HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY
Lời Chúa: Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

Bài đọc 1 trích sách Đệ nhị luật nhắc nhở chúng ta phải tuân giữ giới răn của Chúa, phải sống Lời Chúa đã được đặt trong chính con tim mỗi người. Trong thực tế, nhiều khi con người cảm thấy Thiên Chúa có vẻ im lặng, nhưng thực ra Người ở rất gần chúng ta và trong chúng ta. Người nói với chúng ta từ thẳm sâu của lòng mình. Môsê đã khẳng định điều đó: Lời Chúa không ở trên trời, cũng không ở dưới biển nhưng ở trên môi miệng và ở trong lòng mỗi người để mọi người thực thi. Do đó, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh khách quan hay cho những nguyên nhân ngoại giới nào đó làm cho chúng ta không biết, không hiểu và không sống Lời Chúa.

Như thế đối với Môsê, điểm chính yếu trong đời sống trước tiên là: hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn các ngươi, để tuân giữ những điều mà lòng thành và lương tâm con người chúng ta dạy phải làm hay bảo tránh vì lòng yêu mến đối với Chúa và đối với tha nhân. Tư tưởng này về sau thánh Augutinô cũng dạy bằng một câu ngắn gọn: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Rõ ràng là khi yêu thì chỉ muốn làm đẹp lòng đối tượng mình yêu mến mà thôi.

Chân lý này được minh họa trong bài Tin mừng hôm nay. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu trong dụ ngôn người Xamari nhân hậu đã đưa ra hình ảnh của thầy Lêvi và thầy Tư tế đối lập với người Xamari nhân hậu. Chắc chắn đó là sự kiện thường thấy trong sinh hoạt của người Do thái lúc bấy giờ. Vì khi dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu luôn lấy những hình ảnh đời thường để giúp mọi người hiểu chân lý đức tin. Ở đây không nhằm đi vào phân tích nguyên nhân tại sao họ có thái độ như thế, nhưng chủ ý muốn nói đến thái độ vô cảm thờ ơ của họ trước đau khổ của người khác. Họ là những người biết luật Môsê, hiểu luật yêu thương, thế mà họ lại không thực thi; trong khi đó, người Xamari không biết luật đó thì lại biết sống yêu thương vì theo bài đọc 1 trích sách Đệ nhị luật, yêu thương đã được đặt trong tâm hồn ông.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hành động vì tình yêu. Chính tình yêu làm cho chúng ta trở nên anh chị em của mọi người; mọi người, không trừ ai, đều trở nên người thân cận của chúng ta khi chúng ta yêu thương họ một cách cụ thể. Do đó, thay vì “Ai là anh em của tôi?”, thì câu hỏi phải là “Tôi là anh em của ai?” Và câu trả lời sẽ là: “Tôi là anh em của bất cứ người nào mà tôi yêu thương”.

Ngày nay, sự thờ ơ dửng dưng, thái độ vô cảm trước nỗi đau của anh em đồng loại xem ra là căn bệnh của thời đại, của nhiều người, trong đó có cả người Kitô hữu. Báo đài đã lên tiếng về vấn đề này trong mọi môi trường của cuộc sống. Thái độ ấy đã và đang bóp nghẹt lòng người; đã và đang đẩy biết bao người vào trong đau khổ bất hạnh; đã và đang làm phân hóa xã hội.
 
Vào khoảng 3 giờ 12 phút đêm ngày 25 tháng 6 (2019), tại giao lộ đường Tân Hương với Võ Công Tồn, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Sài Gòn đã xảy ra một tai nạn chết người với diễn tiến như sau: Chiếc xe gắn máy do nam thanh niên chở theo sau chị Nguyễn Thị Mỹ Tiến, 25 tuổi, quê Bến Tre đã lao vào góc tường một nhà dân với tốc độ cao. Hậu quả, cả 2 người văng khỏi xe, ngã bất tỉnh xuống vỉa hè. Theo thống kê trích xuất từ camera ở hiện trường ghi lại, trong vòng 11 phút sau khi xảy ra sự việc, đã có 5 chiếc xe hơi, 1 chiếc xe ô tô tải, hơn 32 chiếc xe gắn máy, một chiếc xe đạp, một người đàn ông đi bộ đi qua, nhưng tất cả đều bỏ mặc người bị nạn. Chị Tiến sau đó đã tử vong vì không được ai cứu giúp, nam thanh niên thì sống sót. Và chỉ đến khi trời sáng rõ, công an mới có mặt.

Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự thờ ơ đang phổ biến trong xã hội Việt Nam. Người dân Việt đang trở nên thờ ơ với nhiều vấn đề chính trị, xã hội cũng như về lòng nhân ái… Việc họ thờ ơ không muốn ra tay cứu giúp như thế cũng có lý do của nó: có trường hợp, người dân sau khi cứu người bị nạn đã phải ra trước vành móng ngựa, thậm chí đã phải mang thương tích vì thân nhân của người bị nạn cho rằng chính người cứu là người gây ra tai nạn nên đã hành hung anh ta.
 
Anh chị em thân mến,
Người Kitô hữu chúng ta hành xử ra sao trước hiện tượng đó? Trong bài Tin mừng hôm nay, khi bị đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”, Chúa Giêsu không trả lời ngay mà hỏi ngược lại để chính người thông luật tự trả lời bằng câu trích từ sách Đệ nhị luật 6,5 và từ sách Lêvi 19,18: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi hãy thương mến anh em như chính mình”. Rồi sau khi thuật câu chuyện người Xamari nhân hậu, Chúa Giêsu cũng để cho chính người thông luật trả lời: “Người anh em của người bị cướp là người đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và cả 2 lần, Chúa Giêsu khuyên người thông luật cùng một nội dung. Lần thứ nhất, Chúa Giêsu nói: “Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống đời đời”. Và lần sau, Ngài bảo ông: “Hãy đi và làm như vậy”.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng phán bảo với mỗi người chúng ta như thế nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài. Sau khi dâng thánh lễ trên bàn thờ tiệc thánh, chúng ta hãy ra về và nhận diện những lễ vật trên bàn thờ cuộc đời nghĩa là hãy tiếp tục công việc thờ phượng Thiên Chúa qua công việc phục vụ tha nhân, bằng cách thực thi bác ái đối với tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của chúng ta cách này hay cách khác. Hiểu như thế, lời chào của chủ tế ở cuối thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” đồng nghĩa với lời Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy đi và làm như vậy” để được vào Nước Trời tận hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco