MẮC NỢ VÀ TRẢ NỢ
- Thứ bảy - 12/09/2020 20:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các tôn giáo đều dạy người ta tha thứ cho người làm hại mình.
Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy: “Dĩ đức báo oán.”
Phật giáo cũng đề cao lòng khoan dung để được thanh thản.
Qua dụ ngôn trên đây, Đức Kitô dạy ta phải tha thứ.
Hơn nữa, Ngài còn cho biết tại sao ta phải tha thứ cho anh em.
Không phải chỉ để oán tiêu tan hay buông bỏ phiền não,
nhưng đơn giản là vì có một tương quan bộ ba gắn bó chặt chẽ
giữa Thiên Chúa, tôi, và người anh em của tôi.
Đức Giêsu kể chuyện anh đầy tớ nợ nhà vua món tiền cực lớn.
Mười ngàn yến vàng tương đương với sáu mươi triệu ngày công.
Người ấy phải làm một trăm sáu mươi bốn ngàn năm mới trả nổi!
Chúng ta không hiểu tại sao anh lại nợ vua món tiền lớn như vậy.
Dù bán anh, bán vợ con, và toàn bộ tài sản của anh cũng chẳng đủ.
Dám hứa trả cho hết số nợ đó là một lời nói dối trơ trẽn (Mt 18,26).
Chỉ một người có thể giải quyết được vấn đề, đó là nhà vua.
Cần một tấm lòng để có thể xóa sạch món nợ trong phút chốc.
Vì chạnh lòng thương, nên nhà vua đã tha nợ và thả anh ta.
Biết đâu sau này anh lại được nhà vua trọng dụng.
Nhưng anh đầy tớ này lại không có lòng thương xót như chủ anh.
Anh không thể tha cho một đầy tớ khác của chủ,
nợ anh một món tiền chỉ bằng hơn ba tháng lương,
dù người đó đã làm y như anh: đã sấp mình, năn nỉ xin tha nợ.
Món nợ này quá nhỏ so với món nợ anh vừa được tha,
nhưng anh vẫn quyết đòi cho bằng được.
Vì không chấp nhận trì hoãn nên anh tống người bạn đó vào ngục.
Câu chuyện đến tai ông chủ, và điều bất ngờ đã xảy ra.
Ông kêu anh lại và gọi anh là “tên đầy tớ độc ác.”
Ông nổi cơn thịnh nộ và rút lại quyết định tha nợ cho anh.
Như thế, món nợ vẫn còn nguyên, và anh sẽ chẳng bao giờ trả hết.
Ông chủ cho biết lý do khiến ông nổi giận và đổi ý:
“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta,
há ngươi lại chẳng phải thương xót bạn ngươi,
như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33).
Tội của anh đầy tớ này là tội không có lòng thương xót như chủ.
Dụ ngôn trên đây của Đức Giêsu đòi chúng ta đối xử với nhau
như chính Thiên Chúa đã đối xử với từng người chúng ta.
Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót.
Tha thứ cho tha nhân được đặt nền
trên tình thương mà mỗi người cảm nhận được từ Thiên Chúa.
Càng cảm nhận mình được Chúa xót thương và tha thứ
ta càng dễ cư xử tương tự với tha nhân.
Càng biết mình đã được tha món nợ lớn
ta càng dễ tha những món nợ nhỏ của anh em.
Tất cả nền luân lý Kitô giáo mời ta bắt chước chính Thiên Chúa.
Hoàn thiện như Ngài, thương xót như Ngài (Mt 5,48; Lc 6,36),
nhân hậu với kẻ xấu và bất chính như Ngài (Mt 5,45; Lc 6,35),
kiên nhẫn với cỏ lùng như Ngài (Mt 13,29-30),
tha thứ cách quảng đại như Ngài (Mt 18,22.27).
Bài Tin Mừng hôm nay thật là một tin mừng,
vì dạy chúng ta cách để vào Nước Trời, đó là tha thứ.
Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho ta từ trước rồi,
vấn đề là làm sao giữ được ơn ấy cho đến ngày nhắm mắt.
Chúng ta chỉ giữ được nếu chấp nhận chuyển đi cho tha nhân.
Chuyển đi là cách duy nhất để giữ lại (Mt 6,14-15).
Đức Thánh Cha kêu gọi người ta đừng dùng tôn giáo
như phương tiện để kích động lòng thù ghét, cuồng tín cực đoan,
nhưng như con đường để diễn tả lòng bao dung tha thứ.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa,
và đừng để con quên lời Chúa dạy:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
Là làm cho chính Ta.”