THIÊN CHÚA BA NGÔI

THIÊN CHÚA BA NGÔI
Suy niệm lễ Chúa Ba Ngôi

I. THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ MẦU NHIỆM

Bình thường khi chúng ta gặp điều gì khó hiểu, chúng ta nói đó là một mầu nhiệm. Theo nghĩa đó, người ta cũng thường nói Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nghĩa là một chân lý vượt quá tầm hiểu biết con người. Tất nhiên, Thiên Chúa Ba Ngôi là cả một bí mật, lý trí con người không tự mình khám phá ra được. Thực ra mỗi người chúng ta đây đã là một thế giới kỳ lạ, lý trí khám phá chưa hết huống gì là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhưng trong Kinh thánh, tiếng mầu nhiệm còn có một nghĩa khác căn bản hơn. Theo thánh Phaolô, đặc biệt là trong thư gửi tín hữu Rôma (16,25-26), mầu nhiệm không phải là điều khó hiểu, mà là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trước kia được dấu kín, nhưng bây giờ được mặc khải ra. Mầu nhiệm đó là chương trình yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện dần dần trong thời gian. Theo nghĩa này, Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm, có nghĩa là việc mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, khi mặc khải mình ra như là Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản tính, Thiên Chúa không có ý khiêu khích và đè bẹp lý trí con người, tạo ra một vấn nạn nan giải cho con người. Nhưng việc mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi có liên hệ trực tiếp tới phúc cứu độ của con người.
 
II. PHÚC CỨU ĐỘ LÀ ĐƯỢC SỐNG VỚI BA NGÔI

Đối với một người Hy lạp, hạnh phúc nằm ở chỗ linh hồn con người được giải thoát khỏi hoàn cảnh chật hẹp và tù hãm của thể xác. Đối với người Phật giáo, hạnh phúc nằm ở chỗ con người được giải thoát khỏi hoàn cảnh đau khổ của cuộc sống như là sinh, lão, bệnh, tử. Đối với một Kitô hữu, nói rằng hạnh phúc nằm ở chỗ được giải thoát khỏi những đau khổ ở trần gian, thì cũng còn quá ít. Nói như vậy là chỉ mới diễn tả được khía cạnh tiêu cực mà thôi. Theo Tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng, hay nói cách khác, theo mặc khải của Đức Giêsu, phúc cứu độ nằm ở chỗ con người được sống với Thiên Chúa Ba Ngôi; nói cho rõ hơn, người tín hữu sẽ được liên kết với Chúa Kitô như các chi thể trong một thân mình, để trở thành người con của Chúa Cha, nhờ sức mạnh Tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Người Kitô hữu không thể nói tới hạnh phúc đời đời mà không nghĩ tới tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ba Ngôi là cộng đoàn tình yêu, trong đó con người được sống như là sống dưới ánh nắng mặt trời. Con người sống dưới ánh mặt trời nhưng thực ra vẫn chưa hiểu hết mặt trời là gì đâu. Mới đây, người ta khám phá ra có những biến động như những vụ động đất trong khối lửa mặt trời.. Người ta lấy làm lạ và cho đến giờ này, người ta vẫn chưa hiểu hết những gì xảy ra trong khối lửa vĩ đại ấy, nhưng người ta vẫn sung sướng được sống dưới ánh sáng và trong hơi ấm của mặt trời.

Cũng vậy, người Kitô hữu tuy không hiểu hết bản tính Thiên Chúa, nhưng vẫn cảm thấy sung sướng được sống trong ánh sáng và trong hơi ấm của tình yêu đó là Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm, và là mầu nhiệm vĩ đại, nghĩa là việc mặc khải Ba Ngôi nằm trong kế hoạch cứu độ con người: đó là mặc khải về hạnh phúc con người.
 
III. SỐNG VỚI BA NGÔI QUA BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn tình yêu trong đó người tín hữu được mời gọi ngay từ bây giờ sống và triển nở để đạt tới hạnh phúc vĩnh cứu. Theo Tin mừng của Chúa Kitô, thì giữ đạo không phải chỉ là giữ các giới răn, mà chủ yếu là sống các tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi cầu nguyện cũng như trong cuộc sống thường nhật, người Kitô hữu luôn ý thức mình được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, mình đang bước theo Chúa Kitô như một Vị Thầy, một người Bạn, một vị Lang quân, và mình được đến với Chúa Cha là nguồn gốc và là cùng đích của vạn vật.

Riêng đối với các tu sĩ, ba lời khấn dòng có liên hệ đặc biệt với Ba Ngôi:
- Lời khấn nghèo khó có liên hệ đặc biệt với Chúa Cha.
- Lời khấn khiết tịnh có liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô
- Lời khấn vâng phục có liên hệ đặc biệt với CTThần.
 
1/ Qua lời khấn nghèo khó, người tu sĩ muốn biểu lộ một sự tín thác đặc biệt vào sự Quan phòng của Chúa Cha. Lời khấn nghèo khó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người tu sĩ thực hành lời dạy sau đây của Chúa Giê su: Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12.22.30-32).
 
2/ Nếu lời khấn nghèo khó là một dịp thuận lợi để sống phó thác cho Chúa Cha, thì lời khấn khiết tịnh là một dịp thuận tiện để sống gắn bó với Chúa Con.
Trước hết, người tu sĩ muốn noi gương Chúa Giêsu sống đời sống độc thân. Ngài đã xem mình như thành phần của mọi gia đình, nhưng không thuộc riêng về một gia đình nào. Sau nữa, đây là điều quan trọng hơn: qua lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ muốn yêu mến và gắn bó với Chúa Giêsu một cách khăng khít như người bạn trăm năm của đời mình.
3/ Cuối cùng, qua lời khấn vâng phục, người tu sĩ muốn hiến thân để “lắng nghe” Chúa Thánh Thần, vì Người là Thần Chân lý luôn luôn chỉ dạy cho các tín hữu thánh ý của Chúa Cha. Lời khấn vâng phục tạo điều kiện cho người tu sĩ biết lắng nghe Chúa Thánh Thần là Đấng hằng nói năng với họ qua các vị bề trên cũng như qua mọi biến cố của cuộc sống.

Như vậy lời khấn nghèo khó diễn tả sự phó thác đối với Chúa Cha, lời khấn khiết tịnh diễn tả sự gắn bó khăng khít với Chúa Con, và lời khấn vâng phục diễn tả sự lắng nghe Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu, tuy không tuyên khấn, nhưng cũng được mời gọi sống ba thái độ đó: phó thác cho sự quan phòng của Chúa Cha, bước theo Chúa Con và lắng nghe Chúa Thánh Thần. Các lời khấn tạo cho các tu sĩ một hoàn cảnh thuận lợi hơn để sống 3 thái độ ấy.
 
Anh chị em thân mến,
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay muốn nhắc nhở cho chúng ta một điều rất quan trọng: Thiên Chúa của các Kitô hữu không phải là một vị thần mơ hồ, ở đâu xa xôi, nhưng là những Ngôi Vị cụ thể sống hiệp nhất trong tình yêu và mời gọi các tín hữu hãy ở lại trong cộng đoàn tình yêu ấy:
- đó là Chúa Cha mà người Kitô hữu có thể sống phó thác như đứa con đối với Cha mình.
- đó là Chúa Kitô, là người Anh Cả, người Bạn Trăm Năm.
- và sau hết đó là Chúa Thánh thần là Ánh sáng, là hơi ấm tình yêu.
Chúng ta cần lắng nghe để được soi sáng và hướng dẫn. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm này bằng lời kinh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là dấu thánh giá, dấu hiệu của đức tin công giáo chúng ta: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.

(NVK)