RỰC RỠ TRẮNG TINH

RỰC RỠ TRẮNG TINH
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay Mc 9, 2 - 10

Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, các vị hoàng đế Byzantin
đã ra lệnh đập phá các ảnh tượng tôn giáo,
bởi họ tin rằng Kinh Thánh cấm không được tạc ảnh tượng.
Đầu thế kỷ thứ 8, thánh Gioan Đamascô đã chống lại chuyện này.
Ngài viết: “Vào thời xưa, Thiên Chúa không có hình có dạng,
nên không bao giờ có thể được vẽ ra.
Nhưng nay, khi Thiên Chúa đã mang xác thể,
trò chuyện với con người,
tôi sẽ vẽ một bức tranh theo Thiên Chúa mà tôi thấy.”
Nhờ khẳng định mạnh mẽ này của thánh nhân
mà ngày nay chúng ta có những ảnh tượng thánh.
 
Qua mầu nhiệm Nhập Thể, nơi con người Đức Giêsu,
Thiên Chúa vô hình đã có một khuôn mặt, một thân xác,
giống như bất cứ người nào trong chúng ta.
Các môn đệ đã rất quen với khuôn mặt ấy, thân xác ấy.
Họ đã có thời gian sống chung, trò chuyện và gặp gỡ
với người mà họ gọi là Thầy, là Rabbi !
Cách đây sáu ngày, tại vùng đất dân ngoại (Mc 8,27),
Thầy đã nói cho các môn đệ biết về tương lai của mình:
bị đau khổ, bị loại trừ, bị giết và sống lại.
Thầy cũng nói cho các môn đệ biết về tương lai của họ:
từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống để rồi tìm được lại.
Họ đã có dấu hiệu chùn bước khi nghe về tương lai u ám…
Chẳng ai để ý đến việc Thầy nói về phục sinh (Mc 8,31),
hay về việc Thầy sẽ đến trong vinh quang rực rỡ (Mc 8,38).
 
Hôm nay, Thầy dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao,
nơi Thầy quen gặp Cha, Đấng sai Thầy.
Chính nơi đây Thầy đã được Cha biến đổi hình dạng.
Không phải chỉ khuôn mặt, nhưng toàn bộ con người.
Cả con người Thầy rạng ngời ánh vinh quang thần linh.
Cả y phục của Thầy cũng mang sắc trắng của thiên giới.
Vị Thầy thân quen của họ như bước ra từ một thế giới khác.
Rồi có hai nhân vật đáng kính là Êlia và Môsê xuất hiện.
Các vị này trò chuyện với Thầy Giêsu.
Cảnh tượng linh thiêng này làm họ ngây ngất và hoảng sợ.
Đỉnh điểm của thị kiến này là tiếng nói phát ra từ đám mây.
Mây vừa che giấu, vừa tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thiên Chúa trực tiếp nói với các môn đệ từ đám mây.
Ngài giới thiệu cho họ biết Thầy Giêsu của họ là ai.
Thầy không chỉ là Đấng Kitô như Phêrô tuyên xưng.
Thầy chính là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa,
có tương quan thân thiết với Cha chẳng ai sánh bằng.
Hai ông Êlia và Môsê xuất hiện rồi lại biến đi.
Chỉ Thầy Giêsu còn ở lại, chỉ Thầy được gọi là Con yêu dấu.
Thiên Chúa Cha ra lệnh: Hãy lắng nghe Người (Mc 9,7).
Lắng nghe về định mệnh đang chờ đợi cả Thầy lẫn trò,
rồi chấp nhận và đi vào con đường Thiên Chúa dọn sẵn,
con đường hẹp, chẳng ai muốn đi,
nhưng lại dẫn đến sự sống, chứ không phải là ngõ cụt.
 
Cứ mỗi Chúa nhật 2 Mùa Chay ta lại đọc bài Chúa Biến hình.
Đây là một hy vọng xanh ngát ngay giữa màu tím của phụng vụ.
Rồi cũng đến lúc Thầy trò phải xuống núi hạnh phúc này
để lên núi Cây Dầu và núi Sọ.
Rồi có lúc ba môn đệ sẽ thấy khuôn mặt xao xuyến của Thầy,
khuôn mặt đầy máu và thương tích trong cuộc Khổ nạn.
Nhưng Phêrô sẽ không quên được kinh nghiệm này (2 Pr 16-18):
nghe tiếng của Thiên Chúa Cha phán từ trời trên núi thánh.
thấy Thầy Giêsu với vẻ lẫm liệt uy phong.
 
Biến hình là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.
Khi Ngài đón lấy ý định nhiệm mầu của Cha,
thì thần tính vốn bị che giấu nay được Cha vén mở.
Mùa Chay là thời gian chúng ta lên núi để được biến hình,
nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và tuân giữ lời Con Chúa.
 
CẦU NGUYỆN
 
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
 
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hon
sau mỗi lần gặp Chúa.
 
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
 
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
 
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ