LỄ CHÚA BA NGÔI
- Thứ hai - 10/06/2019 22:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mặc khải “Một Chúa Ba Ngôi” không thuộc về Cựu Ước. Cựu Ước quan tâm đặc biệt đến việc gìn giữ sự tinh tuyền Một Chúa vốn không ngừng bị đe dọa bởi ảnh hưởng của các tôn giáo đa thần chung quanh. Tuy vậy, Cựu Ước để cho thoáng thấy vài linh cảm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhất là trong các sách Cựu Ước muộn thời: tầm quan trọng được ban cho Chúa Thánh Thần, kiểu nhân cách hóa tiệm tiến của Lời, đoạn của Đức Khôn Ngoan thần linh.
Chính Ngôi Lời làm người đã mặc khải Chúa Cha và Thánh Thần, và sự hiệp nhất của hai Ngôi Vị này với Chúa Con trong một sự hiệp thông tròn đầy tình yêu, một sự tuôn tràn liên tục, một trao đổi thường hằng, vì bản chất Thiên Chúa vốn là tận hiến cho nhau. Chính nhờ sự tận hiến này: tình yêu hiến tế của Chúa Con và sự sai phái của Chúa Thánh Thần, mà con người được dự phần vào đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Như vậy mặc khải Một Chúa Ba Ngôi là một dữ kiện đặc trưng của Ki-tô Giáo biệt phân với các tôn giáo độc thần khác như Do Thái Giáo và Hồi Giáo.
Cn 8: 23-31
Trong bản văn của sách Châm Ngôn, Đức Khôn Ngoan nói về sự hiện diện của Ngài bên cạnh Chúa Cha ngay từ trước và suốt công trình sáng tạo. Đây là một trực giác về một cuộc sống trao đổi ở giữa lòng của chính Thiên Chúa.
Rm 5: 1-5
Trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô phác họa việc Ba Ngôi Thiên Chúa tham dự vào công trình cứu độ loài người, dưới ba viễn cảnh: đức tin, đức cậy và đức mến.
Ga 16: 12-15
Tin Mừng được trích từ Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su theo thánh Gioan. Chúa Giê-su hứa với các môn đệ Ngài rằng Thần Khí Sự Thật sẽ được sai đến để dẫn dắt các ông tới sự thật toàn vẹn về Ngài và Cha Ngài.
BÀI ĐỌC I (Cn 8: 22-31)
Sách Châm Ngôn cùng với sách Gióp, sách Giảng Viên, sách Khôn Ngoan và sách Huấn Ca hình thành nên bộ sách minh triết Cựu Ước. Sách này được sáng tác như một bức tranh khảm được đính với những câu châm ngôn thuộc niên biểu và nguồn gốc khác nhau. Sách được đặt dưới sự bảo hộ của vua Sa-lô-mon (“Những Châm Ngôn của vua Sa-lô-mon”), một vị vua nổi tiếng là khôn ngoan và được truyền tụng là ngâm tới ba ngàn câu thơ (1V 5: 12).
Chương 8 và chương 9 của sách Châm Ngôn hình thành nên một phân đoạn được dâng hiến cho Đức Khôn Ngoan thần linh. Đức Khôn Ngoan này được nhân cách hóa lần đầu tiên và sẽ được lấy lại bởi hai tác giả thuộc trào lưu minh triết sau này, đặc biệt bởi hiền nhân Si-rác (thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên) và tác giả sách Khôn Ngoan (thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên). Kiểu nhân cách hóa này thật ra vẫn mang tính chất thi ca và văn chương, nhưng mở ra những viễn cảnh về những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Đức Khôn Ngoan của Ngài và vén mở một sự linh cảm về một cuộc sống nội tại ở nơi Thiên Chúa, chuẩn bị xa cho mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi Vị.
1. Ở bên Thiên Chúa, từ nguyên thủy:
“Chúa đã dựng nên tôi như tác phẩm đầu tay, trước những công trình của Người, thời xa xưa nhất”. Như vậy, Đức Khôn Ngoan có nguồn gốc từ thuở xa xưa nhất. Tác giả thích nhấn mạnh Đức Khôn Ngoan có trước mọi công trình sáng tạo và hiện diện trong khi công cuộc tạo dựng đang diễn tiến. Dường như tác giả gợi ra rằng chính nhờ sự hiện diện của Đức Khôn Ngoan mà vũ trụ xuất đầu lộ diện từ sự hỗn mang, được tổ chức, được phân định ranh giới và được đặt nền móng vững chắc. Đức Khôn Ngoan có mặt ở đó, bên cạnh Thiên Chúa, như một “tay thợ cả”.
2. Hiện diện giữa loài người:
Đức Khôn Ngoan gặp thấy niềm vui thú của mình là ở bên cạnh Thiên Chúa và vui mừng về công trình sáng tạo; nhưng Ngài cũng vui chơi trên mặt đất và vui thích ở giữa phàm nhân.
Ở đây, thi ca xem ra lấn át tư tưởng thần học. Hài Nhi Thần Linh thật đáng yêu và vui tươi, Ngài muốn rời bỏ cuộc sống thân cận với Thiên Chúa để vui chơi giữa loài người. Tuy nhiên, sức quyến rũ của bức tranh vẫn là mang tính gợi ý: một Đấng từ Thiên Chúa mà đến, rất thân thiết với Thiên Chúa và vui thích được ở với loài người… Đó không phải là một linh cảm xa về Mầu Nhiệm Nhập Thể sao?
3. Nguồn mạch Thần Học về Ba Ngôi Thiên Chúa:
Chúng ta ở tận nguồn mạch Thần Học về Ba Ngôi Thiên Chúa. Những đường nét của Đức Khôn Ngoan chủ yếu được áp dụng cho Ngôi Hai, Ngôi Lời, vừa là lời vừa là khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã viết trong Tựa Ngôn như vậy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”.
Trong thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-xê, bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô, thủ lãnh hoàn vũ, được gợi hứng trực tiếp bởi những câu đầu tiên của sách Châm Ngôn: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1: 15-17).
BÀI ĐỌC II (Rm 5: 1-5)
Chủ đề căn bản của thư gởi tín hữu Rô-ma là ơn cứu độ mà Đức Ki-tô đem đến cho loài người, ơn cứu độ này không là phần thưởng nhưng là ân sủng.
Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay được trích từ chương 5, chương cấu thành bản lề giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của bức thư. Phần thứ nhất xoay quanh đức tin, đối lập với Lề Luật, phần thứ hai nhắm đến cuộc sống Ki-tô hữu được ân sủng làm sinh động, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Phần dẫn nhập (5: 1-5) trình bày một tổng đề nhỏ về công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong những viễn cảnh đức tin, đức cậy và đức mến.
1. Chúa Cha và lời đáp trả của đức tin:
“Chúng ta được nên công chính nhờ đức tin”. Câu mở đầu này thiết lập mối liên hệ với phần thứ nhất và tóm tắt phần thứ nhất này. Chính nhờ đức tin mà Thiên Chúa cho chúng ta được dự phần vào sự công chính của Người, nghĩa là cho chúng ta được nên thánh, chứ không nhờ công trạng của mình để mà chúng ta đừng tự cao tự đại. Nhờ đó, Người đem đến cho chúng ta sự bình an. Thánh Phao-lô luôn luôn bắt nguồn từ Chúa Cha, căn nguyên của ơn cứu độ.
2. Chúa Con và con đường hy vọng:
Chính Chúa Con đã thay thế kỷ nguyên của Lề Luật bằng thời kỳ ân sủng và đã mở ra nguồn hy vọng: “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1: 17). Vì thế, từ nay “chúng ta tự hào vì được trông đợi hưởng vinh quang với Thiên Chúa”. Ở đây, thánh Phao-lô dùng từ “tự hào” theo nghĩa “hãnh diện”, chứ không còn theo nghĩa “tự mãn” như trước đó.
Người Ki-tô hữu phải nuôi dưỡng niềm hy vọng lớn lao này, thậm chí càng phải kiên cường hơn nữa khi gặp gian truân. Chúng ta nhận ra biện chứng mạnh-yếu, rất tâm đắc với thánh nhân: ai càng yếu hèn, Thiên Chúa càng bày tỏ quyền năng của Người ở nơi người ấy. Từ ngữ “gian truân” thường nhất chỉ những phiền nhiễu mà người công chính phải chịu đựng vì niềm tin của mình. Tuy nhiên ở đây, từ ngữ này xem ra có nghĩa rộng hơn, những gian nan thử thách thời hiện tại, những gian truân này rèn luyện đức trung kiên và như vậy trắc nghiệm giá trị đức tin của chúng ta. Vì đức tin của chúng ta là nguồn hy vọng không hề mai một. Thư thánh Gia-cô-bê cũng diễn tả theo cùng một ý nghĩa: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1: 2-3). Trước đó, thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4: 17).
3. Thánh Thần và sự tuôn tràn tình yêu:
Bảo chứng cho niềm hy vọng của chúng ta là tác động của Chúa Thánh Thần “Đấng tuôn tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta”. Bản văn này là lời khẳng định rõ nét nhất trong toàn bộ Tân Ước về mối liên hệ giữa tình yêu và Thánh Thần. Đây cốt là tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Vào lúc chúng ta lãnh nhận phép Rửa, tình yêu này tháp nhập chúng ta vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, Thánh Thần tuôn đổ tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta. Động từ Hy-lạp được sử dụng ở đây gợi lên sự tràn bờ, như nước tuôn trào đến mức vật chứa không thể chứa hết được. Trong Kinh Thánh, hình ảnh “nước” là một trong những biểu tượng về Thánh Thần. Khi loan báo ân ban Thánh Thần cho người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Giê-su sánh ví với “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4: 14).
TIN MỪNG (Ga 16: 12-15)
Những lời tâm sự của Đức Giê-su dành cho những bạn hữu chí thiết của Ngài trong Diễn Từ Cáo Biệt cung cấp những ánh sáng rõ ràng nhất mà chúng ta có được về đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, thậm chí ở giữa lòng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chắc chắn, những tác giả Cựu Ước đã có vài linh cảm về đời sống quan hệ của Thiên Chúa; tiếp đó, kinh nghiệm của Giáo Hội cho phép hiểu biết hơn chức năng của Ngôi Ba mầu nhiệm.
Chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể vén mở đời sống thâm sâu của Thiên Chúa. Với các môn đệ, Ngài đã mặc khải Chúa Cha và Ngài đã không ngừng định vị chân tính của chính Ngài trong mối quan hệ với Chúa Cha. Ngoài ra, Đức Giê-su đã không thể mặc khải Chúa Cha mà đồng thời không mặc khải Chúa Thánh Thần, Đấng được liên kết cả với Chúa Cha lẫn Chúa Con, trong một tình yêu tận hiến cho nhau giữa Ba Ngôi Vị.
Tin Mừng Gioan trao gởi cho chúng ta một cách phong phú nhất những lời tâm sự này của Đức Giê-su, đặc biệt trong Diễn Từ Cáo Biệt. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích từ diễn từ này.
1. Ân ban sức mạnh:
“Thầy có nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Các Tông Đồ đang trong tâm trạng buồn phiền và xao xuyến. Đức Giê-su đã loan báo cho họ cái chết sắp đến của Ngài, nhưng họ không thể lường được chiều kích rộng lớn của tấn thảm kịch sắp giáng xuống trên Thầy mình và làm cho chính họ xáo động sâu xa. Đức Giê-su biết sự yếu đuối của họ, những khó khăn mà họ gặp phải để hiểu mầu nhiệm về con người và vận mệnh đau khổ của Ngài. Ngài giữ thinh lặng về những viễn cảnh này hiện nay quá sức chịu đựng của các ông. Trước đó, Ngài đã hứa với các ông một Đấng Bảo Trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận” (Ga 14: 16-17); bây giờ Ngài lập lại cho họ lời hứa này.
2. Thần Khí Sự Thật:
“Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn diện”. Thánh Thần sẽ giúp các Tông Đồ hiểu biết sâu xa giáo huấn mà họ đã nhận được, sẽ giúp họ khám phá những khía cạnh của giáo huấn mà vào lúc này họ vẫn chưa có thể hiểu được. Sẽ không có mặc khải mới, nhưng Mặc Khải của Chúa Giê-su được đào sâu, được minh giải, nhờ Chúa Thánh Thần, ánh sáng nội tâm ở với họ.
“Ngài sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”, tức là những thành quả của cuộc Thương Khó và Tử Nạn mà Đức Giê-su sắp phải chịu, cũng như sự Phục Sinh của Ngài. Thuở xưa, Thánh Thần đã nói qua các ngôn sứ, bây giờ chính Giáo Hội sẽ bảo quản những lời hứa cứu độ, phân phát những ân phúc Cứu Độ mà Giáo Hội sẽ phải loan truyền và phát triển cho đến tận thế.
“Người sẽ tôn vinh Thầy”. Thánh Thần sẽ làm cho sự thật của Đức Giê-su được sáng tỏ, sẽ phục hồi danh dự của Đấng Công Chính bị kết án cách bất công, sẽ làm cho nhận biết vinh quang mà Chúa Con đã nhận được bên cạnh Chúa Cha.
3. Vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa và sự duy nhất của Mặc Khải:
“Người không tự mình nói điều gì… Người sẽ lấy những gì của Thầy… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy…”. Những ngôn từ này để cho thoáng thấy những mối liên hệ vừa hiệp nhất vừa khác biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng Gioan này là một trong những đoạn văn mà việc soạn thảo thần học Ba Ngôi dựa vào. Đối mặt với các lạc giáo, Giáo Hội buộc phải xác định, phát biểu và định nghĩa niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi được cô động trong Kinh Tin Kính. Chúng ta biết rằng suốt nhiều thế kỷ, những cuộc tranh cãi nổ ra giữa Tây Phương và Đông Phương về vấn đề là phải chăng Thánh Thần nhiệm xuất “duy nhất từ Chúa Cha”, hay “từ Chúa Cha qua Chúa Con”, hay “cả từ Chúa Cha lẫn từ Chúa Con”. Đây là cuộc tranh cãi nổi tiếng về “filioque”. Các Giáo Hội Đông Phương từ chối biểu thức “và từ Chúa Con” vì sợ rằng việc quy chiếu đến cả Chúa Cha lẫn Chúa Con khiến cho nghĩ rằng có hai căn nguyên trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua biểu thức này, Giáo Hội Tây Phương muốn diễn tả rằng không thể có được sự đổ tràn ân ban Thánh Thần nếu không có sự trung gian của Chúa Con.
Ngôn ngữ phàm nhân chỉ là một cách thức tiếp cận mầu nhiệm. Dù thế nào, Đông Phương cũng như Tây Phương đều không nghĩ đến việc đặt sự hơn kém giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: sự duy nhất của Ba Ngôi thì hoàn toàn, và sự ngang bằng của Ba Ngôi thì tuyệt đối.