họ, như vậy họ sẽ đem đến một bản sắc mặn mà thần linh cho những sự vật trần thế và sẽ trở nên ánh sáng chiếu soi thiên hạ.
1. Muối cho đời (5: 13).
Đây không là một gợi ý hay một lời đề nghị về một lý tưởng nên theo, nhưng là một lời khẳng định về cách sống, một ơn gọi: “Chính anh em là muối cho đời”. Kiểu nói này có mối liên hệ với Xh 19: 6: “Còn các ngươi, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế cho Ta và một dân thánh”. Như Đức Chúa đã chọn dân Ngài giữa chư dân và xác định cách sống của họ, Đức Giê-su cũng chọn các môn đệ giữa loài người và giờ đây xác định sứ mạng của họ phải là “muối cho đời”. Với hình ảnh này, Đức Giê-su muốn nói lên điều gì?
Trước hết, muối là một thứ gia vị đem lại vị mặn mà cho thức ăn, muốn được như thế, muối phải hòa tan vào thức ăn. Như muối chấp nhận hòa tan vào thức ăn để đem lại vị mặn mà cho thức ăn như thế nào, thì người Ki-tô hữu là “muối cho đời” cũng phải chấp nhận hòa tan vào trần gian để đem lại vị mặn nồng cho những người chung quanh như vậy.
Thứ nữa, muối còn có công dụng là bảo tồn thức ăn cho khỏi hư, như ca dao Việt Nam đã nói: “Cá không ăn muối, cá ươn”. Từ đó, muối ám chỉ đặc tính “lâu bền” của một khế ước như Thánh Kinh nói: “giao ước muối”, nghĩa là một Giao Ước bền vững (Ds 18: 19; Lv 2: 13; 2Sb 13: 5). Thánh Mác-cô gợi lên biểu tượng này của muối: “Anh em hãy giữ muối trong lòng mình, và sống hòa thuận với nhau” (Mc 9: 50). Dâng hiến “bánh và muối”, chính là đề nghị tình bạn, ký kết một giao ước. Vì thế, với tư cách là “muối cho đời” người Ki-tô hữu có sứ mạng bảo tồn cho trần gian khỏi hư hỏng.
Ngoài ra, diễn ngữ: “muối cho đời” được dịch sát từ: “muối của đất”, để nói lên công dụng khác nữa của muối là làm phân bón cho đất thêm tốt. Ngày xưa, tại Ai-cập và tại Pa-lét-tin, nhà nông cho muối vào phân để phân tốt, nhờ đó đất sẽ phì nhiêu hơn, như thánh Lu-ca gợi lên công dụng này của muối: muối mà nhạt đi thì “dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp” (Lc 14: 34-35). Vậy khi Đức Giê-su nói: “Anh em là muối của đất”, Ngài muốn nói rằng người Ki-tô hữu phải làm sao cho thiên hạ được tốt, tốt mãi, tốt hơn.
Điều cốt yếu chính là muối vẫn là muối, thì mới giữ được giá trị và tính hữu hiệu của mình. Nếu muối mất đi vị mặn của mình thì trở nên vô ích, cũng vậy nếu cuộc đời của người Ki-tô hữu bị biến chất, mất đi tinh thần Bát Phúc thì chẳng còn có giá trị gì: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?”.
Nói cho cùng, khi khẳng định các môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giê-su cho hiểu rằng mỗi người Ki-tô hữu không chỉ nổ lực thánh hóa bản thân, nhưng cũng phải thánh hóa tha nhân. Khi khẳng định sứ mạng của người Ki-tô hữu là “muối cho đời”, Đức Giê-su nghĩ đến khía cạnh tiểu số của những người Ki-tô hữu. Trong đống bột nhân loại bao la, những Ki-tô hữu phải là một nhúm muối đem lại vị mặn mà của Thiên Chúa. Họ là những sứ giả của Tin Mừng, Tin Mừng không xuất phát từ thế giới này.
2. Ánh Sáng cho trần gian (5: 14-16)
Kiểu sánh ví người môn đệ với ánh sáng là kiểu nói quen thuộc của Kinh Thánh: xưa kia, vua Đa-vít là ánh sáng cho dân Ít-ra-en (2Sm 21: 17), người Tôi Trung của Đức Chúa là ánh sáng cho chư dân (Is 42: 6; 49: 6) và dân Ít-ra-en là ánh sáng cho muôn dân nước để họ biết đường về cùng Thiên Chúa chân thật (Is 60). Kiểu nói này được dịch sát từ: “Ánh sáng của trần gian”, có nghĩa người môn đệ Chúa Ki-tô phải chấp nhận dấn thân vào trần gian như một công dân của trần thế để từ đó mới có thể làm cho thế gian rực sáng các mối Phúc. Khi nói: “Một thành xây trên núi”, Chúa Giê-su chắc chắn ám chỉ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày Đấng Cứu Độ đến, như lời loan báo của I-sai-a (Is 2: 2-4). Thế thì, ngày cánh chung, Giê-ru-sa-lem, tức là Giáo Hội, sẽ chiếu tỏa xuống chư dân, vì chính tại Giê-ru-sa-lem, chư dân học biết Luật Chúa (Is 2: 3).
Chúa Giê-su dùng một hình ảnh rất thân quen: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế”. Trong mỗi căn nhà của người Do thái, người ta thường gặp thấy một cái đấu có dung tích khoảng mười hai lít ngũ cốc. Nhiều người nghèo dùng cái đấu này làm đế đèn. Công dụng của “đèn thắp sáng” là chiếu sáng cho mọi người trong nhà: “Đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”. Cũng vậy, do ơn gọi, người Ki-tô hữu phải thông chia ánh sáng cho người khác. Chính họ không được để mình thiếu ánh sáng và không được thiếu trách nhiệm vì không tạo được ảnh hưởng cho môi trường sống chung quanh.
Đây không phải là sự phô trương mà Chúa Giê-su đòi hỏi ở nơi các môn đệ Ngài; nhưng họ phải chiếu giải ánh sáng của Thiên Chúa bằng những công việc tốt đẹp họ làm: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ”. Lúc đó, những ai nhìn thấy ánh sáng “sẽ tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Những lời này loan báo kinh Lạy Cha, chẳng bao lâu sẽ được Ngài dạy cho các môn đệ Ngài. Bản chất của ánh sáng chính là “những công việc tốt đẹp anh em làm”, hay chính xác hơn, “những việc thiện”. Những việc thiện là hoa trái của đức ái, đó là yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta (x. Ga 15: 12).
Công Đồng Vatican II nhấn mạnh bổn phận của người Ki-tô hữu là làm tông đồ: “Giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội: để lãnh nhận Phép Rửa và Thêm sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ: đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông phần và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không là muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, ‘tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Ki-tô ban cho’ (Ep 4: 7)… Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại” (Hiến Chế Giáo Hội, 33).