CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh: Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48; 1Ga 4: 7-10; Ga 15: 9-17

Phụng Vụ Lời Chúa Nhật VI Phục Sinh tập trung vào chủ đề chính yếu: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48
Đoạn trích sách Công Vụ tường thuật thánh Phê-rô viếng thăm gia đình viên sĩ quan Rô-ma ngoại giáo tên là Co-nê-li-ô. Chúa Thánh Thần tuôn đổ những ân ban của Ngài trên viên sĩ quan lương dân nầy cùng thân bằng quyến thuộc của ông; như vậy, cho thấy tình yêu Thiên Chúa được ban cho hết mọi người không loại trừ bất kỳ ai.

1Ga 4: 7-10
Trong đoạn trích thư thứ nhất này, thánh Gioan ca ngợi tình yêu Thiên Chúa đi bước trước: “Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.

Ga 15: 9-17
Sau dụ ngôn về “Cây Nho Thật”, Chúa Giê-su thổ lộ tấm lòng thương  yêu của Ngài đối với các môn đệ Ngài và qua họ với tất cả những ai mà Ngài yêu thương. Vì họ, Ngài sẽ hiến dâng mạng sống mình.

BÀI ĐỌC I (Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48)
Câu chuyện nầy thuật lại một biến cố đặc biệt nhất trong sự nghiệp tông đồ của thánh Phê-rô và mang tính quyết định nhất đối với việc phát triển Giáo Hội tiên khởi: chấp nhận một lương dân và thân bằng quyến thuộc của người nầy gia nhập cộng đoàn Ki-tô giáo, không cần qua luật Mô-sê, nhất là phép cắt bì. Một cách nào đó, Chúa Thánh Thần đã bắt buộc vị lãnh tụ các Tông Đồ thực hiện điều nầy.

Người lương dân nầy tên là Co-nê-li-ô, viên sĩ quan ngoại giáo trong quân đội Rô-ma đồn trú tại thành Xê-da-rê. Viên sĩ quan nầy là một người trong số những người có thiện cảm với Do-thái giáo, được gọi “những người kính sợ Thiên Chúa”. Họ là những người nhận ra vị Thiên Chúa Ít-ra-en là Thiên Chúa độc nhất, cầu nguyện với Ngài và cứu trợ cộng đồng Do-thái, nhưng không gia nhập vào cộng đồng nầy, khác với những tân tòng, nghĩa là những người chấp nhận phép cắt bì, tuân giữ ngày sa-bát và những đòi hỏi khác của luật Mô-sê.

1. Thái độ của thánh Phê-rô (10: 25-26):
Chấp nhận lời mời của ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô thân hành đến nhà ông. Hoạt cảnh  được thánh Lu-ca tường thuật thật cảm động. Sự kiện thánh Phê-rô vào nhà một người lương dân, thì thật khác thường. Như chúng ta biết, người Do thái cấm không được giao tiếp với lương dân, cốt là tránh tất cả sự nhiễm uế ngoại giáo.

 Việc ông Co-nê-li-ô đón tiếp thánh Phê-rô cũng thật khác thường: “Khi thánh Phê-rô bước vào, thì ông Co-nê-li-ô liền ra đón và phủ phục dưới chân vị Tông Đồ mà bái lạy” (10: 25). Thái độ của viên quan Rô-ma nầy cũng thật đáng ngạc nhiên. Việc phủ phục là một nghi lễ Đông Phương được dành cho các vị thần linh và các bậc vua chúa. Trước cử chỉ tôn kính của ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô phản ứng: “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm” (10: 26). Có lẽ thánh nhân nghĩ đến hình ảnh người phong hủi và người đàn bà tội lỗi đã phủ phục dưới chân Thầy mình. Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa trong khi thánh nhân chỉ là một người môn đệ khiêm tốn của Đức Giê-su.

2. Diễn từ của vị lãnh tụ Tông Đồ (10: 34-35):
Bài diễn từ của thánh nhân cũng khác thường. Số người tham dự thì đông: “Ông Co-nê-li-ô cho mời thân bằng quyến thuộc đến” (10: 24). Vào lúc đó, thánh Phê-rô công bố những điều thật bất ngờ: không còn một dân đặc quyền đặc lợi nữa, Thiên Chúa không thiên vị người nào hay dân tộc nào, “nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (10: 34-35). Qua đó, vị lãnh tụ Tông Đồ nhận ra chiều kích mới của dân Thiên Chúa.

3. Hoạt động của Chúa Thánh Thần (10: 44-48):
Sau cùng, hoạt động của Chúa Thánh Thần cũng khác thường. Sách Công Vụ làm chứng rằng Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Giáo Hội tiên khởi. Vì thế, không phải là vô căn cứ khi sách Công Vụ Tông Đồ được gọi là “sách Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”.

Chính Chúa Thánh Thần đã xếp đặt cuộc gặp gỡ giữa thánh Phê-rô và ông Co-nê-li-ô. Chính Ngài đã ban cho cả hai người thị kiến hay xuất thần; chính Ngài làm gián đoạn bài diễn từ của vị Tông Đồ để tỏ mình ra và ngự xuống trên mọi người. Có mấy anh em ở Gia-phô, tức các Ki-tô hữu gốc Do thái, cùng đi với thánh Phê-rô (Cv 10: 23). Họ vô cùng kinh ngạc vì những dấu chỉ đặc sũng làm chứng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở nơi lương dân, ngay cả trước khi những lương dân nầy lãnh nhận phép Rửa. “Lễ Ngũ Tuần lương dân” nầy, khá giống với Lễ Ngũ Tuần trước đó tại Giê-ru-sa-lem, cho thấy Thiên Chúa có sáng kiến ban tặng muôn vàn thiên ân cho “những ai ăn ngay ở lành”.

Đối với Giáo Hội tiên khởi, đây là một mặc khải và là một cuộc cách mạng. Chính thánh Phê-rô, vị lãnh tụ Giáo Hội, ý thức đầu tiên về điều nầy. Với những người lương dân nầy mà Chúa Thánh Thần chỉ định, thánh nhân mở rộng cánh cửa Nước Trời khi “truyền làm phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô” (10: 48).

BÀI ĐỌC II (1Ga 4: 7-10)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan. Trong đoạn trích nầy, chúng ta gặp lại chủ đề mà thánh Gioan không ngừng lập đi lập lại: “Tình yêu Thiên Chúa”. Lời khuyên bảo: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (4: 7), xoay quanh hai ý tưởng. Trước hết, Thiên Chúa là Tình Yêu, vì thế tình yêu là lối ngõ dẫn vào cuộc sống tâm giao với Thiên Chúa. Sau nữa, Thiên Chúa chứng thực tình yêu của Ngài ở nơi việc Ngài đã ban cho nhân loại Con Một của Ngài.

1.Tình yêu là lối ngõ dẫn vào cuộc sống tâm giao với Thiên Chúa.
Trong chỉ vài lời, thánh Gioan đặt nền tảng cho “sự hiểu biết” Ki-tô giáo đích thật. Trái với những khẳng định của các ngôn sứ mạo danh, những kẻ làm xáo động các tín hữu, thánh nhân quả quyết rằng chúng ta biết Thiên Chúa không bởi ánh sáng thần khải, cũng không bởi những suy luận thuần túy trừu tượng, nhưng từ thành quả của một kinh nghiệm của đức ái: yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. “Tình Chúa đối với chúng ta” là khuôn vàng thước ngọc và là nguồn mạch của mọi tình yêu. Di sản Do-thái rất dễ nhận ra ở nơi đoạn trích dẫn nầy: lời quả quyết được diễn tả vừa theo hình thức khẳng định: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (4: 7) vừa theo hình thức phủ định: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (4: 8). Đây là nét đặc trưng của lối hành văn Do-thái.

 Như vậy, “biết Thiên Chúa” nhờ kinh nghiệm của đức ái nầy, vừa trải rộng cho hết mọi người vừa hướng về Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu, đưa chúng ta dự phần vào cùng một cuộc sống với Thiên Chúa, chia sẻ cùng sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta nên ghi nhận rằng thánh Gioan không giới hạn viễn cảnh chỉ vào đức ái Ki-tô giáo. Cũng như trong Tựa Ngôn, thánh Gioan đã nhấn mạnh chiều kích phổ quát: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9).

2. Thiên Chúa chứng thực tình yêu của Ngài ở nơi việc Ngài ban cho nhân loại Con Một của Ngài.
Trong bức thư nầy, những lời khuyên bảo và những lời nhắc nhở về đạo lý được quyện vào nhau. Điều quan trọng là giúp các Ki-tô hữu kiên vững trong niềm xác tín của mình khi phải đối mặt với những kẻ muốn loại bỏ tầm quan trọng của biến cố Nhập Thể khỏi Tin Mừng, và vì thế, đánh mất cả ơn Cứu Độ. Ấy vậy, nhờ sự kiện Nhập Thể, Đức Ki-tô mới có thể dâng hiến thân thể của mình thành của lễ. Đó là bằng chứng xác thực nhất và cao cả nhất cho thấy tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

“Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian” (4: 9). Diễn ngữ nầy chỉ được gặp thấy nơi bút pháp của thánh Gioan. Trong thư thứ nhất nầy, cũng như trong Tựa Ngôn và trong Tin Mừng Gioan, đều có chung tư tưởng: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3: 16).

Nhập Thể đã thúc đẩy tình yêu Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa khi “Sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (4: 10). Như vậy, Nhập Thể và Ơn Cứu Độ là hai mặt của một thực tại, không thể nào bị loại ra khỏi Ki-tô giáo. Chúng không là những khái niệm xuất phát từ những suy luận phàm nhân, nhưng là những sáng kiến đến từ Thiên Chúa và chứng thực chân lý hàng đầu và căn bản nầy: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Gioan nhấn mạnh hơn ai hết tình yêu Thiên Chúa. Bản văn Tin Mừng hôm nay cũng dâng hiến những âm vang thư thứ nhất nầy.

TIN MỪNG (Ga 15: 9-17)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ “Diễn Từ Cáo Biệt” của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài. Đoạn Tin Mừng nầy tiếp liền sau dụ ngôn về “Cây Nho Thật” được Đức Giê-su công bố vào Chúa Nhật trước. Trong dụ ngôn về “Cây Nho Thật”, Chúa Giê-su đã cho thấy cành nho chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu gắn liền với cây nho. Cũng vậy, các môn đệ dự phần vào sự sống Thiên Chúa và sinh hoa kết trái chỉ khi nào kết hiệp với Ngài. Qua hình ảnh nầy, Đức Giê-su diễn tả mối liên hệ mới mà Ngài đến thiết lập giữa Thiên Chúa với con người: mối tâm giao chan chứa yêu thương.

1. Tình yêu của Đức Giê-su đối với các môn đệ của Ngài (15: 9):
Trong bầu khí ly biệt nầy, Đức Giê-su nói với các môn đệ của Ngài, những người mà Ngài yêu thương cho đến cùng (13: 1), bằng một cung giọng rất mực trìu mến: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (15: 9).

Ở đây, chúng ta chạm đến đỉnh cao của Mặc Khải: Chúa Con mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, Đấng mà Chúa Con giữ mối liên hệ Phụ Tử độc nhất. Ấy vậy, điều đáng chú ý chính là trong Tin Mừng Gioan, hễ khi nào những mối liên hệ giữa Cha và Con được nêu lên, đều được liên kết vào trong những viễn cảnh liên quan đến nhân loại. Điều nầy vén mở rằng tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa, thay vì tập trung vào chính mình, tất yếu hướng về thụ tạo. Tất cả những gì Chúa Con lãnh nhận từ Chúa Cha, chính là để ban cho chúng ta. Tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, cũng chính là tình yêu Chúa Con dành cho các môn đệ của mình.

2. Tình yêu của các môn đệ đối với Đức Giê-su (15: 10-11)
Về phần mình, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài hãy yêu mến Ngài, không là một thứ tình cảm trừu tượng, nhưng nhất mực trung thành với các điều răn của Ngài: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (15: 10).

Chúng ta đã thấy rồi, động từ “ở lại” là động từ chủ chốt của Tin Mừng Gioan. Trong chương 15 nầy, động từ “ở lại” xuất hiện mười ba lần, nhấn mạnh sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa trong đời sống “nội tâm” của người Ki-tô hữu. Như vậy, đức ái mà Đức Giê-su đề cao tạo nên một chuyển động kép: bên ngoài, thực hành những huấn lệnh Tin Mừng; bên trong, tăng cường mối liên hệ với Đức Ki-tô.

“Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn” (15: 11). Thật là mâu thuẩn biết bao, “niềm vui” nầy được công bố bởi Đức Giê-su. Ngài sắp phải đối mặt với những xao xuyến tận mức. Và cũng thật mâu thuẩn biết mấy, niềm vui mà Ngài hứa với những môn đệ của Ngài, những người sắp phải chịu cơn choáng váng đến tận cùng nỗi tuyệt vọng khi chứng kiến cái chết của Ngài. Tuy nhiên, niềm vui nầy được định vị ở trung tâm lập luận: vui trong bầu khí thân tình giữa Thầy và trò nầy. Đó sẽ là cách thế hiện diện mầu nhiệm của Ngài ở nơi họ, nhờ đó họ sống sự sống của Ngài. Đó là niềm vui “không ai lấy mất đi được”, như Ngài sẽ xác định ngay sau đó (16: 22).

3. Tình yêu của các môn đệ đối với nhau (15: 12-17):
Trong Diễn Từ Cáo Biệt, những lời dặn dò sau cùng nầy, những lời trăn trối này, những lời tâm huyết nầy, được cô động ở nơi lệnh truyền duy nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau” (15: 12a). Người ta đã đọc thấy từ lâu trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Tuy nhiên, lệnh truyền hãy yêu thương nhau mà Đức Giê-su ban cho các môn đệ của Ngài có tầm mức vượt quá mọi mức độ, không còn tình yêu quy chiếu về chính mình, nhưng quy chiếu về chính Ngài: “Như Thầy đã yêu thương anh em” (15: 12b). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Giê-su là khuôn mẫu tình yêu của Đức Giê-su đối với các môn đệ; đến phiên các môn đệ, tình yêu của Đức Giê-su đối với họ phải là khuôn mẫu tình yêu của họ đối với nhau: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (15: 13).

 “Những người mà Đức Giê-su yêu thương”, trước hết là các môn đệ của Ngài đang vây quanh Ngài và lắng nghe lời Ngài, những người mà Ngài gọi là “bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (15: 14-15). Đó là những người “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (15: 16).

“Những người mà Đức Giê-su yêu thương”, cũng là tất cả những ai mà Ngài đã hiến dâng mạng sống mình cho họ. Lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” phải rộng mở bao la như tình yêu của Đức Giê-su dành cho nhân loại.

Tuy nhiên, cung giọng trực tiếp của Ngài là cung giọng chứa chan tình thương mến, cả với tư cách con người lẫn tư cách Thiên Chúa. Chính bằng cung giọng chan chứa tình thương mến nầy mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ vào lúc từ giả các ông ra đi. Tấm lòng nhân ái của Ngài để lộ chiều kích sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa.

Tác giả bài viết: Inhatio Hồ Thông