CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM VUI
- Thứ bảy - 12/12/2020 04:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng là Chúa Nhật của niềm vui. Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ tìm hiểu niềm vui của chúng ta dựa trên cơ sở nào? nhân chứng của niềm vui là những ai? và chúng ta sống niềm vui cứu độ như thế nào?
1/ Trước hết cơ sở của niềm vui chúng ta là ở đâu?
Niềm vui theo nghĩa thánh kinh, chính là trạng thái của con người được Thiên Chúa đổ đầy Thánh Thần. Trong bài đọc 1, tác giả sách tiên tri I-sai-a xác tín vào ơn gọi ông lãnh nhận từ Thiên Chúa: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa xức dầu tấn phong tôi. Người sai tôi đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn…” Thánh Thần và xức dầu là hai ơn biểu thị ơn gọi được sai đi rao giảng niềm tin cứu độ cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo việc ân xá cho người bị giam giữ, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Trong xã hội Do thái thời xưa, cứ mỗi 49 năm là có 1 năm toàn xá. Trong năm toàn xá này, mọi nô lệ được phóng thích, mọi của cải ruộng vườn bị cầm cố hoặc bán đi sẽ được trả lại cho chủ cũ, mọi người được hoàn toàn nghỉ ngơi trong năm đó. Loan báo hồng ân này quả là một tin vui. Tuy nhiên, tin vui này chỉ là hình ảnh tiên báo một tin vui trọn vẹn và lớn lao được Gioan Tẩy Giả loan báo và được thực hiện nơi Chúa Giê-su Kitô.
Thật vậy, khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giê-su đã đọc cho mọi người nghe đoạn sách tiên tri I-sai-a trên đây trong hội đường Na-da-rét và Người kết luận: “Hôm nay ứng nghiệm lời kinh thánh quí vị vừa nghe”. Và như thế, những gì mà tác giả sách tiên tri I-sai-a đã cảm nhận thì đã được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa Giê-su Kitô: Chúa Giê-su đã được xức dầu Thánh Thần để được sai đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm hồn tan nát, tuyên cáo việc ân xá cho người bị giam giữ, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đây là những quyền căn bản của con người, quyền được sống xứng với nhân phẩm của mình và được tôn trọng, quyền được làm người tự do và bình đẳng. Hơn thế nữa, sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su còn nhằm liên kết mọi người thành con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha. Như thế, niềm vui mà Chúa Giê-su mang lại cho chúng ta chính là niềm vui của người được làm con Thiên Chúa.
2/ Ai là nhân chứng của niềm vui?
Hơn ai hết, phụng vụ chúa nhật 3 mùa vọng giới thiệu cho chúng ta 2 nhân chứng của niềm vui, đó là:
a) Gioan Tẩy Giả: Gioan Tẩy Giả đã xác tín vào ơn giải thoát từ Chúa Giê-su nên ông đã vui mừng làm chứng về Người như sau: “Tôi không phải là đấng Kitô, không phải là Ê-li-a, cũng không phải là tiên tri. Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Gioan Tẩy Giả còn xác quyết hơn vào một dịp khác: “Bạn của chú rễ thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.
b) Đức Trinh nữ Ma-ri-a: Niềm vui ơn cứu độ đã được Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su cảm nhận cách trọn vẹn. Mẹ đã lặp lại niềm vui được loan báo từ thời Cựu Ước và được thực hiện trọn vẹn trong thời Tân Ước qua tâm tình được gói gọn trong kinh Magnìficat: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa là đấng cứu độ tôi…Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầu dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en tôi tớ, bởi vì Người nhớ lại tình thương”.
3/ Sống niềm vui cứu độ như thế nào?
Những gì Cựu Ước loan báo và Tân Ước thực hiện thì đã được tái hiện nơi người tín hữu.
a- Một đàng, nhờ bí tích Rửa tội, người tín hữu đã được hưởng trọn vẹn Tin mừng cứu độ: nhờ ơn Chúa Giê-su cứu độ, người tín hữu được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi làm nô lệ tội lỗi và được làm con Thiên Chúa. Đó là lý do thứ nhất để sống niềm vui.
Tại một thành phố kia có một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Người nào dù đang buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu được xem nghệ sĩ biểu diễn thì thế nào cũng phải bật cười.
Cũng trong thành phố ấy có một bác sĩ tâm lý nổi tiếng chữa được mọi thứ tâm bệnh. Ngày nọ có một người đàn ông lớn tuổi, vẻ mặt buồn rầu đến xin bác sĩ tâm lý tư vấn. Ông ta nói: - Thưa bác sĩ, tôi là một con người bất hạnh. Cuộc đời tôi đầy những sự chán chường. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui lên được không ? Bác sĩ tâm lý liền hỏi: + Thế ông có bị túng thiếu về tiền bạc không ? Ông ta đáp: - - Thú thật, tôi là người thành đạt và khá giầu có. Nhà tâm lý lại hỏi tiếp: + Thế còn gia đình vợ con thì sao ? Ông ta gật đầu thừa nhận: - Tôi có một người vợ đẹp người đẹp nết và mấy đứa con ngoan ngoãn dễ thương.
Sau khi hỏi để biết thêm một số điều khác, viên bác sĩ tâm lý đã đề nghị cho ông kia một giải pháp: + Tôi nghĩ ông nên đến xem các buổi biểu diễn của một nghệ sĩ hài danh tiếng ngay trong thành phố. Chắc chắn ông sẽ cảm thấy cười vui thỏa thích và sẽ không còn buồn nữa.
Nhưng viên bác sĩ rất ngạc nhiên khi nghe thân chủ của mình nói : - Thưa bác sĩ, xin cám ơn bác sĩ. Nhưng... tôi chính là nghệ sĩ hài nổi tiếng trong thành phố mà bác sĩ vừa nói đó!
Câu chuyện nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế đúng như vậy. Một người có biệt tài chọc cười người khác lại là nạn nhân của sự buồn chán. Mặc dù ông ta sở hữu mọi thứ ưu điểm mà mọi người đều mong ước, nhưng do trong lòng không có nguồn vui thì làm sao có thể cảm thấy vui thực sự được ? Niềm vui đích thực chỉ đến từ nơi Thiên Chúa là Tình yêu. Ai yêu thương thực sự thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Chỉ những ai trong lòng chứa đầy tình yêu của Thiên Chúa mới cảm thấy bình an và vui tươi thực sự.
b- Đàng khác, do bí tích Rửa tội và Thêm sức, người tín hữu được xức dầu Thánh Thần để ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho muôn dân. Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta phải là những người loan báo Tin mừng và đem lại niềm vui. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của hân hoan, phó thác. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá, lường gạt, chúng ta phải loan báo tin mừng của lòng chân thật, vị tha. Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn của ích kỷ, nhỏ nhen, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ và cảm thông.
Nếu chúng ta biết sống theo tinh thần trên đây, chúng ta sẽ thấy đời mình có ý nghĩa vì đã gieo rắc những hạt giống của niềm vui ra chung quanh trên mọi nẻo đường đời. Những lời mà thánh Phao-lô cầu chúc cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca trong bài đọc 2, Giáo hội cũng muốn nhắc lại cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta quang lâm”. Amen.