NHÀ THẦN BÍ THẬP GIÁ
- Thứ bảy - 03/11/2018 05:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đọc câu chuyện cuộc đời của Đức Cha Lambert trong nhiều sử sách khác nhau, người ta thấy cách rõ ràng rằng vị Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá được ơn yêu mến Thập Giá Chúa Kitô cách đặc biệt. Ơn này không phải bộc phát với ý tưởng thành lập Dòng Mến Thánh Giá khi ngài đang thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại miền truyền giáo xa xôi Á Châu, nhưng là sự nhạy bén thiêng liêng của một tâm hồn được Thiên Chúa khơi gợi, thúc dục và ấp ủ trong lòng ngay từ thuở niên thiếu trong cách sống của một con người yêu mến hy sinh và khổ chế.
Thật vậy, trong một giờ chia sẻ Đức Cha Lambert đã hồi tưởng lại cuộc đời mình như sau: «Tôi nhớ lại một chuyện đã tác động mạnh trên tôi và làm tôi cứ băn khoăn, chuyện đó xảy ra lúc tôi khoảng chín tuổi, trong thành phố nơi tôi sinh ra. Khi đó tôi đang suy nghĩ xem tôi có thể đi tu dòng không, nhưng không dòng tu nào thu hút tôi cả vì tôi thấy các tu sĩ không có một đời sống gương mẫu đủ. Nhưng một mẫu tu sĩ khác xuất hiện trong tâm trí tôi, làm tôi thích và muốn gia nhập, đó là các tu sĩ Yêu Mến Thánh Giá. Tôi thấy đời sống của họ rất đáng khâm phục, đến nỗi nếu gặp được họ ở đâu, tôi sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để gia nhập. Nhưng tiếc thay, không có dòng đó, nên từ đấy, tôi hết muốn đi tu dòng, mặc dầu vẫn còn rất quý trọng các cộng đoàn trung tín với đời sống thanh khiết của tu hội, tôi coi các tu viện như là những vườn ươm của thiên đàng»[1].
Đọc những dòng tâm sự của Vị Đại Diện Tông Tòa vùng truyền giáo Đàng Trong, có lẽ có ai đó sẽ nghĩ rằng nơi ngài có chút gì đó cao ngạo. Bởi lẽ đời sống tu trì Kitô giáo khai sinh ngay trong dòng lịch sử của Giáo Hội, biết bao người đã hiến thân trọn vẹn cho Đức Kitô ngay từ những thế kỷ đầu, từ lối sống đan tu cho đến hoạt động tông đồ thừa sai, phục vụ người nghèo, dấn thân trong việc giáo dục như Basilio Cả, Biển Đức, Bernado, Đaminh, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, Phanxico, Inhaxio Loyola… Biết bao vị đã viết nên trang sử đẹp và hào hùng của Giáo Hội sao ngài lại nói “không dòng tu nào thu hút tôi cả” mà lại nghĩ đến một dòng của những người “Yêu Mến Thánh Giá”?
Để hiểu được phần nào tâm hồn đầy bí ẩn này đang khắc khoải tìm kiếm cho mình con đường theo Chúa, có lẽ nên quay ngược thời gian đến với hoàn cảnh xã hội cũng như tôn giáo vào thế kỷ XVII, lúc cậu bé Lambert được sinh ra, lớn lên và tìm hướng đi cho đời mình.
“Thế kỷ XVII là một thế kỷ chuyên chế, các vua chúa Công Giáo hay Tin Lành đều muốn nắm lấy quyền hành tuyệt đối trong mọi lãnh vực gồm cả lãnh vực tôn giáo. Họ dùng tôn giáo như khí cụ mục đích chính trị”[2]. Còn đời sống Giáo Hội được mô tả như sau: «Tình hình nước Pháp thế kỷ XVII tồi tệ. […] Giáo Hội bị giao động kinh khủng. Làng mạc thôn xóm ngày càng giải hóa (mất chất Kitô giáo) vì không ai màng đến việc truyền giáo. Người dân không còn nghĩ đến tôn giáo. Họ lăn xả vào mê tín dị đoan và ngành ảo thuật phù thủy bành trướng mạnh mẽ. Hàng giáo sĩ rất tồi tệ, lười biếng và đôi khi trụy lạc. Vấn đề đào tạo giáo sĩ mang tính khẩn cấp không thể tránh được. Họ sống rất đông trong thành phố, tìm kiếm giàu sang cá nhân. Thánh Vinh Sơn Phaolo viết một số bài lên án gắt gao hàng giáo sĩ dốt nát và tầm thường»[3]. Trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy, Chúa Thánh Thần thổi đến luồng sinh khí mới, vì thế thế kỷ này cũng được mệnh danh “thế kỷ các linh hồn”, nhiều tâm hồn quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc canh tân đời sống theo Tin Mừng của Đức Kitô.
Đức Cha Lambert de la Motte cũng là một trong số những người đã chắt lọc những tinh hoa thiêng liêng của thời đại mình và lội ngược dòng với xu thế của thời đại trong cách sống: hy sinh, điều độ và khổ chế[4]. Chính vì thế, chúng ta thấy nơi ngài một con người với cá tính vừa làm người ta xa lánh vì quá khắc khổ, nghiêm túc, không khoan nhượng, vừa thu hút bởi tính táo bạo, lòng can đảm, khiêm nhường và sức thuyết phục lạ lùng tỏa ra từ con người của ngài[5]. Một con người cương trực không bao giờ nhượng bộ khi cuộc tranh chấp đụng tới quyền hành Tòa Thánh ban cho ngài hay tới tính nghiêm túc của luân lý và những đòi hỏi của đời sống thiêng liêng mà ngài coi là điều kiện thiết yếu, không thể mặc cả được cho sự hiện hữu của truyền giáo[6].
Lối sống này làm cho nhiều người khó chịu, vì dường như lập dị và dàn gở. Thế nhưng, nhìn lại một cách chân thành cuộc đời của các vị thánh, những người khai sinh những đặc sủng mới trong vườn hoa thiêng liêng của Giáo Hội luôn luôn là như thế. Họ thuộc một thế giới khác với những người đường thời và với cả chúng ta hôm nay, họ cảm nhận những điều chúng ta không cảm nhận được và sống một lối sống chúng ta không theo được. Và đặc biệt hơn nữa chính cuộc sống của họ chất vấn lối sống của chúng ta. Phải chăng đây là điều làm cho con người của mọi thời đại khó có thể đón nhận ân sủng Thiên Chúa ban nơi người khác!? Đó cũng là đau khổ, là con đường thập giá của những ai muốn lội ngược dòng để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình. Con đường của những người can đảm mà Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mô tả rằng «Kiên trì quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn của cuộc sống; quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý; vững vàng chiến thắng sự sợ hãi; đương đầu với thử thách và bách hại ngay cả phải hy sinh chính danh dự và mạng sống mình để bảo vệ lẽ phải»[7]. Con đường đó ngày nay các vị lãnh đạo Giáo Hội và những ai yêu mến Luật Thiên Chúa cũng đang đi mỗi ngày.
Chiều kích thần bí của niềm say mê thập giá được bày tỏ cách sâu sắc trong quan niệm “chết vì yêu” của Đức Cha. «Cái chết đó người ta không thấy, nó không diễn ra trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc hằng ngày. Đây là một sự suy yếu từ từ do những chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã bất công, xúc phạm, đấu tranh không cân xứng, thất bại, bệnh hoạn. Nó không đòi những hành động có khí phách nam nhi, nhưng thể hiện trong khả năng vô tận, mà truyền thống coi là của nữ giới. Khả năng chấp thuận và mang trong mình như Đức Trinh Nữ cho thấy trong lời Xin Vâng dứt khoát, Người đã đem lại ơn Cứu Độ cho thế giới trong đau khổ tại hang đá Belem và trên đồi Golgotha»[8].
Quả thật, Đức Cha Lambert đã sớm đón nhận luồng khí mới của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời mình về ơn say mê thập giá. Ngài đã nuôi dưỡng, vun trồng và làm cho nó ngày càng lớn lên, chín mùi và sâu sắc. Tất cả điều đó được bày tỏ trong cả cuộc đời ngài trong một nếp sống kỷ luật, khuôn phép, chừng mực và điều độ ngay từ thuở thiếu thời; ngài không chỉ dấn thân mà còn mở các trung tâm xã hội để đồng hành với những người nghèo khổ bần cùng; ngài đón nhận những khắc nghiệt, thiếu thốn, can đảm sống và bảo vệ giá trị Tin Mừng ngay trong vùng truyền giáo, nơi ngài được trao nhiệm vụ vun trồng và chăm sóc cho đến cuối cuộc đời.
Có lẽ không lời nào đẹp hơn để làm đoạn kết khi nói về Người Cha kính yêu, NHÀ THẦN BÍ THẬP GIÁ của thế kỷ XVII cho bằng lời của tác giả cuốn “Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại”: Linh đạo say mê thập giá này có thể được tóm gọn trong ba thái độ: chấp nhận, từ bỏ, cho đi. Những khái niệm này xác định thái độ nội tâm của Giám Mục Bérythe cùng linh đạo thừa sai của ngài, một linh đạo không luôn luôn được các bạn đồng nghiệp nam giới của ngài dễ dàng chấp nhận, nhưng sẽ nuôi dưỡng trong hơn ba thế kỷ, một lịch sử đầy xáo trộn và đau thương của hàng ngàn nữ tu Mến Thánh Giá[9].
Liệu những người con thiêng liêng của Nhà Thần Bí Thập Giá hôm nay có đủ can đảm để lấy những lời lẽ này rọi soi vào đời sống mình!? Nếu như họ thực hiện điều đó một cách chân thành và nghiêm túc có lẽ họ sẽ phải làm một quyết định tận căn lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico: trở về nguồn để tìm lại lòng trung thành của mình với căn tính và đặc sủng của Đấng Sáng Lập[10].
[1] Louis Lallemant, Doctrine Spirituelle, Paris, Desclée de Brouwer, 1959, tr. 21. Được trích trong Françoise Fauconnet – Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (dịch), Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 50.
[2] LÊ PHÚ HẢI OMI, Lịch sử linh đạo đời sống tu trì, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2013, tr. 379.
[3] Như trên, tr. 380 – 281.
[4] X. Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 49.
[5] Như trên, tr. 37.
[6] X. Như trên, tr. 36.
[7] X. GLHTCG, s.1808, tr. 531.
[8] Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 131.
[9] X. Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, 132.
[10] X. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông thư gởi cho các nam nữ tu sĩ nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, ngày 21. 11. 2014.