DA DIẾT VÀ THIẾT THA

DA DIẾT VÀ THIẾT THA
Suy niệm Lời Chúa, thứ Tư tuần VII Phục Sinh

“Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ cho khỏi sự dữ!”.

Kính thưa Anh Chị em,
Càng cận kề những giờ sau hết trên trần gian, trái tim Chúa Giêsu càng thổn thức, nặng lòng với các môn đệ của Ngài. Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại những cảm xúc và những âu lo của Chúa Giêsu; càng tha thiết với Cha, Ngài càng da diết với những kẻ Chúa Cha trao cho Ngài! Sự ‘da diết và thiết tha’ nơi Ngài, cũng là những gì chúng ta sẽ cảm nhận trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Biết mình sắp từ giã cõi thế mà về cùng Cha, Chúa Giêsu bồi hồi đau đáu với các môn đệ. Ở đây, dường như Ngài chỉ ưu tiên quan tâm một điều: ‘những kẻ Ngài yêu’; Ngài nài van Chúa Cha, xin Cha gìn giữ họ, những kẻ còn trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, “Xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã ban cho Con trong danh Cha”; “Để họ được nên một như Chúng Ta là Một!”; “Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ cho khỏi sự dữ!”.

“Xin gìn giữ họ cho khỏi sự dữ!”. Đây cũng là lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy các môn đệ, dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha, “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ!”. Qua đó, Ngài nhìn nhận sự dữ vốn đang có mặt cũng như đang hoành hành trong thế giới, nơi con cái Ngài đang đương đầu; đó là những thế lực chống lại Tin Mừng, chống lại những kẻ được sai đi loan báo Nước Thiên Chúa qua mọi thời. Trước hết, những ‘vũ khí mềm’; đó là các cám dỗ. Cám dỗ sẽ khiến cho người môn đệ phân tâm, họ sẽ tìm kiếm sự dễ chịu hoặc một nơi nghỉ ngơi cho thể xác và tâm hồn; những mời mọc quyến rũ có thể khiến người môn đệ mải mê tìm kiếm những thứ dưới đất hơn là khát khao những sự trên trời. Tiếp đến, những ‘vũ khí cứng’; đó là vu khống, lăng nhục và bách hại. Cũng trong đêm biệt ly, Luca ghi lại lời Ngài nói với Phêrô, “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng các con như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin!”. Về sau, Phêrô cũng cảnh báo những người mà ngài ‘da diết và thiết tha’ rằng, “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự!”. Như vậy, nỗi sợ mất đức tin là điều dễ hiểu.

Thật trùng hợp, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, một lần nữa, cho thấy những tâm tình ‘da diết và thiết tha’ của Phaolô, một người nhận thức sâu sắc về thực tế của ác thần. Với những kỳ mục lãnh đạo Hội Thánh Êphêsô, Phaolô nói, “Phần tôi, tôi biết rằng, sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa anh em, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa anh em, cũng sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ”. Như Chúa Giêsu, Phaolô biết, đức tin của các tín hữu ngài sẽ bị thử thách và bách hại.

Trước bao cám dỗ đến nỗi phải khủng hoảng đức tin, Thomas C. Clark tâm sự, “Tôi hỏi tâm trí, ‘Chúa ở đâu?’. Trước sự hiện diện của Ngài, tôi mù quáng. Tôi đã quét từng ngôi sao và mặt trời, theo dõi các khoá học nhất định. Tôi đã cân chúng trên bàn cân của mình, và có thể biết khi nào mỗi cái sẽ tàn lụi. Từ các hang động của đêm, tôi đã đưa thế giới mới ra ánh sáng. Tôi đã đo đất và trời, đọc từng khu vực với đôi mắt ổn định… nhưng tôi không hề thấy Chúa xuất hiện trong vinh quang của những quả cầu! Thế nhưng, cho đến một buổi chiều, trái tim tôi đã nói một cách bâng khuâng rằng, ‘Bạn đã nghe những gì ở phòng Tiệc Ly và bạn đã nhìn lên đồi Calvariô chưa?’”.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ, cho chúng ta khỏi mất đức tin; Phaolô, Phêrô cầu xin cho các tín hữu khỏi lung lạc đức tin; và hẳn, Thomas C. Clark cũng tìm kiếm Chúa để vượt qua đêm tối đức tin… Phần chúng ta, hãy về lại phòng Tiệc Ly, nghe cho được những tiếng lòng thổn thức; hãy trầm mình dưới chân thập giá trên đồi Calvariô! Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với nhịp đập trong trái tim đầy thao thức của Ngài vẫn đang vang lên tới tận Chúa Cha cho chúng ta. Ngài đang nài nỉ Chúa Cha cho chúng ta giữ vững đức tin và được hiệp nhất. Hiệp nhất Ngài muốn không phải là đoàn kết nhưng là nối kết trong tình yêu, trong sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi lẽ, chúng ta rất dễ mỗi người mỗi ngả; ‘ngả an toàn’, ‘ngả dễ chịu’, ‘ngả thoả hiệp’. Ngài biết chúng ta thật mong manh, yếu đuối; vì thế, Ngài van xin Cha gìn giữ chúng ta khỏi ác thần và khỏi ‘tinh thần thế tục’ của thế gian vốn đang lôi kéo và mê hoặc người môn đệ. Bao lâu còn sống, chúng ta còn phải vật lộn, chiến đấu chống lại sức mạnh thế trần này, trước hết, trong chính bản thân mình. Tự sức chúng ta không thể chiến thắng ‘vũ khí mềm’ hay ‘vũ khí cứng’ nếu không cậy dựa vào Chúa Giêsu và Thánh Thần Ngài, không sống trong Ngài. Chính vì thế, mỗi ngày Ngài ban Lời, ngõ hầu chỉ đường cho chúng ta về với Ngài; ban Thịt Máu, ngõ hầu chúng ta có đủ sức mạnh thần linh mà chiến đấu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, vì hôm nay Chúa cho con biết Chúa vốn quá ‘da diết và thiết tha’ với con; xin cho con biết ‘tha thiết’ gắn bó với Chúa; nhờ đó, có thể yêu mến Chúa một cách ‘diết da’ hơn”, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh, Tgp Huế