CÁI HƯ NÁT HAY CÁI TRƯỜNG TỒN?
- Thứ hai - 19/04/2021 04:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát,
nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay đặt cho mỗi người chúng ta một câu hỏi khá bất ngờ. Trong cuộc sống, tôi lao công vất vả cho cái gì; cho ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’. Đây là một câu hỏi hết sức quan trọng, cần được trả lời một cách chân thành; vì xem ra, chúng ta thường dành hầu hết thời gian và sức lực đời mình cho ‘những thứ’ ít có giá trị vĩnh cửu.
Một ngày trước cuộc đối thoại hôm nay, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh cá hoá nhiều, đãi no nê hơn năm ngàn người. Dân chúng cảm phục đến nỗi hôm sau, khi đói trở lại, họ tìm Ngài và thấy Ngài bên kia biển hồ. Tất nhiên, Chúa Giêsu hiểu vấn đề; Ngài nhận ra rằng, đám đông quan tâm tìm Ngài chỉ để có thêm một bữa ăn khác hơn là để tâm đến lương thực vĩnh cửu thiêng liêng. Vì vậy, Ngài khéo tận dụng cơ hội này để chỉ cho họ điều gì là quan trọng, ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’; “Của ăn tồn tại cho cuộc sống đời đời” cuối cùng là, tin vào Ngài, Đấng Thiên Chúa sai đến.
Thử tưởng tượng chúng ta là một trong những kẻ tận mắt chứng kiến phép lạ bánh cá hoá nhiều, phép lạ sẽ tác động lên chúng ta thế nào? Phép lạ có lôi kéo chúng ta đến một niềm tin sâu sắc hơn vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không; hay sẽ ấn tượng hơn nếu chúng ta có một bữa ăn miễn phí, thần kỳ khác? Điều thú vị là, Chúa Giêsu thết năm ngàn người ăn khi họ không mong đợi, cũng không thèm muốn; nhưng khi họ thực sự chờ đợi và ước muốn nó vào ngày hôm sau, Ngài lại từ chối. Ngài từ chối khoản đãi một bữa ăn khác, chỉ vì muốn họ nhìn sâu hơn vào thực tại vĩnh cửu.
Vậy ‘cái hư nát hay cái trường tồn’ là quan trọng? Trong cuộc sống, việc ưu tiên sống cho thực tại vĩnh cửu và sâu sắc hơn thường khó thực hiện. Chúng ta dễ dàng để mắt đến ‘cái hư nát’, những gì thuộc bên ngoài, vốn được cho là quan trọng đối với người đời; chúng ta quan tâm đến việc có nhiều của cải hơn, ăn uống thịnh soạn hơn, giải trí tốt hơn, áo xống đẹp hơn… và danh sách ngày càng dài. Tất nhiên không điều nào là xấu, nhưng chúng toàn là những điều chóng qua và không ảnh hưởng gì đến sự vĩnh cửu của linh hồn; và, trên thực tế, quá chú ý đến những gì bên ngoài và ít quan trọng này, chúng ta sẽ mất tập trung vào ‘cái trường tồn’, điều quan trọng nhất của phần rỗi.
Học giả Thánh Kinh thế kỷ 19, G. S. Bowes đã chỉ ra sự vô ích cuối cùng của những con người vốn chỉ tham vọng ‘cái hư nát’ trần thế mà không tìm kiếm ‘cái trường tồn’ thiên quốc. Trích dẫn bốn ‘bậc anh hùng’, ông viết, “Alexander Đại đế khóc vì không còn thế giới để chinh phục, chết ở tuổi 33. Hannibal Barca, người đã lấp đầy ba giạ nhẫn vàng lấy từ các hiệp sĩ mà ông giết, đã tự sát bằng thuốc độc. Julius Caesar, chinh phục 800 thành, ‘nhuộm hoàng bào của mình bằng máu của một triệu kẻ thù’, chỉ để bị đâm chết bởi những người bạn thân nhất ngay trong chiến thắng vĩ đại của mình. Napoléon, ‘thảm hoạ của châu Âu’, người viết hàng ngàn thư tình cho nữ hoàng Joséphine xinh đẹp, người tình phản bội ông; bị trục xuất, chịu đày ải, chết lẻ loi trên đảo St. Hélène”.
Anh Chị em,
Một nhà thần học nói, “Sống ở đời này là thời gian để mua, để kiếm vật dụng hầu xây cho mình ngôi nhà không bao giờ mục nát trên trời”. Vậy lìa đời, tôi sẽ mang theo cái gì; nó có giá trị gì? Qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta xác tín, chỉ những gì đã cho đi, những gì đã hy sinh, những gì đã trao ban mới có giá trị và tồn tại đời đời. Vì thế, chính Ngài đã chấp nhận để thân xác mình mục nát khi chết đi, hoá nên tấm bánh trong nhà chầu hầu mang lại sự sống thần linh, sự sống đời đời cho những ai ăn Ngài. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta gẫm suy thách đố của Ngài, “Hãy ra công làm việc không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Vậy đâu là ưu tiên trong cuộc sống của tôi, ‘cái hư nát hay cái trường tồn?’. Điều gì khiến tôi quan tâm nhất mỗi ngày; ‘những thứ’ tạm thời dưới đất hay ‘các thực tại’ vĩnh cửu trên trời? Ước gì bận tâm lớn nhất của chúng ta là lớn lên sâu sắc hơn mỗi ngày trong niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến, Ngài đích thực là của ăn trường tồn. Bởi lẽ, như các ‘bậc anh hùng’ xưa, dường như chúng ta cũng quan tâm quá mức đến những ‘cái hư nát’ mà quên mất ‘cái vĩnh cửu’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày sống của con là mỗi ngày chọn lựa giữa ‘cái hư nát hay cái trường tồn’; xin Chúa trở nên mối bận tâm duy nhất của con, ‘bận tâm Giêsu’. Xin cho con luôn tìm kiếm chỉ một mình Chúa; nhờ đó, niềm tin của con vào Ngài ngày một lớn lên sâu sắc hơn, yêu mến hơn”, Amen.