SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
1. Cây nho Đối với người Do Thái thì cây nho là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi, giống như hình ảnh cành tre khóm trúc đối với người Việt Nam. Thế nhưng Chúa Giêsu muốn nói gì qua hình ảnh cây nho? Tôi xin thưa: Qua hình ảnh cây nho, Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài đến không phải chỉ để trông nom chăm sóc vườn nho, mà hơn thế nữa, còn để trở thành chính cây nho, hầu có thể trực tiếp thông ban sự sống của mình cho chúng ta; như thân cây nuôi ngành cây bằng nhựa sống của nó. Từ hình ảnh trên, chúng ta thấy được hai ý nghĩa nổi bật.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN V PHỤC SINH

Ý nghĩa thứ nhất: Thiên Chúa là người trồng nho, còn chúng ta là những cây nho. Thế nhưng kể từ nay giữa chúng ta và Thiên Chúa, còn có một trung gian đó là Đức Kitô. Và như chúng ta đã biết: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, có nghĩa là Ngài cũng đã trở thành một cây nho, một cây nho hảo hạng, một cây nho giống tốt để tạo nên một vườn nho mới. Nói cách khác, Đức Kitô là một con người mới, là một Adong mới hầu tạo nên cho Thiên Chúa một nhân loại mới, theo đúng hình ảnh của Ngài.
Ý nghĩa thứ hai đó là một sự trao đổi kỳ lạ, được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể. Đúng thế, với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được bước lên ngôi Thiên Chúa. Ngài đã trở thành cây nho, để chia sẻ cho chúng ta, những cành nho của Ngài, chính nhựa sống thần linh. Kể từ nay, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, không phải chỉ là mối liên hệ cứng nhắc giữa Đấng hoá công và loài người thụ tạo, nhưng là một liên hệ thân thương, gần gũi và gắn bó mật thiết như cành liền cây hiệp thông cùng một nhựa sống, đến nỗi chúng ta có thể nói: Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Hay: Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.
Một khi đã hiệp thông trong cùng một nhựa sống, thì chúng ta cũng phải chia sẻ những khổ đau với Ngài. Thực vậy, nếu thân cây bị chặt thì những cành lá cũng phải chết theo. Và một khi chồi mới mọc lên thì những cành lá mới cũng ló dạng. Là Kitô hữu, đời sống của chúng ta từ nay không thể tách rời Đức Kitô. Do đó, những khổ đau của Ngài cũng phải là những khổ đau của chúng ta và sự chết của Ngài cũng phải là sự chết của chúng ta, để rồi sự phục sinh của Ngài cũng phải là sự phục sinh của chúng ta. Như lời thánh Phaolô xác quyết: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.
Đó cũng chính là ý nghĩa của việc cắt tỉa mà Chúa Giêsu đã nói đến, để cho cành cây sinh nhiều trái hơn. Cành nho càng được cắt tỉa thì lại càng mang nhiều trái. Cũng vậy, đời sống người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng chịu nhiều gian nan thử thách, thì lại càng nhiều ơn phúc trước mặt Thiên Chúa hơn.
 

2. Ở trong Chúa.

Đoạn Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và những kẻ theo Ngài. Đây là một mối quan hệ mật thiết đến độ cả hai trở nên như một, vì mang cùng một sức sống. Mối quan hệ này đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng hình ảnh cây nho và ngành nho như lời Ngài đã phán: Thầy là cây nho các con là ngành nho. Từ hình ảnh này chúng ta rút ra được mấy điểm suy nghĩ.
Điểm thứ nhất đó là Chúa Giêsu và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống: Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được thanh tẩy trong cái chết, chết cho tội lỗi và trong sự sống lại với cuộc sống mới của Ngài. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, còn có nghĩa là được nắm giữ một vai trò sống động trong chương trình cứu độ của Chúa. Như thế mối quan hệ này được đặt nền tảng trên sự trung tín và thương yêu.
Điểm thứ hai được Chúa Giêsu nhấn mạnh, đó là ngành nho phải sinh trái. Một ngành nho không sinh trái, mặc dù vẫn còn dính vào thân cây nho, thì cũng chỉ là một ngành nho đã chết, và một ngày kia sẽ bị cắt tỉa mà quẳng vào lửa.
Hình ảnh này có thể đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì đâu cần phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan nguội lạnh hay phạm những tội tầy đình mới bị cắt ra khỏi cộng đoàn của Chúa. Không sinh trái, đã có nghĩa là không còn ở trong Chúa, không còn liền thân với Chúa. Như vậy sức sống từ Chúa trao ban chỉ có thể là sức sống, chỉ có thể là động lực làm sinh hoa kết trái. Và do đó, chỉ có hai trạng thái: sinh trái hay không sinh trái mà thôi, chứ chẳng có trạng thái thứ ba, được hiểu theo nghĩa là cầm hơi, cầm chừng.
Người Kitô hữu trở thành môn đệ Chúa bằng chính việc sinh nhiều trái chứ không phải bằng lời nói hay những nghi thức nào khác. Nhưng thế nào là sinh trái? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong bài đọc thứ hai, trích thư của thánh Gioan tông đồ: Ai giữ các giới răn của Chúa thì ở trong Ngài và Ngài ở trong họ. Và đây là giới răn của Chúa: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Đức Kitô, và phải thương yêu nhau. Vẫn theo thánh Gioan thì chúng ta đừng yêu nhau bằng lời nói và miệng lưỡng, nhưng bằng việc làm và chân thật.
Như thế chúng ta có thể hiểu được rằng sinh trái có nghĩa là yêu thương, và yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem lại hạnh phúc cho người khác.
Trái nho chính là những hành động bác ái yêu thương, thế nhưng chúng ta đã thực sự là những ngành nho sinh nhiều trái hay chưa?

3. Cây nho.

Bất cứ ai sống trên đời cũng đều có quan hệ không nhiều thì ít với những người chung quanh, nhất là những người có cùng một máu mủ với mình. Mối quan hệ đó càng khắng khít bao nhiêu là tùy thuộc vào sự hiệp thông có mật thiết hay không.
Cuộc sống đấy ắp yêu thương chỉ có thể tồn tại khi con người đặt tình thương yêu cào tất cả các mối quan hệ, giao tiếp và thông hiệp với nhau trong tình người với người, hơn nữa trong tình anh em ruột thịt.
Ngoài những mối giây liên hệ giao tiếp bình thường như những người khác, người Kitô hữu còn có dây liên hệ với Thiên Chúa là Cha mình và với Hội Thánh cùng các chi thể của Ngài. Mối dây liên hệ này có được sẽ làm phong phú thêm những giá trị vốn có trong cuộc đời.
Hình ảnh cây nho và hoa trái ngon ngọt của nó, mà chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay đã từng được xem là biểu tượng của mối dây liên kết và hiệp thông, đồng thời cũng được xem là kết quả của những con người tin vào Đức Kitô Phục sinh. Thực vậy, cây nho và vườn nho trước tiên đã được áp dụng cho dân Do Thái để chỉ lòng yêu thương và việc Thiên Chúa kén chọn dân tộc này trong chương trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đã vun trồng và chở che vườn nho ấy.
Hình ảnh vườn nho và cây nho sau này được thánh Gioan mở rộng đến tất cả những kẻ tin theo Chúa. Hơn thế nữa, còn cho thấy chính Đức Kitô là cây nho thật và mỗi người trong chúng ta là một cành nho của cây nho ấy.
Với mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã trở nên cây nho thật, một cây nho tốt, để tạo nên một vườn nho mới, một dân tộc mới, một sức sống mới cho con người đã từng mang mầm mống của tội lỗi và diệt vong.
Do đó, niềm vui mừng và hy vọng lớn lao nhất của con người chính là được thông hiệp với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Ngài đã trở thành cây nho và chúng ta là những cành lá của cây nho ấy. Điều đó có nghĩa chúng ta là những chi thể của Ngài và được mang lấy chính sự sống thần linh của Ngài. Với mầu nhiệm nhập thể, chúng ta còn thấy: Thiên Chúa làm người là để cho con người được trở nên Thiên Chúa và có sự sống viên mãn nhờ Đức Kitô. Muốn có được sự sống mới ấy, chúng ta phải thực thi tình yêu thương và phục vụ như Đức Kitô bằng những hành động và việc làm cụ thể.
Ngoài ra, để có một cuộc sống mới thật phong phú và sinh hoa kết trái dồi dào thì ngay từ giờ chúng ta cần phải hy sinh quên mình, giống như cành nho nào được cắt tỉa, thì đó chính là cành nho có nhiều hoa trái hơn cả.
Cuộc sống của người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng hiệp thông với các chi thể khác của Ngài, trong đó có những người anh em bất hạnh và khổ đau, đòi hỏi nhiều hy sinh, thì cuộc sống của người Kitô hữu ấy càng phong phú và nhiều hy vọng hơn cả. Bởi vì, nếu ta chết với Đức Kitô, thì chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, thì chúng ta sẽ cùng Người hiển trị.

4. Sinh nhiều hoa trái – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.
Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
2- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
3- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
4- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?

Nguồn tin: MTGNT