LIÊN ĐỚI ĐẾN MỨC CÓ THỂ
- Thứ năm - 14/01/2021 02:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói, ‘Tôi muốn’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một chi tiết nhỏ của trình thuật Tin Mừng hôm nay mở ra một ngạc nhiên lớn giúp chúng ta khám phá thêm con người bí ẩn của Chúa Giêsu. Bí ẩn đó là, Ngài tự nhận lấy sự ô uế của chúng ta, trở thành tội vì chúng ta, Ngài muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với con người; chi tiết nhỏ ấy là, Ngài “giơ tay đặt trên người ấy và nói, ‘Tôi muốn’”.
Đến với Chúa Giêsu hôm nay là một con người bất hạnh bị xã hội gạt ra bên lề, một con hủi. Bất hạnh không chỉ vì anh chuốc lấy cùi hủi nhưng bất hạnh vì anh gặp phải sự lạnh lùng, xa cách từ những tâm hồn hủi cùi của tha nhân. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm, chết khi đang sống; chết do bệnh tật huỷ hoại thân xác, chết do mặc cảm bị ruồng bỏ, bị xua trừ và bị lãng quên. Anh đến trước Chúa Giêsu, sụp lạy Ngài, xin Ngài chữa lành, Ngài “giơ tay đặt trên anh và nói, ‘Tôi muốn’”; lập tức, anh được sạch.
Và sẽ ngạc nhiên hơn nếu chúng ta coi sự lở lói của cùi hủi như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi với một bí ẩn huyền nhiệm hơn, thẳm sâu hơn. Đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở nên ‘liên đới đến mức có thể’ với con người; nhờ đó, Ngài có thể tỏ lòng thương xót con người vốn là những tội nhân cũng như để chuốc lấy tội lỗi của tội nhân. Bí ẩn huyền nhiệm này đã phần nào được mặc khải cũng như đã tiềm tàng ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai khi Ngài nối đuôi hạng phàm phu tục tử bên bờ Hoà Giang để xin Gioan làm phép rửa.
Không ai có thể xây dựng một cộng đồng nếu không có sự liên đới; không ai có thể tạo nên một bầu khí hoà bình nếu không có sự liên đới; cũng không ai có thể làm một điều tốt theo một nghĩa nào đó nếu không có sự liên đới. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói với người bệnh, “Hãy lành!”, phép lạ vẫn xảy ra; nhưng không, Ngài lại gần, chạm vào anh, liên đới với anh. Theo luật Do Thái, ai chạm phải kẻ ô uế, người ấy sẽ ra ô uế. Và đây là một bí ẩn khác về con người của Chúa Giêsu, Ngài tự nhận lấy sự ô uế của chúng ta. Vì xót thương con người, Ngài chấp nhận nhiễm uế, trở nên uế tạp để có thể cứu lấy con người. Thánh Phaolô đã diễn tả sự bí ẩn này một cách thâm trầm trong thư Philipphê, “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Không chỉ trở thành phàm nhân, Ngài trở nên tội nhân; Thánh Phaolô còn đi xa hơn, “Đức Giêsu đã trở thành tội”, hoá nên tội, bị loại trừ, chuốc lấy ô uế trên mình để ‘liên đới đến mức có thể’ với chúng ta.
Tại sao Chúa Giêsu liên đới đến mức ấy? Ngài liên đới chỉ vì Ngài muốn, “Tôi muốn”, Ngài nói với người phong cùi như thế. Ngài muốn con người không chỉ lành lặn phần xác nhưng được lành thánh phần hồn; Ngài muốn con người được giải thoát khỏi mọi tội lỗi vốn là điều đang giết chết nó, đang làm cho nó nên cứng cỏi và chai đá. Tác giả thư Do Thái hôm nay nói, “Mỗi ngày, anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc và trở nên chai đá”; Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại nỗi lòng, cũng như động lực xót thương bên trong của Thiên Chúa, “Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta, ‘Các ngươi đừng cứng lòng’”.
Trong thời kỳ nô lệ, một ông chủ da trắng rất hà khắc đã mua được một thanh niên rất chăm chỉ. Sau một thời gian, ông phát hiện người này có ảnh hưởng rất lớn trong số nô lệ của ông. Ông đem lòng yêu thương và ngỏ ý cho anh được tự do; thế nhưng, người này từ chối. Anh tiếp tục là một nô lệ vì anh muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với số phận của những con người đau khổ mà anh rất yêu thương; anh muốn cứu họ trong khả năng của anh. Bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, người nô lệ này đã cảm hoá không chỉ những người bạn cùng cảnh ngộ của mình nhưng còn cảm hoá được cả ông chủ. Và tất cả họ đã sống chan hoà với nhau như một đại gia đình.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu làm người, ‘liên đới đến mức có thể’ với con người, không chỉ cảm hoá để mọi người nên một đại gia đình; còn hơn một gia đình, họ là gia đình con cái Thiên Chúa; không chỉ là con cái Thiên Chúa, Ngài giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Ngài phục hồi phẩm giá của mỗi người và đưa họ vào Vương Quốc của Cha, cho họ được thừa hưởng vinh quang Nước Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, phải chăng linh hồn con vẫn đang cùi hủi khi con cố chấp trong một tội lỗi nào đó. Con biết, Chúa cũng muốn chữa con, xin cho con nhận ra lòng thương xót Chúa, Đấng đã dám ‘liên đới đến mức có thể’ với những tội nhân mọi thời, cũng có thể là một tội nhân đáng thương như con”, Amen.