NĂNG ĐỘNG CỦA TÌNH YÊU
- Thứ năm - 01/07/2021 21:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu trở về quê hương Na-da-rét; các người đồng hương đã sửng sốt về con người của Chúa. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”. Những kinh ngạc này thay vì biến thành lòng ngưỡng mộ, lại trở thành nghi ngờ, từ nghi ngờ trở thành cớ vấp phạm, từ cớ vấp phạm trở thành chối từ không tin.
Nhưng chúng ta đừng vội ngạc nhiên về thái độ kém tin và chối từ của dân làng Na-da-rét đối với Chúa Giêsu, bởi vì lịch sử cho thấy thân phận làm tiên tri là như thế đó. Bài đọc 1 hôm nay là một minh họa.
Ê-dê-ki-en kể lại ơn gọi làm tiên tri của mình. Khi được Thiên Chúa kêu gọi, Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa cho biết trước sứ mệnh đầy cam go vì ông được sai đến với một dân nổi loạn, phản nghịch bao gồm những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, vốn là nòi phản loạn. Khi thi hành sứ vụ, Ê-dê-ki-en đã cảm nghiệm sâu đậm thân phận tiên tri. Trong khi ông loan báo cho dân tộc ông phương cách duy nhất để cứu vãn tình thế ngặt nghèo của đất nước là phải ăn năn sám hối, canh tân cuộc sống, trở về với Thiên Chúa duy nhất thì các vị lãnh đạo chỉ lo tìm một giải pháp chính trị bằng cách cầu viện với cường quốc Át-xy-ri. Lời loan báo của Ê-dê-ki-en bị từ chối thẳng thừng và kết quả là nước mất nhà tan.
Tiếp đến, sau khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, Ê-dê-ki-en lại phải lãnh sứ mệnh an ủi, ủy lạo tinh thần và động viên dân Do thái lưu đày bên Ba-bi-lon là hãy tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và là Đấng luôn giữ lời hứa. Nhưng lời ông cũng bị từ chối.
Đó là câu chuyện xảy ra 600 năm trước Chúa Giêsu, nhưng lịch sử đã được lặp lại. 600 năm sau, Chúa Giêsu trở về quê hương Na-da-rét dù Ngài có gây được nỗi kinh ngạc về giáo lý, về sự khôn ngoan và về quyền phép nhưng Ngài đã sớm bị nghi ngờ và bị chối từ. Chúa Giêsu đã cảm nhận rõ thân phận của tiên tri như tiên tri Ê-li-a đã cảm nhận và thốt lên: “Con chẳng hơn gì cha ông của con”.
Có lẽ chúng ta thắc mắc: tại sao dân làng Na-da-rét đã kinh ngạc về con người của Chúa Giêsu lại không tiến thêm một bước nữa là tin vào Chúa Giêsu để đón nhận giáo lý của Chúa, là tin vào sự khôn ngoan và nhất là tin vào quyền phép của Ngài, cụ thể những phép lạ Ngài muốn làm cho họ? Tại sao họ lại không đạt được điều đó? Đi xa hơn nữa, chúng ta còn có thể thắc mắc về chính thánh Mác-cô: tại sao thánh Mác-cô lại ghi lại câu chuyện không hay ho này? Không hay ho đối với dân làng Na-da-rét mà còn đối với chính Chúa Giêsu nữa? Tại sao Mác-cô tường thuật một câu chuyện có một kết cục xui xẻo và nhắc lại một thảm kịch trong đó người anh hùng không thành công?
Câu trả lời là Mác-cô có thể đã lấy lại một cái nhìn cổ điển của Cựu Ước, đó là mọi tiên tri trong Cựu Ước đều đã không có được số phận may mắn. Ê-dê-ki-en chẳng hạn, bây giờ tới Chúa Giêsu. Ngài là tiên tri hơn mọi tiên tri. Ngài phải đối diện với một dân lòng chai dạ đá. Họ phản đối Ngài một cách kịch liệt hơn các tiên tri khác, đúng như lời thánh Gio-an trong Tin mừng thứ tư: “Ngài đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Đó là điều Cựu Ước thường viết về Gia-vê Thiên Chúa: Thiên Chúa ra tay làm bao việc lạ cho dân mà dân vẫn tỏ lòng cứng cỏi bội bạc.
Nhưng nơi Chúa Giêsu không chỉ có thất bại. Ngài vẫn chữa lành cho một số ít bệnh nhân khi Ngài thấy họ có lòng tin. Nói theo loài người, Chúa Giêsu có thể ngạc nhiên về thái độ không tin của số đông: họ được nghe giáo lý siêu việt và được thấy các phép lạ Ngài làm mà họ không mềm lòng ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin thì điều này cũng không lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương của Thiên Chúa, trừ một số ít, số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm thành đàn chiên nhỏ, họ sẽ được thừa hưởng Nước Trời.
Anh chị em thân mến,
Khi tường thuật câu chuyện dân làng Na-da-rét, tác giả Mác-cô mời gọi chúng ta ý thức cái thảm cảnh của sự khước từ Đấng cứu độ. Ngược với dân làng Na-da-rét, chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe Chúa Giêsu một cách chăm chỉ và vui vẻ, để tin tưởng và yêu mến Ngài, ngày càng tin tưởng và yêu mến Ngài. Xin được gọi đó là năng động của tình yêu nghĩa là mỗi ngày mỗi yêu hơn và không bao giờ cho rằng mình đã yêu đủ bởi vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Đó là điều các Giám mục Việt nam muốn nhắn nhủ các người sống đời thánh hiến trong thư công bố Năm Thánh với những lời lẽ như sau: “Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứg cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần ‘thức tỉnh thế giới’ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi”.
Đàng khác, việc Chúa Giêsu bị dân làng Na-da-rét khước từ báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Xem ra thì hình như Chúa Giêsu thất bại nhưng trong chương trình của Thiên Chúa thì Chúa Giêsu phải qua thập giá mới bước vào vinh quang; chính nhờ cái chết thê thảm trên thập giá mà Chúa Kitô có thể cứu độ nhân loại và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Có xác tín như thế, chúng ta mới hiểu được tâm tình và kinh nghiệm của thánh Phao-lô như được trình bày trong bài đọc 2, đó là sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ bày qua sự yếu đuối. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”. Kinh nghiệm này phải trở thành niềm xác tín của mỗi người tín hữu chúng ta. Xác tín này giúp chúng ta kiên quyết sống Tin mừng của Chúa Giêsu mà không sợ bị ngược đãi, không sợ bị chống đối, không sợ bị chối từ và ngay cả không sợ bị giết chết. Và nếu có bị ngược đãi, nếu có bị chống đối, nếu có bị chối từ, nếu có bị giết chết thì chúng ta cũng xem đó là chuyện bình thường. Tại sao? Bởi vì “trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” và bởi vì “có qua thập giá mới đến vinh quang”. A-men.
Chúa Giêsu trở về quê hương Na-da-rét; các người đồng hương đã sửng sốt về con người của Chúa. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”. Những kinh ngạc này thay vì biến thành lòng ngưỡng mộ, lại trở thành nghi ngờ, từ nghi ngờ trở thành cớ vấp phạm, từ cớ vấp phạm trở thành chối từ không tin.
Nhưng chúng ta đừng vội ngạc nhiên về thái độ kém tin và chối từ của dân làng Na-da-rét đối với Chúa Giêsu, bởi vì lịch sử cho thấy thân phận làm tiên tri là như thế đó. Bài đọc 1 hôm nay là một minh họa.
Ê-dê-ki-en kể lại ơn gọi làm tiên tri của mình. Khi được Thiên Chúa kêu gọi, Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa cho biết trước sứ mệnh đầy cam go vì ông được sai đến với một dân nổi loạn, phản nghịch bao gồm những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, vốn là nòi phản loạn. Khi thi hành sứ vụ, Ê-dê-ki-en đã cảm nghiệm sâu đậm thân phận tiên tri. Trong khi ông loan báo cho dân tộc ông phương cách duy nhất để cứu vãn tình thế ngặt nghèo của đất nước là phải ăn năn sám hối, canh tân cuộc sống, trở về với Thiên Chúa duy nhất thì các vị lãnh đạo chỉ lo tìm một giải pháp chính trị bằng cách cầu viện với cường quốc Át-xy-ri. Lời loan báo của Ê-dê-ki-en bị từ chối thẳng thừng và kết quả là nước mất nhà tan.
Tiếp đến, sau khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, Ê-dê-ki-en lại phải lãnh sứ mệnh an ủi, ủy lạo tinh thần và động viên dân Do thái lưu đày bên Ba-bi-lon là hãy tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và là Đấng luôn giữ lời hứa. Nhưng lời ông cũng bị từ chối.
Đó là câu chuyện xảy ra 600 năm trước Chúa Giêsu, nhưng lịch sử đã được lặp lại. 600 năm sau, Chúa Giêsu trở về quê hương Na-da-rét dù Ngài có gây được nỗi kinh ngạc về giáo lý, về sự khôn ngoan và về quyền phép nhưng Ngài đã sớm bị nghi ngờ và bị chối từ. Chúa Giêsu đã cảm nhận rõ thân phận của tiên tri như tiên tri Ê-li-a đã cảm nhận và thốt lên: “Con chẳng hơn gì cha ông của con”.
Có lẽ chúng ta thắc mắc: tại sao dân làng Na-da-rét đã kinh ngạc về con người của Chúa Giêsu lại không tiến thêm một bước nữa là tin vào Chúa Giêsu để đón nhận giáo lý của Chúa, là tin vào sự khôn ngoan và nhất là tin vào quyền phép của Ngài, cụ thể những phép lạ Ngài muốn làm cho họ? Tại sao họ lại không đạt được điều đó? Đi xa hơn nữa, chúng ta còn có thể thắc mắc về chính thánh Mác-cô: tại sao thánh Mác-cô lại ghi lại câu chuyện không hay ho này? Không hay ho đối với dân làng Na-da-rét mà còn đối với chính Chúa Giêsu nữa? Tại sao Mác-cô tường thuật một câu chuyện có một kết cục xui xẻo và nhắc lại một thảm kịch trong đó người anh hùng không thành công?
Câu trả lời là Mác-cô có thể đã lấy lại một cái nhìn cổ điển của Cựu Ước, đó là mọi tiên tri trong Cựu Ước đều đã không có được số phận may mắn. Ê-dê-ki-en chẳng hạn, bây giờ tới Chúa Giêsu. Ngài là tiên tri hơn mọi tiên tri. Ngài phải đối diện với một dân lòng chai dạ đá. Họ phản đối Ngài một cách kịch liệt hơn các tiên tri khác, đúng như lời thánh Gio-an trong Tin mừng thứ tư: “Ngài đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Đó là điều Cựu Ước thường viết về Gia-vê Thiên Chúa: Thiên Chúa ra tay làm bao việc lạ cho dân mà dân vẫn tỏ lòng cứng cỏi bội bạc.
Nhưng nơi Chúa Giêsu không chỉ có thất bại. Ngài vẫn chữa lành cho một số ít bệnh nhân khi Ngài thấy họ có lòng tin. Nói theo loài người, Chúa Giêsu có thể ngạc nhiên về thái độ không tin của số đông: họ được nghe giáo lý siêu việt và được thấy các phép lạ Ngài làm mà họ không mềm lòng ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin thì điều này cũng không lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương của Thiên Chúa, trừ một số ít, số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm thành đàn chiên nhỏ, họ sẽ được thừa hưởng Nước Trời.
Anh chị em thân mến,
Khi tường thuật câu chuyện dân làng Na-da-rét, tác giả Mác-cô mời gọi chúng ta ý thức cái thảm cảnh của sự khước từ Đấng cứu độ. Ngược với dân làng Na-da-rét, chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe Chúa Giêsu một cách chăm chỉ và vui vẻ, để tin tưởng và yêu mến Ngài, ngày càng tin tưởng và yêu mến Ngài. Xin được gọi đó là năng động của tình yêu nghĩa là mỗi ngày mỗi yêu hơn và không bao giờ cho rằng mình đã yêu đủ bởi vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Đó là điều các Giám mục Việt nam muốn nhắn nhủ các người sống đời thánh hiến trong thư công bố Năm Thánh với những lời lẽ như sau: “Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứg cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần ‘thức tỉnh thế giới’ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi”.
Đàng khác, việc Chúa Giêsu bị dân làng Na-da-rét khước từ báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Xem ra thì hình như Chúa Giêsu thất bại nhưng trong chương trình của Thiên Chúa thì Chúa Giêsu phải qua thập giá mới bước vào vinh quang; chính nhờ cái chết thê thảm trên thập giá mà Chúa Kitô có thể cứu độ nhân loại và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Có xác tín như thế, chúng ta mới hiểu được tâm tình và kinh nghiệm của thánh Phao-lô như được trình bày trong bài đọc 2, đó là sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ bày qua sự yếu đuối. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”. Kinh nghiệm này phải trở thành niềm xác tín của mỗi người tín hữu chúng ta. Xác tín này giúp chúng ta kiên quyết sống Tin mừng của Chúa Giêsu mà không sợ bị ngược đãi, không sợ bị chống đối, không sợ bị chối từ và ngay cả không sợ bị giết chết. Và nếu có bị ngược đãi, nếu có bị chống đối, nếu có bị chối từ, nếu có bị giết chết thì chúng ta cũng xem đó là chuyện bình thường. Tại sao? Bởi vì “trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” và bởi vì “có qua thập giá mới đến vinh quang”. A-men.