ĐI TÌM CHÚA
- Thứ năm - 02/01/2020 08:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Hiển Linh. Hiển là tỏ mình ra; Linh là Thiên Chúa; Hiển Linh là Thiên Chúa tỏ mình ra. Nhìn theo một phương diện nào đó, có thể nói lễ Giáng Sinh là lễ Chúa Giê-su tỏ mình cho dân Do thái mà đại diện là các mục đồng chăn chiên, còn lễ Hiển Linh là lễ Chúa Giê-su tỏ mình ra cho dân ngoại mà đại diện là các nhà đạo sĩ, còn gọi là các nhà chiêm tinh hay Ba Vua.
Các bài đọc trong lễ Hiển Linh hôm nay đều qui về một chủ đề, đó là: Thiên Chúa tỏ mình không chỉ cho dân Ít-ra-en mà còn cho mọi dân mọi nước, không chỉ cho người Do thái mà còn cho tất cả mọi người. Và mọi người đều được mời gọi lên đường gặp gỡ Thiên Chúa để được cứu độ. Một cách đặc biệt, bài Tin mừng theo thánh Mt trình bày cho ta hai con đường Thiên Chúa tỏ mình ra. Con đường thứ nhất có thể nói là con đường mặc khải tự nhiên qua các biến cố trong thiên nhiên, trong vũ trụ, cũng như qua các biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống của con người. Con đường thứ hai là con đường mặc khải qua lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của dân Ít-ra-en. Và chúng ta cũng nhận thấy có hai thái độ: thái độ chấp nhận của các đạo sĩ từ phương xa và thái độ từ chối lơ là của vua Hê-rô-đê và của các thầy tư tế tại Giê-ru-sa-lem.
Đối với các tư tế tại Giê-ru-sa-lem, Kinh Thánh cho họ biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ giáng sinh tại Bê-lem nhưng hoặc vì lơ là hoặc vì quá say mê hưởng thụ vật chất mà họ không chấp nhận ra đi đến nơi Thiên Chúa chờ sẵn để gặp họ. Tệ hơn nữa, vua Hê-rô-đê lại sợ rằng Đấng Mê-si-a sẽ chiếm lấy ngai vàng của ông, làm cho ông mất danh vọng, mất quyền hành, mất địa vị. Do đó, ông ngấm ngầm muốn hại Chúa nên cho triệu tập riêng các đạo sĩ, hỏi cặn kẽ về ngày giờ, để rồi như chúng ta biết, khi vua Hê-rô-đê thấy các đạo sĩ không trở lại với mình thì nhà vua tức giận ra lệnh giết tất cả các hài nhi trong vùng, từ hai tuổi trở xuống, hy vọng rằng trong số các hài nhi bị giết có đấng mà người ta gọi là vua dân Do Thái.
Đối lại với thái độ lơ là của các tư tế tại Giê-ru-sa-lem và thái độ thù ghét của vua Hê-rô-đê, ta bắt gặp thái độ mau mắn đón nhận và hăng hái lên đường của các đạo sĩ. Cho dù phải vượt qua một quãng đường dài đến một nơi hoàn toàn xa lạ, và đi tìm một đấng mà không ai biết trước là ở đâu, thì các đạo sĩ này hẳn đã phải cố gắng thật nhiều, và phải có lòng can đảm khác thường để liều lĩnh làm một cuộc hành trình dài mà đích điểm còn mơ hồ chưa xác định được. Để lên đường tìm Chúa, các đạo sĩ đã can đảm chấp nhận hy sinh gian khổ, miễn sao gặp được Vua mới sinh, Đấng muôn dân trông đợi.
Anh chị em thân mến,
Từ câu chuyện liên quan đến các nhà đạo sĩ phương đông, ta có thể rút ra 2 bài học thực hành:
1/ Cuộc đời mỗi người chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Bao lâu còn sống trên trần gian này là bấy lâu chúng ta còn trên đường tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm này, ta phải có thiện chí như các đạo sĩ, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách. Thiên Chúa có thể cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài qua thiên nhiên vũ trụ, qua các biến cố lớn nhỏ xảy ra. Đó là mặc khải tự nhiên. Nhưng chưa đủ. Bởi vì nếu chỉ cần thấy ngôi sao lạ là đủ để tìm gặp Vua dân Do thái thì các đạo sĩ đã chẳng vào thành Giê-ru-sa-lem hỏi làm gì. Do đó, ngoài mặc khải tự nhiên, còn phải có mặc khải siêu nhiên qua lịch sử cứu độ, được ghi lại trong Kinh Thánh. Khi được hỏi Đấng Mê-si-a sinh ra ở đâu thì các tư tế và luật sĩ đã dựa vào Kinh Thánh trả lời vanh vách: tại Bê-lem chứ ở đâu nữa, bởi vì sách tiên tri Mi-kha đã chép: “Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân ta”.
Cho nên, để tìm gặp Chúa, chúng ta phải nhất thiết tiếp xúc với Lời Chúa trong Kinh Thánh, đọc riêng ở nhà, nghe đọc trong các buổi cử hành phụng vụ, nghiền ngẫm Lời Chúa như Mẹ Ma-ri-a và nhất là sống Lời Chúa dạy.
2/ Đàng khác, mỗi người chúng ta hãy biến mình thành ngôi sao dẫn đường người khác đến với Chúa. Thật vậy, các đạo sĩ không thể đến gặp Chúa Giê-su nếu trước tiên đã không có ánh sao dẫn họ đến thành Giê-ru-sa-lem. Hôm nay, Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng bằng đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức yêu thương của Chúa. Hãy tỏa ánh sáng ấm áp của tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên Chúa là ánh sáng chân thật. Điều đó không có gì là to tát, quá sức chúng ta đâu.
Ông Phê-lích Lơ-giơ (Felix Leseur) và bà Pô-lin Ê-li-sa-bét (Pauline Elisabeth) lấy nhau năm 1889. Ông Lơ-giơ là một bác sĩ có tài, thành công về mặt xã hội nhưng ông cũng là thành viên của một bè rồi, tích cực chống lại đức tin công giáo.
Ông đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, lịch sự để xóa bỏ niềm tin của vợ ông là bà Pô-lin, một phụ nữ ngoan đạo: từ những cuộc giao tiếp thường xuyên với những bè bạn không đức tin do ông xếp đặt cho tới việc ông ngấm ngầm thay những sách Thánh Kinh, sách đạo đức mà vợ ông quen đọc ở thư viện gia đình bằng những sách chống lại đức tin, đả phá Giáo hội, với một chủ đích duy nhất là cho bà “nhiễm” những tư tưởng nghịch đạo, để bà tự mình bỏ niềm tin công giáo.
Thế nhưng, người con ngoan đạo của Chúa và Giáo hội không chịu đầu hàng! Trong đời sống gia đình, bà Pô-lin vẫn chu tất nhiệm vụ làm vợ; trước mặt mọi người, vợ chồng Lơ-giơ là một cặp hạnh phúc.
Nhưng về đức tin thì đây là một cuộc chiến không khoan nhượng. Một mặt bà phòng thủ rất kỹ, với giác quan thứ sáu, ý đồ thâm độc nào của ông cũng bị bà lật tẩy. Bà cầu nguyện lâu giờ và sốt sắng hơn. Bà suy niệm và thực hành lời Chúa Giê-su “hãy yêu kẻ thù” mà kẻ thù ở đây là chính chồng của mình bằng một tình yêu nồng thắm và chân thật. Mặt khác, lúc rảnh rỗi, bà viết nhật ký, tâm sự với Chúa về nỗi khổ đau xác hồn của mình, vì cùng với nỗi đau tinh thần, bà còn phải chịu một chứng bệnh hiểm nghèo là bệnh ung thư. Trong tập nhật ký, bà đã dâng nỗi đau cho Chúa như một của lễ toàn thiêu để cầu cho chồng ăn năn trở lại. Một đoạn nhật ký khác, bà tiên báo: sau này chẳng những ông sẽ trở lại, mà còn trở thành linh mục của Chúa và của Giáo hội nữa…
Sau khi bà từ trần ngày 3-5-1914, ở tuổi 48, ông Lơ-giơ thu dọn phòng của vợ mới phát hiện cuốn nhật ký của bà. Đọc từng trang, ông thấm thía nỗi đau của vợ và mới thấy đức tin mạnh mẽ cùng lòng can đảm của bà. Nguyên chỉ nói về bệnh lý, ông là bác sĩ nên ông biết bệnh của bà là loại gây nhiều đau đớn, bệnh nhân ở giai đoạn chót phải dùng tới morphỉne mới chịu đựng nổi. Thế mà, bà bình thản như không!...Ông cảm phục và đã trở lại đạo thật sự!
Thời gian sau, ông thu xếp mọi chuyện, xin gia nhập dòng Đa-minh, học thần học, và ít năm sau, ông được thụ phong linh mục, được mời đi giảng thuyết ở rất nhiều nơi. Hầu như ở đâu, cha Lơ-giơ cũng nói đến cuộc trở lại của mình nhờ đức tin của “vợ mình”.
Tháng 2 năm 1950, cha Lơ-giơ ngã bệnh nặng- lúc đó ngài đã ngoài 80- được đưa vào một bệnh viện ở Pa-ri. Người nữ tu săn sóc cha đã quá rõ về quá khứ của cha, tủm tỉm cười hỏi cha:
- Nếu hôm nay, Chúa gọi cha về với Chúa thì khi gặp Chúa, cha sẽ thưa với Chúa như thế nào?
+ Tôi sẽ thưa với Chúa: Lạy Chúa, con đây, con đã sẵn sàng nghe Chúa phán xét (cười).
Quả thật, ngày hôm ấy chưa tàn thì cha Lơ-giơ đã ra đi bình an trong Chúa đề vào cõi vĩnh hằng. Hôm đó là ngày 25-2-1950.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng bóng tối đang nuốt chửng ánh sáng, sự ác đang lấn át sự lành. Nhưng bóng tối chỉ có thể nuốt chửng những ánh đèn leo lét còn những ánh sao sáng ngời như ánh sao của bà Pô-lin Ê-li-sa-bét thì cho dù bóng tối có đậm đặc như bóng tối của Phê-lích Lơ-giơ cũng không dập tắt được; ngược lại, bóng tối càng tối tăm thì làm cho ánh sáng càng thêm rực rỡ!
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có một đời sống đạo sáng rực như sao sáng, để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa Giê-su. A-men.