DƯỚI ÂM PHỦ

DƯỚI ÂM PHỦ

Một số nhà thần học đưa ra nền thần học thịnh vượng.
Theo họ, giàu có vật chất là dấu hiệu được Chúa chúc phúc.
Ai có đức tin và đóng góp tiền bạc cho mục đích tôn giáo,
người ấy sẽ trở nên sung túc, khỏe mạnh, thành công.
Nền thần học này đã hấp dẫn nhiều người.
Nếu dựa vào đó để đánh giá hai nhân vật chính
là ông nhà giàu và anh Ladarô trong dụ ngôn,
hẳn ta sẽ kết luận ông nhà giàu là người được chúc phúc,
còn anh Ladarô là người bị Thiên Chúa ruồng bỏ.
 
Có một sự tương phản rất lớn giữa hai nhân vật trên.
Ông nhà giàu ăn sung mặc sướng, yên ổn sau cánh cổng.
Còn anh Ladarô thì nằm trước cổng, mình đầy mụn nhọt.
Anh thèm được ăn những gì từ trên bàn ông rơi xuống.
Anh chỉ có những con chó hoang đến làm bạn,
vì chúng thích liếm láp những mụn nhọt của anh.
Ông nhà giàu không phải là không thấy Ladarô.
Thậm chí ông còn biết tên của anh nữa (Lc 16,23).
Nhưng chẳng hề có sự trao đổi nào giữa đôi bên.
Ông nhà giàu cứ ngày ngày vui vẻ tiệc tùng với bè bạn.
Còn anh Ladarô nằm trước cổng, kiên nhẫn đợi trông.
 
Rồi cái chết đến với cả ông giàu lẫn anh nghèo.
Cái chết dẫn tới một sự tương phản còn lớn hơn.
Anh Ladarô chết, được đem vào lòng Abraham.
Còn ông nhà giàu chết thì được đem chôn.
Số phận của cả hai sau khi chết bị đảo ngược.
Ông giàu quen cao lương mỹ vị, nay bị khổ trong lửa,
thèm giọt nước để nhỏ vào lưỡi mình cho mát.
Anh Ladarô nghèo, thèm vụn bánh,
nay được hưởng hạnh phúc bên cụ tổ Abraham.
Vẫn không có sự trao đổi nào giữa đôi bên.
Dù muốn, Ladarô cũng không thể vượt qua vực thẳm,
để tặng cho ông nhà giàu một giọt nước.
Khi còn sống, hai bên cách nhau một cánh cổng.
Sau khi chết, hai bên cách nhau ngàn trùng.
Rõ ràng có sự thưởng phạt ở đây.
Ladarô đươc thưởng dù chẳng nổi bật về nhân đức.
Ông nhà giàu bị phạt dù có vẻ không phạm tội gì.
Ông chỉ hưởng thụ những gì ông có.
Nhưng đó chính là tội của ông: tội không chia sẻ.
Ông đóng cửa nhà và cửa lòng mình,
cố ý nhắm mắt trước nỗi khổ của người anh em.
 
“Ai đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
kẻ giàu có, đuổi về tay trắng” (Lc 1,53).
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo…
Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 1,20.24).
Thiên Chúa là Đấng làm nên những đảo ngược bất ngờ.
Của cải, quyền lực, tiếng tăm, tất cả là để chia sẻ.
Khi chia sẻ cho người nghèo, tất cả thành con đường
đưa ta đi vào hạnh phúc vĩnh cửu.
Ông nhà giàu có một điểm son.
Trong lúc chịu cực hình, ông vẫn nhớ đến anh em ông.
Ông không muốn họ phải rơi vào cảnh ngộ này.
Ông nghĩ nếu Ladarô hay một người đã chết
hiện về để cảnh cáo họ thì có thể họ sẽ hoán cải.
Cụ Abraham đã từ chối lời yêu cầu của ông.
Để hoán cải, chỉ cần sống điều Sách Thánh dạy là đủ.
Chia cơm cho người đói, chỗ ở cho kẻ vô gia cư,
rộng tay giúp người nghèo (Is 58,6-7; Đnl 15,1-11).
 
Mọi người chết trước Chúa Giêsu đều phải vào âm phủ.
Cả Abraham, Môsê, Êlia, cả Ladarô hay ông nhà giàu…
Chúa Giêsu sau khi chết cũng vào âm phủ (GLHTCG 633),
để giải phóng những người công chính đang ở đó.
Ngài đến để cứu chuộc mọi người ở mọi thời và mọi nơi.
Chúng ta mong mình là ông nhà giàu quảng đại,
biết nhìn thấy những người nghèo ở ngay bên.
 
LỜI NGUYỆN
 
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới.
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
 
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
 
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
 
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Tác giả bài viết: Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ