CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
Lời Chúa: Is 56: 1, 6-7; Rm 11: 13-15, 29-32; Mt 15: 21-28

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A dâng hiến một chủ đề chung: đón tiếp muôn dân nước, bất cứ những ai bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Is 56: 1, 6-7
Bài Đọc I là sứ điệp loan báo ơn cứu độ phổ quát: mời gọi cộng đoàn Giê-ru-sa-lem đón nhận vào lòng cộng đoàn mình những kiều cư tôn kính Thiên Chúa Ít-ra-en.

Rm 11: 13-15, 29-32
Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc lại rằng ngài là Tông Đồ dân ngoại: vì dân Do thái từ chối nên lời loan báo cứu độ được gởi đến cho muôn dân.

Mt 15: 21-28
Đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tường thuật câu chuyện người đàn bà xứ Ca-na-an. Cuối cùng, Đức Giê-su đáp trả lời khẩn cầu kiên vững nhưng khiêm tốn của người đàn bà ngoại giáo nầy và ca ngợi đức tin của bà.

BÀI ĐỌC I (Is 56: 1, 6-7)
Đoạn trích nầy mở ra phần thứ ba của sách I-sai-a. Phần nầy, xét toàn bộ, được gán cho vị ngôn sứ biệt danh là I-sai-a đệ tam (ch. 56-66), vì người ta không biết tên ông. Cũng như vị tiền nhiệm của ông, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55) kín đáo ẩn mình dưới danh nghĩa của vị ngôn sứ I-sai-a vĩ đại, được gọi là I-si-a đệ nhất (ch. 1-39).

Ngôn sứ I-sai-a đệ tam thực hiện sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem, trong những thập niên sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về, và nhất là vào thời kỳ tái thiết Đền Thờ (521-515 tCn).

Ngay đầu tác phẩm của mình, vị ngôn sứ công bố sứ điệp phổ quát của ơn cứu độ.

1. Những kiều cư.
Chắc chắn vào lúc nầy có một số lượng khá lớn ngoại kiều ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Chúng ta nghĩ đến những ngoại bang đã đến định cư ở đây trong khi một phần dân cư bị đưa đi lưu đày tại Ba-by-lon.

Đối với kiều cư được gọi là gérim, tức là những ngoại kiều đến định cư lập nghiệp dài lâu trên đất Do thái, luật dự kiến một quy chế thuận lợi; họ được hưởng một số quyền lợi được luật qui định. Sách Lê-vi đồng hoá họ với “những người thân cận” và đòi hỏi phải “yêu thương họ như chính mình” (Lv 19: 33-34).

Vì thế, “nhân danh đức công chính và điều chính trực”, vị ngôn sứ tố cáo những kỳ thị đối với những kiều cư này:
“Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực,
thực thi điều công minh, vì ơn cứu độ của chúng ta đã gần tới,
và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ” (Is 56: 1)
 Diễn ngữ: “Vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới”, muốn nói rằng Đức Chúa sẵn sàng can thiệp bởi vì Ngài là Đấng bảo vệ những người đơn côi yếu hèn.
 
2. Yêu mến Thánh Danh.
Ngôn sứ liệt kê những điều kiện khái quát về việc đón nhận những kiều cư vào lòng cộng đoàn Ít-ra-en:
“Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa
để phụng sự và yêu mến Thánh Danh,
cũng trở nên tôi tớ của Người ” (56: 6).

Theo văn hóa Do thái, tên chính là người mang tên ấy, vì thế, “Yêu mến Thánh Danh” không gì khác là “yêu mến chính Thiên Chúa”. Kiểu nói: “Yêu mến Thánh Danh” không gặp thấy nơi nào khác ngoài đoạn văn Cựu Ước nầy. Nhưng thật có ý nghĩa khi vị ngôn sứ đòi hỏi trước tiên lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Kiểu nói: “Để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh” không phân biệt các tín hữu thuộc bất kỳ tôn giáo nào, miễn là có lòng yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Kiểu nói: “tôi tớ”, chỉ chung các tín hữu.

“Hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm”: Điểm nhấn được đặt trên “ngày sa-bát” rất có ý nghĩa. Trong thời lưu đày, việc tuân giữ ngày sa-bát đã mang lấy một tầm quan trọng lớn lao. Ngày sa-bát đã trở nên dấu chỉ biệt phân, qua đó người Do thái bị tản mác ở giữa dân ngoại khẳng định căn tính của mình.

“Cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta”: Câu nầy tóm gọn những đòi hỏi ở trên. Trong số những đòi hỏi nầy, phép cắt bì không được kể ra. Vả lại, phép cắt bì chỉ đòi hỏi những tân tòng, tức là những ai muốn trở thành dân Chúa chọn, chứ không “những người kính sợ Thiên Chúa”, tức là những người có thiện cảm với Do thái giáo. Sau này, thánh Phê-rô công bố chiều kích phổ quát tại nhà viên quan chức Rô-ma, ông Co-nê-li-ô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10: 34-35).

3. Sứ điệp phổ quát.
Nhân danh Đức Chúa, vị ngôn sứ công bố: Phục hồi quyền lợi của những kiều cư, tháp nhập họ vào dân Thiên Chúa là sáng kiến của Thiên Chúa:
“Đều được Ta dẫn lên Núi Thánh,
và cho hân hoan nơi nhà cầu nguyện của Ta” (56: 7)
Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp thấy niềm vui được phụng thờ Thiên Chúa. Các “Thánh Vịnh lên đền” đều ca ngợi tâm tình hân hoan tôn giáo nầy, ví dụ như Thánh Vịnh 43:
“Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa,
tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con” (Tv 43: 4).
Vị ngôn sứ loan báo rằng mọi hiến lễ mà muôn dân dâng lên trên bàn thờ Thiên Chúa đều được Ngài chấp nhận:
“Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận,
những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”:

Đây là biểu thức có cung giọng đặc biệt, một trong những cung giọng mang chiều kích phổ quát nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giê-su sẽ lập lại biểu thức nầy khi Ngài đuổi những người buôn bán súc vật để làm hiến lễ và những người đổi tiền ra khỏi Đền thờ, nơi lương dân mong ước đến cầu nguyện với Thiên Chúa Ít-ra-en. Hành vi của Đức Giê-su không chỉ muốn nói rằng tất cả những gì làm tục hóa Đền Thờ rồi sẽ sớm biến mất, nhưng nơi thánh thiêng nầy phải được dành cho mọi dân tộc.

BÀI ĐỌC II (Rm 11: 13-15, 29-33)

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma hôm nay hòa hợp với các bài đọc khác của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy: cả ba bài đọc đều nói về việc rộng mở cửa đón nhận muôn dân.

Việc rộng mở cửa đón nhận muôn dân nầy càng cần thiết hơn khi dân Do thái, nói chung, cố chấp trong sự mù quáng của mình. Đó là nguyên do ưu phiền của thánh Phao-lô. Thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu Rô-ma, những người xuất thân từ ngoại giáo: “Tôi xin nói với anh em là những người gốc dân ngoại.”

Thánh Phao-lô tự đặt mình lần lượt vào trong hai viễn cảnh: viễn cảnh của chính ngài, vị Tông Đồ dân ngoại, và viễn cảnh của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.

1. Viễn cảnh của vị Tông Đồ dân ngoại.
Khi mới đọc đoạn thư này lần đầu, chúng ta có thể nghĩ rằng thánh Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ tông đồ dân ngoại với một hậu ý: để sinh lòng ghen tức ở nơi đồng bào của mình trước việc dân ngoại mỗi ngày mỗi đông đúc được dự phần vào kế hoạch của Thiên Chúa, thay thế cho dân Chúa chọn. Chắc chắn đây không là mục đích hàng đầu trong hoạt động truyền giáo của thánh nhân, nhưng chỉ là ý định kèm theo của thánh nhân. Ở đây thánh nhân bày tỏ nỗi lòng của mình: ơn cứu độ của dân Ít-ra-en ám ảnh thánh nhân. “Một ích người” mà thánh nhân mong muốn cảm hóa đức tin của họ, xem ra như mầm mống và bảo chứng cho cuộc hoán cải của tất cả những người khác.

Nếu việc dân Do thái bị gạt ra ngoài đã là cơ hội cho thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, tức là cuộc hoán cải của dân ngoại, giai đoạn đầu tiên của ơn cứu độ phổ quát cho muôn người, thì giai đoạn thứ hai sẽ là tuyệt vời biết mấy, khi toàn thể dân Ít-ra-en tái sáp nhập vào cộng đồng tin: đó sẽ được ví như các vong nhân sống lại từ cõi chết.

2. Viễn cảnh của Thiên Chúa đầy lòng xót thương.
Đối với vị Tông Đồ dân ngoại, Thiên Chúa không thể bỏ rơi dân riêng của Ngài: ân ban và ơn gọi bất khả đổi thay. Cả dân ngoại lẫn dân Do thái đều đã “không vâng phục Thiên Chúa”. Ở đầu bức thư của mình, thánh nhân đã cho thấy rằng dân ngoại đã đón nhận đủ ánh sáng ngõ hầu cư xử với nhau một cách chính trực và từ tâm, nhưng họ đã lún sâu vào sự bất chính và thờ ngẫu tượng, theo nghĩa nầy, họ đã không vâng phục Thiên Chúa. Dân Do thái, đến giờ Thiên Sai, đã không thấy ánh sáng, đến phiên mình họ cũng đã không vâng phục Thiên Chúa.

Vị Tông Đồ thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc bất phục tùng của dân Ít-ra-en và sự hoán cải của dân ngoại. Chắc chắn đây là quan hệ nhân quả lịch sử. Trước việc người Do thái chống đối có hệ thống, thánh Phao-lô, Ba-na-ba và các tông đồ khác đã cương quyết quay về phía dân ngoại. Nhưng, còn sâu xa hơn, thánh nhân cho thấy mối quan hệ nhân quả thuộc trật tự tâm lý trong ý định Thiên Chúa. Lúc đó, theo thể loại đối xứng đặc thù Sê-mít, thánh nhân mô tả chuyển động kép của lòng Chúa xót thương: lòng xót thương mà dân ngoại đã có được khi trở về cùng Thiên Chúa, lòng xót thương mà dân Ít-ra-en sẽ được hưởng khi trở lại cùng Thiên Chúa. Cuối cùng, thánh nhân tóm lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trong một biểu thức thấm thía: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

TIN MỪNG ( Mt 15: 21-28)

Câu chuyện người đàn bà xứ Ca-na-an được định vị trong bối cảnh đặc thù: kể từ phép lạ hóa bánh ra nhiều và việc đám đông dân chúng không nhận ra sứ điệp của Ngài, Đức Giê-su đã quyết định hướng sứ vụ của mình hơn nữa về việc đào tạo các môn đệ của mình. Vì thế, “Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn”. Lúc này, Ngài đang ở miền đất dân ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới phân chia giữa miền Ga-li-lê và xứ Phê-ni-xi, xa khỏi đám đông Do thái và những luật sĩ, những người đã đặt ra nhiều câu hỏi để quấy nhiểu Ngài. Trong bầu khí yên tỉnh của miền đất dân ngoại này, Ngài dành hết thời gian cho các môn đệ mà Ngài muốn chuẩn bị sứ mạng tương lai của họ.

1. Sự xuất hiện của một người đàn bà xứ Ca-na-an:
“Thì nầy có một người đàn bà xứ Ca-na-an…”. Ca-na-an là tên cổ xưa của Phê-ni-xi, như trong cùng một câu chuyện thánh Mác-cô xác định rõ nguồn gốc của người phụ nữ này: “Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri” (Mc 7: 26). Khi sử dụng kiểu nói: “người đàn bà Ca-na-an”, thánh Mát-thêu không quan tâm đến tên gọi cổ xưa, nhưng gợi lên quá khứ thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Ít-ra-en, cũng như thánh Gioan nói “người đàn bà Sa-ma-ri” để hàm chứa ở nơi tên gọi nầy những ký ức thù nghịch không đội trời chung giữa hai dân tộc nầy (Ga 4: 9). Thêm nữa, khi nói “người đàn bà Ca-na-an”, thánh Mát-thêu muốn khẳng định rằng bà không phải dân Do thái đến lập nghiệp ở đây, nhưng thật sự là dân ngoại.

Người đàn bà Ca-na-an trước đây đã nghe nói về Đức Giê-su. Vì thế, khi nghe biết Đức Giê-su hiện đang có mặt ở trong miền, bà đến khẩn khoản van xin Ngài, không phải cho bà nhưng cho đứa con gái bệnh hoạn khốn khổ của bà: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rũ lòng thương tôi! Đức con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”. Bengel đã nói về bà: “Bà đã xem nỗi bất hạnh của con bà như của chính bà”. Còn William Barclay thì xoáy sâu vào tình mẫu tử ở nơi người đàn bà ngoại giáo nầy: “Chính bởi tình yêu khiến bà đến gần người ngoại quốc nầy, chính tình yêu khiến bà cam chịu sự nín lặng, lạnh nhạt của Ngài mà vẫn tiếp tục kêu xin, chính tình yêu mà bà cam chịu đau khổ vì lời từ chối tàn nhẫn, chính tình yêu mà đã khiến bà có thể thấy được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Chúa Giê-su”.[1]
Khi đặt trên môi miệng của người phụ nữ ngoại giáo này lời khẩn cầu với tước hiệu thiên sai đặc thù của dân Do thái: “Lạy Ngài (kurie) là Con vua Đa-vít”, phải chăng thánh Mát-thêu muốn nhấn mạnh sự bạo dạn của người đàn bà Ca-na-an nầy? Hay đúng hơn thánh nhân muốn ghi nhận ở nơi người đàn bà nầy một tấm lòng tin tưởng không hề lay chuyển ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu? Chúng ta lưu ý rằng trong câu chuyện này những lời khẩn cầu của người phụ nữ nầy vang lên cung giọng phụng vụ: “Lạy Ngài (“Kurie”) là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”, “Lạy Ngài (“Kurie”), xin cứu giúp tôi!”, như “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con” (“Kyrie Eleison”).

Với lời khẩn cầu này, thánh Mát-thêu chuẩn bị cho chúng ta tham dự vào chiều kích vĩ đại trong phần tiếp theo của câu chuyện.

2. Thái độ thinh lặng kỳ lạ của Đức Giê-su.
Để khơi dậy đức tin ở nơi người đàn bà xứ Ca-na-an, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm có thể được gọi phương pháp thử thách. Phương pháp nầy bao gồm hai giai đoạn: trước hết, thinh lặng: “Người không đáp một lời nào”; đoạn, từ chối thẳng thừng. Người đàn bà vẫn bám riết theo Ngài mà kêu xin đến mức các môn đệ cảm thấy động lòng nên xin Đức Giê-su: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”.

3. Một đức tin trải qua thử thách.
Đức Giê-su đáp lại các ông bằng lời từ chối thẳng thừng, nhưng thật ra Ngài muốn người đàn bà nghe được: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi”. Vào lúc sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo, Đức Giê-su đã chỉ thị cho họ theo cùng một cách như vậy: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (Mt 10: 5-6).

Quả thật, Đức Giê-su đặt ưu tiên “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” cho sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã động lòng xót thương trước lời khẩn cầu của viên quan ngoại giáo tại Ca-pha-na-um cho người đầy tớ đau nặng. Có biết bao nhiêu việc tương tự như thế giữa câu chuyện của viên quan ngoại giáo và câu chuyện người đàn bà Ca-na-an. Ngài không đóng kín lòng mình đối với dân ngoại. Họ là hoa trái đầu mùa sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, đó là thời gian của các môn đệ Ngài, các ngài sẽ thực hiện tất cả mọi chiều kích rộng mở cho muôn dân nước.

Lời từ chối thẳng thừng của Đức Giê-su cũng không làm cho người phụ nữ này nao núng, bà đến sụp lạy mà van xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Đức Giê-su đáp lại cách dứt khoát khi viện dẫn rằng bà không thuộc dân của Ngài: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dân Do thái thường khinh bỉ dân ngoại là “Đồ lũ chó dân ngoại”. Tuy nhiên, trong lời nói của Đức Giê-su “lũ chó con” từ Hy lạp Kunaria gợi lên chó nuôi trong nhà, là con vật cưng đối lập với chó hoang lang thang kiếm ăn ngoài đường. Vì thế, thánh Mác-cô, trong cùng một câu chuyện, đặt hoạt cảnh nầy “vào trong một nhà nọ” (Mc 7: 24). Câu trả lời của Đức Giê-su và câu đáp trả của người đàn bà rất đối xứng với nhau theo từng từ và được định vị vào bối cảnh trong nhà: bánh, chó con, bàn ăn, những mảnh vụn.

4. Niềm tin kiên vững nhưng khiêm tốn của người đàn bà Ca-na-an.
Người đàn bà Ca-na-an trả lời với tất cả tấm lòng khiêm cung của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà nhìn nhận rằng sứ điệp của Đức Giê-su gởi đến ưu tiên cho dân Do thái và tất cả phép lạ Ngài đã thực hiện trước hết trên quê hương của Ngài: “Thưa Ngài, đúng thế”. Nhưng với một trực giác tuyệt vời, bà tin rằng lòng Chúa xót thương chắc hẳn vượt ra bên ngoài dân Do thái, vì thế, bà cũng có thể đón nhận những mảnh vụn của lòng Chúa xót thương.

Đức Giê-su thán phục đức tin của người đàn bà Ca-na-an như Ngài đã thán phục đức tin của viên quan ngoại giáo. Vì thế, Ngài nhận lời khẩn cầu của bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”.

5. Dấu chỉ của bánh.
Trong cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ ngoại giáo này, từ “bánh” được lập đi lập cả trong lời tuyên bố của Đức Giê-su lẫn trong lời đáp trả của bà. Thật khó mà nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Theo lời Đức Giê-su, bánh trước hết được dành riêng cho “con cái”, nghĩa là cho dân Do thái, dân Chúa chọn, đám đông nầy mà Đức Giê-su đã nuôi ăn no nê bằng bánh vật chất, nhưng tiên báo bánh siêu nhiên, như bánh man-na trong sa mạc loan báo những thiện hảo của thời thiên sai.

Từ bánh nầy mà người đàn bà xứ Ca-na-an đã đón nhận những mảnh vụn. Bà đã nhận được bảo chứng của những phúc lộc Nước Trời mà các môn đệ sau biến cố Phục Sinh nhận được chỉ thị phân phát trọn vẹn cho muôn dân. Thật có ý nghĩa biết bao, sau câu chuyện này, thánh Mát-thêu kể cho chúng ta câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” lần thứ hai cho đám đông dân chúng trong vùng đất ngoại giáo này (Mt 15: 32-39).
 

[1] W. BARCLAY, The Gospel of Matthew, bản dịch tiếng Việt tập, nhà xuất bản Đức Bà Hòa Bình, tập II, tr. 100.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông