LẶNG THINH ĐỂ BIẾN ĐỔI
- Thứ sáu - 14/01/2022 02:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Ngươi cứ nghe họ!”.
Trên một chuyến xe lửa, một tu sĩ già vô tình phạm một số lỗi nhỏ về luật gửi hành lý; ông bị một nhân viên hoả xa trẻ tuổi mắng mỏ không thương xót. Tu sĩ nhỏ hơn ngồi bên, nóng nảy nói, “Thầy nên cho anh ấy một bài học!”. Tu sĩ già cười, trả lời, “Ồ! Nếu một người như thế có thể chịu đựng được bản thân mình cả đời, tôi có thể chịu đựng anh ta trong năm phút, cứ nghe anh ta. Thiên Chúa chịu đựng chúng ta cả đời, Ngài thường ‘lặng thinh để biến đổi’ những trái tim!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Thiên Chúa thường ‘lặng thinh để biến đổi’ những trái tim!”, đúng như vị tu sĩ già nhận định. Nhưng đó là lối sư phạm của Ngài, Ngài muốn biến đổi một cái gì đó, biến đổi một ai đó. Qua sách Samuel hôm nay, dân đòi một vị vua, Thiên Chúa nhượng bộ, bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”.
Bài đọc thứ nhất nói đến một yêu sách chưa từng có của các kỳ lão Israel, họ muốn có một vị vua. Dẫu rất phật lòng, Samuel vẫn nhẫn nại phân trần. Là một người chống chế độ bảo hoàng, Samuel đưa ra các mối nguy với những lý do xác đáng. Tôn giáo của Israel là một tôn giáo độc thần, xây dựng trên thần quyền, nơi chỉ Thiên Chúa là Vua và là Chúa của họ; vì thế, ý tưởng về một vị vua loài người, đồng nghĩa với sự phạm thượng tày đình. Thiên Chúa lấy làm xúc phạm, nhưng Ngài cắn lòng bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ; vì không phải họ gạt bỏ ngươi, mà là gạt bỏ Ta”. Ngài vẫn chiều dân, Ngài ‘lặng thinh để biến đổi’ họ về sau. Cả những sai lầm cũng có thể trở thành những khoảnh khắc của ân sủng và sự giác ngộ! Một khi cảm nhận được hồng ân biến đổi; họ sẽ thưa, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, “Nhiều người tuôn đến với Chúa Giêsu, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng”. Ở đây, không phải “Ngươi cứ nghe họ” như Chúa bảo Samuel, mà là ‘Họ đã nghe Ngài’; dân nghe được Chúa Giêsu! Nhưng tại sao Chúa Giêsu không làm một điều gì đó, hoặc di chuyển ra một khu vực rộng lớn hơn? Thật khó để trả lời câu hỏi này; nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều, ‘Họ đã nghe Ngài’, cả khi họ không thể vào trong! Lòng tin của họ vẫn được ban thưởng lớn lao! Điều này tiết lộ một nguyên tắc tâm linh rất quan trọng; nó tiết lộ rằng, khao khát được ở gần Chúa Giêsu, tự nó, đã có sức biến đổi. Một trải nghiệm tương tự thường xảy ra, khi chúng ta khao khát được nghe Thiên Chúa nói, nhưng dường như không thể. Có thể Ngài im lặng hoặc cũng có thể, Ngài nói mà chúng ta không nghe. Đừng nản lòng! Sự thật của vấn đề là ước muốn được ở với Ngài, tự nó, đã là một quà tặng tuyệt vời, vốn có khả năng biến đổi chúng ta.
Anh Chị em,
Không lặng thinh nào khủng khiếp bằng lặng thinh của chiều thứ Sáu Tuần Thánh; cũng không biến đổi nào vĩ đại bằng biến đổi của sáng ngày Phục Sinh! Chúa Giêsu cũng đã trải qua sự câm nín của Chúa Cha, và Ngài đã được biến đổi trong quyền năng của Thiên Chúa như thế đó, một sự biến đổi cứu rỗi thế giới. Cả chúng ta, trong cuộc sống, nhiều lúc Thiên Chúa xem ra cũng ở rất xa, chúng ta không tìm thấy Ngài. Khi điều này xảy ra, chúng ta cần nhận ra rằng, đây là cách để Ngài gọi chúng ta đến gần Ngài hơn, cách Ngài thì thầm hầu thu hút sự chú ý của mỗi người hơn. Nếu đây là ‘cuộc đấu tranh’ mà đôi khi, chúng ta gặp phải, hãy hướng sự chú ý đến Chúa Giêsu ngày càng mạnh mẽ hơn, và cho phép sự khao khát Ngài lớn lên trong trái tim mình. Ước muốn được ở gần Chúa thực sự có thể tạo ra hoa trái lớn hơn trong cuộc sống, so với việc chúng ta được nghe Ngài mồn một, to tiếng và rõ ràng. Hãy luôn ghi nhớ, Thiên Chúa thường lặng thinh, kể cả những lặng thinh của thập giá, Ngài ‘lặng thinh để biến đổi’, một biến đổi có tên “Phục Sinh!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức vượt qua những im ắng của Chúa; cho con xác tín rằng, Chúa ‘lặng thinh để biến đổi’ con bằng sức mạnh của thập giá và quyền năng của Phục Sinh”, Amen.