CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
- Thứ năm - 09/12/2021 02:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng này, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui lên, vì Chúa sắp đến rồi.
Xp 3: 14-18
Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Xô-phô-ni-a mời gọi Giê-ru-sa-lem “hãy vui lên”, vì đã được Thiên Chúa sủng ái và sắp được Thiên Chúa viếng thăm.
Pl 4: 4-7
Trong Bài Đọc II, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, chính Ngài là nguồn bình an.
Lc 3: 10-18
Trong Tin Mừng, thánh Lu-ca thuật lại lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả, lời rao giảng này xác định những nét đặc trưng của “Tin Mừng”.
BÀI ĐỌC I (Xp 3: 14-18)
Ngôn sứ Xô-phô-ni-a sống vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, ông thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào những năm 640-625 trước Công Nguyên.
1. Bối cảnh:
Vào lúc đó, vương quốc Giu-đa được cai trị bởi một ấu chúa là Giô-si-gia, lên ngôi lúc tám tuổi. Thời kỳ này được ghi dấu bởi những di hại của một triều đại dài lâu do một vị vua vô đạo là Mơ-na-se: phong tục ngoại giáo, thờ cúng ngẫu tượng, bạo lực, gian lận, bất công xã hội, thói kiêu căng của những kẻ quyền thế, tinh thần hưởng thụ của những người giàu có, vân vân. Vị ngôn sứ lớn tiếng phê phán lối sống vô đạo, thiếu tình người này và tiên báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đó sẽ là “Ngày của Đức Chúa”, ngày thịnh nộ. Tuy nhiên, đó sẽ không là ngày tận thế, vì Thiên Chúa sẽ cho sót lại một dân nghèo hèn và bé nhỏ, dân này sẽ không làm những chuyện tàn ác bất công, nhưng tìm nương tựa nơi Đức Chúa.
Bài hoan ca được trích dẫn hôm nay mời gọi Giê-ru-sa-lem hãy vui lên:
“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (3: 14)
Nguyên nhân sâu xa khiến Giê-ru-sa-lem hoan hỷ vui mừng chính là chắc chắn mình đã được Thiên Chúa sủng ái, đã được Thiên Chúa cứu độ, Ngài là Chủ Tể lịch sử và đang ngự giữa dân Ngài:
2. Niềm vui của dân Ngài cũng là niềm vui của Thiên Chúa:
Điều ngạc nhiên nhất của bài hoan ca này đó là vị ngôn sứ thiết lập một sự đối xứng giữa niềm vui của dân thành Giê-ru-sa-lem và niềm vui của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ vui mừng hoan hỷ vì gặp lại dân Ngài.
Chắc chắn không cần thiết phải tìm kiếm xem biến cố nào đã gây nên niềm phấn khởi đầy lạc quan ở nơi vị ngôn sứ. Trước tiên, đây là viễn cảnh thời Thiên Sai. Bài thơ của ông ca ngợi vị Vua Cứu Tinh tiến vào Thành Thánh, Ngài là vị vua chiến thắng và giải thoát:
“Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy xa
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa,
sẽ còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ” (3: 15).
Trong ngôn từ của vị ngôn sứ, sự giải thoát là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa tha thứ:
“Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem:
Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời” (3: 16).
Thành Thánh Giê-ru-sa-lem hân hoan reo mừng đón tiếp Đức Vua của mình, chính Đức Chúa thân hành ngự giá đến ở giữa dân Ngài, Ngài là vị vua đích thật của Ít-ra-en. Trong một bản văn mang đậm nét Thiên Sai hơn, ngôn sứ Da-ca-ri-a ca ngợi niềm vui của Giê-ru-sa-lem bằng những lời lẽ tương tự:
“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Chúa của người đang đến với ngươi” (Dcr 9: 9).
Thành Đô Giê-ru-sa-lem được giải thoát và sống trong cảnh thái bình thịnh trị vì:
“Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi,
Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,
sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” (3: 17a).
Niềm vui của Thiên Chúa chẳng thua kém gì niềm vui của Thành Thánh. Thiên Chúa hạnh phúc được ở giữa những người mà tình thương của Ngài đã cứu thoát:
“Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng,
như trong ngày lễ hội” (3: 17b-18).
Một vị ngôn sứ khác, I-sai-a đệ tam, cũng thấy Thiên Chúa vui mừng hoan hỷ, nhưng trong viễn cảnh cánh chung, Thiên Chúa liên kết mình vào niềm vui của những người được tuyển chọn:
“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.
Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo.
Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ
và dân ở đó thành nỗi vui mừng.
Vì Giê-ru-sa-lem Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng.
Nơi đây, sẽ chẳng còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la” (Is 65: 17-19).
Thật ra bản văn của Xô-phô-ni-a gợi lên niềm vui cứu độ thời Thiên Sai, niềm vui mà sứ thần loan báo cho Đức Ma-ri-a, thiếu nữ Xi-on tuyệt vời nhất: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… Thưa bà, xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”.
BÀI ĐỌC II (Pl 4: 4-7)
Thánh Phao-lô cũng khẩn khoản kêu mời các tín hữu Phi-líp-phê hãy vui lên. Còn hơn cả lời khuyến dụ, lời mời gọi này là nguyên tắc căn bản trong thần học của vị Tông Đồ, đây là niềm vui tâm linh: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, đó là biểu thức quen thuộc của thánh Phao-lô.
1. Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa:
Tuy nhiên, nhờ bức thư này, chúng ta biết các tín hữu Phi-líp-phê phải chiến đấu cam go vì niềm tin của mình: “Quả thế, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1: 29-30).
Thánh Phao-lô đưa ra một mẫu gương về niềm vui này, vì vào lúc đó thánh nhân đang bị giam cầm, chắc chắn ở Ê-phê-xô. Thánh nhân đã nhận biết những đau khổ của sứ vụ tông đồ (vài người dân Cô-rin-tô đố kỵ vu khống ngài và cản trở sứ vụ của thánh nhân ở Ê-phê-xô), tuy nhiên, thánh nhân vẫn vui trong niềm vui của Chúa.
2. Sống hiền hòa.
“Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi”. “Hiền hòa” là đức hạnh của khoa khôn ngoan Hy lạp, đức hạnh này đặt nền tảng trên lý trí và mực thước, được thăng hoa ở nơi một cuộc sống hiền hòa. Thánh Phao-lô lập lại đức hiền hòa này trong lời khuyên gởi đến hai môn đệ và là cộng tác viên của ngài là Ti-mô-thê: “Không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, không hay gây sự, không ham tiền” (1Tm 3: 3) và Ti-tô: “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3: 2). Nếu dân ngoại tìm kiếm đức hạnh như vậy, huống chi là những người Ki-tô hữu. Còn gì tốt đẹp cho bằng các tín hữu phải nêu gương về một cuộc sống hiền hòa. Rõ ràng thánh Phao-lô gởi đến các Ki-tô hữu gốc Hy lạp, họ có thể hiểu được lời khuyên của thánh nhân.
3. Chúa đã gần đến:
Những người Ki-tô hữu sống vui vẻ và hiền hòa vì họ xác tín ơn cứu độ đang ở trong tầm tay, điều mà các tác giả Tin Mừng diễn tả “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần rồi”. Thánh Phao-lô có một cái nhìn tăng tốc của lịch sử. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su đã thiết lập kỷ nguyên cứu độ; chắc chắn kỷ nguyên này sẽ triển nở viên mãn vào ngày Đức Giê-su quang lâm. Viễn cảnh này phải đem lại niềm vui tròn đầy cho người Ki-tô hữu, tuy nhiên, ngay từ bây giờ viễn cảnh này được khai mở trong một cuộc sống kết hiệp với Đức Kitô.
4. Niềm vui, lời khẩn nguyện và bình an:
Vui vì tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, do đó chẳng có gì phải lo lắng cả. Chính ở nơi niềm tin tưởng này mà lời khẩn nguyện và tâm tình tạ ơn được liên kết mật thiết với nhau. Mối liên kết này hoàn toàn thuộc truyền thống Kinh Thánh. Các tác giả thánh vịnh dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện và tâm tình cảm tạ tri ân của mình, đồng thời các ngài tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả niềm tin tưởng của mình. Trong những viễn cảnh Ki-tô giáo, lời khẩn nguyện cắm rể sâu vào trong tâm tình cảm tạ và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ. Từ đó sinh ra một sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an không phát xuất từ nỗ lực phàm nhân, nhưng từ lời hứa của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài: “Thầy để lại bìnha n cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14: 27), một sự bình an vượt quá mọi hiểu biết phàm nhân.
Trong các thư của thánh Phao-lô, chúng ta cũng gặp thấy những lời khuyên tương tự, nhưng thư gởi tín hữu Phi-líp-phê được viết với những lời lẽ thân tình và tràn đầy tin tưởng, qua đó thánh Phao-lô để lộ những bí ẩn đời sống nội tâm của mình.
TIN MỪNG (Lc 3: 10-18).
Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất cho nhiều chi tiết xác định về lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Bản văn này cũng dâng hiến một lợi ích lớn lao: thánh sử không rao giảng về những đề tài thần học khó hiểu, nhưng về đời sống.
Bản văn bao gồm hai phần, tương xứng với chuyển động kép của câu chuyện: vừa phát triển sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả, khởi đi từ giáo huấn thực tiển đến mặc khải về Đấng Mê-si-a; vừa phát triển tâm lý của những ai thực tâm muốn thay đổi cuộc đời mình, từ việc mở lòng mình ra thi hành đức ái và sự công chính, cho đến việc vươn mình lên tìm kiếm Thiên Chúa hay ít ra vị sứ giả của Ngài.
1. Đám đông:
Đối với đám đông, những người đến xin được chịu phép rửa và bày tỏ ước nguyện thăng tiến trên con đường đức hạnh, thánh Gioan Tẩy Giả đề xuất nguyên tắc đức ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Việc san sẻ chia sớt cho nhau những hạt cơm manh áo là bước khởi đầu của sự biến đổi tấm lòng. Chúng ta đừng quên, thánh Lu-ca cũng là tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, trong đó thánh ký đã mô tả hành động “tương thân tương ái” giữa các Ki-tô hữu tiên khởi: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự điều là của chung” (Cv 4: 32).
2. Những người thu thuế:
Những người thu thuế bị quy trách nhiệm là những kẻ tham lam hút máu đồng bào của mình, bởi vì những người thu thuế này ứng trước tiền thuế dân chúng phải nộp cho đế quốc Rô-ma, sau đó, nâng cao tiền thuế của dân chúng để làm giàu cho mình. Hơn nữa, dân chúng khinh bỉ họ vì sự hiện diện của họ nhắc nhớ ách đô hộ của chính quyền Rô-ma trên dân Do thái, buộc tội họ là tay sai của thế lực ngoại bang và đối xử họ như “quân trộm cướp”.
Đức Giê-su thường giao du với “quân trộm cướp” này, những kẻ tội lỗi này; Ngài sẽ chọn một người trong họ làm một người môn đệ thân tính của Ngài (5: 27-28) và cũng sẽ đưa ra một người trong số họ làm mẫu gương cầu nguyện (Lc 18: 9-14). Chính họ mà thánh Lu-ca, ngay từ khởi đầu Tin Mừng, giới thiệu họ như những người thành tâm thiện chí muốn được hoán cải: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”.
Đối với những người thu thuế này, thánh Gioan Tẩy Giả không đòi hỏi họ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Đừng đòi hỏi điều gì quá mức ấn định cho các anh”.
3. Binh lính:
Binh lính cũng đến hỏi thánh nhân: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?”. Những binh lính này là ai? Chắc chắn không phải là binh lính Rô-ma, họ tránh không trà trộn vào đám đông dân chúng, cũng không phải binh lính Do thái, vì Rô-ma không cho các đất nước bị chiếm đóng quyền tổ chức quân đội. Chắc hẳn đây là dân quân tự vệ được chiêu mộ từ các dân tộc chung quanh, họ thường hộ tống những người thu thuế, vì việc thu thuế thường khó khăn. Khi kể họ là binh lính, phải chăng thánh Lu-ca có ý định khoắc cho sứ điệp của Gioan Tẩy Giả một chiều kích phổ quát? Dù thế nào, họ cũng là hạng người bị dân chúng ghét cay ghét đắng như bọn người thu thuế.
Đối với những binh lính này, thánh nhân cũng không đòi hỏi họ từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.
4. Dân chúng:
Thật có ý nghĩa biết bao, vào lúc này, thánh Lu-ca không còn nói đến “đám đông”, nhưng đến “dân”: “Hồi đó, dân đang trông ngóng”. Như các ngôn sứ xưa kia, thánh Gioan kêu gọi họ hãy hoán cải đừng chần chờ gì nữa vì thời gian sắp đến gần rồi. Thánh nhân nói như một người có uy quyền khiến những ai trông đợi Đấng Thiên Sai tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mê-si-a!”. Qua sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta biết rằng trong suốt nhiều thập niên có những cộng đoàn môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, họ vẫn trung thành lời dạy của thầy mình và tôn kính thánh nhân như Đấng Thiên Sai (Cv 18: 24-25; 19: 1-7).
Lúc đó, thánh Gioan Tẩy Giả công bố cho mọi người biết rằng ông không là Đấng Thiên Sai. Với sự khiêm hạ, thánh nhân gợi lên sự cao cả vô cùng tận của Đấng mà ông chỉ là Tiền Hô của Ngài: “Tôi không đáng cỡi quai dép cho Người”. Lời này ám chỉ chính xác đến một truyền thống lâu đời, theo đó các kinh sư cấm không được bắt một người nô lệ Do thái làm một công việc nặng nhọc hay hèn hạ như cởi dày cho chủ hay rửa chân cho chủ, vì họ cũng là thành viên của dân Chúa chọn. Ngay cả một công việc hèn hạ đến như thế, thánh nhân tự nhận mình cũng không xứng đáng đối với Đấng mà ông có nhiệm vụ chuẩn bị con đường cho Ngài đến.
5. Phép rửa của Đấng Thiên Sai:
Thánh Gioan Tẩy Giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa phép rửa của ông và phép rửa mà Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. “Lửa” này phải chăng được hiểu là lửa của Chúa Thánh Thần như các Giáo Phụ đã hiểu, hay phải hiểu lửa theo Kinh Thánh, nghĩa là lửa có chức năng vừa thanh luyện những người công chính vừa tiêu hủy quân vô đạo? Chúng ta không biết chính xác, nhưng một điều chắc chắn, đó là thánh Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là vị Tiền Hô, không chỉ của Đấng Thiên Sai nhưng cũng của Giáo Hội. Chính Giáo Hội sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Giáo Hội như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 1-4).
6. Đấng Thiên Sai Thẩm Phán:
Khi mô tả chan dung của Đấng Thiên Sai với tư cách là một vị Thẩm Phán, Ngài sẽ tách biệt những người tốt ra khỏi những kẻ xấu, thánh Gioan Tẩy Giả định vị mình vào hàng những đại ngôn sứ, liên kết kỷ nguyên Thiên Sai và kỷ nguyên cánh chung vào trong cùng một viễn cảnh: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Giờ thu hoạch mùa màng sẽ tới, nhưng chậm hơn. Chính Đức Giê-su sẽ là vị Thẩm Phán của ngày Chung Thẩm.
7. Khởi điểm của Tin Mừng:
“Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”. Cũng như Tin Mừng Mác-cô, Tin Mừng Lu-ca đánh dấu khởi điểm Tin Mừng bằng lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng khoa giáo lý tiên khởi bắt đầu với việc kể ra thánh Gioan Tẩy Giả và lời dạy của thánh nhân. Bản văn của thánh Lu-ca bày tỏ rất rõ nét khoa giáo lý này. Việc thực hành đức ái và công bình được xem như bước khởi đầu của việc hoán cải, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải dẫn đến việc kết hiệp với một con người, Đức Ki-tô. Chính trong Giáo Hội mà sự kết hiệp này sẽ được thực hiện.
Đây là một trong những bài học, một bài học không nhỏ chút nào, của Tin Mừng hôm nay.